Câu chuyện về hai vụ vi phạm luật tài chính chiến dịch tranh cử: Bà Clinton nộp phạt, ông Trump bị truy tố
Việc truy tố cựu Tổng thống Donald Trump ở New York nổi bật như một sự kiện bất thường – và đó không chỉ vì bị cáo là cựu tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên phải đối mặt với một bản cáo trạng hình sự.
Đây là một vụ kiện lịch sử chứa đầy những lo ngại về cơ sở pháp lý và sự thù địch chính trị nhằm vào ông Trump, ứng cử viên hàng đầu cho đề cử tổng thống năm 2024 của Đảng Cộng Hòa.
Nhiều người đang cố gắng hiểu làm thế nào một vụ kiện ứng cử viên liên bang về việc kê khai sai hồ sơ tài chính lại trở thành các cáo buộc hình sự trong phòng xử án của tiểu bang.
Ông Bradley Smith, một cựu chủ tịch Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC), nói với The Epoch Times rằng những vụ kiện các ứng cử viên liên bang như vậy thường xuất phát từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, đôi khi thông qua khuyến nghị của FEC.
Tuy nhiên, điều đó hiếm khi xảy ra. Thông thường, những tranh cãi nghiêm trọng về chi tiêu của các ứng cử viên liên bang được giải quyết bằng các khoản tiền phạt theo thỏa thuận thông qua FEC.
Đó là điều đã xảy ra với đối thủ chính trị năm 2016 của ông Trump, bà Hillary Clinton thuộc Đảng Dân Chủ. Và với Tổng thống Barack Obama của Đảng Dân Chủ.
Vào năm 2012, chiến dịch tranh cử của ông Obama đã đồng ý trả 375,000 USD, một trong những khoản tiền phạt lớn nhất trong lịch sử FEC. Vụ kiện trong vòng bầu cử năm 2008 đó tập trung vào những thiếu sót trong việc lưu giữ hồ sơ và việc chiến dịch tranh cử của ông chấp nhận khoản đóng góp 1.4 triệu USD vượt quá giới hạn của liên bang. Một cáo buộc “đóng góp quá mức” cũng đóng một vai trò trong vụ kiện nhắm vào ông Trump.
Và có một điểm tương đồng cơ bản nổi bật giữa vụ kiện bà Clinton và vụ kiện ông Trump. Cả hai vụ kiện đều liên quan đến các cáo buộc rằng các chi phí liên quan đến chiến dịch tranh cử đã được ghi lại một cách không chính xác dưới dạng các khoản thanh toán cho các dịch vụ của luật sư.
Việc tìm kiếm câu trả lời phụ thuộc vào người mà quý vị đặt câu hỏi, những yếu tố mà họ nhấn mạnh vào và cách họ diễn giải luật.
Nhưng ông Smith và các chuyên gia khác nói rằng “quyền truy tố,” quyền lực gần như tuyệt đối của các công tố viên trong việc quyết định có truy tố hay không, có thể đóng một trong những vai trò quan trọng nhất.
Nghiên cứu phe đối lập
Các hồ sơ cho thấy, vào năm 2022, FEC nhận thấy “có thể có lý do để tin” rằng chiến dịch tranh cử của bà Clinton đã vi phạm luật bầu cử liên bang do “báo cáo sai mục đích” các khoản thanh toán được thực hiện thông qua một công ty luật do bà Clinton nắm giữ.
Hơn 1 triệu USD đã được trả cho một công ty tình báo chiến lược, Fusion GPS, trong chiến dịch tranh cử không thành công của bà Clinton năm 2016. Nhưng các hồ sơ chiến dịch đã kê khai các khoản thanh toán cho Fusion GPS là chi phí cho công việc của luật sư, chứ không phải là cho việc nghiên cứu phe đối lập.
