Chính trị ở Fed: Báo cáo cho thấy ngân hàng trung ương có nhiều thành viên Đảng Dân Chủ hơn Đảng Cộng Hòa
Trong quá trình đề cử gây tranh cãi cho bà Sarah Bloom Raskin, người sau đó đã rút lại ứng cử cho vị trí tại Cục Dự trữ Liên bang, việc chính trị hóa ngân hàng trung ương Hoa Kỳ một lần nữa lại trở thành vấn đề gây tranh cãi.
Ông Emre Kuvvet, phó giáo sư tài chính tại Đại học Nova Southeastern, đã xuất bản một báo cáo trên The Wall Street Journal đánh giá khuynh hướng đảng phái của các nhà kinh tế tại ngân hàng trung ương.
Đối với các nhà kinh tế tại Ngân hàng Fed ở Cleveland, tỷ lệ giữa các thành viên Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa là 3 trên 1. Tại Ngân hàng Fed San Francisco, tỷ lệ là 12 trên 1.
Ông cũng được biết rằng tỷ lệ giữa các thành viên Đảng Dân Chủ trên Đảng Cộng Hòa đối với các nhà kinh tế cao cấp và những người ở vị trí lãnh đạo là 22.25 trên 1. Nhưng có một khoảng cách đáng kể giữa các nhà kinh tế lớn tuổi hơn và trẻ hơn của Fed và khuynh hướng chính trị của họ.
Đối với các nhà kinh tế của Fed từ 50 đến 60 tuổi, tỷ lệ này là 6.5 trên 1. Tuy nhiên, đối với những người 40 tuổi trở xuống, tỷ lệ khuynh hướng đảng phái là 20.3 trên 1.
Ông Kuvvet dự đoán rằng tình trạng thiếu đa dạng về trí tuệ có thể gia tăng trong những năm tới và điều này “nên gây lo ngại sâu sắc cho những người đóng thuế và các nhà hoạch định chính sách Mỹ.”
Ông Kuvvet viết: “Bởi vì những nhà kinh tế này có khả năng giữ việc rất tốt, một khi một nhóm lớn gồm các thành viên trẻ hơn thuộc một phe phái chính trị được vào cửa, họ sẽ rất khó bị loại bỏ và có khả năng tuyển dụng những người mới có quan điểm tương tự.”
“Sự đồng nhất về chính trị của các nhà kinh tế học của Fed không thể không làm suy yếu tính chính đáng của các khuyến nghị và phân tích chính sách của họ, cả trên thực tế và trong mắt công chúng.”
Tuần trước (14-20/03), bà Raskin đã kết thúc nỗ lực trở thành phó chủ tịch giám sát của tổ chức này, một trong những cơ quan quản lý ngân hàng quyền lực nhất thế giới. Bà đã lên án “các cuộc tấn công không ngừng bởi các nhóm lợi ích đặc biệt” để loại bỏ đề cử của mình.
Những người phản đối đã nhanh chóng công kích quan điểm của bà về chính sách khí hậu và những lời chỉ trích của bà về ngành năng lượng, vì lo ngại rằng những lập trường này có thể chính trị hóa việc ra quyết định của bà.
Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) cho biết trong một tuyên bố: “Cục Dự trữ Liên bang không phải là một tổ chức nên chính trị hóa các quyết định quan trọng của mình. Đã đến lúc Cục Dự trữ Liên bang quay trở lại các nguyên tắc thành lập và nhiệm vụ kép của mình là kiểm soát lạm phát bằng cách bảo đảm giá cả ổn định và việc làm tối đa. Tôi sẽ không ủng hộ bất kỳ người được đề cử nào trong tương lai không tôn trọng những ưu tiên quan trọng này.”
Các nhiệm vụ mới của Fed
Kể từ khi thành lập, Quốc hội đã trao cho ngân hàng trung ương hai nhiệm vụ chính: ổn định giá cả và toàn dụng lao động. Tuy nhiên các chuyên gia lưu ý, trong những năm gần đây, Fed đã tập trung nỗ lực vào một loạt các vấn đề khác như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng kinh tế, sắc tộc, và giới tính.
Trong toàn bộ Hệ thống Dự trữ Liên bang, các ngân hàng và quan chức khu vực đã xuất bản vô số bài báo và có các bài diễn thuyết xoay quanh những chủ đề này. Ví dụ: Ngân hàng Fed New York đã xuất bản một báo cáo vào tháng 01/2021 được sửa đổi vào tháng 03/2022 nhan đề “Chính sách Tiền tệ và Bất bình đẳng Sắc tộc” (pdf). Ngân hàng Fed ở Minneapolis duy trì một loạt bài có tên “Phân biệt Chủng tộc và Nền kinh tế”.
Nhưng một số người nói rằng đây không phải là điều mà cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ đã tự làm. Nhiều chính trị gia ở cả hai đảng đã cố gắng tác động đến các cơ chế khác nhau của Fed trong những năm gần đây. Khi Tổng thống Joe Biden còn là ứng cử viên, ông đã đề nghị coi công bằng chủng tộc trở thành nhiệm vụ thứ ba của Fed, với mục tiêu là tăng tính thanh khoản cho các doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhóm thiểu số hoặc các công ty thuê các dân tộc khác nhau.
Các nhóm vận động cũng đã cố gắng xác định cấu trúc của tổ chức đã thành lập hơn một thế kỷ này. Năm 2018, Liên minh Fed Up đã thúc đẩy sự đa dạng chủng tộc tại Cục Dự trữ Liên bang sau khi Chủ tịch Ngân hàng Fed tại San Francisco lúc đó là ông John Williams về hưu.
