Chính phủ mới của Hồng Kông gồm 4 quan chức bị Hoa Kỳ trừng phạt
Trưởng đặc khu sắp tới của Hồng Kông, người bị Hoa Kỳ trừng phạt, đã công bố nội các mới trước lễ nhậm chức sẽ diễn ra vào ngày 01/07 của mình, bao gồm ba nhà lập pháp thân Bắc Kinh cũng bị trừng phạt vì làm xói mòn quyền tự trị của Hồng Kông.
Năm 2020, Hoa Thịnh Đốn đã trừng phạt một số quan chức của Hồng Kông sau khi họ giúp thông qua các luật nhằm mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với xã hội Hồng Kông và các cơ quan của thành phố này, bao gồm cả Trưởng đặc khu sắp mãn nhiệm Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cùng người kế nhiệm của bà, ông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu).
Ông Lý đã bổ nhiệm các quan chức bị trừng phạt sau đây — Tổng thư ký hành chính Trần Quốc Cơ (Eric Chan), thư ký phụ trách các vấn đề đại lục và hiến pháp Tằng Quốc Vệ (Erick Tsang), và giám đốc an ninh Đặng Bỉnh Cường (Chris Tang).
Truyền thông địa phương The Standard đưa tin, hôm Chủ Nhật (19/06) ông Lý nói với các phóng viên rằng ông sẽ ít bận tâm đến các lệnh trừng phạt như vậy, gọi chúng là cách Hoa Kỳ đe dọa các quan chức Hồng Kông.
“Một số quốc gia quen bắt nạt đã cố gắng đe dọa các quan chức [Hồng Kông] bằng các biện pháp như trừng phạt, đặc biệt là sau khi âm mưu phá hoại an ninh quốc gia của họ thất bại bởi các biện pháp mà chúng tôi đã khai triển,” ông Lý nói. “Điều này khiến chúng tôi quyết tâm hơn trong việc tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia của mình.”
Ông Lý, cựu thư ký phụ trách an ninh của Hồng Kông, đã bị Hoa Kỳ trừng phạt hồi năm 2020 vì vai trò của ông trong việc thực thi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông đã được sử dụng để bắt giữ những người chống đối Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và những người ủng hộ dân chủ, và giải tán các nhóm xã hội dân sự.
Tháng trước, ông được một ủy ban bầu cử thân Bắc Kinh bầu làm trưởng đặc khu tiếp theo của thành phố sau khi giành được phiếu bầu của 1,416 thành viên trong một cuộc thăm dò mà ông là ứng cử viên duy nhất. Tám thành viên đã bỏ phiếu không ủng hộ ông.
Ông Lý sẽ tuyên thệ nhậm chức lãnh đạo mới của Hồng Kông hôm 01/07, kế nhiệm bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, người sắp kết thúc nhiệm kỳ 5 năm của mình.
Theo Hiệp hội Ký giả Hồng Kông, một số hãng thông tấn độc lập địa phương và quốc tế đã không được mời tham dự lễ nhậm chức của ông Lý. Họ cho biết các sự kiện chính thức trước đó đã mở cửa cho giới truyền thông mà không yêu cầu giấy mời.
Ông Steven Butler của Ủy ban Bảo vệ Ký giả cho biết trong một tuyên bố, “Việc cấm một số hãng thông tấn tự do đưa tin về các sự kiện như vậy làm giảm uy tín của trưởng đặc khu Lý sắp tới, người đã nhiều lần nói rằng Hồng Kông được hưởng quyền tự do báo chí.”
Ông Lý đã cam kết sẽ đoàn kết thành phố và duy trì vị thế quốc tế của Hồng Kông như một trung tâm tài chính cởi mở và cạnh tranh hơn.
Ông cho rằng luật an ninh quốc gia của ĐCSTQ là cần thiết để khôi phục “sự ổn định” sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ kéo dài năm 2019, và để bảo vệ Hồng Kông khỏi các mối đe dọa từ nội địa và ngoại quốc.
Rất ít trong số 7.4 triệu người của thành phố có bất kỳ quyền lên tiếng nào trong việc lựa chọn người lãnh đạo của họ, bất chấp những lời hứa của ĐCSTQ rằng một ngày nào đó sẽ trao “nền dân chủ” hoàn toàn cho thuộc địa cũ của Anh, nơi đã được trao trả lại cho sự cai trị của Trung Quốc vào năm 1997.
Reuters contributed to this report.
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.