Dự án nghiên cứu đó đã tạo ra một hiệu ứng lớn. Mối liên hệ của Fusion GPS với cựu điệp viên người Anh Christopher Steele đã tạo ra một “hồ sơ” giúp khởi động cuộc điều tra liên bang kéo dài hai năm về ông Trump, người đã gọi nó là “Trò lừa bịp Nga.” Các nhà điều tra không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy ông Trump thông đồng với Nga để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử đó.
“Trên thực tế, chính bộ máy Đảng Dân Chủ do bà Clinton hậu thuẫn đã thông đồng với người ngoại quốc… để thao túng cuộc bầu cử này,” Quỹ Coolidge Reagan cáo buộc trong một đơn khiếu nại chiến dịch tranh cử của bà Clinton được đệ trình lên FEC hồi năm 2018.
Để giải quyết những khiếu nại như vậy về các khoản thanh toán cho Fusion GPS, chiến dịch tranh cử của bà Clinton và Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ đã nộp phạt tổng cộng 113,000 USD; cả hai đều phủ nhận hành vi sai trái này.
Một sự khác biệt trọng yếu?
Ông Dan Cassino, giáo sư về chính phủ và chính trị tại Đại học Fairleigh Dickinson ở New Jersey, cho rằng cáo buộc “có ý định phạm tội” đã tạo nên sự khác biệt giữa trường hợp của ông Trump với những tranh cãi về chi tiêu của một số ứng cử viên liên bang khác, gồm cả chi tiêu của ông Obama và bà Clinton.
Trong các trường hợp đó, “không có bất kỳ cáo buộc nào nói rằng các ứng cử viên đang cố gắng che đậy hành vi sai trái, như chúng ta thấy trong trường hợp của ông Trump,” ông Cassino nói với The Epoch Times qua thư điện tử. “Nói cách khác: Đó là những vi phạm dân sự — không đệ trình giấy tờ chính xác hoặc kịp thời — chứ không phải tội hình sự.”
Bản cáo trạng của ông Trump cáo buộc ông cố tình làm sai lệch hồ sơ kinh doanh ở New York để che đậy một khoản tiền bịt miệng, mà Biện lý quận New York Alvin Bragg cáo buộc là một khoản “đóng góp lớn bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử.”
Ông Cassino đưa ra một phép loại suy: “Nếu quý vị không nộp thuế đúng hạn, hoặc nhập sai thông tin nào đó trên biểu mẫu thuế của mình, thì quý vị sẽ nhận được thư từ IRS yêu cầu sửa lỗi, và có thể bị phạt. Nếu quý vị giả vờ rằng quý vị có một loạt các khoản khấu trừ … hoặc ngụy tạo một vài người phụ thuộc, thì quý vị có khả năng sẽ bị buộc tội.”
Tuy nhiên, ông Smith, chủ tịch FEC từ năm 2000-2005 cho biết, luật tài chính cho chiến dịch tranh cử của Hoa Kỳ rất mơ hồ và có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau.
Ông Smith, hiện là giáo sư Khoa Luật của trường Đại học Capital ở Columbus, Ohio, cho biết lý do chính khiến ông Trump phải đối mặt với việc truy tố có thể là do “quyền truy tố.”
Những người hoan nghênh bản cáo trạng truy tố ông Trump coi đó là bằng chứng cho thấy “không ai được đứng trên luật pháp.” Tuy nhiên ông Smith phản bác: “Tôi không nghĩ có ai đó nói rằng ông Trump đứng trên luật pháp.”
Ông coi đây là “câu hỏi thực sự:” Liệu một Biện lý Quận có nên nhắm mục tiêu vào một người nào đó vì “thân phận của họ không?” Và đó có phải là những gì đã xảy ra với ông Trump?
Ví dụ, điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump là một ủy viên hội đồng thành phố, người đã tái tranh cử ba năm trước nhưng không thành công? Liệu người ta có theo đuổi một trường hợp như vậy không?
“Tôi nghĩ câu trả lời là ‘không,’” ông Smith nói. “Vì vậy, tôi nghĩ câu hỏi không chỉ là về ông Trump, mà còn là về luật pháp.”
Phân tích về luật của ông Smith trái ngược với lý thuyết luật mà ông Bragg đã đưa ra.
