Chữ Vạn (卍): Đồ hình cổ xưa vén mở bức màn bí mật
Có một ký tự vô cùng xa xưa và bí ẩn. Ký tự ấy đã từng xuất hiện tại rất nhiều dân tộc và quốc gia, có mặt trong rất nhiều nền văn hóa và tôn giáo, và cũng từng tồn tại qua rất nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Đó chính là phù hiệu chữ Vạn 卍.
Dẫu là cổ đại hay hiện đại, Á Châu, Âu Châu, hay Phi Châu, phương Đông hay phương Tây… người ta đều biết đến chữ Vạn. Nhưng ý nghĩa của nó là gì thì lại có rất nhiều cách lý giải khác nhau.
Theo Thích giáo, chữ Vạn là một trong 32 tướng tốt của Đức Phật. Phật giáo cho rằng chữ Vạn đại biểu cho Phật; người Ấn Độ lại coi đó là biểu tượng may mắn, cát tường; còn theo Kitô giáo, chữ Vạn mang ý nghĩa “cuộc sống vĩnh hằng”. Nhưng cũng có người nói: Đây là chữ thập ngoặc – một biểu tượng của Hitler và Đức Quốc Xã.
Vậy, đâu mới là ý nghĩa đích thực của chữ Vạn?
Chữ Vạn – phù hiệu đã có từ xa xưa
Chữ Vạn còn được gọi là “Swastika” – bắt nguồn từ tiếng Phạn của Ấn Độ cổ, nghĩa là ‘có được hạnh phúc’. Phù hiệu chữ Vạn là biểu tượng của sự thịnh vượng và may mắn, được tìm thấy ở nhiều nơi trên khắp thế giới, trong cả thời cổ đại lẫn hiện đại.
Ngày nay, khi vừa nhìn thấy chữ Vạn, nhiều người liên tưởng đến chữ thập ngoặc của Đức Quốc xã. Nhưng kỳ thực, nhân loại đã biết đến chữ Vạn từ hàng ngàn năm trước, rất lâu trước khi Đức Quốc xã xuất hiện. Đó là một biểu tượng được trân quý và tôn kính trong nhiều nền văn hóa xuyên suốt các thời đại lịch sử.
Chữ Vạn cổ xưa nhất được phát hiện là trong nền văn minh Naacal – nền văn minh cách nay hơn 50,000 năm – nhưng sau đó đã chìm sâu dưới Thái Bình Dương hơn 12,000 năm trước.
Chữ Vạn thường được khắc trên tiền xu cổ của người Lưỡng Hà, cũng như xuất hiện trong nghệ thuật của Cơ Đốc giáo và Byzantine thời kỳ đầu, được biết đến với cái tên ‘Thánh giá Gammadion’. Chữ Vạn cũng xuất hiện ở Trung Mỹ, Nam Mỹ, và được sử dụng rộng rãi trong nghệ thuật của người Maya cổ đại.
Chữ Vạn còn là một biểu tượng của tầng lớp quý tộc Aryan ở Iran và Bắc Ấn Độ. Người Aryan tin rằng họ là chủng tộc thuần khiết và cao quý hơn tất cả các chủng tộc còn lại.
Khi Đức Quốc Xã đi tìm biểu tượng, họ đã tìm một thứ đại diện cho sự thuần khiết mà họ tin là thuộc về mình. Những tín đồ của chủ nghĩa Quốc xã coi bản thân mình là ‘người Aryan’ nên đã lấy trộm biểu tượng chữ Vạn. Từ đó, chữ Vạn bị gán cho hàm nghĩa xấu, hậu nhân cũng không còn biết đến ý nghĩa tốt đẹp mà chữ Vạn đã mang trong hàng ngàn năm.
Vậy, ý nghĩa của chữ Vạn là gì? Vì sao các dân tộc, các nền văn hóa và văn minh, vốn hoàn toàn cách biệt và không hề có liên hệ với nhau, lại cùng tôn kính chữ Vạn và coi đó là một biểu tượng linh thiêng?
