Chính phủ TT Biden sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-các Quốc đảo Thái Bình Dương ‘đầu tiên’
Chính phủ Tổng thống (TT) Biden sẽ đẩy mạnh việc đảo ngược ảnh hưởng đang bành trướng của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-các Quốc đảo Thái Bình Dương “đầu tiên” được tổ chức tại Hoa Thịnh Đốn vào ngày 28/09 và 29/09 tới.
Hội nghị này nhằm mục đích mở rộng quan hệ đối tác hiện có giữa Hoa Kỳ và các Quốc đảo Thái Bình Dương cũng như các vùng lãnh thổ mà trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, “một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” — cùng với các mục tiêu liên quan khác — đang được thực hiện.
Theo một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc: “Hội nghị thượng đỉnh sẽ thể hiện mối quan hệ đối tác sâu sắc và lâu dài của Hoa Kỳ với các quốc đảo Thái Bình Dương cũng như khu vực Thái Bình Dương nơi được củng cố bởi lịch sử, các giá trị chung, và mối quan hệ giữa người với người.”
“Hội nghị thượng đỉnh này sẽ phản ánh sự hợp tác mở rộng và sâu sắc hơn của chúng ta về các vấn đề chính như biến đổi khí hậu, ứng phó với đại dịch, phục hồi kinh tế, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường và thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.”
Hội nghị diễn ra sau khi Bắc Kinh và Quần đảo Solomon ký kết hiệp ước an ninh hồi tháng Tư. Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, và Nhật Bản đã phản đối mạnh mẽ việc này.
Đáp lại, ông Kurt Campbell, điều phối viên Tòa Bạch Ốc phụ trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính phủ TT Biden, cho biết Hoa Kỳ sẽ “đẩy mạnh” nỗ lực này của mình bằng cách hỗ trợ nhiều sáng kiến trên khắp Thái Bình Dương.
Ông nói với Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế hôm 18/09 rằng: “Đó không chỉ là một hoặc hai hội nghị — đây là một nỗ lực rất bền vững sẽ có sự tham gia của hầu hết tất cả các nhân vật chủ chốt trong chính phủ Hoa Kỳ, những người quan tâm đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
“Trong vài năm qua, chúng tôi đã thấy một Trung Quốc nhiều tham vọng hơn đang tìm cách phát triển quân sự và những lĩnh vực tương tự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tôi nghĩ rằng điều đó đã gây ra một số lo lắng với các đối tác như Úc, New Zealand, thậm chí cả các quốc gia trong khu vực này cũng như toàn bộ khu vực.”
Hoa Kỳ cũng sẽ tìm cách tổ chức hợp tác quân sự ở cấp độ lớn hơn với chính phủ các quốc đảo Thái Bình Dương.
Sự hiện diện của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Ông Campbell cho biết: Các chương trình viện trợ mạnh mẽ và Quân đoàn Hòa bình ban đầu là những yếu tố chính trong sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, nhưng trong những năm qua những chương trình này đã bị để cho “hao mòn dần” theo thời gian.
“Cũng có một sự công nhận sâu sắc rằng trong quá khứ, có lẽ chúng ta đã ít chú ý đến những nơi quan trọng này hơn chúng ta nên làm. Và tôi nghĩ rằng trung thực về điều đó là điều quan trọng,” ông nói thêm. “Và bây giờ chúng tôi đang trong quá trình xây dựng lại tất cả những thứ đó và nhiều hơn thế nữa.”
Ông Patricia O’Brien, giáo sư lịch sử trong Chương trình Nghiên cứu Á Châu tại Đại học Georgetown, nói rằng trước đây Hoa Kỳ đã đặt tiền đề cho các nỗ lực ở Thái Bình Dương về cạnh tranh địa chiến lược “[Chiến tranh Lạnh],” và một khi mối đe dọa từ Liên Xô không còn, Hoa Kỳ không cần ở Thái Bình Dương nữa, tờ Politico đưa tin.
“[Điều đó] đã tạo ra những cơ hội lớn cho Trung Quốc khi họ sẵn sàng mở rộng sang Thái Bình Dương vào những năm 2000,” ông O’Brien nói.
Dân biểu Ed Case (Dân chủ-Hawaii), đồng chủ tịch của Nhóm Quốc hội về Quần đảo Thái Bình Dương nói rằng việc đóng cửa các đại sứ quán và ngừng hoạt động của Quân đoàn Hòa bình là điều “không khôn ngoan.”
Trong khi đó, những nỗ lực của Bắc Kinh để lấp đầy khoảng trống đó — kèm theo các điều kiện — đã đem lại một “sự lựa chọn khó khăn” cho quần đảo Thái Bình Dương.
Ông Campbell nói thêm rằng mặc dù hệ thống của Hoa Kỳ không cho phép “các cam kết căn bản” cho chính phủ tiếp theo, ông tin rằng các chính sách tốt nhất là những chính sách chia sẻ sự đồng thuận của lưỡng đảng.
“Và tôi có thể nói, ở một cấp độ chung, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực mà quý vị có sự liên kết đáng kể giữa Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ — không phải tất cả các thành viên Đảng Cộng Hòa và cũng không phải tất cả các thành viên Đảng Dân Chủ — nhưng quý vị có thể thấy có sự liên kết nào đó,” ông nói.
Bình luận của ông được đưa ra khi Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP) có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn công bố một báo cáo nói rằng Hoa Kỳ nên đầu tư vào các Quốc gia Liên kết Tự do (FAS) — Palau, Quần đảo Marshall, và Micronesia — để hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh.
“Bắc Kinh coi các quốc đảo Thái Bình Dương là cơ hội đầu tư thấp, phần thưởng cao để Trung Quốc ghi điểm những chiến thắng mang tính biểu tượng và chiến thuật trong nghị trình toàn cầu của mình,” báo cáo nêu rõ.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times