Chiến sự Israel sau cuộc tấn công chưa từng có của Hamas: Những điều cần biết
Đây là những gì chúng ta biết về cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel và các phản ứng xung quanh sự việc này
Israel chính thức bước vào tình trạng chiến tranh sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào cuối tuần này (07/10).
Kể từ khi được thành lập theo tuyên bố của Liên Hiệp Quốc hồi năm 1947 và tuyên bố thành lập nhà nước vào năm 1948, Israel đã phải đối mặt với căng thẳng và xung đột liên tục với các nước láng giềng Ả Rập ở mọi phía, và đôi khi tham chiến với một hoặc tất cả các quốc gia có chung biên giới.
Một khu vực căng thẳng chính giữa Israel và các nước Ả Rập có liên quan đến cách Israel đối xử với người dân Palestine, vốn mô tả chung cho các khu vực của Dải Gaza, dọc theo Biển Địa Trung Hải và Bờ Tây, giáp với Jordan gần đó.
Mặc dù đã tồn tại những căng thẳng và xung đột trong thời gian dài trước đây, nhưng cuộc tấn công được thực hiện hồi cuối tuần vừa qua là một trong những cuộc tấn công được tổ chức tốt và phức tạp nhất mà Israel từng phải đối mặt, đặt ra câu hỏi cho một số người về việc làm thế nào mà mạng lưới tình báo phức tạp của Israel lại không hề hay biết.
Bên kia Đại Tây Dương, các quan chức Hoa Kỳ đã nhanh chóng lên án vụ tấn công và cam kết sẽ tiếp tục trợ giúp Israel. Nhưng với việc Hạ viện hiện đang trong đình trệ do Dân biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) vừa mới bị truất phế chức chủ tịch, thì Hoa Kỳ sẽ giúp đỡ Israel theo lịch trình nào là điều vẫn chưa được xác định.
Đây là những gì quý vị nên biết về các cuộc tấn công vào Israel vào cuối tuần vừa qua.
Cuộc tấn công
Sáng hôm 07/10, các hỏa tiễn phóng từ Palestine bay vút qua bầu trời Israel, đánh trúng các mục tiêu xa xôi như Tel Aviv và vùng ngoại ô Jerusalem.
Hầu hết các mục tiêu hỏa tiễn đã rơi vào vùng đất giữa Dải Gaza và Bờ Tây.
Khoảng một giờ sau, các lực lượng trên mặt đất của Hamas tiến vào lãnh thổ Israel bằng đường bộ, đường biển, và đường không.
Hamas là đảng chính trị cai trị khu vực đang bị thu hẹp được ký hiệu là Palestine và bị Hoa Kỳ cùng nhiều chính phủ khác trên thế giới xem là nhóm khủng bố. Họ đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công mà họ gọi là “Chiến dịch Bão Al-Aqsa.”
Ông Muhammad Deif, thủ lĩnh quân sự của Hamas, cho rằng cách Israel đối xử với Palestine là nguyên nhân gây ra vụ tấn công.
Ông Deif nói: “Kẻ thù sẽ hiểu rằng thời kỳ hoành hành vô trách nhiệm của chúng đã chấm dứt.”
Ông Deif nêu lên việc bỏ tù người Palestine trong các nhà tù của Israel, hành động “xúc phạm” của Israel đối với Nhà thờ Hồi giáo Aqsa ở Jerusalem và việc nước này chiếm đóng Bờ Tây — nơi họ nắm giữ từ năm 1967 — là những lời biện minh cho vụ tấn công.
Nhà thờ Hồi giáo Aqsa là một địa điểm đặc biệt gây tranh cãi, được cả người Do Thái và người Hồi giáo xem là địa điểm tôn giáo quan trọng.
Theo Bộ trưởng Bộ Chiến lược Israel Ron Dermer, lực lượng Hamas đã tiến vào 22 thị trấn và các cơ sở quân sự của Israel, bắt giữ một số con tin quân sự và dân sự, bao gồm cả các công dân Mỹ. Một số con tin trong số này đã được đưa trở lại Dải Gaza.
Cuộc xâm lược đã chứng kiến một số cuộc đối đầu trên bộ đầu tiên giữa các lực lượng Israel và Palestine trên lãnh thổ thuộc về Israel trong nhiều thập niên.
Theo các báo cáo sơ bộ, tính đến cuối ngày 07/10, khoảng 250 người Israel thiệt mạng và khoảng 1,400 người bị thương trong cuộc xâm lược.
Hamas đã kêu gọi các nhóm Ả Rập và Palestine khác tham gia vào cuộc tấn công, nói rằng cuộc xung đột chỉ mới ở màn mở đầu.
Ở phía bên kia bản đồ, lực lượng Israel đã giao tranh trong thời gian ngắn với các chiến binh Hezbollah, một nhóm khủng bố có trụ sở tại Lebanon, làm dấy lên mối lo ngại về một mặt trận mới trong cuộc xung đột.
Những người có liên quan với Hamas tuyên bố rằng họ đã nhận tài trợ cho vụ tấn công một phần từ Iran, quốc gia gần đây dự kiến nhận 6 tỷ USD từ chính phủ Hoa Kỳ trong một thỏa thuận trao đổi tù nhân.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã phủ định tuyên bố rằng số tiền này tài trợ cho cuộc tấn công, nói rằng 6 tỷ USD đã bị đình chỉ nên Iran không thể tiếp cận được.
Phản ứng của Israel
Israel đã nhanh chóng đáp trả, mặc dù rõ ràng đã mất cảnh giác trước cuộc tấn công tuy rằng nước này có một mạng lưới tình báo vô cùng phức tạp.
