Chính phủ Hoa Kỳ: Một ngân hàng tham nhũng không thể đổ vỡ
Hồi tuần trước (25-31/07), hầu hết chúng ta hầu như không chú ý khi Quốc hội, hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của một đảng, đã thông qua hai đạo luật khổng lồ với mức giá 730 tỷ USD. Chúng ta đọc được các nhan đề — chuyển đổi sang năng lượng xanh và hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn — nhưng không phải là các chi tiết đơn giản là vì có quá nhiều chi tiết.
Các thành viên của Quốc hội không đọc các dự luật này vì chúng quá dài, nhưng các phóng viên cũng không đọc các thời hạn. Các phiếu bầu hoàn toàn dựa vào những lợi ích được phân bổ cho các nhóm lợi ích cụ thể do vị chính trị gia được chất vấn đại diện. Kết quả là, chúng ta hầu như không có thông tin nào về những gì mà những người này đang thực sự làm với tiền của chúng ta.
Một phần của câu chuyện ở đây là về sự ủng hộ của các nghiệp đoàn lao động. Tại sao? Trong khu vực tư nhân, số thành viên đã giảm trong nhiều thập niên và hiện chỉ ở mức một con số. Nhưng trong chính phủ, tính nghiệp đoàn vẫn còn rất cao, và còn chủ động tham gia chính trị. Họ là những mạnh thường quân lớn cho Đảng Dân Chủ. Vì vậy, họ đang cần có sự hoàn vốn và hỗ trợ nhiều hơn từ phía chính phủ để giữ cho họ sống sót và duy trì hoạt động trao đổi lợi ích qua lại này.
Tỷ lệ tham gia nghiệp đoàn
Tạp chí Wall Street Journal giải thích làm thế nào mà những gì được cho là một dự luật năng lượng xanh thực ra lại là một dự luật trợ cấp cho nghiệp đoàn:
“Dự luật dài 725 trang này có nhiều nội dung xanh có lợi cho các nghiệp đoàn và các dự án tọa lạc ở các khu vực cụ thể. Hầu hết các khoản tín thuế cho các dự án năng lượng tái tạo hào phóng hơn gấp năm lần nếu các nhà thầu trả ‘mức lương hiện hành’ — tức là mức lương theo quy mô nghiệp đoàn — và sử dụng những người lao động tham gia các chương trình học việc. Các chương trình này thường do các nghiệp đoàn tổ chức.”
Hơn nữa:
“Một ví dụ khác của chủ nghĩa thiên vị nghiệp đoàn là khoản tín thuế cho việc hấp thụ carbon từ quá trình sản xuất hoặc đốt nhiên liệu hóa thạch. Khoản tín thuế này hiện là 35 USD cho mỗi tấn CO2 được thu giữ và lưu trữ, bằng khoảng một nửa chi phí hòa vốn đối với hầu hết các dự án. Thỏa thuận Manchin-Schumer cắt giảm tín thuế căn bản xuống còn 17 USD/tấn nhưng tăng lên 85 USD/tấn cho các dự án đáp ứng các tiêu chuẩn lao động của dự luật.”
Đó là một phần chính của câu chuyện nhưng còn nhiều hơn thế. Tôi biết ơn Thẩm phán Glock của Viện Cicero vì đã giải thích những gì đang xảy ra với ít nhất một phần chi tiêu này. Chúng ta đang có chính phủ thực hiện các mô hình cho vay giống hệt như các mô hình cho vay đã khiến ngành tài chính gặp khó khăn như vậy hồi năm 2008. Họ đã cho vay mà không đánh giá các rủi ro thích hợp, và bao gồm các sản phẩm đầu tư pha trộn rủi ro xấu với rủi ro tốt, đến mức không ai có thể phân rõ sự khác biệt.
Đó chính xác là những gì mà các dự luật được Đảng Dân Chủ thông qua đang làm cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn máy điện toán và năng lượng xanh.
Ông Glock giải thích:
“Đạo luật Giảm Lạm Phát là ví dụ mới nhất về xu hướng đã biến chính phủ Hoa Kỳ thành một ngân hàng khổng lồ. Hiện Hoa Kỳ cho vay hoặc bảo lãnh các khoản vay với tổng trị giá hơn 5 ngàn tỷ USD trong các lĩnh vực bao gồm nhà ở, giáo dục, kinh doanh nhỏ, năng lượng, cứu trợ thiên tai, và giao thông vận tải. Con số này không bao gồm tài sản của các tập đoàn bán công như Fannie Mae, Freddie Mac, và các doanh nghiệp chính phủ tài trợ ít được biết đến hơn, với tổng số hơn 6 ngàn tỷ USD. Ngân hàng lớn nhất thế giới, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, có tài sản hơn 5 ngàn tỷ USD một chút; còn JPMorgan Chase & Co., công ty lớn nhất của Hoa Kỳ, thì chưa đến 4 ngàn tỷ USD.”
“Chính phủ liên bang dường như đã trở thành ngân hàng lớn nhất thế giới. Sao lại có thể xảy ra chuyện này? Trong một thế kỷ qua, Quốc hội nhận ra rằng họ có thể tạo ra các chương trình để thu hút các đồng minh ở thời điểm hiện tại và hấp thụ các chi phí nhiều năm hoặc nhiều thập niên sau khi các khoản vay vỡ nợ.”
Vỡ nợ trong các chương trình như vậy đã trở thành một đường hướng kinh doanh bình thường. Ông Glock đề cập đến Solyndra, một công ty năng lượng mặt trời đã vỡ nợ 535 triệu USD các khoản vay được cung cấp vào năm 2009, cộng với Công ty Khí hóa Than Great Plains bị vỡ nợ 1.5 tỷ USD vào năm 1985 và khoản cứu trợ 188 tỷ USD dành cho Fannie và Freddie sau năm 2008.
Hơn nữa, “khi các khoản cho vay không vỡ nợ, Quốc hội đã nhận thấy những lời thỉnh cầu chính trị của những người đi vay là không thể cưỡng lại được.” Trong trường hợp này, chúng ta đang nói về hàng trăm tỷ trong khoản cho vay mới, mà sau đó được cân nhắc để không chi tiêu như vậy, do kỳ vọng trả nợ trong tương lai, điều mà có thể xảy ra hoặc có thể không.
Điều này khiến các cơ quan chính phủ có danh mục dư nợ khổng lồ trên sổ sách của họ. Điều đó càng tạo ra những vấn đề to lớn cho sự cải tổ trong tương lai.
Giả sử rằng chúng ta sẽ có một Quốc hội có tư tưởng cải tổ thực sự diễn ra sau tháng Mười Một cộng với một vị tổng thống quan tâm đến trách nhiệm tài khóa hai năm sau đó. Chính xác thì những nhà cải tổ như vậy sẽ làm gì với một danh mục cho vay trị giá 5 ngàn tỷ USD đã được cam kết và đang được khai triển khắp các cơ cấu kinh tế, dù là theo cách lãng phí hay không? Quốc hội có thể thu hồi các khoản vay như vậy ngay lập tức không? Không. Thiệt hại đã gây ra rồi. Các vụ vỡ nợ xuất hiện sau 5 đến 10 năm. Và rồi chính phủ phải đối mặt với vấn đề xóa nợ hoặc cứu trợ họ.
Những thiệt hại mà Quốc hội hiện tại gây ra cho nền kinh tế tương lai của Hoa Kỳ thực sự là khôn lường. Thực sự, viễn cảnh này rất khủng khiếp. Để xát thêm muối vào vết thương, họ còn đưa ra những cái tên phi lý cho dự luật, chẳng hạn như Đạo luật Giảm Lạm Phát, khi tác động thực tế của luật này là sẽ tạo ra các khoản nghĩa vụ tài chính không thể lường trước được mà chỉ phụ thuộc vào khả năng tạo ra vô hạn tiền mới và tín dụng từ hư không của Cục Dự trữ Liên bang.
Chính quyền lực này đang cho phép chính phủ làm hao mòn năng suất tư nhân theo cách tương đương với việc quốc hữu hóa dần đời sống kinh tế. Các cuộc phong tỏa ồ ạt mở rộng xu hướng chung này. Điều đáng chú ý hơn là chuyện này đang diễn ra ở một quốc gia được thành lập dựa trên ý tưởng về chính phủ tinh gọn và tự do tối đa.
Nợ liên bang tính theo phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã lên tới 125%, sau khi con số này vừa vượt qua mốc 100 điểm phần trăm mới chỉ 10 năm trước!
Nợ công của Hoa Kỳ
Chứng kiến Quốc hội này hoạt động chắc chắn khiến hầu hết những người có lý trí có một cảm giác bất lực, giống như đứng bên ngoài ngôi nhà của quý vị và nhìn những kẻ cướp phá hoại nơi này. Quý vị không thể làm gì khác ngoài việc chờ đợi. Và Quốc hội đang làm việc nhanh nhất có thể để hoàn thành việc này trước tháng Mười Một, sau đó nhiều nhà lập pháp bị bỏ phiếu loại bỏ sẽ được trao cho các vị trí trả lương cao trong các công ty được tạo ra bởi chính sự hoang phí tài chính của họ.
Điều xảo quyệt hơn nữa là: Quốc hội hiện tại đang khai triển mọi công cụ có sẵn khiến cho việc cải tổ thực sự không thể thực hiện được trong khóa tiếp theo. Quốc hội mới cần sẵn sàng thực hiện một số công việc rất khó khăn cần thiết để cứu đất nước này khỏi sự phá sản cuối cùng.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Jeffrey A. Tucker là người sáng lập và là chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng ngàn bài báo trên báo chí học thuật và phổ thông. Ông cũng là tác giả của mười cuốn sách bằng năm thứ tiếng, gần đây nhất là cuốn “Liberty or Lockdown” (“Tự Do hay Phong Tỏa”). Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết cho một chuyên mục kinh tế hàng ngày cho The Epoch Times và về các chủ đề kinh tế, công nghệ, triết học xã hội, và văn hóa.