Chủ tịch FDIC cho biết ông sẽ từ chức sau bê bối về văn hóa nơi làm việc độc hại
Ông Martin Gruenberg, người giữ chức chủ tịch, phó chủ tịch, và giám đốc FDIC từ tháng 08/2005, sẽ từ chức ngay khi có người kế nhiệm được xác nhận.
Chủ tịch Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) Martin Gruenberg đã tuyên bố từ chức hôm 20/05 và đồng ý từ chức ngay khi một người kế nhiệm được xác nhận, sau vụ bê bối kéo dài nhiều tháng về những cáo buộc về văn hóa nơi làm việc độc hại tại cơ quan quản lý này.
Sau khi một báo cáo dài 200 trang trình bày chi tiết những câu chuyện về “quấy rối tình dục, phân biệt đối xử, và các hành vi sai trái khác giữa các cá nhân” tại cơ quan quản lý ngân hàng này được công bố hôm 07/05, các nhà lập pháp Hạ viện và Thượng viện đã yêu cầu ông Gruenberg từ chức chủ tịch FDIC.
Ông Gruenberg cho biết trong một tuyên bố: “Tôi rất vinh dự được phục vụ tại FDIC với tư cách là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, và Giám đốc kể từ tháng 08/2005.”
“Trong suốt thời gian đó, tôi đã trung thành thực hiện sứ mệnh vô cùng quan trọng của FDIC là duy trì niềm tin của công chúng và sự ổn định trong hệ thống ngân hàng.”
Trong các phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện và Ủy ban Ngân hàng Thượng viện vào tuần trước, một số thành viên Đảng Cộng Hòa đã chất vấn chủ tịch FDIC về báo cáo này. Theo đó, báo cáo trình bày chi tiết về một môi trường làm việc đáng lên án có văn hóa kỳ thị phụ nữ được mô tả như một “môi trường câu lạc bộ mà trong đó nam giới bị tính dục hóa.”
“Tôi nghĩ ông nên từ chức,” Thượng nghị sĩ John Kennedy (Cộng Hòa-Louisiana) nói. Ông cũng yêu cầu ông Gruenberg quay lại xin lỗi các nữ nhân viên của mình.
Ban đầu, chủ tịch FDIC cho biết ông sẽ không từ chức mà sẽ giúp giám sát những thay đổi được khuyến nghị đối với cơ quan quản lý này mà bản báo cáo gay gắt đó đã nêu.
Ông Kennedy cho biết chủ tịch, người được cho là chịu trách nhiệm ngay từ đầu về vấn đề này, không nên là người cố gắng khắc phục nó.
Ông nói, “Ông nên cảm thấy xấu hổ về bản thân mình.”
Sau đó, ông Kennedy đã tiết lộ các kế hoạch ban hành luật mới nhằm kéo dài thời hiệu và cho phép tất cả các nhân viên FDIC, cả trước đây và hiện tại, nộp đơn kiện cơ quan quản lý này.
Thượng nghị sĩ Sherrod Brown (Dân Chủ-Ohio), người đứng đầu Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, cũng kêu gọi ông Gruenberg từ chức.
Ông nói trong một tuyên bố: “Sau khi chủ trì phiên điều trần tuần trước, rồi xem xét báo cáo độc lập và tiếp xúc sâu hơn với các nhân viên của FDIC đến trước Ủy ban Ngân hàng và Nhà ở, tôi rút ra một kết luận: phải có những thay đổi căn bản tại FDIC.”
“Tôi kêu gọi Tổng thống ngay lập tức đề cử một Chủ tịch mới, người có thể lãnh đạo FDIC vào thời điểm đầy thử thách này và để Thượng viện hành động ngay lập tức về đề cử đó.”
Trong tuyên bố từ chức của mình, ông Gruenberg thừa nhận về báo cáo này và sự giám sát kỹ lưỡng mà báo cáo gây ra cho FDIC.
