Câu lạc bộ khí hậu toàn cầu bị ảnh hưởng khi JPMorgan Chase, BlackRock, State Street rút lui
Tổng Chưởng lý Utah Sean Reyes nói: ‘Các công ty nên quan tâm đến nghĩa vụ ủy thác của mình, chứ đừng nên tham gia các hội nhóm ESG.’
Phong trào môi trường, xã hội, và quản trị (ESG) vừa gặp phải một bước lùi lớn với việc ba công ty lớn nhất Wall Street rút lui khỏi một trong những câu lạc bộ hoạt động vì khí hậu nổi bật nhất hôm 15/02.
BlackRock, nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới, JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, và State Street, nhà quản lý tài sản lớn thứ ba thế giới, đã tuyên bố rút khỏi Climate Action 100+ (Hành động vì Khí hậu 100+), một câu lạc bộ đầu tư cam kết “bảo đảm các công ty phát thải khí nhà kính lớn nhất thực hiện hành động cần thiết để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.”
Những người ủng hộ hành động trên toàn thế giới chống lại hiện tượng ấm lên toàn cầu đã ca ngợi Climate Action 100+ là nhân tố chính trong nỗ lực hội tụ các tổ chức tài chính hùng mạnh nhất thế giới đằng sau các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net zero) được các tổ chức toàn cầu như Liên Hiệp Quốc và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tán thành. Vào thời kỳ đỉnh cao, câu lạc bộ khí hậu này tự hào có 700 thành viên là nhà đầu tư nắm giữ số tài sản trị giá 68 ngàn tỷ USD; tuy nhiên, với những tuyên bố rút lui vào tuần này (12-18/02), tổng tài sản của các thành viên tổ chức này đã giảm đi khoảng 16 ngàn tỷ USD.
Thành lập vào năm 2017, Climate Action 100+ buộc các thành viên của mình nhắm mục tiêu vào 170 “công ty trọng tâm” trong các ngành phát thải CO2 như sản xuất dầu mỏ và hàng không, đồng thời đe dọa sử dụng quyền bỏ phiếu của cổ đông để chống lại các công ty từ chối cam kết đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Tổ chức này đã quảng bá sự thành công của họ về việc thu hút được 75% các công ty mục tiêu tham gia vào nghị trình của mình.
Tuy nhiên vào tháng 06/2023, tổ chức này đã đi xa hơn khi yêu cầu các thành viên của mình công bố hồ sơ sử dụng quyền bỏ phiếu cổ đông của họ để chứng minh rằng trên thực tế, các thành viên đang tích cực thúc đẩy các mục tiêu về khí hậu chứ không chỉ là nói suông. Yêu cầu này đã đi quá xa đối với một số thành viên, những tổ chức đang phải đối diện với những cảnh báo và điều tra từ các tổng chưởng lý tiểu bang thuộc Đảng Cộng Hòa và các thành viên Quốc hội về việc họ có thể đang tham gia vào một hành vi thông đồng bất hợp pháp.
Tuần này (12-18/02), State Street Global Advisors tuyên bố, họ “đã kết luận rằng các yêu cầu giai đoạn 2 cao hơn của Climate Action 100+ đối với các bên ký kết không phù hợp với cách tiếp cận độc lập của chúng tôi đối với việc bỏ phiếu ủy quyền và can dự vào các công ty trong danh mục đầu tư.”
Những người ủng hộ nghị trình về khí hậu đã ra sức chỉ trích việc các công ty rời khỏi câu lạc bộ khí hậu này.
Kiểm soát viên Tài chính thành phố New York Brad Lander cho biết ba công ty đang “thu hút những người từ chối khí hậu,” đồng thời đe dọa sẽ “xem xét các lựa chọn quản lý các khoản đầu tư vào thị trường đại chúng của chúng ta,” có thể là chuyển tiền lương hưu cho các nhà quản lý quỹ hoạt động vì khí hậu tận tâm hơn.
Tuy nhiên, những người chỉ trích câu lạc bộ khí hậu này lại hoan nghênh việc rút lui.
Tổng Chưởng lý West Virginia Patrick Morrisey tuyên bố trên X, “JPMorgan Chase đã đưa ra quyết định đúng đắn khi rút khỏi liên minh nhà đầu tư lớn nhất tập trung vào việc thuyết phục giới doanh nghiệp hành động vì biến đổi khí hậu — Climate100+.”
Trên thực tế, rất nhiều công ty ngân hàng, bảo hiểm, và nhà quản lý tài sản hàng đầu thế giới tham gia nỗ lực ESG đã chứng tỏ là một điểm nghẽn hiệu quả về vốn, không chỉ làm giảm nguồn tài chính cho các ngành như khai thác than và thăm dò dầu khí mà còn kiểm soát được quyền bỏ phiếu của cổ đông công ty.
Ví dụ, tuần trước (05-11/02), Barclays, một trong những ngân hàng lớn nhất của Vương quốc Anh, đã thông báo rằng họ sẽ không còn cung cấp vốn trực tiếp cho các dự án dầu khí mới nữa. Họ cũng tuyên bố rằng họ sẽ cắt giảm việc cho vay đối với những công ty năng lượng nào vẫn đang mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
Kiểm soát tài chính
Một nghiên cứu năm 2019 trên Harvard Business Review cho thấy các nhà đầu tư tổ chức, bao gồm các nhà quản lý tài sản lớn, công ty bảo hiểm, ngân hàng, và quỹ hưu trí tiểu bang, đang sở hữu 80% cổ phần trong chỉ số S&P 500 của các công ty lớn nhất nước Mỹ.
Ngoài ra, báo cáo còn nêu rõ, “một trong số các công ty BlackRock, Vanguard, hoặc State Street là cổ đông lớn nhất của 88% số công ty thuộc S&P 500 [và] họ là ba chủ sở hữu lớn nhất của hầu hết các công ty thuộc DOW 30.” BlackRock, Vanguard, và State Street là những nhà quản lý quỹ lớn nhất thế giới, cùng nhau quản lý số tài sản trị giá khoảng 20 ngàn tỷ USD.
Như một phần của khái niệm mà tác giả báo cáo gọi là sự “sở hữu cổ phần theo chiều ngang,” báo cáo còn nêu thêm rằng một số ít các nhà quản lý quỹ hiện đang kiểm soát các công ty cạnh tranh trong nhiều ngành.
“Vanguard, BlackRock, Capital Research, Fidelity, và State Street là năm chủ sở hữu lớn nhất của Kroger, năm trong số sáu chủ sở hữu lớn nhất của Costco, và bốn trong số bảy chủ sở hữu lớn nhất của Target,” báo cáo cho biết. “Ba cổ đông lớn nhất của Apple cũng là ba trong số bốn chủ sở hữu (không phải là cá nhân) hàng đầu của Microsoft.”
Khi được tập trung vào tay một số công ty, quyền lực to lớn này đặt ra câu hỏi về hành vi độc quyền nhóm, đặc biệt là khi các công ty cùng theo đuổi các mục tiêu chính trị hoặc cam kết hành động thống nhất với tư cách là thành viên của các hiệp hội như Climate Action 100+, sáng kiến Các Nhà quản lý Tài sản Phát thải ròng bằng 0 (NZAM), hoặc Liên minh Ngân hàng Phát thải ròng bằng 0.
Tuy nhiên, mặc dù từng có sự đồng thuận giữa các tổ chức tài chính lớn trong việc có ác cảm với nhiên liệu hóa thạch, một số tổ chức đã bắt đầu phá vỡ hàng ngũ. Việc JPMorgan Chase, State Street, và BlackRock rời khỏi Climate Action 100+ trong tuần này xảy ra sau khi Vanguard, nhà quản lý quỹ lớn thứ hai thế giới, rời khỏi NZAM vào tháng 12/2022.
“Bằng cách đồng ý sử dụng danh mục đầu tư tài chính của họ làm vũ khí chống lại người tiêu dùng Mỹ và nền kinh tế của chúng ta, họ đã thu hút sự phẫn nộ của tất cả mọi người bên ngoài Wall Street và giới tinh hoa Davos,” ông Will Hild, giám đốc điều hành của Consumer’ Research, cho biết. “Bằng cách rời khỏi tập đoàn khí hậu Climate Action 100+, họ đang báo hiệu rằng hành động của hàng triệu người tiêu dùng và hàng chục quan chức dân cử đang có tác dụng.”
Các quan chức thuộc Đảng Cộng Hòa ở các tiểu bang hoan nghênh hành động này
Các tổng chưởng lý tiểu bang theo phái bảo tồn truyền thống, các nhà quản lý tài chính, thống đốc, và nhà lập pháp đã bị cáo buộc, hoặc được ghi nhận, là đã dẫn đầu phản ứng dữ dội chống lại phong trào ESG. Họ đã phản ứng với một thái độ kết hợp giữa hài lòng và thận trọng trước tin tức tuần này.
Tổng Chưởng lý Iowa Brenna Bird tuyên bố trên X, “Iowa tự hào chống lại các chính sách ESG đã làm tê liệt nền kinh tế của chúng ta và khiến người Mỹ phá sản. Các nghị trình chính trị cấp tiến không nên chi phối các quyết định đầu tư.”
Bà nói: “Chúng tôi hoan nghênh JPMorgan vì đã rời khỏi Climate Action 100+ và đặt sự thịnh vượng tài chính của khách hàng lên hàng đầu.”
Tổng Chưởng lý Utah Sean Reyes đã tỏ ra đồng tình.
Ông nói: “Tin tốt cho nền kinh tế, các công ty nên quan tâm đến nghĩa vụ ủy thác của mình, chứ đừng nên tham gia các hội nhóm ESG.”
