Canada: 120 quan chức bày tỏ sự ủng hộ nhân Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới
Hôm 13/05, tại một sự kiện trực tuyến do các học viên tổ chức để kỷ niệm 30 năm Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền ra công chúng, hơn 120 quan chức Canada từ khắp nơi trên cả nước đã gửi lời chúc mừng để bày tỏ sự ủng hộ đối với Pháp Luân Đại Pháp, và ca ngợi sự kháng nghị ôn hòa của nhóm đức tin này đối với cuộc đàn áp ở Trung Quốc cộng sản kể từ năm 1999.
Pháp Luân Đại Pháp, còn gọi là Pháp Luân Công, là một môn tu luyện cổ truyền của Trung Hoa về tu dưỡng tự thân gồm năm bài tập tĩnh tại cùng các bài giảng đạo đức lấy ba nguyên lý chân, thiện, nhẫn làm kim chỉ nam. Môn tu luyện này được nhà sáng lập, Đại sư Lý Hồng Chí, truyền ra cho công chúng ở Trung Quốc lần đầu tiên vào ngày 13/05/1992. Pháp Luân Công đã thu hút khoảng 70 đến 100 triệu người theo học chỉ trong vòng một vài năm do những lợi ích của môn này đối với thân và tâm của mọi người.
Ngày 13/05, cũng là ngày sinh nhật của Sư phụ Lý Hồng Chí, hiện đã được công nhận là Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới. Mỗi năm các học viên tại hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới đều kỷ niệm ngày này.
Sự kiện trực tuyến của Canada gồm phần biểu diễn các tiết mục vũ nhạc để gửi lời tri ân đến Pháp Luân Công và nhà sáng lập pháp môn tu luyện này, các bài tâm đắc thể hội của các học viên về cách họ được thọ ích trong cuộc sống của mình nhờ tu luyện, và phần trình bày chọn lọc các tuyên bố công nhận, thư chúc mừng, và những lời chúc qua video từ giới chức lãnh đạo của Canada và các quan chức dân cử từ tất cả các cấp chính phủ. Nhiều thành phố khác nhau trên khắp đất nước cũng làm lễ thượng cờ Pháp Luân Đại Pháp tại tòa thị chính hoặc trang hoàng những ánh đèn rực rỡ tại các tòa nhà nổi tiếng để tôn vinh ngày lễ kỷ niệm này.
Nghị viên Đảng Tự Do kiêm cựu bộ trưởng nội các Judy Sgro nói, “Sự lương thiện, chính trực, [phẩm chất] đạo đức, những tôn chỉ của quý vị … là những nét tính cách tuyệt vời của tất cả những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và là một phần của môn Pháp Luân Đại Pháp. Những nguyên lý này là những nguyên tắc tuyệt vời để chúng ta lan tỏa, không chỉ cho bản thân quý vị, mà còn cho cả những người còn lại trong chúng ta.”
“Chúng ta nên tiếp tục tập trung vào các vấn đề về quyền tự do, sự tôn trọng, và lòng nhân ái dành cho nhau khi chúng ta xây dựng và tiếp tục xây dựng một Canada thậm chí còn tốt hơn nữa trong một thế giới tốt đẹp hơn.”
Bà Sgro, cũng là đồng chủ tịch của hội Những nghị viên Hữu hảo với Pháp Luân Công (Parliamentary Friends of Falun Gong), lạc quan rằng lễ kỷ niệm và các buổi mít-tinh được các học viên tổ chức thường niên tại Ottawa và các thành phố khác sẽ tiếp tục diễn ra.
“Tôi mong đến ngày chúng ta có thể một lần nữa tận hưởng cảm giác được cùng nhau gặp gỡ và tôn vinh các nguyên lý cũng như các giá trị của hoạt động Pháp Luân Đại Pháp trên bãi cỏ của Đồi Quốc hội, hay tại chính sảnh của Quảng trường Nathan Phillips.”
