Chiến tranh Nga-Ukraine sau một năm bế tắc: Đâu là triển vọng cho hòa bình?
Đã tròn một năm kể từ khi Nga tấn công Ukraine. Tình hình hiện đang khá bế tắc: cho đến nay chưa bên nào có được một chiến thắng quyết định. Giới chuyên môn vẫn nhìn nhận Ukraine đang có lợi thế.
Ngày 24/02/2022 đánh dấu tròn một năm kể từ khi Nga tấn công Ukraine. Những gì được trù định như là một cuộc tấn công chớp nhoáng thì giờ đây — sau mười hai tháng — đã trở thành một tình thế bế tắc. Chưa có bên nào là bên chiến thắng về mặt quân sự và hiện tại không thể đánh giá tình hình sẽ phát triển như thế nào trong những tháng tới. Điều duy nhất chắc chắn là cả Kyiv và Moscow đều không sẵn lòng đàm phán với đối phương. Do vậy không có bước tiến nào mới.
Chiến tranh không có dấu hiệu kết thúc trong tương lai gần
Do đó, thế giới hiện nay không trông chờ chiến tranh sẽ sớm kết thúc. Kênh truyền hình n-tv trích lời ông Jon Altermann đến từ tổ chức tư vấn Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) rằng: “Cuộc chiến này chắc chắn không cho thấy dấu hiệu của việc sắp kết thúc. … Mỗi bên đều cảm thấy rằng thời gian đang đứng về phía mình và chấp nhận hòa đàm ngay lúc này sẽ là một sai lầm.”
Các nhà quan sát tình hình e ngại rằng cuộc chiến có thể trở nên bạo lực hơn trong năm thứ hai. Nga có thể tái tập hợp lực lượng của mình vào mùa xuân và tiến hành một cuộc tấn công.
Chỉ có thể suy đoán con số thương vong trong 1 năm qua
Chiến tranh đã cướp đi nhiều sinh mạng. Về số lượng thương vong thực tế, người ta chỉ có thể suy đoán. Hàng ngày cả Ukraine và Nga đều ghi nhận tổn thất của đối phương. Tuy nhiên, những số liệu này không được kiểm tra bởi bất kỳ cơ quan độc lập nào và do đó phải được nhìn nhận một cách thận trọng.
Hồi tháng Một, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Eirik Kristoffersen đã nói về các ước tính trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Na Uy TV2. Vào thời điểm đó, ông Kristoffersen cho rằng phía Nga thiệt hại nhiều binh sĩ hơn phía Ukraine. Cụ thể, Na Uy ước tính Nga có 180,000 binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương. Về phía Ukraine, ước tính hơn 100,000 quân nhân đã thiệt mạng hoặc bị thương. Ngoài ra, có khoảng 30,000 thường dân Ukraine đã thiệt mạng cho đến nay. Trong cuộc phỏng vấn, vị bộ trưởng này đã để ngỏ nguyên nhân dẫn đến những ước tính đó. Các ước tính khác của phương Tây cho rằng con số thương vong của mỗi bên tham chiến là 150,000.
Bất kể quý vị muốn sử dụng con số nào: tổn thất của song phương là rất cao sau một năm chiến tranh. Để so sánh: cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan từ năm 1979 đến năm 1989 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 15,000 binh sĩ Liên Xô.
Bất chấp tổn thất nặng nề, Nga có khả năng “tiếp tục cuộc chiến này trong một thời gian khá dài,” Bộ trưởng Kristoffersen cũng đề cập đến năng lực huy động quân số và sản xuất vũ khí của Moscow trong cuộc phỏng vấn với TV2.
