Chính phủ TT Biden yêu cầu Ả Rập Xê Út hoãn cắt giảm dầu cho đến 1 tháng sau các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ
Hôm 13/10, chính phủ Tổng thống (TT) Biden xác nhận rằng họ đã yêu cầu Ả Rập Xê Út trì hoãn một cuộc bỏ phiếu cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ cho đến cuộc họp tiếp theo của nhóm này, diễn ra sau các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 của Hoa Kỳ.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết: “Chúng tôi đã trình bày với Ả Rập Xê Út các phân tích cho thấy không có cơ sở thị trường nào để cắt giảm các mục tiêu sản xuất, và họ có thể dễ dàng chờ cho đến cuộc họp OPEC tiếp theo để xem xét mọi việc diễn tiến ra sao.”
Ông đã không trực tiếp nói rằng Tòa Bạch Ốc đã tìm cách để Ả Rập Xê Út, một thành viên chủ chốt của OPEC, trì hoãn cuộc bỏ phiếu cho đến sau các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Nhưng theo trang web của OPEC, cuộc họp tiếp theo của tổ chức này được lên lịch vào ngày 04/12, khoảng một tháng sau các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mà các nhà phân tích cho rằng Đảng Cộng Hòa sẽ giành lại ít nhất là Hạ viện.
Theo ông Kirby, các nước OPEC khác cũng được cho là “đã trao đổi riêng với chúng tôi rằng họ cũng không đồng ý với quyết định của Ả Rập Xê Út, nhưng cảm thấy bị buộc phải ủng hộ phương hướng của Ả Rập Xê Út” cắt giảm sản lượng dầu trong cuộc họp tuần trước. Ông đã không đưa ra bất kỳ ví dụ nào nhưng cho biết Hoa Kỳ sẽ đánh giá lại mối bang giao của mình với chính phủ Ả Rập Xê Út.
Ông nói: “Như Tổng thống đã nói, chúng tôi đang đánh giá lại mối bang giao của chúng ta với Ả Rập Xê Út dựa trên những hành động này, đồng thời sẽ tiếp tục tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy lập trường của họ như thế nào trong việc chống lại cuộc xâm lược của Nga.”
Bình luận nói trên của ông Kirby được đưa ra để đáp lại tuyên bố hôm 12/10 từ Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út bác bỏ các cáo buộc rằng vương quốc này đứng về phía Nga chống lại Hoa Kỳ.
Bộ này cho biết trong một tuyên bố, “Trước tiên, Chính phủ Vương quốc Ả Rập Xê Út muốn bày tỏ sự bác bỏ hoàn toàn những tuyên bố không dựa trên thực tế, và những tuyên bố dựa trên việc mô tả quyết định của OPEC+ mà không xét đến bối cảnh kinh tế thuần túy của quốc gia này. Quyết định này đã được tất cả các quốc gia thành viên của nhóm OPEC+ đồng thuận.”
‘Các hậu quả’
Trong cuộc phỏng vấn với CNN trong tuần này (10-16/10), Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết sẽ có những hậu quả không được tiết lộ đối với việc cắt giảm sản lượng dầu.
“Khi Hạ viện và Thượng viện quay lại, họ sẽ phải làm thế — sẽ có một số hậu quả cho những gì họ đã làm, cùng với Nga,” TT Biden nói với CNN. “Tôi sẽ không đi sâu vào những gì tôi sẽ cân nhắc và những gì tôi dự định. Nhưng sẽ có … sẽ có các hậu quả.”
Kể từ khi TT Biden nhậm chức hồi tháng 01/2021, giá xăng tăng đều đặn trước khi tăng lên mức cao kỷ lục hồi tháng Sáu, khi dữ liệu của AAA cho thấy giá trung bình đạt trên 5 USD/gallon trên toàn quốc.
Tuy từ đó giá đã giảm nhưng lại tăng dần với mức giá hiện tại đạt 3.91 USD hôm 13/10, theo AAA. Giá trung bình một tháng trước là 3.70 USD.
Đảng Cộng Hòa cho biết các chính sách của TT Biden nhắm vào sản xuất dầu mỏ nội địa, phần nào đã khiến giá xăng tăng cao và góp phần vào mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập niên. Dữ liệu do Cục Thống kê Lao động công bố hôm 13/10 cho thấy một chỉ số lạm phát quan trọng, Chỉ số Giá tiêu dùng, đã tăng 8.2% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng Chín.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times