Có một điều bất ngờ là, khi ngược dòng lịch sử trở về với cội nguồn văn hóa Á Đông, trên hai bức đồ hình cổ tưởng chừng như không liên quan đến chữ Vạn là Hà Đồ và Lạc Thư, người ta lại tìm thấy câu trả lời…
Hà Đồ, Lạc Thư vén mở bức màn bí ẩn
Hà Đồ và Lạc Thư vốn là nền tảng của phong thủy và Kinh Dịch. Phục Hy căn cứ vào Hà Đồ mà suy diễn ra Tiên Thiên Bát Quái, còn Chu Văn Vương thì căn cứ vào Lạc Thư để diễn xuất ra Hậu Thiên Bát Quái. Cổ nhân nhờ có đồ hình bát quái mà biết được sự vận động của vũ trụ, tìm ra quy luật diễn hóa và thay đổi của xã hội, không chỉ nhìn thấu quá khứ, hiện tại, mà còn dự báo được tương lai. Từ đó có thể thấy, Hà Đồ và Lạc Thư hàm chứa những tri thức uyên thâm vượt xa nhận thức của nhân loại.
Người xưa tin rằng, Hà Đồ và Lạc Thư là món quà từ Thiên Thượng. Chỉ những bậc Thánh vương nhân đức mới được Thượng Thiên trao tặng, tượng trưng Thiên tử quy về Thiên mệnh, thuận theo Thiên ý mà hành sự.
Sách Chu Dịch – Hệ Từ Thượng viết: “Hà xuất Đồ, Lạc xuất Thư, thánh nhân tắc chi”, nghĩa là: Sông Hoàng Hà xuất hiện Hà Đồ, sông Lạc Thủy xuất hiện Lạc Thư, Thánh nhân phỏng theo đó mà áp dụng.
Tương truyền, thời thượng cổ khi Phục Hy làm vua, trên sông Hoàng Hà nổi lên một con Long Mã, đầu rồng mình ngựa, thân mang vảy rồng, trên lưng có 2 cánh, đạp sóng nước như đi trên đất liền, cõng theo bức “Hà Đồ” dâng lên cho Phục Hy. Phục Hy dựa vào đó diễn dịch thành Tiên Thiên Bát Quái, chính là nguồn gốc của Chu Dịch sau này.
Đến thời Đại Vũ trị thủy, trên sông Lạc có Rùa Thần nổi lên, thân dài 9 thước, cưỡi mây đạp gió mà đến, trên lưng cõng “Lạc Thư” dâng lên cho Đại Vũ. Đại Vũ nhờ đó mới có thể trấn áp được quỷ thần, hoàn tất công cuộc trị thủy. Sau này, Chu Văn Vương dựa vào Lạc Thư mà diễn dịch ra Hậu Thiên Bát Quái.
Có thể có ý kiến cho rằng: Hà Đồ và Lạc Thư đều diễn xuất ra bát quái, dường như chỉ là thứ của dịch số và toán mệnh, đâu có liên quan gì đến chữ Vạn?
Người ta vẫn nói: Những thứ huyền diệu cao thâm nếu đều hiển lộ ra hết, thì còn gì là bí mật? Còn gì là tinh hoa? Và còn gì cho hậu nhân tìm tòi khám phá? Mấy ngàn năm qua, thế gian vẫn không ngừng nghiên cứu, không ngừng nghiên cứu mà vẫn chưa thể thấu triệt cho tỏ tường. Những gì nhân loại biết chỉ như hạt cát giữa mênh mông sóng biển. Ngay đến đức Khổng Tử từ thời Xuân Thu cũng từng phải ngửa mặt than trời: Chim phượng chẳng đến, Hà Đồ Lạc Thư đều tiêu mất, cả đời này của ta cũng uổng rồi! (“Phụng điểu bất chí, Hà bất xuất Đồ, Ngô dĩ hĩ phu!” -Luận Ngữ).
Thoạt nhìn, Hà Đồ và Lạc Thư là hai bức đồ hình đơn giản với các chấm đen và trắng tổ hợp thành. Chấm trắng là Dương, gồm các số lẻ, đại diện cho Trời. Chấm đen là Âm, gồm các số chẵn, đại diện cho Đất.
