‘Chưa từng có trong lịch sử nhân loại’: Các giám đốc tình báo của liên minh Ngũ Nhãn cảnh báo về hành vi đánh cắp công nghệ của Trung Quốc
Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết, chế độ Trung Quốc ‘là mối đe dọa rõ ràng đối với thế hệ này.’
Các giám đốc tình báo của liên minh Ngũ Nhãn (Five Eyes) cảnh báo rằng các hoạt động gián điệp của Trung Quốc cộng sản, bao gồm đánh cắp tài sản trí tuệ về công nghệ và các bí mật thương mại khác, gây ra mối đe dọa rất lớn cho phương Tây và là “chưa từng có trong lịch sử nhân loại.”
Trong một cuộc phỏng vấn với “60 Minutes” của CBS News hôm 22/10, các nhà lãnh đạo tình báo của liên minh Ngũ Nhãn đã chia sẻ mối lo ngại của họ về các mối đe dọa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), các mối đe dọa này có ý nghĩa gì đối với các nền dân chủ, cũng như thông điệp mà họ muốn truyền tải tới Bắc Kinh.
Liên minh Ngũ Nhãn được thành lập sau Đệ nhị Thế chiến với tư cách là một liên minh tình báo bao gồm Úc, Canada, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, và New Zealand.
Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết chế độ Trung Quốc “là mối đe dọa rõ ràng đối với thế hệ này … Không có quốc gia nào gây ra một mối đe dọa rộng lớn hơn, toàn diện hơn đối với các ý tưởng, sự đổi mới, an ninh kinh tế, và cuối cùng là an ninh quốc gia của chúng ta.”
Giám đốc FBI cho biết, các hoạt động gián điệp của ĐCSTQ có thể được nhận thấy trong nhiều lĩnh vực, bao gồm nông nghiệp, hàng không, công nghệ sinh học, chăm sóc sức khỏe, robot, và nghiên cứu học thuật. Hơn nữa, hành vi đánh cắp công nghệ của Bắc Kinh không chỉ giới hạn ở các doanh nghiệp lớn, như các công ty Fortune 100, mà còn mở rộng sang các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn.
Ông Wray nói: “Chỉ riêng về nỗ lực đánh cắp thông tin của chính quyền Trung Quốc, chúng tôi có thể có khoảng 2,000 cuộc điều tra đang diễn ra.”
‘Chưa từng có trong lịch sử nhân loại’
Chính quyền Trung Quốc khai triển nhiều công cụ cho các hoạt động gián điệp của mình, trong đó có đột nhập mạng (hack). Ông Wray cho biết ĐCSTQ có “chương trình đột nhập mạng lớn nhất thế giới cho đến nay, thậm chí lớn hơn nhiều so với các quốc gia lớn cộng lại … đã đánh cắp nhiều dữ liệu cá nhân và doanh nghiệp của chúng ta hơn so với mọi quốc gia lớn nhỏ cộng lại.”
Hồi tháng Chín, Bộ Ngoại giao tiết lộ rằng các tin tặc có liên quan tới ĐCSTQ đã bí mật xâm nhập hàng ngàn trương mục thư điện tử của các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến các quan chức như Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns, và Phụ tá Ngoại trưởng phụ trách Đông Á Daniel Kritenbrink.
Ông Mike Burgess, giám đốc Tổ chức Tình báo An ninh Úc, nhấn mạnh rằng các nỗ lực gián điệp của ĐCSTQ có quy mô “chưa từng có.”
“Tất cả các quốc gia đều do thám. Các quốc gia của chúng tôi đều do thám. Tất cả các chính phủ đều có nhu cầu được thông báo bí mật. Tất cả các quốc gia đều tìm kiếm lợi thế chiến lược,” ông Burgess nói. “Tuy vậy, hành vi mà chúng ta đang nói ở đây vượt xa hoạt động gián điệp truyền thống. Quy mô đánh cắp này là chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Và đó là lý do tại sao chúng tôi lên tiếng.”
Giám đốc tình báo Canada David Vigneault chia sẻ với “60 Minutes” về những rủi ro an ninh quốc gia liên quan đến việc các công ty Trung Quốc mua đất đai hoặc địa ốc gần các khu vực chiến lược và nhạy cảm ở Canada cho các hoạt động gián điệp.
Ông Wray cho biết các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã cố gắng “mua lại các doanh nghiệp, đất đai, cơ sở hạ tầng … ở Hoa Kỳ theo cách gây lo ngại về an ninh quốc gia”.
Hồi năm 2022, các quan chức Hoa Kỳ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khi một công ty nông nghiệp Trung Quốc và công ty con, Fufeng USA, vốn có liên kết với ĐCSTQ, mua hàng trăm mẫu đất nông nghiệp ở Grand Forks, North Dakota, gần căn cứ Không quân Grand Forks.
Kể từ năm 2016, có thông tin rằng Công ty TNHH Năng lượng Quảng Hội (Guanghui), thuộc sở hữu của tỷ phú Trung Quốc Tôn Quảng Tín (Sun Guangxin), người được cho là có liên hệ với ĐCSTQ, đã bắt đầu mua tới 140,000 mẫu đất nông nghiệp ở thị trấn biên giới Del Rio — cạnh Căn cứ Không quân Laughlin. Công ty này tuyên bố sẽ sử dụng khu đất đó để xây dựng các tua-bin gió.