Ông nói, “Trước những sự kiện gần đây, tôi sẵn sàng từ bỏ trách nhiệm của mình sau khi xác nhận được người kế nhiệm. Cho đến thời điểm đó, tôi sẽ tiếp tục hoàn thành trách nhiệm của mình với tư cách là Chủ tịch FDIC, bao gồm cả việc chuyển đổi văn hóa nơi làm việc của FDIC.”
Tòa Bạch Ốc tuyên bố Tổng thống Joe Biden sẽ “sớm” đề cử người kế nhiệm ông Gruenberg và lặp lại lời kêu gọi của ông Brown về việc Thượng viện nên nhanh chóng xác nhận đề cử.
Báo cáo do công ty luật Cleary Gottlieb Steen và Hamilton thực hiện này gồm hơn 500 lời kể của các cá nhân về hành vi sai trái bị cáo buộc tại FDIC, bao gồm cả quấy rối và phân biệt đối xử về tình dục.
Một ví dụ là một nữ thanh tra FDIC nhận được một bức ảnh chụp bộ phận sinh dục của một nam thanh tra cấp cao. Những người khác ở công ty đã yêu cầu cô “tránh xa ông ta vì ông ta có ‘danh tiếng.’”
Một nữ nhân viên khác lo sợ cho sự an toàn của mình sau khi bị một nhân viên FDIC khác theo dõi và liên tục chia sẻ “những tin nhắn văn bản mang tính khiêu dâm không được hoan nghênh trong đó có hình ảnh phụ nữ bán khỏa thân tham gia vào các hành vi tình dục.”
Theo báo cáo, lãnh đạo của nhiều văn phòng khu vực và lĩnh vực khác nhau bị cáo buộc quản lý nhân viên như “thuộc hạ” trong khi các thanh tra viên ngân hàng được ủy quyền “kiểm soát số phận của các thanh tra cấp dưới.”
Báo cáo này cho biết: “Những người báo cáo bày tỏ sợ hãi, buồn bã, và tức giận trước những gì họ phải chịu đựng.”
“Nhiều người chưa bao giờ kể lại trải nghiệm của họ với bất kỳ ai trước đây, trong khi những người khác từng báo cáo trong nội bộ lại thất vọng trước phản ứng của FDIC.”
Tại một văn phòng khu vực, nhiều nữ nhân viên đã trình bày chi tiết cách người giám sát thường xuyên nói về ngực, chân, và đời sống tình dục của họ. Trong các trường hợp khác, người giám sát đã chế nhạo các nhân viên khuyết tật và làm mất tinh thần những người thuộc các nhóm thiểu số hoặc nhóm ít được đại diện bằng cách gọi họ là những nhân viên “dùng làm đồ trưng bày” được thuê chỉ để đáp ứng hạn ngạch của FDIC.
Sau khi báo cáo này được công khai, ông Gruenberg nói với các nhân viên FDIC rằng báo cáo này trình bày chi tiết “một cái nhìn nghiêm túc bên trong” cơ quan quản lý này. Ông nói rằng ông “rất xin lỗi” vì đã làm lãnh đạo trong một môi trường làm việc thù nghịch như vậy.
Ông nói vào thời điểm đó: “Với tư cách là Chủ tịch, tôi chịu trách nhiệm cuối cùng về mọi thứ xảy ra tại cơ quan của chúng tôi, bao gồm cả văn hóa nơi làm việc của chúng tôi.”
FDIC được thành lập trong thời kỳ Đại Suy Thoái để bảo hiểm cho khoản tiền gửi lên tới 250,000 USD trong trường hợp ngân hàng phá sản. Bà Sheila Bair, người chủ trì FDIC trong cuộc khủng hoảng và suy thoái tài chính năm 2008, cũng kêu gọi ông Gruenberg từ chức trong một bài đăng ngày 20/05 trên nền tảng truyền thông xã hội X.
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Moran và The Associated Press
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times