Sự ủng hộ của phương Tây
Ukraine cũng quyết tâm kết thúc chiến tranh theo hướng có lợi cho mình. Mối quan tâm chính của nước này là tái chiếm các vùng lãnh thổ đã mất. Quốc gia bị xâm lược này đang ngày càng nhận được nhiều trợ giúp hơn từ phương Tây trong việc chuyển giao vũ khí. Tuy nhiên, kế hoạch đưa Crimea, vốn bị tách khỏi Ukraine vào năm 2014, về dưới quyền kiểm soát của Ukraine đang vấp phải sự hoài nghi. Theo Die Zeit, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bảo đảm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Paris vài ngày trước rằng ông “quyết tâm giúp Ukraine giành chiến thắng.”
Nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc chiến phải kết thúc với một thất bại rõ rệt của Nga, bà Liana Fix đến từ tổ chức tư vấn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR) cho biết, theo kênh truyền hình n-tv. Bà Fix nói: “Tôi nghĩ kịch bản có khả năng xảy ra nhất là Ukraine giành được lợi thế dẫn đến một chiến thắng ‘đủ tốt.’” Mặc dù Nga có thể huy động một lượng lớn tân binh, nhưng những người này sẽ cần được huấn luyện, trang bị, và chăm sóc — những công việc mà quân đội Nga đang làm “thực sự rất tệ trong cuộc chiến này cho đến nay.”
Theo thông tin từ n-tv, ông Dimitri Minic đến từ Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) xem loại vũ khí mà Ukraine nhận được từ các đồng minh có ý nghĩa quyết định đối với cuộc chiến. Ví dụ, pháo binh tầm xa “có thể cho phép quân đội Ukraine phá vỡ chu kỳ tấn công-phản công-phòng thủ và giành được một chiến thắng quyết định,” ông Minic nói.
Nhưng ông cũng chỉ ra quyết tâm của Điện Kremlin: “Người Nga sẵn sàng làm bất cứ điều gì để giữ được các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và tiếp tục các cuộc chinh phạt của họ, bao gồm cả việc chiêu binh không giới hạn và khiến toàn bộ đất nước của họ trở nên bần cùng nếu cần.”
Các chuyến hàng vận chuyển vũ khí đã phát triển một cơ chế riêng
Chuyên gia người Mỹ Jon Altermann cũng cho rằng một kịch bản khác có thể dẫn đến kết thúc chiến tranh không phải là không thể xảy ra: đó là sự thay đổi lãnh đạo ở Nga. Ông cũng có thể hình dung ra được một kiểu hiệp ước ngừng bắn. “Nhưng còn quá sớm để nói,” ông Alterman cho hay. Ông nhận thấy cả hai bên chưa có thiện chí thực sự để đàm phán tại thời điểm này.
Mới đây nhất, triết gia người Đức Jürgen Habermas đã lên tiếng ủng hộ đàm phán trong một bài báo dành cho khách mời của tờ Süddeutsche Zeitung. Phương Tây hiện đang cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine vì những lý do chính đáng, nhưng đi kèm với những chuyến hàng viện trợ đó là trách nhiệm. Ông Habermas cảnh báo: “Từ góc độ chiến thắng bằng mọi giá, việc chúng ta cung cấp vũ khí chất lượng ngày càng cao đã phát triển một cơ chế riêng, mà trong lúc chúng ta ít nhiều không chú ý, có thể đẩy chúng ta vượt qua ngưỡng cửa dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba.”
Hết lần này đến lần khác sẽ có những tiếng nói chỉ trích xuất hiện để thúc đẩy đàm phán. “Nếu tôi đồng ý với những tiếng nói đó, thì chính là vì hiện nay câu nói này là đúng: Ukraine không được thua trong cuộc chiến này,” ông Habermas viết. Ông thừa nhận rằng hiện không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham gia đàm phán.
Ông Habermas xác định vấn đề cốt lõi gây tranh cãi là việc không rõ ràng về các mục tiêu của Ukraine và các quốc gia ủng hộ nước này. “Mục đích các chuyến hàng vũ khí của chúng ta là để cho Ukraine ‘không thể thua’ trong cuộc chiến này, hay là để giành được một ‘chiến thắng’ trước Nga nhiều hơn?”