Một cáo buộc trọng tội thay vì phạt tiền
Hai ủy viên FEC của Đảng Cộng Hòa đã viện dẫn “quyền truy tố” khi họ từ chối tiếp tục theo đuổi các cáo buộc nhắm vào ông Trump vào năm 2021. Những cáo buộc đó bắt nguồn từ chính vụ bê bối dẫn đến việc ông Trump bị ông Bragg, một thành viên Đảng Dân Chủ, buộc tội.
Ngay trước cuộc bầu cử năm 2016, luật sư Michael Cohen của ông Trump đã trả cho bà Stephanie Clifford, hay còn gọi là “Stormy Daniels,” 130,000 USD để mua sự im lặng của bà về những tuyên bố rằng bà có quan hệ ngoài hôn nhân với ông Trump trong một thập niên trước đó. Những người nổi tiếng, khi đối mặt với những cáo buộc đê tiện, thường đàm phán các thỏa thuận không tiết lộ với những người tố cáo họ. Những thỏa thuận đó là hợp pháp.
Nhưng ông Bragg cáo buộc khoản thanh toán cho bà Clifford là một khoản đóng góp lớn bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử của ông Trump. Sau đó, ông Trump đã viết séc để hoàn trả cho ông Cohen trong suốt năm 2017, thanh toán hóa đơn giả cho các dịch vụ pháp lý của ông Cohen, ông Bragg nói.
Ông Trump đã không nhận tội. Nhưng ông Bragg cho biết ông Trump “đã cố gắng hết sức” để che giấu giao dịch của bà Clifford và các khoản thanh toán của ông Cohen. Mục đích của ông Trump là che giấu “hoạt động bất hợp pháp với cử tri Mỹ trước và sau cuộc bầu cử năm 2016,” ông Bragg nói.
Ông Smith chỉ ra rằng: Theo luật liên bang thì bất kỳ khoản chi tiêu, quyên góp nào “hoặc bất kỳ thứ gì nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử” đều phải được phân loại là chi phí vận động tranh cử.”
Do đó, ông Bragg dường như đang lập luận rằng khoản thanh toán của bà Clifford là bất hợp pháp vì nó không được ghi nhận là một khoản đóng góp hoặc chi tiêu cho chiến dịch tranh cử. “Vụ án đã khép lại, phải không? Đơn giản vậy thôi,” ông Smith nói.
Nhưng ông Smith nhận thấy một số vấn đề với lý thuyết đó. Một số xoay quanh ông Cohen.
Không phạm tội, bất chấp lời nhận tội?
Khi tin tức về khoản thanh toán của bà Clifford được đưa ra, ông Cohen nói rằng ông đã dùng tiền của mình để trả cho bà ấy. Luật sư của ông đã viết một lá thư cho FEC, nêu rõ: “Tập đoàn Trump Organization cũng như chiến dịch tranh cử của ông Trump đều không phải là một bên trong giao dịch này… và không hoàn trả cho ông Cohen khoản thanh toán trực tiếp hay gián tiếp nào.”
Ông Cohen sau đó đã tuyên bố khác đi. Để tránh án tù dài hạn, ông Cohen đã nhận một số cáo buộc liên bang, một số cáo buộc không liên quan đến khoản thanh toán cho bà Clifford; tuy nhiên, một khoản phí cho biết khoản thanh toán này cấu thành một “đóng góp quá mức cho chiến dịch.”
Vì vụ án của ông Cohen khép lại với lời nhận tội của ông thay vì quyết định của tòa án, nên “nó không nhất thiết phải là tiền lệ theo luật,” ông Smith nói.
Và, ông Smith nói: “Quý vị không thể kết tội ông Trump trên cơ sở ông Cohen đã nói, ‘Tôi có tội.’ Mỗi bị cáo có quyền tự bào chữa, có ngày ra tòa riêng.
