Chính quyền Trung Quốc lợi dụng các cuộc biểu tình tại các trường đại học để phóng đại sự chia rẽ ở Hoa Kỳ
Đảng Cộng sản Trung Quốc lợi dụng tình trạng bất ổn dân sự ở Mỹ quốc để chia rẽ xã hội Hoa Kỳ; các chuyên gia cho rằng những cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine tại các trường đại học là ví dụ mới nhất.
Chính quyền cộng sản Trung Quốc đang lợi dụng các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine tại các trường đại học để làm mất uy tín của chính phủ Hoa Kỳ và phóng đại sự chia rẽ xã hội. Các chuyên gia cho biết hoạt động trực tuyến này là một phần của cuộc chiến tranh thông tin hay còn gọi là tâm lý chiến của Trung Quốc nhằm làm suy yếu Hoa Kỳ bằng cách khiến người Mỹ chống lại nhau.
Lần theo các chiến dịch liên quan đến cuộc chiến tranh giữa Israel và Hamas như vậy, các nhà nghiên cứu đã tìm ra một chiến dịch gây ảnh hưởng qua mạng kéo dài nhiều năm được gọi là “Spamouflage” (tin nhắn rác trá hình) hoặc “Dragonbridge” mà Meta nhận thấy có những liên kết với cơ quan chấp pháp Trung Quốc.
Trong khi đó, các quan chức và tuyên truyền của Trung Quốc cáo buộc chính phủ Hoa Kỳ có “tiêu chuẩn kép” và “đạo đức giả.”
Cùng với một đoạn video dựng cảnh cảnh sát bắt bớ tại nhiều khuôn viên trường đại học khác nhau, bà Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngụ ý trên mạng xã hội rằng Hoa Kỳ đang đối phó với những người biểu tình giống như cách mà họ đã chỉ trích các nước khác.
Theo bà H. Colleen Sinclair, giáo sư nghiên cứu chuyên về thông tin sai lệch và các phương pháp thuộc Đại học Tiểu bang Louisiana, thì Trung Quốc sử dụng một sự đánh đồng sai lệch — xem việc Hoa Kỳ bắt giữ những người biểu tình giống như với cuộc đàn áp và bịt miệng người dân của chính họ — để nói rằng Hoa Kỳ không có đủ thẩm quyền đạo đức để chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh.
“Đó chỉ là một hình thức đánh lạc hướng: ‘Các vị cũng vậy đó thôi.’ Họ cũng phóng đại hơn nữa bất kỳ những chia rẽ hoặc phân cực chính trị nào có thể tồn tại trong một nền văn hóa cụ thể,” bà nói với The Epoch Times.
Đề cập đến ĐCSTQ, bà nói tiếp: “Họ sẽ luôn tìm kiếm những thứ khiến Hoa Kỳ trông có vẻ bất ổn, không thể tin cậy, và đạo đức giả.”
Tuyên truyền của ĐCSTQ nhấn mạnh vào ‘những chia rẽ nội bộ’ ở Hoa Kỳ
Hôm 17/04, sinh viên Đại học Columbia bắt đầu biểu tình bằng cách cắm trại trong khuôn viên trường này, yêu cầu các khoa của họ kêu gọi ngừng bắn ở Gaza và thoái vốn khỏi tất cả các tổ chức của người Israel và các công ty liên kết với Israel. Họ gọi cuộc chiến tranh Israel-Hamas là tội ác diệt chủng người Palestine, một cáo buộc mà chính phủ Israel đã nhiều lần bác bỏ.
Một ngày sau, cảnh sát bắt đầu bắt giữ những người biểu tình ở Đại học Columbia. Các sinh viên tuyên bố sẽ ở lại cho đến khi trường đại học này đáp ứng các yêu sách của họ. Khi cuộc đàm phán giữa nhà trường và sinh viên bất thành, tình trạng căng thẳng càng leo thang. Các cuộc biểu tình đóng trại ở khuôn viên Đại học Columbia đã truyền cảm hứng cho nhiều sinh viên ở hàng chục trường đại học khác cũng bước ra biểu tình.
Trong một bài xã luận hôm 24/04, hãng truyền thông nhà nước China Daily đã mô tả tình hình này là “sự mất kết nối” và “những chia rẽ nội bộ” giữa giới tinh hoa và công dân bình thường trong xã hội Mỹ quốc.
