Chủ nghĩa Marx đã huỷ hoại gia đình hạt nhân như thế nào?
Hôn nhân là một tục lệ phù hợp nhất cho việc nuôi dạy và chăm sóc trẻ em, một nghĩa vụ không có giới hạn yêu cầu cha mẹ có thái độ yêu thương và tận tâm đối với các con. Ngược lại, ly hôn làm suy yếu chỉnh thể gia đình và tước đi của con một gia đình ruột thịt trọn vẹn.
Karl Marx đã đề xướng bãi bỏ hôn nhân trong Tuyên ngôn Chủ Nghĩa Cộng sản của ông ta, nói rằng hôn nhân đương nhiên dẫn đến tan rã hệ thống tình yêu tự do, mà ông gọi là mại dâm công cộng và mại dâm tư nhân.
Nói cách khác, Marx nghĩ rằng hôn nhân không khác gì một hình thức “mại dâm tư nhân.”
Lấy ý tưởng từ những học thuyết như vậy, vào những năm 1980, Australian Union of Students (Hội Sinh viên Úc) đã ban hành Tuyên bố Chính sách lập luận rằng “mại dâm có nhiều hình thức và không chỉ bao gồm đổi tiền lấy tình dục … Mại dâm trong hôn nhân là giao dịch tình dục để đổi lấy tình yêu, sự an toàn, và quán xuyến việc nhà.”
Ý tưởng cho rằng hôn nhân là một hình thức mại dâm được một số học giả theo chủ nghĩa nữ quyền đồng thuận.
Vào năm 2014, trên chương trình Q+A của đài truyền hình ABC, nhà hoạt động nữ quyền gốc Anh Jane Caro đã phát ngôn: “Tôi khẳng định rằng hôn nhân truyền thống về cơ bản là bán cơ thể [của phụ nữ] và quyền sinh sản của họ cho chồng như hình thức mại dâm.”
Cuộc quảng bá nữ quyền cấp tiến để “giải phóng tình dục” này dựa trên việc áp dụng các quan điểm phân tích phê phán từ chủ nghĩa Marx đối với những nhóm người được định danh bằng giới tính và sau đó bị thúc giục phải lật đổ những “người áp bức” họ.
“Gia trưởng” là từ thường được sử dụng để mô tả những tục lệ truyền thống được các thành viên đáng kính trong xã hội tuân theo, bị bác bỏ vì mang tính “áp bức.”
Do đó, chủ nghĩa Marx giữ quan điểm rằng định chế hôn nhân, trong phạm vi đạo đức tình dục đi kèm, cần bị xóa bỏ và thay thế bằng “các cặp đôi tự do yêu đương” [kết đôi bừa bãi].
Việc một người phụ nữ làm nội trợ được coi là đáng xấu hổ, và một số nhà hoạt động nữ quyền còn đi xa hơn khi đề xướng rằng trẻ em sẽ phát triển toàn diện hơn khi được chính phủ nuôi dưỡng tại các cơ sở công lập thay vì được cha mẹ ruột [nuôi dưỡng] tại nhà.
Tình dục chính trị đã cho thấy những điều mà nhà nữ quyền Camille Paglia mô tả là “phong cách phê bình nữ quyền của chủ nghĩa Stalin.”
Theo bà Paglia, kiểu chủ nghĩa nữ quyền này “hùng hổ tiến vào các danh tác văn học và nghệ thuật, với giày ống [trên chân] và cây bút đỏ trên tay, kiểm tra tính ‘phân biệt chủng tộc,’ ‘phân biệt giới tính’ và ‘kỳ thị người đồng tính,’ độc đoán quyết định nên giữ lại những gì và nên hủy bỏ những gì.”
Phá vỡ lời thề thiêng liêng không những không có hậu quả, mà còn nhận phần thưởng
Cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa nữ quyền cấp tiến vào cuối những năm 1960, một phần đáng kể nền văn hoá đại chúng đã gán ghép hôn nhân với sự áp bức và đàn áp tự do.
Một phần khác nữa của kế hoạch phá hoại hôn nhân là việc tạo ra cơ chế ly hôn “không lỗi” (no-fault divorce) vào đầu những năm 1970.
Bằng cách đặt hôn nhân vào những phân tích phê phán của chủ nghĩa Marx, ly hôn “không lỗi” được ủng hộ như một phương tiện để đạt mục tiêu “giải phóng tình dục cho phụ nữ.”
Tất nhiên, ý tưởng này không hoàn toàn được đề xướng theo kiểu đó, mà là dưới dạng một “nỗ lực nhân đạo” nhằm cho phép những cuộc hôn nhân “tan vỡ không thể hàn gắn” được chấm dứt hẳn mà không cần tìm thấy dấu hiệu tội lỗi nào.
Một khi điều gì đó được thể hiện trong luật, nó cũng trở thành một phần thực tế đạo đức của xã hội loài người, từ đó hình thành thái độ và những kỳ vọng [tương ứng].
Mục đích của luật pháp từng là để dẫn dắt công dân hướng tới một cuộc sống đức hạnh.