Cổ nhân cho rằng, vũ trụ thuở sơ khai bao trùm bởi một màn hư không, sau mới xuất hiện hai khí Âm và Dương. “Dương thăng Âm giáng”, trên Hà Đồ, khi nối liền các chấm trắng với nhau, lại nối liền các chấm đen với nhau sẽ thấy: Dương khí bắt đầu từ 1 rồi thăng dần lên, đến 3, 7, rồi đến 9 (1→3→7→9), Âm khí bắt đầu từ 2 rồi hạ dần xuống đến 4, 6, rồi đến 8 (2→4→6→8). Dương khí tới 7 là lên đến cực điểm, Âm khí đến 6 là xuống thấp cực điểm, Dương khí vượng nhất là lúc Âm khí dần thăng lên, Âm khí vượng nhất là lúc Dương khí dần hạ xuống. Đây chính là “Hữu cực đồ”, cũng là thể hiện của đồ hình Thái Cực.
Như vậy, Hà Đồ ẩn chứa Thái Cực trong Đạo gia. Vậy còn Lạc Thư?
Người xưa nhìn nhận rằng, số lẻ thuộc về Dương, số chẵn thuộc về Âm. Âm Dương kết hợp mới có thể phát sinh Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Có bài thơ rằng:
Thiên nhất sinh Thủy, Ðịa lục thành chi.
Ðịa nhị sinh Hỏa, Thiên thất thành chi.
Thiên tam sinh Mộc, Ðịa bát thành chi.
Ðịa tứ sinh Kim, Thiên cửu thành chi.
Thiên ngũ sinh Thổ, Ðịa thập thành chi.
Tạm dịch:
Trời lấy số 1 mà sinh Thuỷ, Đất lấy số 6 mà tạo thành Thuỷ
Đất lấy số 2 mà sinh Hỏa, Trời lấy số 7 mà tạo thành Hỏa
Trời lấy số 3 mà sinh Mộc, Đất lấy số 8 mà tạo thành Mộc
Đất lấy số 4 mà sinh Kim, Trời lấy số 9 mà tạo thành Kim
Trời lấy số 5 mà sinh Thổ, Đất lấy số 10 mà tạo thành Thổ.
Do đó các cặp số 1-6, 2-7, 3-8, 4-9, 5-10 có liên hệ mật thiết với nhau. Khi đối chiếu với đồ hình Lạc Thư sẽ thấy điều kỳ diệu. Bản thân Lạc Thư cũng là các con số được sắp xếp vô cùng kỳ diệu: Dẫu tính theo chiều ngang, dọc, trái, phải, trên, dưới, hay chéo, thì tổng 3 số đều là 15. Đây chính là ma phương kỳ ảo trong số học.
Trên Lạc Thư, số 5 ở trung tâm, các số trên dưới hay trái phải so với 5 đều có tổng là 10. Vậy, nếu nối liền các cặp số 1-6, 2-7, 3-8, 4-9, 5-10 sẽ thấy gì? Chính là đồ hình chữ Vạn!
Nếu Hà Đồ diễn xuất ra Thái Cực trong Đạo gia, thì Lạc Thư lại ẩn chứa chữ Vạn của Phật gia. Giới tu luyện nhìn nhận rằng: trong vũ trụ có hai gia lớn là Phật gia và Đạo gia, thiếu bất kỳ “gia” nào cũng không thể cấu thành nên vũ trụ hoàn chỉnh được.
Không ngẫu nhiên khi đồ hình chữ Vạn và Thái Cực ẩn tàng bên trong Lạc Thư và Hà Đồ, giống như hai nửa của một thể thống nhất. Bản thân Hà Đồ và Lạc Thư cũng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau:
Hà Đồ xuất hiện trên lưng Long Mã. Long mã vận động biến hóa, đại biểu cho tính cương, kiện khang, mạnh mẽ, vậy nên thuộc về Dương. Lạc Thư xuất hiện trên lưng Thần Quy. Rùa tĩnh tại lặng lẽ, đại biểu cho đức nhu, ôn hòa, từ tốn, vậy nên thuộc về Âm. Một Dương một Âm, sinh thành nên vạn vật.
Hà Đồ hình tròn, tượng trưng cho Trời; Lạc Thư hình vuông, tượng trưng cho Đất.
Hà Đồ ngũ hành tương sinh, vận chuyển theo chiều Dương; Lạc Thư ngũ hành tương khắc, vận chuyển theo chiều Âm.
Tổng số trên Lạc Thư là 45, tổng số trên Hà Đồ là 55, hợp lại thành 100, đây là con số vạn hữu bất biến, thiên địa hợp nhất.