“Việc Hoa Kỳ thả viện trợ cho Gaza, và xung đột giữa những nhân viên chấp pháp Hoa Kỳ với sinh viên và giáo viên Hoa Kỳ đều là những màn trình diễn xấu xí” về “các chính sách đối ngoại đầy mâu thuẫn của Hoa Kỳ,” bài xã luận viết tiếp.
Ông Diệp Diệu Nguyên (Yao-Yuan Yeh), giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học St. Thomas ở Houston, nói rằng ĐCSTQ muốn vẽ ra một bức tranh về Hoa Kỳ trong tình trạng hỗn loạn để biện minh cho việc “duy trì sự ổn định” của họ — biện pháp độc đoán của họ để duy trì sự cai trị của họ lên đất nước Trung Quốc.
“Là một cuộc chiến tranh nhận thức lâu dài đối với Hoa Kỳ, những gì mà ĐCSTQ muốn đạt được là lợi dụng các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine để cho thấy Mỹ là một quốc gia đang gặp khủng hoảng ngay trong nước với sự chia rẽ về chủng tộc và tôn giáo cũng như dân chủ là một hình thức chính phủ tồi tệ,” ông Diệp nói với The Epoch Times.
Bà Sinclair nêu ra rằng trong các cuộc biểu tình Black Lives Matter hồi mùa hè năm 2020, ĐCSTQ đã tung ra một câu chuyện tuyên truyền tương tự để khiến nền dân chủ trông xấu tệ. Theo bà, ĐCSTQ còn “lợi dụng tình trạng bất ổn dân sự” để “làm cho xã hội của chúng ta phân cực hơn nữa.”
“Một khi chúng ta bị chia rẽ hơn, thì chúng ta sẽ chống lại nhau. Và họ thậm chí không phải tiến hành bất kỳ loại chiến tranh hỏa lực nào; chúng ta có thể tiến hành cuộc chiến đó giữa những công dân của chính chúng ta,” bà nói thêm. “Đây là cách mà chiến tranh thông tin diễn ra.”
“Một chiến dịch tâm lý chiến hết sức thành công”
Theo Graphika, các chiến dịch thông tin giả về chính trị của Spamouflage khởi phát từ đầu mùa hè năm 2019. Tổ chức nghiên cứu thông tin giả này nhận thấy các nội dung bằng tiếng Anh của chiến dịch này đã tăng vọt vào đầu năm 2020, bắt đầu bằng việc khen ngợi cách Bắc Kinh đối phó với đại dịch COVID-19 và chuyển hướng sang chỉ trích các chính sách của Hoa Kỳ và các chính sách không có lợi cho TikTok khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng.
Tháng 08/2023, Meta đã xóa hơn 7,000 tài khoản Facebook ảo và một số tài khoản Instagram có kết nối với Spamouflage. Dẫu vậy, chiến dịch này hoàn toàn tiếp tục diễn ra thông qua các tài khoản ảo khác.
“Spamouflage dường như có thể dễ dàng khôi phục sau khi những tài khoản ảo bị xóa khỏi truyền thông xã hội,” ông Max Lesser cho The Epoch Times biết trong một bức thư điện tử. Ông Max Lesser là một chuyên gia phân tích cấp cao về những mối hiểm họa nổi bật thuộc Tổ chức Bảo vệ Dân chủ (FDD), một viện nghiên cứu có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn. “Vì sao? Vì những tài khoản ảo không hoạt động được tạo sẵn từ trước kia được dự trữ sẵn và chỉ cần đợi kích hoạt.”
Trong lúc nghiên cứu, ông Lesser đã tìm thấy một trang Facebook tên là “The War of Somethings.” Trước đây trang Facebook này không được công nhận là một phần của chiến dịch Spamouflage. Một trong những tài khoản ảo đã bình luận vào một video về Chiến sự Israel-Hamas như sau: “Mỹ quốc là kẻ gây chiến, là đứa con ngoan của người Do Thái!”
Trong khi ông Lesser tập trung vào Facebook, báo cáo hồi tháng 12/2023 của Đại học Rutgers cho thấy những nội dung ủng hộ Israel bị ngăn chặn trên TikTok, một nền tảng video ngắn mà theo luật mới ban hành, phải được công ty mẹ Trung Quốc bán, nếu không sẽ bị cấm tại Hoa Kỳ.
Năm ngoái (2023), Viện Đối thoại Chiến lược, một tổ chức bất vụ lợi toàn cầu chuyên ghi chép bảo lưu thông tin giả, đã công bố rằng TikTok đã liên tục chủ trì các hoạt động tuyên truyền ủng hộ Nhà nước Hồi Giáo.
Trung tâm Giám định Truyền thông của Đại học Clemson cũng đã xác định rằng các bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X (trước đây là Twitter) có liên quan đến chiến dịch Spamouflage, kêu gọi mọi người “góp mặt tràn ngập tại các khu cắm trại” trong các trường đại học ở thành phố New York.
Chuyên gia phân tích Trung Quốc kiêm cộng tác viên của The Epoch Times Antonio Graceffo cho biết, những người biểu tình ở các trường đại học chịu sự tác động của chiến dịch tâm lý chiến.
Ông cho rằng, tình trạng nghiện các nền tảng truyền thông xã hội, trong đó có TikTok, đưa đến hậu quả là người ta mất khả năng phán đoán và xác định những điều không hợp lý trong khi hình thành quan niệm của họ.
Theo quan điểm của ông, những người biểu tình mong muốn hòa bình và “chấm dứt nạn diệt chủng” tại Gaza nhưng lại không ý thức được rằng Hamas là một nhóm khủng bố đã được xác định và hôm 07/10 Hamas đã tấn công Israel bằng cách sát nhân, cưỡng gian phụ nữ, và bắt giữ con tin. Ngoài ra, ông cũng cho rằng những người biểu tình đang ủng hộ một chính thể không tán thành lối sống thiên tả và cấp tiến của họ.
“Đây là một chiến dịch tâm lý chiến hết sức thành công, đến nỗi họ có thể khiến người ta biểu tình ủng hộ một chính thể mà có thể sẽ sát hại họ,” ông nói với The Epoch Times, ở đây ông đang nói về những người biểu tình tại các trường đại học và theo ông thì câu chuyện chưa dừng lại ở đó.
Ông Diệp cũng cho rằng “rất có thể” những người tham gia biểu tình tại các trường đại học đã bị tác động về mặt nhận thức. “Người ta được đưa cho thông tin rời rạc khiến việc nhận thức của họ về một vấn đề tăng lên ở một mức độ nào đó,” ông nói.
Ông nói thêm rằng, không như những cuộc biểu tình trong thời Chiến tranh Việt Nam, khi Hoa Kỳ có lựa chọn ngừng tham chiến tại một quốc gia khác, thì hiện tại những gì Hoa Kỳ có thể làm đối với chiến sự Israel-Hamas là còn hạn chế.
Ông Diệp cho biết với tư cách là một học giả về quan hệ quốc tế, ông không thấy có giải pháp nào tốt.
“Những người biểu tình phản ứng với các mối quan hệ quốc tế một cách hết sức cảm tính. Mặc dù vậy, họ không biết rằng Hoa Kỳ không thể làm được tất cả mọi việc,” ông nói thêm. Có lẽ ông hiểu được nhiệt huyết của những người biểu tình, nhưng yêu sách thúc đẩy hòa bình tại Gaza của họ đối với chính phủ Hoa Kỳ có lẽ là không cách nào đạt được.
Ông Graceffo cũng nhận thấy rằng những yêu sách của sinh viên căn bản là không thể giải quyết được.
“Trung Quốc đã phóng đại những thông điệp này thông qua những tài khoản ảo và thông qua cơ quan truyền thông của chính họ. Họ đang phóng đại tất cả các vấn đề này đến mức mà càng ngày càng trở nên lớn và không thể giải quyết được nữa,” ông nói.
Theo thời gian, bà Sinclair tại Đại học Tiểu bang Louisiana đã nhận ra “sự hung hãn ngày càng tăng” của ĐCSTQ; chuyển từ việc bảo vệ các chính sách và hình ảnh của mình sang chia rẽ và gây ra tai tiếng cho Hoa Kỳ.
Bà cũng nhận thấy rằng Trung Quốc tăng cường sử dụng các chiêu thức của Nga và “trực tiếp cộng tác cùng nhau để đưa tin.”
Sau khi Global Times đặt nghi vấn về “tiêu chuẩn kép” trong cách Hoa Kỳ giải quyết cuộc biểu tình tại các trường đại học, một tuần sau đó, ấn bản Hoa ngữ của Sputnik News, một hãng thông tấn của Nga, đã đưa lại tin này: “Các chính sách của Mỹ là đạo đức giả; thế giới đã nhận ra bản chất thật của nước này.”
Cẩm An và Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times