Cha mẹ dùng tiêu chuẩn hòa nhập để loại bỏ các biểu tượng LGBT khỏi trường học
Các bậc cha mẹ nói với Trường Trung học Cơ sở Long Valley của New Jersey rằng việc đặt các ký hiệu chỉ đại diện cho các nhóm thiểu số tính dục nhất định là không “hòa nhập.”
Các bậc cha mẹ cho biết trong khoảng năm năm, trường trung học cơ sở này đã dán các biển báo hình vuông có hình tam giác cầu vồng bên ngoài nhiều lớp học của trường. Việc làm này là để cho thấy các lớp học là “không gian an toàn” cho các em học sinh LGBT.
Ông John Holly, thành viên Hội đồng Giáo dục địa phương cho biết, trường này không có ký hiệu tuyên bố bất kỳ “không gian an toàn” nào cho các nhóm khác. Và vì lý do này, ký hiệu tam giác cầu vồng đã vi phạm chính sách của trường.
Ông Holly nói: “Họ nói rằng những nhãn dán này có nghĩa là không gian an toàn cho một số trẻ em, nhưng quan điểm của chúng tôi là các lớp học trong trường học của chúng ta cần phải là không gian an toàn cho mọi trẻ em.”
Mục “Tầm nhìn” trên trang web trực tuyến của Trường Trung học Cơ sở Long Valley tuyên bố rằng trường “xem trọng” sự đa dạng. Hơn nữa, mục tiêu số một của hội đồng trường thành phố là giám sát trường học này để tạo ra một kế hoạch “đón nhận sự đa dạng của tất cả học sinh.”
Trường này có một câu lạc bộ LGBT tên là Free 2 Be dành cho học sinh từ lớp sáu đến lớp tám.
Nhưng việc chào đón không đầy đủ và đúng mức đối với những em học sinh không phải là LGBT đã khiến trường gặp nhiều rắc rối pháp lý, ông Holly nói.
Ông giải thích rằng các ký hiệu tam giác cầu vồng được cho là để ngăn chặn hành vi bắt nạt và tự hại (self-harm, hành vi tự làm tổn thương bản thân), nhưng trớ trêu thay, việc dán các ký hiệu như vậy cũng gợi ý rằng một số khu vực nhất định trong trường có thể là nơi tự do để tiến hành các hoạt động như vậy.
“Điều gì xảy ra khi một đứa trẻ vào một lớp học không có nhãn dán? Căn phòng đó có trở nên không an toàn không?” ông hỏi.
“Còn xe buýt trường học thì sao? Không có nhãn dán nào trên xe buýt trường học.”
Tệ hơn nữa, ông Holly nói, trong trường hợp một đứa trẻ không thuộc cộng đồng được ghi trong nhãn dán tự hại bản thân hoặc bị bắt nạt, thì điều này cho thấy nhà trường không bận tâm.
“Chẳng phải là chúng ta đang tự đặt bản thân vào tình thế có nguy cơ rơi vào một vụ kiện lớn vì đối xử thiên vị với nhóm trẻ em này không giống với nhóm khác hay sao?” ông hỏi.
Áp lực chính trị
Ông Holly cho biết, các ký hiệu cầu vồng này cũng khiến việc đi làm ở trường trở nên mang tính chính trị. Hiệu trưởng trường này có một nhãn dán ủng hộ LGBT trên cửa văn phòng của ông. Nhưng không phải giáo viên nào cũng vậy.
“Hãy tưởng tượng nếu ông chủ của quý vị dán quan điểm chính trị của ông ấy lên trước cửa của ông ấy, và quý vị tình cờ không đồng ý với quan điểm đó,” ông Holly nói. “Thật khó để [các nhân viên] lên tiếng về một vấn đề như vậy khi ông chủ của họ rõ ràng đã chọn phe.”
Ông Holly bày tỏ những lo ngại của mình trong một cuộc họp hội đồng nhà trường cùng với các các bậc cha mẹ khác.
Ông đã nói như sau với hội đồng nhà trường vào hôm 13/12/2022: “Thúc đẩy hệ tư tưởng trong khi người ta đang dạy con quý vị là sai.”
Cũng trong cuộc họp đó, ông lưu ý rằng sáu cáo buộc bắt nạt gần đây nhất mà nhà trường đã giải quyết không liên quan gì đến xu hướng tính dục.
Một người cha khác, ông Matt Hackenberg, cho biết ông ủng hộ việc trẻ em tìm hiểu về các vấn đề LGBT, nhưng cho rằng các nhãn dán đó là không phù hợp.
“Trẻ em cần tìm hiểu về giới tính của mình cũng như những điều tương tự,” ông nói. “Mọi người cần phải sống hòa đồng với nhau. Đừng tạo ra những danh mục phân loại và sự phân chia như thế này nữa.”
Một số người phản đối yêu cầu của ông.
Bà Michelle Rupert, một người mẹ làm giáo viên, đã lên tiếng. “Tôi không thể hiểu tại sao lại có một người lớn muốn gỡ bỏ nhãn dán mà trên đó nói rằng đây là “một nơi an toàn” theo đúng nghĩa đen.”
Rose, một học sinh trong Trường Trung học Cơ sở Long Valley, cho biết: “Là một người đồng tính nữ và có giới tính phi nhị nguyên, cháu có thể nói rằng cộng đồng LGBTQ+ thường xuyên bị bắt nạt và bị xem thường trong hệ thống trường học của chúng ta.”
“Nhãn dán cầu vồng về vùng an toàn cho những đứa trẻ như cháu biết rằng bọn cháu không đơn độc bất chấp sự khác biệt của mình.”
Lên tiếng cho các giá trị
Theo một người mẹ ở địa phương tên là Meghan Teeling, nhiều bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng khi con họ tiếp xúc với hệ tư tưởng LGBT.
Cô nói, “Phần lớn phong trào này có tính lây lan trong xã hội.” Cô cho biết, “Khi những em này được đối xử như một nhóm đặc biệt, được ưu tiên, thì tôi nghĩ quý vị sẽ có những đứa trẻ bị ảnh hưởng theo cách mà lẽ ra các con sẽ không bị như vậy.”
Cô Teeling nói rằng các nhãn dán này là một minh chứng khác về việc hệ tư tưởng LGBT dường như đang rất muốn được len lỏi vào cuộc sống của mọi đứa trẻ như thế nào.
Nhìn những biểu ngữ với thông điệp chính trị giăng khắp nơi tại ngôi trường mà trẻ em đi học khiến cô cảm thấy khó chịu.
Cô Teeling nói: “Những thông điệp đó là không phù hợp, và nó ủng hộ một nhóm và hệ tư tưởng cụ thể.”
Cô nói thêm, nếu trường học có ý định ngăn chặn hành vi tự hại bản thân và bắt nạt, thì các chương trình tiêu chuẩn của trường đã là đủ. Đồng thời, cô tự hỏi tại sao một nhóm cụ thể lại cần có biểu tượng của mình trong hầu hết các lớp học của trường.
“Tôi không có bất kỳ thái độ khinh miệt nào đối với bất kỳ ai cảm thấy mình là người như vậy,” cô Teeling nói. “Tôi chỉ cảm thấy là trường công lập không phải là nơi có quyền áp đặt điều đó lên con tôi hay bất kỳ ai khác. Điều đó không phù hợp với các giá trị của gia đình chúng tôi.”
Mặc dù vậy, các bậc cha mẹ không mong đợi sẽ chiến thắng trong cuộc chiến loại bỏ các nhãn dán này, cô cho biết.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục chiến đấu vì đây là con của chúng tôi,” cô nói. “Các con tôi sẽ là bạn cùng lớp với những em học sinh này.”
Cô Teeling, ông Holly, và cư dân địa phương Cassie Anderson cho biết Trường Trung học Cơ sở Long Valley nói với họ rằng việc dán các nhãn dán trong trường là một nỗ lực mà chính các em học sinh là người khởi xướng và dẫn dắt.
Cô Anderson cho hay, Giám đốc học khu phụ trách giáo dục công lập Peter Turnamian đã nói với các bậc cha mẹ rằng sáng kiến này là do học sinh nghĩ ra.
Tuy nhiên, họ rất ngờ vực về thông tin đó, và cho rằng các em học sinh không có liên quan nhiều đến việc này.