Sau đợt tấn công đầu tiên của Hamas, Israel đã đáp trả tương tự bằng các cuộc tấn công phi đạn của riêng mình vào Dải Gaza. Các lực lượng không quân Israel tấn công các địa điểm được cho là có liên quan đến Hamas.
Các báo cáo gần đây nhất cho thấy khoảng 500 người Israel và Palestine đã thiệt mạng trong những giờ đầu của cuộc xung đột.
Sau đó, vào sáng sớm ngày 08/10, Nội các An ninh Israel đã chính thức tuyên chiến với Hamas, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và những người khác cam kết sẽ trả thù.
Theo một tuyên bố được đăng trên truyền thông xã hội, hành động này đã được văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu xác nhận vào ngày 08/10. Đây là tuyên bố đầu tiên như vậy kể từ Chiến tranh Yom Kippur năm 1973.
Tuyên bố có đoạn: “Đêm qua, Nội các An ninh đã thông qua tình trạng chiến tranh và việc tiến hành các bước quân sự quan trọng, theo Điều 40 của Luật Cơ bản: Chính phủ để đạt đến tình trạng chiến tranh.”
Ông Netanyahu nói trong một tuyên bố khác qua truyền hình, “Chúng ta đang có chiến tranh và chúng ta sẽ giành chiến thắng.”
Ông Netanyahu đã nói rằng “giai đoạn đầu tiên” trong phản ứng của Israel đã kết thúc bằng việc “tiêu diệt phần lớn lực lượng quân địch đã xâm nhập vào lãnh thổ của chúng ta” và Israel hiện đang hướng tới giai đoạn “tấn công” thứ hai.
Ông Netanyahu nói: “Israel sẽ tiếp cận mọi nơi mà Hamas đang ẩn náu,” đồng thời cảnh báo người dân Gaza rằng “hãy rời khỏi những nơi đó ngay lập tức.”
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Yoav Gallant cũng cam kết sẽ trả thù trong một tuyên bố, nói rằng: “Chúng tôi sẽ thay đổi thực tế trên chiến địa ở Dải Gaza trong 50 năm tới. Những gì trước đây sẽ không còn nữa. Chúng tôi sẽ dốc toàn lực.”
Tuy nhiên, tình hình đó trở nên phức tạp do Hamas bắt giữ một số con tin, một cuộc phản công từ Israel có thể sẽ đe dọa mạng sống của những người này.
Ông Abu Obaida, phát ngôn viên của Lữ đoàn Al Qassam, cánh vũ trang của Hamas, đã đề nghị như thế này, “Điều gì xảy ra với người dân Dải Gaza thì sẽ xảy ra với [các con tin]. Hãy cẩn trọng với những tính toán sai lầm.”
Phản ứng của Mỹ là không chắc chắn
Sau cuộc tấn công, các nhà lập pháp Mỹ và các nhà lãnh đạo chính trị thuộc mọi quan điểm chính trị đã nhanh chóng đưa ra lời lên án và tuyên bố ủng hộ Israel, bao gồm hầu hết các nhà lập pháp quan trọng tại Hạ viện Hoa Kỳ.
Được biết, Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã được thông báo tóm tắt về tình hình sáng nay, và Tòa Bạch Ốc đã hứa sẽ đưa ra các sáng kiến trợ giúp trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tại Quốc hội, các lựa chọn để phản ứng bằng viện trợ tài chính hoặc quân sự [cho Israel] hiện đang bị hạn chế rất nhiều do cuộc bỏ phiếu gây náo động ở Capitol Hill hồi tuần trước đã dẫn đến Dân biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) là người đầu tiên trong lịch sử bị truất phế chức chủ tịch Hạ viện.
Việc cuối cùng thông qua viện trợ cho Israel hầu như là một kết quả được định trước.
Tuy nhiên, Quốc hội phê chuẩn những khoản viện trợ như vậy với tốc độ thế nào vẫn là điều chưa rõ vì Hạ viện hiện không có người lãnh đạo.
Tuần trước, một nhóm gồm tám dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã loại ông McCarthy khỏi vai trò chủ tịch Hạ viện khi hầu hết các dân biểu Đảng Dân Chủ tham gia cùng họ trong cuộc bỏ phiếu với 216 phiếu thuận và 210 phiếu chống.
Hiện tại, Dân biểu Patrick McHenry (Cộng Hòa-North Carolina), được ông McCarthy lựa chọn trước khi bị truất phế, đang phụ trách Hạ viện với tư cách chủ tịch lâm thời.
Ông McHenry đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Israel nhưng quyền lực của ông bị hạn chế so với một chủ tịch được bầu chọn hợp pháp. Không rõ liệu ông có thể đưa ra luật toàn diện trong vai trò hiện tại của mình hay không — có nghĩa là bất kỳ viện trợ tài chính hoặc quân sự nào cho quốc gia Trung Đông này đều không rõ ràng về mặt pháp lý tại Quốc hội cho đến khi Hạ viện chọn được một chủ tịch mới.
Bất chấp những thách thức này, các nhà lập pháp hiện đang cân nhắc các lựa chọn nhằm tăng cường viện trợ cho Israel. Một số dân biểu Đảng Cộng Hòa đã kêu gọi hành động nhanh chóng, từ việc thông qua một nghị quyết bằng sự đồng thuận cho đến việc phục hồi chức vụ — dù là vĩnh viễn hay tạm thời — cho ông McCarthy.
Bản tin có sự đóng góp của Jack Phillips
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times