Lãnh đạo Đảng Bảo Thủ Erin O’Toole cho biết ông tự hào về cộng đồng Pháp Luân Đại Pháp tại Canada vì đã lan tỏa các giá trị phổ quát chân, thiện, nhẫn đến cho người dân Canada.
“Tôi muốn công nhận rằng các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã và đang phản kháng một cách ôn hòa chống lại cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong hơn 22 năm,” ông viết trong lá thư chúc mừng của mình gửi đến Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada.
“Tại Canada, chúng ta may mắn được sống trong một đất nước tôn trọng nhân quyền, và các thành viên Đảng Bảo Thủ của Canada sẽ luôn luôn đứng lên bảo vệ các tôn giáo thiểu số.”
Vào ngày 20/07/1999, vì lo sợ sự phổ biến rộng rãi của Pháp Luân Đại Pháp sẽ cản trở lòng trung thành của người dân đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), lãnh đạo Trung Quốc đương thời Giang Trạch Dân đã phát động một chiến dịch đàn áp trên phạm vi toàn quốc đối với pháp môn tu luyện này. Vài năm sau, các nhà điều tra người Canada đã khẳng định rằng, trong số các hành vi lạm dụng của chính quyền Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp có việc mổ lấy nội tạng từ tù nhân lương tâm còn sống — những người trong quá trình này sẽ bị tử vong — để bán cho một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ dollar.
Nghị viên Heather McPherson, Phó Lãnh đạo Hạ viện của Đảng Dân Chủ Mới (NDP), tán dương các học viên vì đã mang lại sự an hòa và niềm vui cho “người khác và cho vũ trụ chung của chúng ta” thông qua việc thực hành Pháp Luân Công.
“29 năm về trước chính vào ngày này Ngài Lý bắt đầu truyền dạy môn Pháp Luân Công,” bà nói. “Nhưng chúng ta biết rằng các bài giảng của Ngài Lý là điều được hình thành từ trí huệ của biết bao nhiêu niên đại, và những bài giảng này sẽ tiếp tục lưu truyền trong hàng ngàn năm tới.”
Mặc dù các buổi lễ kỷ niệm năm nay sẽ “trầm lắng hơn và nhiều phản tỉnh hơn bình thường, nhưng sẽ không kém phần chân thành,” bà nói thêm.
“Cảm ơn quý vị vì cống hiến cho hòa bình, chính nghĩa, và nhân quyền.”
Lãnh đạo nghị viện của Đảng Xanh Elizabeth May nói bà có “sự tôn trọng rất lớn dành cho các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, vốn là tôn chỉ của môn Pháp Luân Đại Pháp.”
“Tôi sát cánh cùng quý vị không chỉ trong lễ kỷ niệm này mà còn cả trong tinh thần đoàn kết khi quý vị kháng nghị để bảo vệ quyền thực hành tâm linh của mình,” bà May viết trong bức thư của mình.
Nghị viên Đảng Bảo Thủ kiêm cựu bộ trưởng nội các Peter Kent — người cùng với Nghị viên Đảng Tự Do Judy Sgro là đồng chủ tịch của hội Những nghị viên Hữu hảo với Pháp Luân Công — cho biết việc giúp đỡ những học viên phải đối mặt với việc bị giam giữ, tra tấn, thu hoạch nội tạng cưỡng bức, và bị tước đi sinh mạng dưới bóng tối của chế độ cộng sản Trung Quốc là một niềm vinh hạnh đối với ông.
“Không chỉ là trên toàn Trung Quốc đại lục, mà còn cả ở Hồng Kông, vì sự sách nhiễu đối với cộng đồng Pháp Luân Công đang leo thang khi Đảng Cộng sản mở rộng cuộc đàn áp tàn bạo của mình đối với tất cả những tiếng nói bất đồng chính kiến,” ông Kent nói trong lời chúc của mình.
