Chủ tịch Hội đồng Giáo dục California nhận Giải Nhất Đan trị giá 3.9 triệu USD của nhà đồng sáng lập Tencent
Chủ tịch Hội đồng Giáo dục California Linda Darling-Hammond, người tham gia vào nghiên cứu hỗ trợ phát triển chính sách giáo dục liên bang và địa phương, đã được trao 3.9 triệu USD khi đoạt Giải Nhất Đan (Yidan Prize) — giải thưởng giáo dục lớn nhất thế giới — do một tỷ phú Trung Quốc sáng lập.
Một hội nghị ở Trường Giáo dục Sau đại học Stanford hôm 28/09 đã công bố những người nhận giải năm nay.
Quỹ Giải thưởng Nhất Đan có trụ sở ở Hồng Kông do ông Trần Nhất Đan (Yidan Chen) — đồng sáng lập đại công ty công nghệ và truyền thông xã hội Tencent của Trung Quốc — khởi xướng năm 2016, cho phép người đoạt giải nhận một nửa tiền thưởng như là một phần thưởng cá nhân, và sử dụng một nửa còn lại để hỗ trợ cho các dự án giáo dục của họ.
Bà Darling-Hammond đã nhận giải nghiên cứu giáo dục, và ông Châu Vĩnh Tân (Yongxin Zhu), một giáo sư về giáo dục tại Đại học Tô Châu, Trung Quốc, nhận giải thưởng phát triển giáo dục cho nghiên cứu cải thiện kết quả học tập ở Trung Quốc.
Bà Darling-Hammond, đồng thời cũng là một giáo sư danh dự tại Đại học Stanford kiêm người sáng lập của Viện Chính sách Học tập ở Palo Alto và Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, sẽ sử dụng quỹ của mình để phát triển một sáng kiến mới cho viện này — Phòng thí nghiệm Dự bị cho Nhà giáo dục.
Phòng thí nghiệm này được thiết kế nhằm mục đích chuẩn bị tốt hơn cho các nhà giáo dục thông qua nghiên cứu, giao lưu kết nối, và hợp tác với các chương trình, học khu, và các nhà hoạch định chính sách ở cấp tiểu bang và liên bang khác.
“Nghiên cứu của cá nhân tôi đã đi sâu vào việc lý giải được cách các trường học có thể hỗ trợ sinh viên học tập tốt hơn, đặc biệt là đối với những sinh viên thiếu thốn nhất trong xã hội chúng ta, và sau đó tạo ra các hệ thống cho phép áp dụng trên thực tiễn ở quy mô lớn,” bà Darling-Hammond nói trong một video được Quỹ Giải thưởng Nhất Đan công bố. “Nhiệm vụ đó đã dẫn dắt tôi đến việc nghiên cứu các lớp học, trường học, hệ thống trường học, và các chương trình chuẩn bị cho nhà giáo dục trên khắp Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.”
Theo các bản tin trước đây của The Epoch Times, hồi năm 1998, ông Trần đã đồng sáng lập Tencent — vốn là một công cụ để Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giám sát phát ngôn công luận và đàn áp những người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc. Tencent sở hữu WeChat — một ứng dụng truyền thông xã hội giống Twitter có hơn 1 tỷ người dùng hoạt động vào năm 2022, theo một báo cáo trong ngành, khiến WeChat trở thành một trong những ứng dụng di động lớn nhất thế giới.
Ông Trần từng là giám đốc hành chính của công ty này trước khi từ chức hồi năm 2013 để dồn tâm huyết vào làm từ thiện trong ngành giáo dục.
Hồi năm 2013, ông cũng thành lập một trường đại học tư nhân ở Trung Quốc mang tên Trường Cao đẳng Vũ Hán, tập trung vào “phát triển con người toàn diện” và nhằm đào tạo nên các thế hệ sinh viên tham gia vào ngành công nghệ Trung Quốc.
Theo Forbes, tài sản ròng của ông ước tính khoảng 3.5 tỷ USD.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times