Trước khi có cơ chế ly hôn “không lỗi” vào năm 1975, một yếu tố của “lỗi” trong ly hôn bao gồm ngoại tình, ruồng bỏ, thói quen say xỉn, thói vũ phu, và những điều tương tự. Bên vô tội, dựa trên những cơ sở đáng tin cậy, có thể biện minh cho việc ly hôn của mình và nhận bồi thường cho những thiệt hại do phía bên kia gây ra, cả về tinh thần và tài chính.
Nhưng trào lưu ly hôn “không lỗi” đã thay đổi những căn cứ đền bù này, và biến hôn nhân thành một hợp đồng dễ dàng huỷ bỏ. Tất nhiên điều này dễ dàng làm giảm đi — thậm chí xóa bỏ — kỳ vọng về một cam kết gắn bó suốt đời.
Cho phép ly hôn “không lỗi” khi cả hai vợ chồng đều đồng ý rằng ly hôn thật sự là điều họ muốn là một chuyện, nhưng việc ly hôn diễn ra mà không có sự đồng thuận lại là chuyện khác — đó là khi một trong hai bên quyết định đơn phương hủy bỏ hôn khế.
Theo đó, hậu quả chính của luật hiện hành là tước đi quyền của bên bị hại bằng việc tước bỏ quyền thương lượng của họ về các điều khoản giải quyết tài sản và các vấn đề tài chính.
Ly hôn không lỗi là một phần trong các điều luật cho phép chính phủ can thiệp vào những sự vụ gia đình và sách nhiễu người dân.
Hệ thống này bao gồm sự hiện diện mang tính xâm phạm của cơ quan nhà nước trong việc buộc người dân phải rời khỏi ngôi nhà của họ, tịch thu tài sản của họ, và tách họ khỏi các con của mình. Về bản chất, điều này không chỉ hủy hoại tính bất khả xâm phạm của hôn nhân mà còn phá huỷ cả lý tưởng về một đời sống riêng tư.
Theo bà Jennifer Roback Morse, người sáng lập Viện Ruth, “chế định ly hôn hiện nay là chế định ly hôn đơn phương.”
“Ai muốn ly hôn thì ly hôn: Chính phủ luôn đứng về bên nào ít muốn [giữ lại] cuộc hôn nhân nhất. Chính phủ khích lệ vợ chồng không chung thuỷ và bội tín. Và khi cuộc hôn nhân gặp trắc trở, Chính phủ tự cho mình quyền để dọn dẹp mớ hỗn độn đó,” bà Roback Morse lập luận.
Tại sao hôn nhân lại là khế ước duy nhất có thể bị vi phạm mà không phải chịu phạt?
Theo nguyên tắc “không lỗi,” bên bị ruồng rẫy thường bị đối xử không khác gì bên bội tín đã bỏ rơi gia đình.
Ví dụ, một người chồng tận tâm, không thực hiện bất kỳ hành vi sai trái nào, sẽ dễ bị tổn hại vì có nguy cơ bị mất quyền tiếp cận với những người con ruột thịt mà anh ấy đã yêu thương, bảo vệ, và giúp đỡ nuôi dưỡng. Người chồng cũng sẽ bị buộc phải cấp dưỡng cho người vợ cũ “có lỗi” và đứa con hiện đã sống riêng. Anh ấy có thể bị buộc phải trả vay mua nhà nhưng vẫn phải rời khỏi ngôi nhà của gia đình và trả tiền thuê một nơi ở riêng.
Như có thể thấy trong ví dụ giả định này, bên bị ruồng bỏ sẽ trở thành nạn nhân kép. Phần lớn họ đã mất con, nhà cửa và mất một phần lớn thu nhập. Triển vọng hàn gắn cuộc sống đau khổ và khó khăn này, triển vọng tái hợp và có lẽ có thêm con là rất nhỏ.
Rõ ràng cuộc cách mạng [ly hôn] “không lỗi” này, bằng việc cho phép vi phạm hôn khế mà không chịu bất kỳ hậu quả pháp lý nào (mặc dù có những hậu quả nghiêm trọng và không thể tránh khỏi), đã làm suy yếu giá trị mà chúng ta đặt vào hôn nhân, gây tổn hại cho xã hội Úc.
Vì vậy, ít nhất, hôn nhân phải luôn được coi như một khế ước bình thường.
Toà án thường phán quyết bồi thường thiệt hại đối với tổn thất phi kinh tế trong các yêu cầu bồi thường về thương tích cá nhân cũng như bồi thường tổn thất về danh dự trong các yêu cầu bồi thường xúc phạm danh dự.
Theo đó, bất kỳ “lỗi” nào trong ly hôn đều phải kèm theo việc bồi thường thiệt hại và phân chia tài sản của gia đình. Tại sao hôn nhân là khế ước duy nhất có thể bị vi phạm mà không bị phạt?
Trên hết, người ta phải lên án cách tiếp cận nữ quyền cấp tiến này của chủ nghĩa Marx, và đó nên là một mục tiêu chính sách công chính yếu để bảo vệ hôn nhân bằng cách khôi phục lại bản chất đầy đủ của các cam kết hôn nhân.
Y Văn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times