Tổng Chưởng lý Tennessee Jonathan Skrmetti, người dẫn đầu một vụ kiện chống lại BlackRock hồi năm ngoái với cáo buộc rằng công ty này đã gây hiểu lầm cho các nhà đầu tư về các cam kết phát thải ròng bằng 0 của mình, đã tuyên bố trên X rằng “các công ty phục vụ nhà đầu tư tốt hơn khi họ cam kết minh bạch về tỷ lệ lợi nhuận ròng trên chi phí đầu tư (ROI), chứ không phải là cam kết với các mục tiêu ý thức hệ.”
Thống đốc Ngân khố tiểu bang West Virginia Riley Moore đã dẫn đầu các nỗ lực của nhiều tiểu bang nhằm tẩy chay các ngân hàng và nhà quản lý tài sản được cho là đã phân biệt đối xử với các công ty nhiên liệu hóa thạch.
“Đây là một bước đi đúng hướng và là chiến thắng quan trọng trong cuộc chiến của các tiểu bang chúng ta chống lại sự thông đồng giữa các công ty quốc tế nhắm vào các ngành công nghiệp than, dầu và khí đốt tự nhiên,” ông Moore nói. “Trong nhiều năm, West Virginia và liên minh các tiểu bang của chúng ta đã chiến đấu chống lại những nỗ lực tẩy chay và cắt giảm vốn cho các ngành công nghiệp năng lượng quan trọng của chúng ta, đồng thời làm giảm hoạt động kinh tế và doanh thu quan trọng của các tiểu bang chúng ta.”
Các tiểu bang do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo như West Virginia, Texas, Florida, Utah, Tennessee, Kentucky, Missouri, Oklahoma, Louisiana, và các tiểu bang khác đã có hành động chống lại các công ty tài chính ESG, bao gồm cả việc cấm các ngân hàng kinh doanh với tiểu bang nếu họ bị coi là phân biệt đối xử với các ngành như nhiên liệu hóa thạch hoặc súng ống. Nhiều tiểu bang cũng thoái vốn quỹ hưu trí tiểu bang khỏi các nhà quản lý tài sản ủng hộ ESG.
Phong trào ESG đang trên đà giảm?
Một số nhà phân tích dự đoán rằng những tiểu bang như vậy sẽ phải trả giá đắt nếu chống lại các công ty Wall Street. Một báo cáo năm 2023 của Econsult Solutions Inc. lập luận rằng các tiểu bang đã cấm các ngân hàng mà họ xem là phân biệt đối xử trong việc bảo lãnh phát hành trái phiếu đô thị của họ, bao gồm Texas, Florida, Kentucky, Louisiana, Missouri, Oklahoma, và West Virginia, sẽ phải trả hơn 700 triệu USD chi phí lãi vay cao hơn cho khoản nợ của họ.
Nhưng những nỗ lực chống lại ESG dường như đang có hiệu quả. Ngoài các ngân hàng và nhà quản lý tài sản rời khỏi Climate Action 100+ và NZAM, một nửa số thành viên của Liên minh Bảo hiểm Phát thải ròng bằng 0, bao gồm Axa, Allianz, Munich Re, Zurich, và Hannover Re, đã rời câu lạc bộ trong năm qua vì lo ngại về các vụ kiện pháp lý chống độc quyền.
Ngoài ra, Giám đốc điều hành BlackRock, ông Larry Fink, vốn từng thẳng thắn ủng hộ “đầu tư bền vững,” đã tuyên bố hồi tháng 06/2023 rằng ông sẽ không sử dụng thuật ngữ ESG nữa vì nó đã trở nên quá chính trị hóa.
Những người phản đối phong trào ESG cho biết họ sẽ vẫn cảnh giác.
Ông Derek Kreifels, người đứng đầu Tổ chức các Quan chức Tài chính Tiểu bang (SFOF), hoan nghênh quyết định rời khỏi Climate Action 100+ của các công ty tài chính, nhưng cho biết ông vẫn lo ngại về việc liệu sự rút lui này có đánh dấu một sự thay đổi hướng đi thực chất hay chỉ đơn thuần là làm để duy trì hình ảnh bề ngoài.
“Các quan chức tài chính tiểu bang đã làm việc chăm chỉ trong vài năm qua để thuyết phục các ngân hàng và nhà quản lý đầu tư quay trở lại tập trung vào lợi nhuận tài chính và các quan niệm truyền thống về nghĩa vụ ủy thác, vì vậy các quyết định của JP Morgan Asset Management và State Street về việc không gia hạn tư cách thành viên của họ trong liên minh Climate Action 100+ là một tin tức đáng hoan nghênh,” ông nói. “Khi rời khỏi Climate Action 100+, các công ty này đã thực hiện một bước quan trọng, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để lấy lại niềm tin của mọi người với tư cách là một bên được ủy thác tập trung vào lợi nhuận tài chính.”
Ông Kreifels cho biết việc các công ty tiếp tục là thành viên trong các câu lạc bộ khí hậu khác như Liên minh Ngân hàng Phát thải ròng bằng 0 và Sáng kiến các Nhà quản lý Tài sản Phát thải ròng bằng 0 “đặt ra câu hỏi liệu thông báo ngày hôm nay có phản ánh một thay đổi thực chất hay không.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times