“Quý vị không thể dùng lời thú nhận của ông Cohen để buộc tội ông Trump; ông Trump có cơ hội nêu ra bất kỳ biện pháp biện hộ nào mà ông ấy muốn nêu ra,” ông Smith nói.
Một trong những lời biện hộ đó có thể là khẳng định rằng những gì ông Cohen đã làm “không phải là một hành vi phạm tội,” ông Smith nói.
Đó là lập luận của ông Trump hồi tháng 08/2018, khi ông viết trên Twitter: “Ông Michael Cohen (đã nhận) phạm hai tội vi phạm tài chính chiến dịch vốn không phải là một hành vi phạm tội. Tổng thống Obama đã có một vi phạm tài chính chiến dịch lớn, và nó đã được giải quyết dễ dàng!”
Trong vụ án hình sự ở New York, ông Smith nói rằng lập luận của ông Trump có thể diễn ra như thế này: ông Cohen nhận tội để xin khoan hồng, nhưng ông Trump không chấp thuận rằng đó là một hành vi phạm tội. Và ông đã không chấp thuận rằng ông đang cố gắng che đậy khoản thanh toán của ông Cohen vì ông Trump không nghĩ đó là một hành vi phạm tội.
Một phần của luật tài trợ chiến dịch, được gọi là điều khoản sử dụng cá nhân, nghiêm cấm các ứng cử viên chuyển tiền của các nhà tài trợ sang mục đích sử dụng cá nhân.
Ông Smith cho biết việc sử dụng tiền của chiến dịch tranh cử bị cấm sẽ bao gồm việc thuê một luật sư để che giấu tài liệu của một vụ ly hôn lộn xộn hoặc trả tiền cho những người đe dọa sẽ đệ đơn kiện.
Những hành động đó có thể mang lại lợi ích cho chiến dịch tranh cử của ứng cử viên và ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Tuy nhiên, mọi người vẫn thực hiện những hành động như vậy để bảo vệ danh tiếng của họ ngay cả khi họ không tranh cử, ông Smith nói. Ngược lại, mọi người không trả tiền cho quảng cáo chiến dịch tranh cử hoặc thuê trụ sở chiến dịch trừ khi họ đang tìm cách giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Vì vậy, đó rõ ràng là những chi phí có thể chi trả bằng các khoản đóng góp của chiến dịch tranh cử.
Ông Smith cho biết bài kiểm tra về việc sử dụng ngân quỹ cho mục đích cá nhân sẽ trả lời câu hỏi này: “Một người sẽ làm những việc gì nếu họ đang vận động tranh cử, mà nếu không tranh cử thì họ sẽ không làm những việc đó.”
Một số người không đồng ý với phân tích của ông Smith. Tuy nhiên, ông nói rằng, “Thực sự hầu như không có quyết định tư pháp nào giải thích cho điều khoản này của luật,” do đó để cho mọi người hiểu khác nhau về điều khoản này.
Bất chấp những sai sót mà ông Smith viện dẫn trong vụ kiện của ông Bragg, ông Trump vẫn gặp nguy hiểm lớn về mặt pháp lý. Công tố viên này “đã gặp phải một tình huống khó giải quyết, nhưng đó là mối nguy hiểm mà ông Trump gặp phải – rằng ông ấy đang khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn,” ông Smith nói.
Nhiều người đồng ý rằng, ở New York vốn nặng về Đảng Dân Chủ, ông Trump phải đối mặt với một trận chiến cam go trong việc có các bồi thẩm viên công bằng.
Ông Smith nói: “Có một xác suất khá lớn là, ngay cả khi tôi làm đúng luật và mọi thứ, mà tôi tin là mình đúng, thì thẩm phán vẫn sẽ đưa vụ việc đó ra xét xử, và một bồi thẩm đoàn có thể sẽ kết tội ông ấy.” Tuy nhiên, ông Smith tin rằng ông Trump có thể sẽ giành được sự đảo ngược khi kháng cáo.
Tuy nhiên, ông Trump có nguy cơ làm tổn hại đến vụ án của mình với “tính hay nói của ông ấy,” ông Smith cho biết. “Ông ấy phải im lặng và để luật sư của mình giải quyết vụ án này.”