Hà Đồ mang số chẵn (10 con số), diễn xuất ra Thái Cực, Lạc Thư mang số lẻ (9 con số) ẩn tàng Vạn tự phù. Đạo gia chú trọng “Chân”, Phật gia chú trọng “Thiện”, Phật và Đạo đồng tại, chính là vũ trụ vẹn toàn.
Vậy thì, vũ trụ vẹn toàn ấy, vũ trụ gồm cả Phật gia và Đạo gia ấy, nếu biểu hiện trên cùng một đồ hình thì sẽ biểu hiện như thế nào? Dịch học nhìn nhận rằng: Số lẻ cấu thành Lạc Thư, ở đó ẩn tàng phù hiệu chữ Vạn; còn số chẵn cấu thành Hà Đồ, ở đó ẩn tàng Thái Cực. Cũng là nói: Phù hiệu chữ Vạn diễn xuất số lẻ, Thái Cực diễn xuất số chẵn. Trên đồ hình Lạc Thư, nếu lấy Thái Cực thay thế cho số chẵn, lại lấy chữ Vạn thay thế cho số lẻ sẽ được đồ hình chữ Vạn và Thái Cực cùng song hành, đại biểu cho toàn bộ vũ trụ.
Phù hiệu chữ Vạn (卍)
Như vậy, ý nghĩa của phù hiệu chữ Vạn vượt xa khỏi nhận thức của nhân loại. Liệu có thể nói chữ Vạn là phù hiệu may mắn cát tường chăng? Là thể hiện cho cuộc sống vĩnh hằng chăng? Không sai, nhưng vẫn quá hạn hẹp. Bởi vì chữ Vạn đại biểu cho Phật gia, nếu chỉ coi đây là biểu tượng phúc lành, thì không thể lĩnh ngộ được sự thâm sâu huyền diệu của nhà Phật.
Vì sao khắp đông tây kim cổ, các dân tộc khác nhau, tôn giáo khác nhau, nền văn hóa khác nhau… đều tôn kính chữ Vạn? Ấy là bởi, từ cội nguồn sơ khai, thẳm sâu trong huyết mạch, bản tính của con người là luôn tôn kính Thần, Phật. Các nền văn hóa khác nhau có cách gọi khác nhau, tôn xưng với các vị Thần cũng khác nhau, nhưng tựu trung lại đều thuộc về hai thể hệ là Phật gia và Đạo gia. Người theo Đạo gia thờ Thái Cực, người theo Phật gia thờ chữ Vạn. Đó là một biểu tượng linh thiêng và huyền bí mà cổ nhân luôn kính ngưỡng, tín thờ.
Cổ nhân tôn kính chữ Vạn, nên khi vẽ, khắc, hay tạo tác chữ Vạn đều đặt ở những nơi trang trọng thiêng liêng, như: trên ngực của tượng Phật, trong chùa, trên thánh đường, hay trong các đồ thờ cúng và tế lễ. Nhưng người ngày nay lại tùy tùy tiện tiện, có người coi chữ Vạn như hàng hóa để mua bán kiếm lời, có người dùng chữ Vạn làm trang sức, làm vật trang trí, lại có người xem chữ Vạn như vật trừ tà, treo trên xe cầu thượng lộ bình an, hay dán trước cửa để tránh quỷ vào nhà… Vậy khác nào sai khiến Thần Phật làm theo ý mình? Chẳng phải là bất kính với Thần Phật hay sao?
Chữ Vạn được lưu truyền qua các thời đại cũng là để nhắc nhở con người không quên nguồn cội, giữ gìn tâm kính ngưỡng, làm theo lời dạy của Thần, có như vậy mới được Thần Phật bảo hộ.
Chữ Vạn và Thái Cực song hành cùng tồn tại, bổ khuyết cho nhau, để nhân loại duy trì tâm kính ngưỡng đối với Phật và Đạo. Phật gia và Đạo gia đã được truyền trong nhân thế qua ngàn đời như hai trường phái độc lập, nhưng cuối cùng vẫn hội tụ, kết hợp với nhau để cùng triển hiện Pháp lý của vũ trụ: Đạo và Phật, Chân và Thiện. Đây cũng là một tầng ý nghĩa để chữ Vạn và Thái Cực cùng lưu truyền trong dân gian.
Thảo Ngọc
Tham khảo bài viết của Chính Ngộ đăng trên Chánh Kiến
Xem thêm: