Chính phủ TT Biden thúc đẩy nghị trình ‘bình đẳng chủng tộc’ trong các cơ quan liên bang
Các tổ chức bất vụ lợi hiện đang đào tạo nhân viên chính phủ liên bang để thực hiện nỗ lực thúc đẩy bình đẳng chủng tộc của chính phủ Tổng thống (TT) Biden, như được nêu chi tiết trong các tài liệu được công bố gần đây.
Theo “Hợp tác với các Cơ quan Liên bang để Thúc đẩy Bình đẳng Chủng tộc,” một tài liệu do tổ chức bất vụ lợi Race Forward công bố, cuộc đua mới về nghị trình của chính phủ TT Biden đã khai thủy từ lâu. Các khóa đào tạo, hội họp, và các chính sách mới thúc đẩy bình đẳng chủng tộc — trong đó có khả năng liên kết tiền lương liên bang với các mục tiêu chủng tộc — đã diễn ra ở nhiều cơ quan liên bang.
Hồi tháng 01/2021, một trong những sắc lệnh đầu tiên của Tổng thống Biden, “Về việc Thúc đẩy Bình đẳng Chủng tộc và Hỗ trợ cho các Cộng đồng thiếu thốn,” đã chỉ thị Chính phủ liên bang “theo đuổi một cách tiếp cận toàn diện để thúc đẩy bình đẳng cho tất cả mọi người, bao gồm cả người da màu và những người khác lâu nay bị thiếu thốn, không được coi trọng, và bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nghèo đói và bất bình đẳng kéo dài dai dẳng.”
Trong khi phân biệt chủng tộc đã là một phần của lịch sử Hoa Kỳ kể từ thời Columbus, phân biệt chủng tộc đã là bất hợp pháp theo luật liên bang trong 58 năm qua.
Đạo luật Dân quyền năm 1964 đã cấm phân biệt đối xử dựa trên cơ sở chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính, và nguồn gốc quốc gia, nghiêm cấm đối xử bất bình đẳng trong việc thuê mướn, giáo dục, và nơi ở công cộng. Vô số luật tiểu bang và địa phương cũng cấm phân biệt chủng tộc.
Vậy sắc lệnh của TT Biden có ý nghĩa gì khi theo đuổi “bình đẳng chủng tộc?”
Theo Race Forward, tổ chức bất vụ lợi ở New York đào tạo nhân viên liên bang, “Bình đẳng chủng tộc là một quá trình loại bỏ sự chênh lệch về chủng tộc và cải thiện kết quả cho tất cả mọi người.” Trang web của Race Forward cho biết, mục tiêu của bình đẳng chủng tộc là tạo ra “sự thay đổi có thể đo lường được trong cuộc sống của người da màu.”
Theo một video chiến dịch tranh cử của Phó tổng thống Kamala Harris được đăng trên Twitter hôm 01/11/2020: “Đó là cung cấp cho mọi người các nguồn lực và sự hỗ trợ mà họ cần để tất cả có thể được bình đẳng và sau đó cạnh tranh bình đẳng. Đối xử bình đẳng có nghĩa là tất cả chúng ta cuối cùng đều ở cùng một nơi.”
“Nghe giống như Karl Marx,” Dân biểu bang Wyoming Liz Cheney viết trên Twitter vào thời điểm đó, đáp lại video của bà Harris. “Một thế kỷ của lịch sử đã cho thấy con đường đó dẫn đến đâu. Tất cả chúng ta đều ủng hộ cơ hội bình đẳng, nhưng bình đẳng về kết quả do chính phủ thực thi là chủ nghĩa Marx.”
Trong một cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc sau khi ông Biden ký sắc lệnh, bà Susan Rice, giám đốc Hội đồng Chính sách Nội địa Hoa Kỳ, nhấn mạnh phạm vi rộng lớn của việc thúc đẩy bình đẳng chủng tộc này, gọi đó là “một sáng kiến toàn chính phủ chưa từng có để đưa bình đẳng chủng tộc vào các chính sách, chương trình và tổ chức liên bang.”