“Nhưng ngày nay chúng ta cũng biết rằng Pháp Luân Công — từ lâu đã là một môn tập hợp pháp tại Hồng Kông — một tiếng nói quan trọng trong việc bảo vệ các nguyên tắc dân chủ về các quyền tự do suy nghĩ, tự do ngôn luận, tự do hội họp, và pháp quyền — đang chống lại sự đe dọa từ chế độ này.”
Phó Lãnh đạo Đảng Bảo Thủ Candice Bergen nói các bài giảng của Pháp Luân Công đã giúp các học viên của môn tu luyện này đối diện với những thách thức do tác động của đại dịch trong năm vừa qua.
“Năm vừa qua là một khoảng thời gian bấp bênh và gian truân đối với nhiều người,” bà Bergen viết. “Tuy nhiên, tôi biết rằng các giá trị của Pháp Luân Đại Pháp về lòng trung thực, sự hòa ái, tâm hồn thiện lương, và lòng khoan dung đã chỉ dẫn và làm phong phú cuộc sống của hàng ngàn học viên để vượt qua giai đoạn khó khăn này.”
Nghị viên Đảng Tự Do Mark Gerretsen bày tỏ lòng biết ơn của ông đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp vì “những đóng góp ý nghĩa và tích cực cho các cộng đồng trên khắp Canada và trên toàn cầu” của họ.
“Trong một thời kỳ đầy biến cố tai ương trong lịch sử của chúng ta, mong cho tất cả chúng ta được truyền cảm hứng từ các bài giảng về chân, thiện, và nhẫn.”
Nghị viên Tom Kmiec, chủ tọa nhóm quốc gia của Đảng Bảo Thủ, cũng đã bày tỏ lòng khâm phục đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp vì những đóng góp của họ “để làm cho Canada thành một nơi tốt đẹp hơn.”
Ông lưu ý, “Vào ngày 13/05, chúng ta được nhắc nhở về ba nguyên lý căn bản mà các học viên Pháp Luân Đại Pháp thực hành trong suốt cuộc đời của họ và trong cộng đồng của họ: chân, thiện, nhẫn.”
Nghị viên Đảng Tự Do Kevin Lamoureux lưu ý rằng việc thực hành Pháp Luân Đại Pháp mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội.
“Lịch sử thế giới có lẽ sẽ khác đi rất nhiều theo một cách tích cực hơn nếu có nhiều người tập Pháp Luân Công hơn,” ông Lamoureux tuyên bố trong bức thư của mình.
“Pháp Luân Đại Pháp đã được thừa nhận là rất ôn hòa và đặc biệt hữu ích trong đại dịch COVID-19. Môn này cũng giúp người dân cải thiện sức khỏe tinh thần, đạo đức, và thể chất của họ, và góp phần cống hiến cho một xã hội lành mạnh và hài hòa hơn.”
“Biết được điều đó và tin vào thiện chí cũng như các nhà lãnh đạo của các thành viên đương nhiệm, tôi cảm thấy được khích lệ trong cách các thành viên của Pháp Luân Đại Pháp sẽ đóng góp cho cộng đồng của chúng ta trong tương lai,” ông nói thêm.
Nghị viên Đảng Bảo Thủ Garnett Genuis nói sự kiên định của các học viên trong việc sống theo đúng với lời dạy của Pháp Luân Công khi đối mặt với cuộc bức hại truyền cảm hứng cho ông.
Vị bộ trưởng đối lập đặc trách phát triển quốc tế và nhân quyền này cho hay, “Tôi biết rằng cộng đồng Pháp Luân Công không những đã đang dẫn đầu trong việc thúc đẩy ủng hộ cho cộng đồng của chính họ, mà còn làm nổi bật hoàn cảnh của các cộng đồng khác cũng đang phải đối mặt với thách thức, và một lần nữa, điều này là từ tâm thái luôn coi trọng thiện, chân, và nhẫn.”
Ông Genuis nói thêm rằng ông đã nỗ lực để chống lại hoạt động thu hoạch và buôn bán nội tạng cưỡng bức, và làm việc để thông qua dự luật quy định việc người dân sang ngoại quốc để nhận một cơ quan nội tạng đã bị mổ cướp mà không có sự đồng ý là một tội hình sự.
“Bởi vì chúng ta đều biết có những trường hợp người từ các nước khác bên ngoài Trung Quốc đi đến Trung Quốc để nhận một cơ quan đã bị mổ cướp qua hoạt động thu hoạch nội tạng. Và vì vậy chúng tôi muốn giải quyết vấn đề đó bằng cách ngăn chặn nhu cầu đối với các cơ quan nội tạng này và hy vọng góp phần làm giảm sự bức hại trong quá trình đó.”
Ông Genuis cho biết Dự luật S-204 — do Thượng nghị sĩ Salma Ataullahjan đệ trình tại Thượng viện nhằm chống buôn bán nội tạng quốc tế — sẽ “cũng tạo ra một cơ chế khiến một người có thể bị cấm nhập cảnh vào Canada, nếu họ từng tham gia hoạt động thu hoạch và buôn bán nội tạng cưỡng bức khủng khiếp này.”
Hôm 06/05, Thượng viện đã thông qua lần đọc thứ ba của Dự luật S-204, và kể từ đó ông Genuis đã đệ trình dự luật lên Hạ viện hôm 10/05.
Cựu Nghị viên Đảng Tự Do kiêm Bộ trưởng Tư pháp Irwin Cotler — hiện là chủ tịch của Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg — cho biết chiến dịch “xóa sổ” của Trung Quốc kể từ năm 1999 đã “hình sự hóa không chỉ các quyền tự do căn bản của môn tu luyện tinh thần cũng như phong trào khí công này, mà còn hình sự hóa chính bản thân Pháp Luân Công.”
Ông Cotler nói, việc này đã “dẫn đến các chính sách và các hoạt động về đàn áp và truy tố, bắt giữ tùy ý, bỏ tù oan, tra tấn trong tù, và thu hoạch nội tạng cưỡng bức bất hợp pháp do nhà nước điều khiển, mà Tòa án Luận tội [Trung Quốc] do Sir Geoffrey Nice QC làm chủ tọa đã mô tả là ‘tội ác phản nhân loại.’”
Ông Cotler lần đầu tiên biết đến cuộc bức hại khi làm việc với tư cách là một nghị viên mới được bầu vào năm 1999, khi ông phụ trách về trường hợp của học viên Pháp Luân Công Trương Côn Luân, đương thời là giáo sư [đồng nghiệp với ông] tại Đại học McGill, người bị giam giữ và tra tấn [khi về thăm gia đình] ở Trung Quốc. Ông Cotler đã tổ chức một loạt các cuộc họp báo lưỡng đảng cũng như một số sáng kiến khác mà cuối cùng dẫn đến việc ông Trương được trả tự do.
Vị đồng chủ tịch của Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc (IPAC) của Canada này cũng rất mừng khi Dự luật S-204 được Thượng viện thông qua và hiện đang ở Hạ viện.
“Cuối cùng thì chúng ta sẽ có một sáng kiến lập pháp để giải quyết và khắc phục nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức bất hợp pháp này,” ông Cotler nói.
“Do đó, hãy để lễ kỷ niệm này không chỉ là cột mốc cho một lời khẳng định về các giá trị nền tảng chân, thiện, và nhẫn, mà còn đánh dấu sự khởi đầu của con đường dẫn đến việc tôn vinh các giá trị này ở trong và ngoài Trung Quốc — một cách tự do, để tất cả mọi người có thể thọ ích về tâm lẫn thân, như hàng triệu người đã thọ ích khi đón nhận những giá trị về chân, thiện, và nhẫn này.”
Luật sư nhân quyền quốc tế David Matas, một người được tặng thưởng Huân chương Canada, cho biết Pháp Luân Công là tất cả những gì mà ĐCSTQ không có — “tinh thần, sự gắn kết với truyền thống Trung Hoa, và sự phổ biến.”
“Sức mạnh của pháp môn này trong cuộc chiến chống vi phạm nhân quyền là ba nguyên lý căn bản của môn này: chân, nhẫn, và thiện,” ông Matas nói.
“Chân có nghĩa là các học viên Pháp Luân Công — và tôi đã phỏng vấn nhiều học viên — sẽ nói những gì họ biết ngay cả khi điều đó không phải là những gì họ muốn người khác biết [về trải nghiệm giam giữ của họ]. Đây là hình thức trao đổi rất trọng yếu đối với tôi cho các nghiên cứu tôi đã thực hiện về lạm dụng cấy ghép tạng ở Trung Quốc.”
Ông Matas và ông David Kilgour — cựu nghị viên kiêm Quốc vụ khanh Canada đặc trách các vấn đề về Á Châu-Thái Bình Dương — lần đầu tiên điều tra các báo cáo về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm Pháp Luân Công của Trung Quốc vào năm 2006. Hai ông đã kết luận rằng ĐCSTQ đã nhắm vào nhóm tín ngưỡng này trên quy mô hàng loạt để mổ cướp các cơ quan nội tạng của họ, bán các cơ quan này cho người mua trong nước và quốc tế để kiếm lời. Theo các cuộc điều tra của họ, các cơ quan nội tạng này đã bị mổ lấy ra trong lúc các nạn nhân vẫn còn sống để giữ được độ tươi, và các nạn nhân bị tử vong trong quá trình này.
“Nhẫn có nghĩa là không có một chút bạo lực nào trong sự kháng nghị của Pháp Luân Công đối với những người áp bức họ,” ông Matas nói.
“Thiện có nghĩa là các thành viên trong cộng đồng Pháp Luân Công này, những người không phải là nạn nhân, tạo ra một mạng lưới hỗ trợ toàn cầu để chính lại những hành vi sai trái đối với những người đang là nạn nhân.”
Trong lời chúc qua video (năm 2021) của mình, ông Kilgour cho biết thật vui mừng khi được gặp các học viên Pháp Luân Công ở mọi lứa tuổi và mọi giai tầng của cuộc sống, khi ông và ông Matas đi đến hơn 50 quốc gia để phơi bày tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ.
Ông Kilgour nói, “Theo tôi được biết, chưa một trường hợp riêng lẻ nào từ năm 1999, kể từ khi chủ tịch Giang Trạch Dân bắt đầu cuộc đàn áp của mình đối với Pháp Luân Công, các học viên ứng phó với bạo lực hoặc sự dối trá của nhà nước độc Đảng với các chiến thuật tương tự.”
“Canada, Ottawa, chính phủ của chúng ta phải tích cực kêu gọi phóng thích các công dân Canada, trong đó có bà Tôn Thiến (Sun Qian), người đã chịu đựng ba năm trong tù với tư cách là một viên Pháp Luân Công — hơn ba năm.”
Bà Tôn, một công dân Canada và chủ doanh nghiệp, đã bị chính quyền Trung Quốc bắt tại tư gia ở Bắc Kinh của bà trong tháng 02/2017 và đã bị giam giữ kể từ đó. Hôm 30/06/2020, bà đã bị một tòa án Bắc Kinh kết án đến tám năm tù giam — chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Justin Trudeau từ chối yêu cầu trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), CFO của Huawei bị bắt ở Canada theo một yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ.
Ông Kilgour kêu gọi chính phủ Canada đưa ra lập trường mạnh mẽ chống lại chế độ cộng sản Trung Quốc.
“Đã đến lúc dừng lấy lòng một trong những nhà nước vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất thế giới — chính quyền Trung Quốc. Thay vào đó chúng ta nên giữ vững các giá trị của chúng ta, và ngăn chặn nhà nước độc đảng Bắc Kinh tấn công các công dân Canada và các giá trị phổ quát mà không bị trừng phạt,” ông nói.
“Đã đến lúc Canada sát cánh với Pháp Luân Công, người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ cùng các dân tộc Hồi giáo khác, và các tín đồ Cơ Đốc, đứng về phía lẽ phải của lịch sử để ủng hộ phẩm giá con người ở Trung Quốc.”
Thượng nghị sĩ Đảng Bảo Thủ Ngô Thanh Hải nói rằng khi các buổi lễ kỷ niệm diễn ra vào dịp kỷ niệm này, điều quan trọng là không quên những người đang bị bức hại ở Trung Quốc.
“Tại Canada, chúng tôi rất vinh dự được đón nhận những giá trị cởi mở, đa dạng, và tự do tín ngưỡng,” ông Ngô viết trong lời chúc của mình. “Đáng buồn thay, các học viên vô tội của môn tu luyện ôn hòa này tiếp tục bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại trên cơ sở dân tộc hoặc tín ngưỡng.”
Ông Ngô, một người bảo vệ nhân quyền mạnh mẽ, cho biết Canada phải làm phần việc của mình để bảo vệ những người bị ĐCSTQ bức hại.
“Chúng ta phải tiếp tục đoàn kết với các học viên Pháp Luân Đại Pháp và tất cả các nhóm thiểu số tôn giáo bị áp bức khác, chẳng hạn như người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ.”
Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, hàng trăm ngàn học viên đã bị đưa vào các nhà tù, các trại lao động, và các trung tâm tẩy não trong bối cảnh diễn ra chiến dịch đàn áp sâu rộng của chính quyền Trung Quốc vô thần.
Minghui, một trang web tại Hoa Kỳ chuyên theo dõi cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc, đã ghi nhận hơn 4,500 trường hợp các học viên Pháp Luân Công bị thiệt mạng do chiến dịch [bức hại] của chính quyền Trung Quốc, đồng thời cho biết con số tử vong thực sự có khả năng cao hơn rất nhiều.
Theo trang web trên, cuộc đàn áp vẫn tiếp diễn không ngừng nghỉ bất chấp đại dịch. Trong năm 2020, hơn 6,500 học viên đã được báo cáo là bị bắt và hơn 8,500 học viên bị sách nhiễu bởi chính quyền Trung Quốc. Trong năm 2021, gần 600 học viên đã bị sách nhiễu hoặc bắt giữ trong tháng Một và tháng Hai. Từ tháng Một đến tháng Ba, 100 học viên đã bị kết án tù vì đức tin của mình.
Nghị viên Đảng Bảo Thủ James Bezan nói rằng cần phải lên án ĐCSTQ vì cuộc đàn áp nhằm vào các học viên Pháp Luân Công đang diễn ra của họ.
“Những người chịu trách nhiệm cho việc thực hiện những tội ác này, chẳng hạn như thu hoạch nội tạng người, phải bị trừng phạt, nếu không muốn nói là bị buộc tội phạm tội ác phản nhân loại,” ông Bezan nói trong lời chúc của mình.
Ông Bezan, người từng là một trong những nhà bảo trợ giúp thông qua một Luật Magnitsky ở Canada, cho biết đảng của ông sẽ tiếp tục kêu gọi chính phủ liên bang áp dụng luật này để “trừng phạt những người đang sử dụng quyền hạn của mình để thực hiện những vi phạm nhân quyền trắng trợn, và tất nhiên, để trục lợi cho mình.”
“Họ đáng lẽ không được phép lợi dụng Canada như một nơi trú ẩn an toàn cho việc đi lại, cho việc mang người nhà của họ đến đây để được hưởng nền giáo dục, hoặc để che giấu tài sản bất hợp pháp của họ,” ông nói.
Ông Pierre Poilievre, Nghị viên Đảng Bảo Thủ và bộ trưởng đối lập đặc trách việc làm và ngành công nghiệp, cho biết ông rất ngưỡng mộ dũng khí của các học viên Pháp Luân Công và sự khước từ của họ đối với “sự tàn ác và áp bức của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
“Tôi khen ngợi các học viên Pháp Luân Đại Pháp cho những nỗ lực của họ trong việc thúc đẩy quyền tự do vốn được người Canada trân trọng,” ông viết.
“Đáng lẽ không có ai phải chịu bức hại vì đức tin mà họ theo đuổi,” Nghị viên Đảng Bảo Thủ Marty Morantz, thành viên của Ủy ban Ngoại giao và Phát triển Quốc tế Hạ viện, nói.
“Sự kiên cường và lòng trắc ẩn mà tất cả các quý vị thể hiện mỗi ngày là cần thiết hơn bao giờ hết trong những ngày tăm tối này.”
Các thị trưởng ở các tỉnh bang British Columbia, Ontario, Saskatchewan, và Alberta đã ra tuyên bố chính thức công nhận ngày 13/05 là ngày Pháp Luân Đại Pháp tại các thành phố của họ. Các thành phố ở British Columbia gồm có Victoria, Nanaimo, Kelowna, Port Moody, Port Alberni, và Courtenay. Ở Ontario, các thành phố Ottawa, Cornwall, và Kingston đã ban hành tuyên bố, và ở Saskatchewan là các thành phố Regina và Saskatoon. Còn ở Alberta, thành phố Cold Lake cũng đã tham gia vào việc ban hành bản tuyên bố này.
Năm nay đánh dấu lần thứ 10 Thị trưởng Ottawa Jim Watson tuyên bố công nhận Ngày Pháp Luân Đại Pháp kể từ khi ông trở thành thị trưởng vào cuối năm 2010. Các thị trưởng Ottawa đã ra các tuyên bố kể từ năm 2001.
Các phó thống đốc tương ứng của Saskatchewan và đảo Prince Edward, ông Russ Mirasty và bà Antoinette Perry, đã gửi thông điệp chúc mừng thay mặt Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị, cũng là Nữ hoàng của Canada, nhân kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp.
Thị trưởng Toronto John Tory cũng bày tỏ những lời chúc của mình đến Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Toronto.
“Xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến lễ kỷ niệm hàng năm của quý vị — mà trong đó sẽ có các phần chia sẻ tâm đắc, vũ đạo, ca hát và các màn trình diễn âm nhạc khác. Những sự kiện như thế này khích lệ người dân tham gia vào cộng đồng của họ, kết nối với nhau và góp phần vào sức mạnh của cộng đồng,” ông Tory viết trong thư chúc mừng của mình.
“Thay mặt cho Hội Đồng Thành Phố Toronto, tôi chúc tất cả mọi người có một sự kiện thú vị và đáng nhớ. Hãy đón nhận những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi cho sự thành công tiếp nối.”
Trong thư chúc mừng, Thị trưởng Winnipeg Brian Bowman cho biết Pháp Luân Công đã có nhiều đóng góp tích cực cho thành phố của ông.
“Tôi hiểu rằng các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã giúp đỡ người dân Canada trong thời kỳ khó khăn này khi tổ chức các buổi hướng dẫn tập thiền miễn phí ở các cộng đồng và các lớp học trực tuyến,” Thị trưởng Winnipeg Brian Bowman viết.
“Ở xã hội phương Tây, chúng ta đang ngày càng trở nên minh bạch rằng tâm và thân có một mối liên hệ mật thiết – một điều mà văn hóa Trung Hoa truyền thống và những người tín ngưỡng Pháp Luân Đại Pháp đã đưa vào thực hành trong nhiều năm.”
Ông James Pasternak, ủy viên hội đồng của York Centre ở Toronto, cho biết thành phố đã được hưởng lợi lớn từ phong tục, tập quán, và các bài giảng có giá trị vượt thời gian mà Pháp Luân Đại Pháp đã mang lại cho công chúng trong suốt 29 năm qua.
Anh Isaac Teo là phóng viên của The Epoch Times tại Toronto.
Bản tin có sự đóng góp của Eva Fu, Omid Ghoreishi, và Justina Wheale
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: