Chủ tịch Fed Minneapolis cảnh báo khẩn cấp: ‘Lạm phát đang lan rộng’
Hôm Chủ Nhật (31/07), Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Minneapolis (Fed Minneapolis) cảnh báo rằng tỷ lệ lạm phát hiện tại đang gây khó khăn và sẽ lan rộng trên toàn quốc.
“Tình hình rất đáng lo ngại. Chúng tôi tiếp tục nhận được các chỉ số lạm phát, dữ liệu mới gần đây nhất trong tuần qua, và chúng tôi tiếp tục bất ngờ. Số liệu cao hơn chúng tôi mong đợi,” Chủ tịch Neel Kashkari của chi nhánh Fed này cho biết trên chương trình “Face The Nation” của CBS News. “Và đó không chỉ là một vài danh mục. Lạm phát đang lan rộng ra toàn bộ nền kinh tế và đó là lý do tại sao Cục Dự trữ Liên bang đang hành động khẩn cấp như vậy để kiểm soát lạm phát và đưa nó giảm trở lại.”
Ông nói rằng lương đang tăng lên đối với nhiều người dân Mỹ, nhưng giá hàng hóa và dịch vụ cũng vậy. Ông cho biết thêm rằng người lao động sẽ bị “cắt giảm lương thực tế” do áp lực giá cả.
Đầu tháng trước (07/2022), Cục Thống kê Lao động đã công bố dữ liệu Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI), cho thấy chỉ số chính về lạm phát đã tăng 9.1% so với cùng thời kỳ năm ngoái trong tháng Sáu, đây là mức lạm phát cao nhất kể từ đầu những năm 1980. Một chỉ số khác, Chỉ số Giá sản xuất (PPI), đã tăng 11.3% trong tháng Sáu, cũng là mức cao nhất trong nhiều thập niên.
Ông Kashkari nói với hãng thông tấn này hôm Chủ Nhật, tiền lương “không tăng nhanh như lạm phát, vì vậy hầu hết tiền lương thực tế, thu nhập thực tế của người Mỹ đang giảm sút.” Ông nói thêm: “Ý tôi là thông thường, chúng ta nghĩ về lạm phát do tiền lương, vì tiền lương tăng nhanh và dẫn đến giá cả cao hơn trong một vòng xoáy tự hành — điều đó vẫn chưa xảy ra.”
Chủ tịch Fed nói thêm: “Giá cả cao và tiền lương hiện đang cố gắng theo kịp mức giá cao đó … và vì vậy chúng ta cần đưa nền kinh tế trở lại trạng thái cân bằng trước khi điều này thực sự trở thành câu chuyện lạm phát do tiền lương chi phối.”
Nguyên nhân
Một số thành viên Đảng Cộng Hòa và các nhà kinh tế nói rằng các gói chi tiêu hàng ngàn tỷ USD của chính phủ liên bang xoay quanh COVID-19 đã gây ra lạm phát cao, trong khi một số lại quy nguyên nhân do các đợt gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến COVID-19 mà đến nay vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
Không đề cập đến chi tiêu của chính phủ, ông Kashkari đổ lỗi việc tăng giá là do cuộc chiến ở Ukraine và COVID-19. Ông không nói thêm chi tiết.
“Chỉ ở mức căn bản, lạm phát là khi cầu vượt cung. Chúng tôi biết nguồn cung thấp là do các chuỗi cung ứng, do cuộc chiến ở Ukraine, do COVID. Chúng tôi hy vọng rằng nguồn cung sẽ quay trở lại nhanh hơn. Điều đó chưa xảy ra,” ông Kashkari nói. “Vì vậy, chúng ta phải giảm nhu cầu xuống mức cân bằng. Bây giờ, tôi hy vọng chúng tôi nhận được một số trợ giúp từ phía nguồn cung, nhưng điều đó không thay đổi thực tế là Cục Dự trữ Liên bang có nhiệm vụ phải làm, và chúng tôi cam kết thực hiện điều đó.”
Ông lập luận rằng một dự luật mới tuyên bố là làm giảm lạm phát do Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) và Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) đề xướng sẽ không có tác dụng nhiều. Thay vào đó, ông nói rằng các chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang là những gì sẽ khiến lạm phát giảm.
Tuần trước (25-31/07), một lần nữa các quan chức Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Đây là lần thứ hai trong tháng Bảy ngân hàng trung ương làm như vậy trong những tuần gần đây.
“Bức tranh hiện tại rất rõ ràng. Thị trường lao động đang thắt chặt cực độ và lạm phát quá cao,” Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết trong một cuộc họp báo sau quyết định của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang hôm 27/07.
Cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 20/09 đến ngày 21/09.
Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.