Theo ông Ken McCallum, tổng giám đốc cơ quan tình báo MI5 của Vương quốc Anh, hành vi đánh cắp của ĐCSTQ xảy ra theo nhiều cách khác nhau. Nhân viên của các công ty bị gián điệp Trung Quốc nhắm đến thường xuyên bị thao túng mà họ không hề hay biết.
Ông McCallum nói: “Ví dụ, chúng tôi đã thấy việc sử dụng các trang mạng chuyên nghiệp để tiếp cận theo những cách ngụy trang, lừa dối với những người ở Vương quốc Anh có giấy phép an ninh hoặc đang làm việc trong các lĩnh vực công nghệ đáng quan tâm.”
Ông nói thêm: “Chúng tôi hiện đã thấy hơn 20,000 tiền lệ về kiểu tiếp cận trá hình đó đối với những người ở Vương quốc Anh sở hữu thông tin mà nhà nước Trung Quốc muốn kiểm soát.”
Hành vi đàn áp xuyên quốc gia
Các giám đốc tình báo cho rằng mối đe dọa của ĐCSTQ không chỉ là các chiến dịch gián điệp mà còn liên quan đến việc nhắm mục tiêu vào các nhà bất đồng chính kiến gốc Hoa đang sinh sống ở hải ngoại. Ông Wray nêu ra một ví dụ về nỗ lực của ĐCSTQ nhằm đe dọa và đàn áp một ứng cử viên quốc hội Hoa Kỳ chỉ trích Bắc Kinh.
Ông Wray nói: “Ban đầu, những nỗ lực này là để thử xem họ có thể tìm ra những thông tin bất lợi về ứng cử viên hòng làm hỏng việc ứng cử của người đó hay không. Sau đó, họ cố gắng bịa đặt những thông tin bất lợi, chỉ toàn là hư cấu, về ứng cử viên đó. Và rồi nếu những thông tin này không hiệu quả, thì thậm chí họ còn bàn đến việc ứng cử viên đó bị một tai nạn nghiêm trọng.”
Đó là những gì đã xảy ra với ông Hùng Diễm (Xiong Yan), một cựu quân nhân Hoa Kỳ và là ứng cử viên Quốc hội đầy triển vọng ở thành phố New York. Hồi tháng 03/2022, ông trở thành mục tiêu của ĐCSTQ khi đang vận động để giành được đề cử của Đảng Dân Chủ trong vòng tranh cử vào Quốc hội đại diện cho một địa hạt bầu cử ở Long Island. Bấy lâu nay ông vẫn luôn là mục tiêu của ĐCSTQ vì ông đã tham gia vào các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 với tư cách là thủ lĩnh sinh viên và sau này ông ủng hộ các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.
Bộ Tư pháp đã buộc tội một người được cho là điệp viên Trung Quốc đã ký hợp đồng với một điều tra viên tư nhân ở New York để tạo ra một vụ bê bối chính trị với hy vọng phá hoại chiến dịch tranh cử vào Quốc hội của ông Hùng. Không làm được điều đó, ông Lâm Khải Minh (Lin Qiming) đã khuyến khích điều tra viên tư nhân này làm tổn thương thân thể ông Hùng bằng cách đánh ông hoặc đẩy ông vào một vụ tai nạn xe hơi.
Ông Wray cũng nêu lên Chiến dịch Săn Cáo (Operation Fox Hunt) của ĐCSTQ, có mục đích truy lùng những nhà bất đồng chính kiến ở hải ngoại thông qua các chiến thuật như sách nhiễu, uy hiếp, hoặc đe dọa thân nhân của họ ở Trung Quốc, nhằm ép buộc những người này trở về Trung Quốc để truy tố.
Tháng Sáu năm nay, một tòa án liên bang ở Brooklyn đã kết án ba người vì đã thay mặt cho ĐCSTQ để uy hiếp một gia đình ở New Jersey và gây áp lực buộc họ phải trở về Trung Quốc.
‘Mối đe dọa đối với lối sống của chúng ta’
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều mối lo ngại về hành vi đánh cắp công nghệ của ĐCSTQ, hôm 17/10, các quan chức tình báo cao cấp của liên minh Ngũ Nhãn đã nhóm họp tại California. Họ đã tổ chức các cuộc thảo luận với 15 giám đốc điều hành ở Thung lũng Silicon và Đại học Stanford để giải quyết mối đe dọa sắp xảy ra do chính quyền Trung Quốc gây ra, với mục đích bảo vệ tài sản trí tuệ của các công ty tương ứng của họ.
Ông Wray cảnh báo chương trình gián điệp của Trung Quốc “là mối đe dọa đối với lối sống của chúng ta theo nhiều cách khác nhau.”
“Đầu tiên là khi mọi người nói về việc đánh cắp sự đổi mới hoặc tài sản trí tuệ, đó không chỉ là vấn đề của Wall Street. Mà đó còn là vấn đề của Main Street. Điều đó có nghĩa là việc làm của người Mỹ, gia đình người Mỹ, sinh kế của người Mỹ, và những điều tương tự đối với mỗi người ở năm quốc gia chúng ta đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hành vi đánh cắp đó. Đó không phải là một khái niệm trừu tượng nào đó. Điều đó mang đến những hậu quả trần trụi, liên quan đến đời sống hàng ngày.”
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Thornebrooke
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times