Một mảnh ghép lớn còn thiếu
Các thành viên Đảng Dân Chủ cũng như Đảng Cộng Hòa đã chỉ trích vụ kiện của ông Bragg, nói rằng nó dường như vụ kiện này được xây dựng trên một nền tảng pháp lý không vững chắc.
Nhưng những người ủng hộ nói rằng ông có thể có nhiều bằng chứng chắc chắn hơn những gì có thể được công khai.
Ông Bragg cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích về việc quản lý tư pháp dường như không công bằng. Ông Bragg đã kiên quyết theo đuổi các cáo buộc trọng tội liên quan đến tài chính nhằm vào ông Trump trong khi giảm các trọng tội bạo lực thành khinh tội cho các nghi phạm khác.
Mặc dù văn phòng của ông Bragg đã truy tố hàng chục người vì làm sai lệch hồ sơ kinh doanh, nhưng các chuyên gia cho rằng vụ án của ông Trump có thể là trường hợp đầu tiên của tiểu bang này liên quan đến một chiến dịch tranh cử liên bang.
Để nâng các cáo buộc từ khinh tội lên thành trọng tội, ông Bragg đã kết hợp luật tiểu bang này với cáo buộc cho rằng ông Trump đã làm sai lệch hồ sơ kinh doanh “với ý định lừa đảo và có ý định phạm tội khác.”
Tuy nhiên, ông Bragg chỉ nói bóng gió về hành vi phạm tội khác có thể là gì; điều đó không được tiết lộ trong bản cáo trạng truy tố ông Trump gồm 34 cáo buộc, cũng như “tuyên bố sự thật” đi kèm của bản cáo trạng đó.
Một số nhà phân tích pháp lý, trong đó có luật sư Ohio Mike Allen, một cựu công tố viên, nghĩ rằng việc bỏ sót rõ ràng đó có thể đã gây ra sai sót nghiêm trọng trong vụ truy tố này.
Tuy nhiên, ông Cassino, giáo sư ở New Jersey, coi đó là một “bước đi chiến lược” khả thi đối với ông Bragg.
Ông Cassino nói, “Có vẻ như họ có nhiều giả thuyết về hành vi phạm tội tiềm ẩn có thể là gì… và họ không muốn đưa ra giả thuyết nào trước khi buộc phải làm. Bằng cách đó, nếu một giả thuyết bị loại bỏ, thì họ sẽ có giả thuyết khác để dùng đến.”
Vì vậy, việc bỏ sót hành vi phạm tội tiềm ẩn này có thể giúp ông Bragg có thêm thời gian và sự linh hoạt, ông Cassino nói.
“Có vẻ như ông Bragg đang áp dụng cách một tiếp cận rất thận trọng ở đây,” ông cho biết. “Có thể cuối cùng ông ấy sẽ phải dùng tới giả thuyết này hay giả thuyết khác, nhưng ông ấy sẽ trì hoãn nó càng lâu càng tốt.”
Bằng cách buộc toa xe hợp pháp của mình vào một con ngựa vô hình, ông Bragg đã tạo ra những câu hỏi hóc búa.
Nếu cáo buộc không tên này thuộc luật tiểu bang, thì đó có thực sự là một “hành vi phạm tội” nếu như ông Trump không bị kết tội về cáo buộc đó trước đây hay không?
Hoặc, nếu cáo buộc không tên này thay vào đó lại thuộc luật tài chính chiến dịch tranh cử liên bang, thì liệu ông Bragg, với tư cách là một công tố viên của hệ thống tiểu bang, có thẩm quyền thích hợp đối với cáo buộc đó hay không?
Nhưng đối với nhiều công dân bình thường, những vấn đề kỹ thuật như vậy không giải quyết được liệu ông Trump có bị nhắm mục tiêu một cách bất công hay không.
Như ông Smith đã viết trong một bài xã luận trên tạp chí Reason vào năm 2018:
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times