Chính phủ TT Biden chấp thuận bán hỏa tiễn, vũ khí trị giá 323 triệu USD cho Phần Lan
Hôm thứ Hai (28/11), chính phủ Tổng thống (TT) Biden tuyên bố đã chấp thuận một thương vụ tiềm năng nhằm bán hỏa tiễn và vũ khí cho Phần Lan với trị giá ước tính 323.3 triệu USD.
Thông báo này được đưa ra sau khi Phần Lan và Thụy Điển tìm cách gia nhập NATO hồi đầu năm nay sau khi Nga xâm lược Ukraine, từ đó gây ra cuộc chiến đang tiếp diễn trong khu vực này.
Một thông cáo trên trang web của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) cho biết, “Bộ Ngoại giao đã đưa ra quyết định phê chuẩn thương vụ Bán Khí tài Quân sự Ngoại quốc tiềm năng cho Chính phủ Phần Lan với các hỏa tiễn chiến thuật AIM 9X Block II, Vũ khí Tầm xa Liên hợp AGM-154 (JSOW) và các thiết bị liên quan.”
“Thương vụ được đề nghị này sẽ cải thiện năng lực vũ khí không đối không và không đối đất của Phần Lan, đồng thời sẽ tác động tích cực đến quan hệ của Hoa Kỳ với các quốc gia ở khu vực Bắc Âu,” thông báo nói trên cho biết. “Phần Lan dự định sử dụng các thiết bị và dịch vụ quốc phòng này cho hạm đội chiến đấu cơ của mình.”
Thông báo cho biết, thương vụ được đề nghị này cũng sẽ hỗ trợ chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ “bằng cách cải thiện an ninh của một đối tác đáng tin cậy, một lực lượng quan trọng cho sự ổn định chính trị và tiến triển về kinh tế ở Âu Châu.”
“Điều quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ là hỗ trợ Phần Lan phát triển và duy trì một khả năng tự vệ mạnh mẽ và sẵn sàng.”
Nhìn chung, thương vụ này bao gồm 40 hỏa tiễn chiến thuật, 48 Vũ khí Tầm xa Liên hợp (Joint Standoff Weapon), một loạt các thiết bị bổ sung, kèm theo đó là hỗ trợ đào tạo và kỹ thuật.
DSCA, hoạt động như một bộ phận của Bộ Quốc phòng, đã đưa ra chứng nhận cần thiết để thông báo cho Quốc hội về thương vụ tiềm năng này. Các nhà lập pháp sẽ cần phê chuẩn thương vụ này nhưng có thể việc phê chuẩn này chỉ là một hình thức.
Theo thông báo nói trên, thương vụ được đề nghị này sẽ không có bất kỳ tác động bất lợi nào đối với tính sẵn sàng phòng thủ của Hoa Kỳ.
Các nhà thầu chính sẽ là Raytheon Missiles and Defense, có trụ sở tại Tucson, Arizona. Được biết, thương vụ tiềm năng này không có các thỏa thuận về việc đền bù được đề nghị.
Luật quy định phải có thông báo nói trên về thương vụ tiềm năng này.
Không phải thành viên của NATO
Phần Lan giáp với Nga ở phía đông, còn Thụy Điển có chung biên giới ở phía tây với nước này. Đây là hai trong số sáu quốc gia thành viên Liên minh Âu Châu không phải là thành viên NATO.
Giới lãnh đạo NATO đã chính thức mời hai quốc gia nói trên gia nhập hôm 29/06. Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã nói rằng Moscow thấy “không có vấn gì” nếu hai nước này gia nhập NATO. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng Điện Kremlin sẽ đáp trả tương xứng nếu quân đội và cơ sở hạ tầng được triển khai ở hai quốc gia Bắc Âu này.
Trong năm nay, Hoa Kỳ đã thông qua việc bán vũ khí trị giá hàng triệu dollar cho các nước Âu Châu đang nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ của NATO chống lại Nga.
Ngay trước khi Nga xâm lược Ukraine hồi cuối tháng Hai, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phê chuẩn thương vụ tiềm năng trị giá 6 tỷ USD để bán 250 xe tăng, cũng như các xe cộ và đạn dược khác cho Ba Lan.
Hồi tháng Bảy, bộ này đã phê chuẩn một thương vụ tiềm năng khác bán các bệ phóng hỏa tiên, hệ thống hỏa tiên, và các thiết bị khác trị giá ước tính 500 triệu USD cho Estonia.
Đầu tháng Mười Một, Na Uy đã ký một hợp đồng mua bán với Hoa Kỳ trị giá 500 triệu USD để trang bị hỏa tiễn trên chiến đấu cơ F-35. Những hỏa tiễn này được dự kiến đóng vai trò là vũ khí chính để bảo vệ không phận của Na Uy trong vài thập niên tới.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times