Bà Rice nói: “Mọi cơ quan sẽ đặt bình đẳng vào trung tâm của hoạt động khuyến khích công chúng tham gia vào việc thiết lập nghị trình, thiết kế chính sách và thực hiện chương trình của họ.”
Ông Chiraag Bains, Phó giám đốc của Hội đồng Chính sách Nội địa về Bình đẳng và Công bằng Chủng tộc cho biết: “Cho đến nay chưa ai nỗ lực thực một chương trình bình đẳng ở quy mô này.”
Theo Race Forward, sắc lệnh của ông Biden “đã dẫn đến việc phát triển các kế hoạch hành động bình đẳng chủng tộc trên 90 cơ quan liên bang,” với dự án thí điểm “tập trung vào Bộ Phát triển Nhà ở và Đô thị (HUD) trong giai đoạn thực hiện.”
Các chương trình bao gồm “các phòng thí nghiệm học tập bình đẳng chủng tộc,” nhằm mục đích “hỗ trợ nhân viên khám phá… vai trò của chính phủ liên bang trong việc thúc đẩy bình đẳng chủng tộc,” và lập ra “các kế hoạch hành động bình đẳng chủng tộc.”
Tất cả đều là một phần trong “Sáng kiến Liên bang để Quản lý đối với Bình đẳng Chủng tộc” của Race Forward, “nhằm cung cấp hỗ trợ chiến lược, cơ hội học tập, các khuôn khổ và công cụ để thay đổi thông qua đối thoại liên tục với các cơ quan liên bang. Mục tiêu của chương trình này là tạo ra sự thay đổi bền vững cho sự bình đẳng chủng tộc trong cơ cấu chính phủ liên bang, chính sách và thực hành của chính phủ liên bang.”
Trong những tài liệu chỉ dẫn, “Tổ chức cho Bình đẳng Chủng tộc Trong Chính phủ Liên bang,” Race Forward nêu chi tiết một số chiến lược để thúc đẩy nghị trình này.
“Một số kỹ thuật hiệu quả là: thiết lập các quy tắc ứng xử mới tập trung vào bình đẳng; bao gồm kỹ năng bình đẳng chủng tộc trong mô tả công việc; và tích hợp các tiêu chí bình đẳng chủng tộc vào kỳ vọng kế hoạch làm việc, cũng như đánh giá hiệu suất gắn liền với việc thăng chức và tăng lương xứng đáng hoặc trả thêm thời gian nghỉ,” tài liệu viết.
Nói tóm lại, Race Forward đề xuất kết nối lương công nhân liên bang với việc đạt được các mục tiêu bình đẳng chủng tộc.
Race Forward không phải là một tổ chức nhỏ. Theo hồ sơ IRS của mình, Race Forward có ngân sách 21 triệu USD hồi năm 2020, nhận được nhiều khoản tài trợ hàng triệu USD từ các quỹ lớn bao gồm Quỹ Bill và Melinda Gates, Quỹ Ford và Quỹ Open Society của ông George Soros. Theo dữ liệu tài chính của Hội đồng Quốc gia của các Tổ chức Bất vụ lợi, những doanh thu này đưa Race Forward vào top 2% của tất cả các tổ chức từ thiện bất vụ lợi ở Hoa Kỳ.
Race Forward không đơn độc trong việc nhận được sự ủng hộ của các nhà tài trợ giàu có. Các tổ chức bất vụ lợi về bình đẳng chủng tộc đã được hưởng lợi từ sự gia tăng lợi ích to lớn từ các tổ chức. Ví dụ, hồi năm 2019 và 2020, tỷ phú MacKenzie Scott, vợ cũ của người sáng lập Amazon Jeff Bezos, đã quyên góp hơn 12 tỷ USD cho 1,257 tổ chức, trong đó có nhiều tổ chức chống phân biệt chủng tộc.
Với ngân sách kếch xù và mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với chính phủ TT Biden, Race Forward giờ đây dường như đã sẵn sàng để thúc đẩy “hành trình dài hạn nhằm chuyển đổi các cơ quan và toàn bộ chính phủ liên bang.”
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times