Trung Quốc: Hơn 100,000 trung tâm ‘văn minh’ để khắc sâu tuyên truyền của ĐCSTQ
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đang xây dựng một mạng lưới rộng lớn các trung tâm giáo dục chính trị và văn hóa trên khắp đất nước với mục đích tiếp cận mọi ngôi làng và khu phố ở Trung Quốc với tầm nhìn về chủ nghĩa xã hội của ông. Hơn 100,000 trung tâm như vậy đã được thành lập kể từ khi dự án được khởi động vào năm 2018, theo một báo cáo được công bố hôm 31/01 của Hiệp hội Á Châu bất vụ lợi có trụ sở tại New York.
Được gọi là “Trung tâm Thực hành Văn minh Kỷ Nguyên Mới”, những cơ sở này là một phần trong nỗ lực đưa hệ tư tưởng chính thức của ông Tập – được gọi là “Tư tưởng Tập Cận Bình”– đến trực tiếp với công dân Trung Quốc, theo báo cáo được đăng trên tạp chí ChinaFile của Hiệp hội Á Châu này.
Báo cáo cho biết: “Các trung tâm này được thiết kế để cung cấp sự kết hợp giữa các dịch vụ xã hội và truyền bá chính trị, nhằm thu hút công dân Trung Quốc đến gần với Đảng hơn bao giờ hết.”
Ít được biết đến bên ngoài Trung Quốc, những trung tâm này nhanh chóng trở thành một phần quan trọng trong dự án tuyên truyền nội bộ của ĐCSTQ, tiến tới các mục tiêu “tuyên truyền cho quần chúng, giáo dục quần chúng, lãnh đạo quần chúng, phục vụ quần chúng”, theo báo cáo.
Các trung tâm này được đặt ở cả các vùng nông thôn và đô thị, thực hiện kế hoạch của ĐCSTQ cho cái mà ông Tập Cận Bình gọi là “kỷ nguyên mới” trong lịch sử Trung Quốc.
“Nghị trình của các trung tâm này bao gồm việc định hướng người dân thành những công dân ‘mới’ với những thói quen ‘mới’, và thúc đẩy học thuyết được gọi là ‘Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội với Đặc sắc Trung Quốc cho kỷ nguyên mới’ hằn sâu vào tâm hồn và tư tưởng của quần chúng,” báo cáo viết.
Mỗi trung tâm cung cấp hướng dẫn về nhiều chủ đề khác nhau, từ sức khỏe và vệ sinh đến nấu ăn và lên kế hoạch tiệc tùng ngày nghỉ. Các hoạt động khác bao gồm tổ chức dọn dẹp khu phố, mang thức ăn đến cho người nghèo và hỗ trợ người già.
Tuyên truyền chính trị cũng là một phần quan trọng trong nghị trình của các trung tâm này. Điều đó bao gồm các buổi trình chiếu các bộ phim yêu nước, các bài giảng về học thuyết Tập Cận Bình, các lớp học về quyền công dân tốt, và các cuộc thảo luận về những thành tựu của ĐCSTQ.
Báo cáo viết: “Bằng cách đan xen các dịch vụ thực tiễn với lý thuyết của Đảng, ĐCSTQ đang tìm cách tái khẳng định mình như một nguồn hạnh phúc và ý nghĩa trong cuộc sống của cá nhân và tập thể.”
‘Kỷ nguyên mới’
“Các Trung tâm Thực hành Văn minh Kỷ nguyên Mới” bắt nguồn từ một bài diễn văn năm 2013 của ông Tập trong vai trò là lãnh đạo ĐCSTQ, trong đó ông nói rằng sự phát triển của Trung Quốc đã bước vào một “kỷ nguyên mới”. Ông Tập mô tả kỷ nguyên mới này là bước tiếp theo trong quá trình chuyển đổi Trung Quốc từ một quốc gia nông nghiệp nghèo nàn thành cường quốc công nghiệp trên thế giới.
Sau nhiều thập niên trở nên giàu có như công xưởng của thế giới, ông Tập đã tập trung chú ý vào các vấn đề nội địa của Trung Quốc để giải quyết nhiều vấn đề kinh tế và xã hội phát sinh do sự phát triển nhanh chóng. Theo các nhà quan sát, một mâu thuẫn lớn của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc là sự mất cân bằng lớn về giàu nghèo hiện hữu giữa các thành phố ven biển và nông thôn.
Xóa bỏ sự bất bình đẳng kinh tế này và xây dựng cái mà ông Tập gọi là “thịnh vượng chung” là những ưu tiên mới của chính quyền Trung Quốc. Điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn so với sự nhấn mạnh trong quá khứ của ĐCSTQ về tăng trưởng kinh tế nhanh chóng dựa trên xuất cảng. Trong khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã đưa hàng trăm triệu người Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo, nước này cũng đã tạo ra nhiều triệu phú và tỷ phú hơn bất kỳ quốc gia nào trên trái đất ngoài Hoa Kỳ – ở một quốc gia nơi mà 600 triệu người sống với mức dưới 1,000 nhân dân tệ (khoảng 157 USD) mỗi tháng.
Khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng của Trung Quốc là nguyên nhân khiến cho chế độ này lúng túng và là mối đe dọa nghiêm trọng tiềm tàng đối với tính hợp pháp của ĐCSTQ.
“Kể từ năm 2017, chính quyền của ông Tập Cận Bình đã xác định sự pha trộn đầy biến động giữa bất bình đẳng kinh tế xã hội và những kỳ vọng ngày càng tăng của người dân là ‘mâu thuẫn chính’ hiện tại của đất nước – một thuật ngữ được sử dụng trong lý thuyết của Đảng để dán nhãn cho nguyên nhân gốc rễ của các tệ nạn xã hội mà các nhà lãnh đạo đất nước phải giải quyết, hoặc đối mặt với nguy cơ bị lật đổ,” báo cáo cho hay.
Chế độ của ông Tập không chỉ quan tâm đến tăng trưởng kinh tế mà còn phải giải quyết những bất bình đẳng phát sinh từ sự tăng trưởng đó. Và “Trung tâm Thực hành Văn minh Kỷ nguyên Mới” của ĐCSTQ được coi là trọng tâm của nỗ lực đó, cả trong thực tế và trong tư tưởng của những công dân, những người sẽ được trao tặng một cánh tay hữu ích, hào phóng và tập trung vào địa phương của đảng cầm quyền.
Truyền cảm hứng từ chủ nghĩa Mao
Theo báo cáo, hoạt động của các trung tâm này phụ thuộc rất nhiều vào công việc của các tình nguyện viên, vốn chủ yếu lấy từ các đảng viên ĐCSTQ: 80% đảng viên cộng sản dự kiến sẽ tình nguyện dành thời gian cho các hoạt động của trung tâm địa phương của họ. Công dân địa phương cũng được khuyến khích làm tình nguyện viên, với chính phủ đặt ra mục tiêu là thuyết phục 13% cư dân tình nguyện dành thời gian của họ.
Loại hoạt động tình nguyện dưới sự chỉ thị của nhà nước này là một phần quan trọng trong nỗ lực tuyên truyền, theo giáo sư Minh Hồ (Ming Hu) của Đại học Nam Kinh, người được trích dẫn trong báo cáo.
Ông nói: “Các dịch vụ tình nguyện thu hút sự quan tâm của người dân đối với sự tham gia của cộng đồng… góp phần vào sự ổn định xã hội và tính hợp pháp của nhà nước.”
Kể từ thời Mao Trạch Đông, nhà lãnh đạo đầu tiên của chế độ này, ĐCSTQ đã có một truyền thống là thường xuyên đưa ra một tầm nhìn mới cho tương lai lâu dài của Trung Quốc. Tầm nhìn này được truyền đạt đến các quan chức của Đảng và công chúng thông qua các khẩu hiệu, ấn phẩm tuyên truyền và các chương trình mới nhằm cố gắng định hình sự đồng thuận quốc gia và đưa đất nước hướng tới các mục tiêu mới.
Đối với biên tập viên cao cấp của ChinaFile, bà Jessica Batke, tác giả của báo cáo này, các trung tâm mới đó rất phù hợp với truyền thống này và gợi nhớ đến các “đơn vị làm việc” thời Mao – các tổ chức kết hợp tuyên truyền cộng sản với kiểm soát lao động và các dịch vụ xã hội.
Các đơn vị làm việc của Mao đã kết nối trực tiếp mọi công dân với Đảng Cộng Sản quốc gia và thu hút mọi công nhân thực hiện chính sách quốc gia của ĐCSTQ ở cấp địa phương.
Bà Batke viết: “Theo nhiều cách, các Trung tâm Thực hành của Nền Văn minh Kỷ nguyên Mới không có vẻ gì mới mẻ. Họ đang tiếp tục một nỗ lực kéo dài hàng thập niên để chăm nom sức khỏe tinh thần của quần chúng … để khắc sâu một loạt các giá trị xã hội chủ nghĩa được chia sẻ.”
Liệu ông Tập có thể tạo ra Trung Quốc mới của mình và xây dựng một công dân Trung Quốc mới theo cách này hay không sẽ không thể biết được trong một thời gian dài.
“Những năm tới sẽ cho biết liệu những trung tâm này có thể bảo đảm ‘sự tiến bộ tinh thần’ của người dân hay không khi họ bị kiểm soát bởi ‘một đảng vô thần chủ yếu quan tâm đến sự cứu rỗi của chính mình,’” báo cáo viết.
Ông Lorenzo Puertas là một phóng viên tự do đưa tin về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc cho The Epoch Times. Ông là một người học hỏi lâu năm về lịch sử và văn hóa Trung Quốc, có bằng y học cổ truyền Trung Quốc và bằng triết học tại Đại học California, Berkeley.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: