Chim phượng hoàng của phương Đông
Ánh hào quang tỏa chiếu, lông vũ tung phần phật, và những ngọn lửa rực cháy. Sau 5 thế kỷ, một con chim cổ đại tự đốt cháy mình và phân hủy thành tro. Tất cả rơi vào tĩnh mịch. Tiếp theo đó, một cái mỏ chim nhỏ thò ra từ đống tro tàn và con phượng hoàng được tái sinh. Đây là loại phượng hoàng của phương Tây – một biểu tượng của sự tái sinh và hồi sinh. Thế nhưng băng qua bờ bên kia của thế giới, đến nơi những rặng tre mảnh mai và những cây ngô đồng của phương Đông, có một loại phượng hoàng khác cai quản bầu trời.
Những gì chúng ta biết về chim phượng hoàng phương Đông xuất phát từ văn hóa dân gian lâu đời và thần thoại. Những truyền thuyết ca ngợi chim phượng hoàng về tính cách cùng khả năng ban phước lành cho những người chính trực và tốt bụng. Một số câu chuyện quả quyết rằng chim phượng hoàng chỉ đậu xuống ở những nơi mà một cái gì đó quý giá được tìm thấy. Những câu chuyện khác nói về khả năng của chim phượng hoàng biến thành những Tiên nữ. Với hàng ngàn năm lịch sử dưới đôi cánh của mình, chim phượng hoàng đã thống trị như một biểu tượng của văn hóa Trung Hoa.
Tạo hóa vũ trụ
Chim phượng hoàng là một trong số những nhân tố chính trong vũ trụ học của Trung Quốc. Theo thần thoại Trung Hoa, sau khi vị Thần Bàn Cổ nổ thoát ra từ “quả trứng” khổng lồ của sự hỗn loạn, bốn sinh vật khác đã theo ông tồn tại. Đó là long [rồng], ly [kỳ lân], quy [rùa], và phụng [phượng hoàng]. Những sinh vật tuyệt vời này, được gọi là Tứ Linh [4 thần linh], đã hợp sức với [Thần] Bàn Cổ để tạo ra thế giới.
Chúng sử dụng thần thông của mình để tạo ra ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa và thổ), tạo ra 5 mùa (xuân, hạ, thu, đông, và cuối hạ) và chia thế giới thành 5 khu (bắc, nam, đông, tây và trung tâm). Mỗi sinh vật này chịu trách nhiệm đối với một phần năm tạo hóa, trong đó chim phượng hoàng làm chủ lửa [hỏa], mùa hạ và phía nam.
Một số truyền thuyết mô tả cơ thể của chim phượng hoàng như tương ứng với các thiên thể, với đầu của nó là bầu trời, mắt của nó là mặt trời, lưng là mặt trăng, chân là trái đất, và đuôi là các hành tinh. Do đó, phượng hoàng được xem là sự liên kết giữa thế giới của chúng ta và các tầng trời xa xa.
Những nét đặc trưng nhẹ nhàng
Tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc có rất nhiều chim phượng hoàng: chúng có thể thấy ở trên mái nhà, trang trí trên các đồ bằng sứ, hay bay liệng ngang các các tấm vải lụa. Các nghệ sĩ thường miêu tả chúng như những con chim cái xinh đẹp, tương tự như con công hoặc chim trĩ vàng. Không chỉ đẹp mắt, bộ lông sặc sỡ của chim phượng hoàng bao gồm 5 màu cơ bản của triết học Trung Quốc – vàng, trắng, đỏ, đen, xanh lá cây, và tương ứng với 5 giá trị Nho giáo là: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Do đó, việc đưa hình tượng chim phượng hoàng vào tác phẩm nghệ thuật, là phục vụ cho mục đích cao hơn, tôn vinh các giá trị truyền thống. Điều này cũng làm nổi bật cả nghệ sĩ và người chủ sở hữu của tác phẩm nghệ thuật, như là những người chính trực và tao nhã.
Cội nguồn trong Lịch sử
Vào thuở ban đầu, phượng hoàng không chỉ nói đến như là một con đơn lẻ mà là một cặp. Phượng là con chim đực, trong khi hoàng là con chim cái. Cùng với nhau, chúng là một phép ẩn dụ cho biểu tượng âm và dương, cũng như một biểu tượng của mối quan hệ chính thức giữa nam và nữ.
Sau đó, phượng và hoàng được kết hợp thành một con chim cái riêng rẽ, và thường kết đôi với một con rồng đực. Đây là chim phượng hoàng của Trung Quốc, được công nhận rộng rãi nhất hiện nay, và là loài chim truyền cảm hứng cho các thế hệ người Hoa – đặc biệt là phụ nữ. Khiêm tốn, trung thành, tốt bụng và chính xác, chim phượng hoàng hiện thân cho những tính cách của mẫu người phụ nữ lý tưởng truyền thống. Vì nó nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa Hoàng gia và Thần, chim phượng hoàng cũng là biểu tượng hoàn hảo cho Hoàng hậu, và một sự phù hợp lý tưởng cho rồng, tượng trưng cho “Thiên tử,” – Hoàng đế.
Chủ đề chim phượng hoàng và rồng cũng rất phổ biến trong dân chúng. Như là loài vật may mắn nhất trong tất cả các sinh vật, khi được miêu tả cùng nhau, chúng biểu thị những mối quan hệ hạnh phúc, may mắn, và sức mạnh lâu dài. Có rất nhiều thành ngữ về hai loài vật này, và chúng thường liên quan đến may mắn hoặc năng lực. Ví dụ, ‘Long phượng trình tường’ (龍鳳呈祥) có nghĩa là sự thịnh vượng tuyệt vời được mang đến bởi rồng và phượng hoàng, trong khi ‘Nhân trung long phượng’ (人中龍鳳), ngụ ý một người nào đó rất tài năng, nổi bật như một con rồng hoặc chim phượng hoàng trong số những người khác.
Phượng hoàng không dễ mất bình tĩnh. Với thái độ rụt rè và trí tuệ nhân từ của mình, phượng hoàng rút lui trong những lúc rối loạn, và xuất hiện trở lại để báo hiệu hòa bình. Phượng hoàng ban phước lành cho những người đủ may mắn để gặp chúng và báo hiệu những sự kiện đặc biệt. Chẳng hạn, việc trông thấy chim phượng hoàng khi một vị Hoàng đế chào đời, có nghĩa là đứa trẻ sẽ lớn lên trở thành một vị Vua đức hạnh – là phước lành tốt nhất cho một quốc gia. Trong lịch sử, chim phượng hoàng cũng đã báo sự xuất hiện của những nhà hiền triết vĩ đại, cho thấy sự xuất hiện của đạo đức và sự ổn định.
Trong suốt các triều đại, chim phượng hoàng vẫn là một biểu tượng của đạo đức tốt lành và sự thông thái. Và từ các tác động mạnh mẽ của tự nhiên xung quanh chúng ta đối với các nguyên tắc đạo đức truyền thống, cho tới các tầng trời xa xa, chim phượng hoàng kết nối tất cả chúng ta như một biểu tượng vĩnh cửu của cái đẹp, sự duyên dáng, và thần thánh.
Mời quý vị thưởng thức màn trình diễn của Shen Yun – Vũ điệu Phượng Hoàng Ngọc Bích
The Epoch Times tự hào là một nhà tài trợ danh dự của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun. Chúng tôi đã đưa tin về những phản hồi của khán giả từ những ngày đầu thành lập Shen Yun vào năm 2006.
Hoan nghênh quý vị tìm hiểu thêm tại:
Bài viết được đăng lại từ vi.shenyun.org