Ông Holly lưu ý rằng các biển báo cầu vồng được dán không chỉ ở những nơi học sinh được phép vào. Một số nhãn dán là ở trong các văn phòng khoa. Có các nhãn dán khác trong phòng họp của giáo viên. Các nhãn dán này trông như được thiết kế chuyên nghiệp và được ép plastic.
“Mấy người định nói với tôi rằng học sinh treo lá cờ đó trong phòng họp của giáo viên ư?” ông Holly hỏi.
The Epoch Times không thể tìm thấy nơi cung cấp những nhãn dán này ở trên mạng.
“Các em học sinh làm sao có thể làm được những việc như thế? Tại sao các con phải làm điều này?” cô Anderson cho biết cô đã hỏi khoa như vậy. “Chúng tôi chưa bao giờ nhận được câu trả lời thẳng thắn. Và điều đó khiến nhiều người trong chúng tôi phiền muộn.”
Tiêu chuẩn định nghĩa hòa nhập là gì?
Cô Teeling cho biết cô có thể hiểu được việc dán các nhãn dán đặc biệt cho một nhóm trẻ em nếu những em này bị bắt nạt nhiều hơn các em khác. Nhưng theo hiểu biết của cô, đó không phải là trường hợp của các học sinh tại Trường Trung học Cơ sở Long Valley.
Cô nói: “Tôi sẽ mạo muội đoán rằng đó có thể không phải là tình huống thật sự.”
Cô Teeling cho biết cô đã nhìn thấy những lá cờ cho các bản dạng giới mới khác như “toàn tính luyến ái” (“pansexual”, đề cập đến những người bị thu hút về tính dục và tình cảm với bất kể giới tính nào), “á tính luyến ái” (“demisexual”, đề cập đến những người chỉ cảm thấy hấp dẫn tình dục với người mà họ có mối quan hệ tình cảm thân thiết), và “vô ái” (“aromantic”, đề cập đến những người không có cảm xúc lãng mạn với bất kỳ ai) trong các tủ trưng bày của trường, nhưng không biết thậm chí có bao nhiêu trẻ em trong ngôi trường có sĩ số 800 này tự định nghĩa bản thân là người như vậy.
Cô cho biết thêm: “Hành động trưng lên các nhãn dán và cờ như vậy vượt ra ngoài việc truyền giảng một thông điệp về sự hòa nhập và tôn trọng, và đi sâu vào một lĩnh vực mà tôi cảm thấy không phù hợp để các nhà giáo dục của chúng ta đặt áp lực lên trẻ em.”
Cô Anderson cũng lưu ý rằng Trường Long Valley đã khai triển các nhãn dán cầu vồng này trong khi rất khó khăn trong việc theo kịp giáo dục căn bản.
Cô đề nghị: “Hãy chuyển sự tập trung ra khỏi vấn đề tính dục và chú tâm vào chuyên môn học thuật.”
Các ký hiệu này đã được gỡ xuống trong kỳ nghỉ đông.
Để đáp ứng yêu cầu của các bậc cha mẹ, Trường Trung học Cơ sở Long Valley đã thay đổi chiến lược dán bích chương của mình. Hai tuần trước, ông Turnamian đã tuyên bố tại một cuộc họp hội đồng trường rằng nhà trường hiện đang thể hiện cam kết giúp đỡ tất cả các học sinh bằng cách sử dụng hình ảnh về linh vật của trường, một con báo.
“Chúng tôi đã hiểu rõ quan điểm pháp lý và được cố vấn về việc nên giữ hay bỏ các tấm bích chương cũng như các lá cờ, và tôi vẫn trao đổi với nhóm pháp lý của chúng tôi trong suốt kỳ nghỉ,” ông nói.
Ông Turnamian lưu ý rằng ký hiệu cầu vồng LGBT khiến trường học dễ bị cáo buộc có quan điểm thiên vị.
Bức tranh mới sẽ là “một biểu tượng phổ biến hơn do học sinh của chúng tôi phát triển với phản hồi từ cộng đồng trường học của chúng tôi cũng như được điều chỉnh và tạo ra dựa trên công tác SEL (Học tập Cảm xúc Xã hội) đang diễn ra của chúng tôi,” ông nói trong cuộc họp.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times