‘Chiếc bánh hình xe tăng’ bị kiểm duyệt trước ngày kỷ niệm vụ thảm sát Thiên An Môn
Rõ ràng, vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 04/06/1989 là một điểm nhức nhối đối với chính quyền Trung Quốc đến mức việc bán một chiếc bánh hình xe tăng cũng phải bị kiểm duyệt. Một nhân viên bán hàng phát trực tiếp hàng đầu ở Trung Quốc đã bị đóng chương trình sau khi giới thiệu một chiếc bánh có hình dạng như một chiếc xe tăng nhỏ. Các nhà chức trách coi đó là một điều gợi nhớ về sự kiện Lục Tứ.
Vào tối ngày 03/06, một ngày trước khi kỷ niệm 33 năm cuộc đàn áp đẫm máu, một người có ảnh hưởng hàng đầu tại Trung Quốc, ông Lý Giai Kỳ và nhóm của ông đã vô cùng ngạc nhiên khi buổi phát trực tiếp của họ bất ngờ bị cắt ngay sau khi chiếc bánh có hình dạng giống xe tăng được giới thiệu.
“Chúng tôi đang xử lý khẩn cấp một sự cố kỹ thuật ở hậu trường,” ông Lý đăng trên Weibo. “Vui lòng đợi một lúc.”
Tuy nhiên, ngay sau đó, ông đã gửi một thông điệp thứ hai, “Chúng tôi rất tiếc vì chúng tôi không thể tiếp tục phát trực tiếp tối nay do một sự cố thiết bị nội bộ.”
Là một ngôi sao mạng xã hội hàng đầu, ông Lý rất nổi tiếng ở Trung Quốc, với hơn 30 triệu người theo dõi trên dịch vụ truyền thông xã hội Weibo của Trung Quốc.
Thảm sát Thiên An Môn: Điều cấm kỵ vĩnh viễn ở Trung Quốc Cộng sản
Đoạn chiếu trực tiếp bị cắt khiến nhiều người xem sửng sốt. Để phản đối ý định của các nhà kiểm duyệt Trung Quốc, nhiều người theo dõi trẻ tuổi đã cố gắng khám phá những gì đã xảy ra vào ngày hôm đó. Họ đã vượt qua Đại Tường Lửa của Trung Quốc để đặt câu hỏi trên Twitter hoặc Google về sự kiện Lục Tứ và tìm thấy những sự thật bị chôn vùi mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cố gắng che giấu khắp xã hội Trung Quốc trong hơn 30 năm.
“Tôi cũng từng là một người cấp tiến ủng hộ Bắc Kinh trước ngày 03/06,” một cư dân mạng có tên Zhi Zhi Zuo Xiang đã viết trên bài đăng Twitter. “Tôi đã rất sửng sốt sau khi biết về toàn bộ sự kiện. Tôi biết ĐCSTQ đã sát hại các sinh viên đại học cách đây 33 năm, chỉ vì họ yêu cầu cải cách, mở cửa và phản đối tham nhũng trong giới quan chức. Tôi chưa bao giờ biết một bộ mặt tàn bạo như vậy của đảng cộng sản. Thật kinh tởm.”
Một người dùng internet khác, sử dụng tên Chasing a Deer, đã đăng hôm 05/06, “Vụ việc của ông Lý Giai Kỳ là một pha hài hước đen tối mang tính sử thi vào năm 2022.”
Vào mùa xuân năm 1989, các cuộc biểu tình kêu gọi dân chủ do sinh viên lãnh đạo đã quét qua Trung Quốc cộng sản, đặc biệt là ở thủ đô Bắc Kinh. Vào ngày 04/06, ĐCSTQ đã triệu tập quân đội được trang bị xe tăng và súng ống, rồi tàn sát hàng trăm hoặc hàng ngàn người biểu tình ở Bắc Kinh.
Số người thiệt mạng thực sự vẫn chưa được biết do sự che đậy kéo dài hàng thập niên của ĐCSTQ. Nhà cầm quyền này hiếm khi nói về hành động tàn bạo đó hoặc hạ thấp nó như “sự hỗn loạn chính trị” nếu họ không thể loại bỏ chủ đề này trong những dịp chính thức.
Nhiều thông tin cho biết về sự đàn áp và kiểm duyệt sâu hơn của ĐCSTQ đối với sự kiện Lục Tứ trong những năm gần đây.
Một văn bản chính thức bị rò rỉ cho thấy nội dung nhạy cảm phải bị chặn gồm có nến, xe tăng, cùng các con số 89 và 64 hoặc sự kết hợp của chúng hoặc biểu tượng cảm xúc liên quan, trên các ứng dụng truyền thông xã hội từ 8 giờ tối ngày 03/06 đến 8 giờ tối ngày 05/06, theo China Digital Times, một trang web tin tức song ngữ đưa tin về Trung Quốc có trụ sở tại California.
Hơn nữa, một số cư dân mạng đã kể lại rằng những từ nhạy cảm về mặt chính trị cũng bao gồm “bình phương của số 8”, “ngày 35 tháng Năm”, câu “Đó là nhiệm vụ của tôi” và “Mai Diu Ti” (phiên âm tiếng Trung của “nghĩa vụ của tôi”). Câu trích dẫn “Đó là nhiệm vụ của tôi” là câu trả lời của một sinh viên đại học đi xe đạp tham gia cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn trong một cuộc phỏng vấn của BBC năm 1989 trước khi xảy ra vụ thảm sát.
Bản tin có sự đóng góp của Ning Haizhong.
Ông Frank Yue là một ký giả tại Canada của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề Trung Quốc. Ông cũng có bằng Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn học Anh tại Đại học Ngoại Ngữ Thiên Tân, Trung Quốc.