Hiện tại, biến đổi khí hậu dường như là vấn đề chính mà Fed đang nghiên cứu. Đánh giá toàn diện đầu tiên của họ sẽ được phát hành vào năm 2023 để xác định liệu nhiệt độ tăng có thể làm tê liệt toàn bộ hệ thống tài chính hay không. Cho đến thời điểm đó, Fed cũng đang thúc giục các tổ chức tài chính rà soát lại các danh mục đầu tư của họ và xác định các rủi ro do biến đổi khí hậu.
Điều đó cho thấy, việc Fed chính trị hóa không có gì mới, các chuyên gia lập luận. Bất kỳ sự xói mòn thêm nào đối với tính độc lập của nhóm này đều có thể đe dọa hiệu quả của họ trong việc chống lại các mối đe dọa thực sự đối với nền kinh tế.
Ông Christian Lundblad, cựu nhà kinh tế tài chính tại Fed và hiện là giám đốc nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Tư nhân Kenan, đã cảnh báo trong một bài báo rằng bất kỳ sự độc lập nào bị giảm sút của Fed sẽ “làm giảm khả năng hoạt động của họ khi cần thiết.”
Ông nói: “Như một câu chuyện cảnh giác, nghiên cứu học thuật ghi rõ mối liên hệ giữa lạm phát cao và sự thiếu độc lập của ngân hàng trung ương.”
Lịch sử chính trị của Fed?
Viện Brookings thừa nhận hồi tháng Một rằng việc tổ chức này hoạt động độc lập chỉ là một “huyền thoại”.
“Các tổng thống sử dụng bổ nhiệm để thúc đẩy các nghị trình của họ. Fed cũng không phải ngoại lệ, mặc dù có sự lầm tưởng rằng các ngân hàng trung ương như Fed là ‘độc lập’”, thành viên cao cấp Sarah Binder và giám đốc công nghệ thông tin của River Capital Mark Spindel viết trong một báo cáo. “Nhưng với quy trình xác nhận thường là đảng phái tại Thượng viện, các thành viên Đảng Dân Chủ có thể sẽ cần phải gắn bó với nhau để đưa các lựa chọn của ông Biden về đích.”
Một số nhà sử học cho rằng đây là chuẩn mực từ những năm 1930, với cơ quan hành pháp và ban lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang làm việc song song để thúc đẩy các mục tiêu chính sách công cụ thể. Ngay cả cựu Tổng thống Donald Trump cũng đưa ra lập luận này khi ông lần đầu tranh cử vào Tòa Bạch Ốc vào năm 2016, nói với giới báo chí rằng Fed là một thể chế chính trị.
Khi ông trùm tỷ phú bất động sản thốt ra những nhận xét này, ông đã phải chịu rất nhiều lời phản đối, bao gồm cả từ Chủ tịch Ngân hàng Fed Minneapolis, người đã bác bỏ quan điểm này là lố bịch. Những người khác gọi những nhận xét này là “nguy hiểm” và “không lành mạnh.”
Tuy nhiên, ông Thomas DiLorenzo, một nhà kinh tế và sử học, đã viết về liên kết đối tác giữa chính phủ liên bang và ngân hàng trung ương kể từ Đại Suy Thoái.
Ông nói: “Fed hoạt động vì lợi ích của những người kiểm soát họ từ nhánh hành pháp, ngành ngân hàng, và chính các nhân viên của Fed, với cái giá phải trả cho phần còn lại của xã hội, những người đang phải gánh chịu sự bất ổn kinh tế mà Fed tạo ra.”
“Cái gọi là ‘chủ nghĩa xã hội khoa học’ có thể là ý tưởng vô lý và phá hoại nhất trong thế kỷ 20, nhưng nó vẫn là tư tưởng chỉ thị của ngân hàng trung ương.”
Nhiều tài liệu cho rằng Chủ tịch Fed Marriner Eccles và Tổng thống Franklin Delano Roosevelt đã “phối hợp” chính sách tiền tệ để thúc đẩy Thỏa Thuận Mới. Khi nền kinh tế Hoa Kỳ bị lạm phát đình trệ vào những năm 1970, Tổng thống Richard Nixon đã thúc đẩy Chủ tịch Fed Arthur Burns đẩy mạnh thanh khoản vào nền kinh tế để đảo ngược nền kinh tế trì trệ và lạm phát cao ngất ngưởng.
Gần đây nhất, khi ông Trump còn là tổng thống, trong nhiều tháng ông đã thúc giục Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp của ông phải cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sau khi đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ chính phủ của ông Trump, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã cắt giảm tỷ lệ chuẩn 25 điểm cơ bản xuống phạm vi từ 2% đến 2.25%.
Các nhà phân tích cho biết, do Fed đã áp dụng các biện pháp chính sách tiền tệ bất thường kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, bao gồm cả việc mở rộng bảng cân đối kế toán, các chính trị gia đã sử dụng ngân hàng trung ương như một công cụ tài chính.
Ông Charles Plosser, cựu chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia, cho biết: “Khi nhu cầu dự trữ đã được thỏa mãn, thì về mặt nguyên tắc, không có giới hạn nào về bảng cân đối kế toán hoặc khối lượng dự trữ có thể lớn đến mức nào.”
“Một bảng cân đối lớn không bị ràng buộc bởi chính sách tiền tệ là điều kiện chín muồi cho sự lạm dụng. Quốc hội và chính phủ sẽ bị cám dỗ để xem xét bảng cân đối cho các mục đích riêng của họ, bao gồm cả chính sách tín dụng và chính sách tài khóa ngoài ngân sách.”
Các chuyên gia dự đoán sẽ có sự phối hợp thậm chí còn lớn hơn giữa chính phủ liên bang và ngân hàng trung ương, với nhiều sự tập trung hơn vào Cục Dự trữ Liên bang.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: