Cảm tưởng của người Hồng Kông về Đài Loan: Một cuộc lưu vong không hoàn hảo
ĐÀI BẮC, Đài Loan – Đối với ông Lâm Vinh Cơ (Lam Wing-kee), một chủ hiệu sách ở Hồng Kông, người từng bị cảnh sát Trung Quốc giam giữ trong năm tháng vì bán những cuốn sách nhạy cảm về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thì đến Đài Loan là một bước đi hợp lý.
Là một hòn đảo chỉ cách Hồng Kông 640 km (400 dặm), Đài Loan không chỉ gần về mặt địa lý mà còn gần gũi cả về ngôn ngữ và văn hóa. Người Hồng Kông khi tới đây sẽ được hưởng các quyền tự do mà mình từng có, ở quê nhà của họ những quyền ấy không còn nữa.
Việc ông Lâm chuyển đến Đài Loan vào năm 2019 và mở lại hiệu sách của mình ở thủ đô Đài Bắc cho thấy làn sóng di cư khỏi Hồng Kông từ khi thuộc địa cũ của Anh nằm dưới sự kìm kẹp chặt chẽ hơn của ĐCSTQ.
“Hồng Kông giờ đây không chỉ không còn nền dân chủ, mà đến một chút quyền tự do cũng không còn,” ông Lâm nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Khi người Anh cai trị Hồng Kông, tuy họ không trao cho chúng tôi một nền dân chủ thực sự hoặc quyền biểu quyết, nhưng người Anh đã cho người Hồng Kông một không gian rất lớn để sống tự do.”
Tuần tới, các nhà lãnh đạo Hồng Kông và Trung Quốc sẽ đánh dấu kỷ niệm 25 năm Hồng Kông được bàn giao cho Trung Quốc. Vào thời điểm đó, một số người đã sẵn sàng cho nhà cầm quyền Trung Quốc một cơ hội. ĐCSTQ đã hứa sẽ cai trị thành phố này trong 50 năm theo khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ.” Điều đó có nghĩa là Hồng Kông sẽ duy trì hệ thống chính trị và luật pháp của riêng mình và quyền tự do ngôn luận vốn không tồn tại ở Trung Quốc đại lục.
Nhưng trong những thập niên sau đó, căng thẳng ngày càng gia tăng giữa các giá trị tự do kiểu phương Tây của thành phố này và hệ thống chính trị độc tài của Trung Quốc đại lục đã triển hiện rõ nhất trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ nổ ra vào năm 2019. Kể từ đó, ĐCSTQ đã áp đặt luật an ninh quốc gia khiến các nhà hoạt động và những người khác sống trong nỗi sợ hãi bị bắt giữ vì đã lên tiếng.
Hồng Kông bề ngoài thì vẫn vậy. Các trung tâm thương mại vẫn mở cửa, những tòa nhà chọc trời lấp lánh. Nhưng ông Hoàng Quốc Tài (Kacey Wong), một nghệ sĩ nổi tiếng, đã chuyển đến Đài Loan vào năm ngoái, cho biết ông luôn thường trực một suy nghĩ rằng chính ông hoặc bằng hữu của ông sẽ bị bắt, một số người bạn của ông hiện đang ở trong tù.
“Vẻ bề ngoài của thành phố này vẫn hoàn mỹ, cảnh hoàng hôn ở bến cảng vẫn đẹp như xưa. Nhưng đó là một giả tướng khiến quý vị nghĩ rằng mình vẫn còn tự do,” ông nói. “Thực tế thì không phải vậy, nhà cầm quyền vẫn đang dõi theo quý vị và bí mật đi sau quý vị.”
Mặc dù ông Hoàng cảm thấy an toàn ở Đài Loan, nhưng cuộc sống lưu vong không hề dễ dàng gì. Dù cho nơi đây có những nét tương đồng với Hồng Kông, nhưng ông Hoàng cảm thấy ngôi nhà mới của mình là một nơi xa lạ. Ông không nói được tiếng Đài Loan, một phương ngữ Phúc Kiến được mọi người ở đây sử dụng rộng rãi. Và hòn đảo với lối sống khoan thai không bon chen này đối lập hoàn toàn với Hồng Kông – một thủ đô tài chính với nhịp sống năng động.
Ông Hoàng cho biết, sáu tháng đầu tiên thật khó khăn, lưu ý rằng việc đi du lịch với tư cách khách du lịch đến Đài Loan hoàn toàn khác với quyết định sống lưu vong trên hòn đảo này.
“Tôi vẫn chưa thân thuộc với nơi đây, với đường phố, với ngôn ngữ, cũng chưa xây dựng được mối quan hệ với mọi người ở đây, với cửa hàng ở tầng dưới,” ông cho biết.
Những người lưu vong khác, ít nổi bật hơn ông Hoàng hoặc ông Lâm cũng đã phải chuyển sang một hệ thống không có luật hoặc cơ chế thiết lập cho người tị nạn và người xin tị nạn, và không phải lúc nào cũng được chào đón. Vấn đề đó càng trở nên phức tạp hơn do sự cảnh giác ngày càng tăng của Đài Loan đối với các rủi ro an ninh do ĐCSTQ gây ra và ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Hồng Kông. Nhà cầm quyền Trung Quốc tuyên bố hòn đảo này là của riêng mình, mặc dù Đài Loan là một quốc gia độc lập trên thực tế, có quân đội, chính phủ được bầu cử dân chủ, và có hiến pháp của riêng mình.
Ông Phùng Thiên (Sky Fung), tổng thư ký của Hong Kong Outlanders, một nhóm vận động cho người Hồng Kông ở Đài Loan, cho biết một số cá nhân như giáo viên trường công và bác sĩ đã bị từ chối cấp tư cách thường trú tại Đài Loan vì họ từng làm việc cho chính quyền Hồng Kông. Những người khác phải chật vật với các yêu cầu khắt khe hơn và quá trình giải quyết thị thực đầu tư chậm chạp.
Trong khoảng một năm trở lại đây, một số người đã chọn rời khỏi Đài Loan, với lý do Vương quốc Anh và Canada có con đường nhập cư rõ ràng hơn, bất chấp lỗ hổng lớn hơn về ngôn ngữ và văn hóa.
Ông Hoàng cho rằng Đài Loan đã bỏ lỡ một cơ hội ngàn vàng để giữ chân nhân tài đến từ Hồng Kông. Ông nói, “Các chính sách và hành động, cũng như những gì mà … chính phủ này đang thực hiện không đủ chủ động và khiến những người này cảm thấy không có sự ổn định, đó là lý do tại sao họ rời đi.”
Ủy ban Các vấn đề Đại lục của Đài Loan đã biện hộ cho hồ sơ của mình, nói rằng họ phát hiện ra rằng một số người di cư từ Hồng Kông đã thuê các công ty nhập cư thực hiện các hình thức bất hợp pháp, chẳng hạn như không tiến hành đầu tư và tuyển dụng người dân địa phương mà họ đã cam kết trên giấy.
“Chúng tôi ở Đài Loan cũng đòi hỏi vấn đề an ninh quốc gia,” ông Khâu Thùy Chính (Chiu Chui-cheng), Thứ trưởng tại Ủy ban Các vấn đề Đại lục, cho biết trên một chương trình truyền hình vào tuần trước. “Tất nhiên chúng tôi cũng muốn giúp đỡ Hồng Kông, và chúng tôi luôn hỗ trợ người dân Hồng Kông vì sự ủng hộ của họ đối với tự do, dân chủ, và pháp quyền.”
Theo Sở Di trú Quốc gia Đài Loan, khoảng 11,000 người Hồng Kông đã được cấp phép cư trú tại Đài Loan vào năm ngoái, và 1,600 người trong số họ đã được cấp tư cách thường trú nhân. Vương quốc Anh đã cấp 97,000 đơn đăng ký cho những người Hồng Kông có hộ chiếu Công dân Anh ở Hải ngoại vào năm ngoái nhằm đối phó với chiến dịch đàn áp của ĐCSTQ.
Cho dù Đài Loan không phải là một sự lựa chọn hoàn hảo, nhưng nơi này đã cho các nhà hoạt động một cơ hội để tiếp tục sự nghiệp của họ, ngay cả khi hành động trực tiếp trong quá khứ không còn khả thi.
Ông Lâm là một trong năm người bán sách ở Hồng Kông từng bị các nhân viên an ninh Trung Quốc bắt giữ vào năm 2016 đã thu hút sự quan tâm trên toàn thế giới.
Ông thường xuyên xuất hiện trong các cuộc biểu tình chống chế độ Trung Quốc, gần đây nhất là tham dự lễ tưởng niệm Sự kiện Lục Tứ ở Đài Bắc để kỷ niệm một vụ thảm sát đẫm máu những người biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 1989. Các cuộc biểu tình tương tự đã từng diễn ra ở Hồng Kông và Ma Cao, cho đến gần đây những nơi duy nhất ở Trung Quốc được phép tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn, đều không còn được phép nữa.
Ông Lâm nói, “Là một người Hồng Kông, thực sự tôi chưa bao giờ ngừng đấu tranh. Tôi sẽ không ngừng làm những việc cần làm ở Đài Loan, và tham gia vào các hoạt động của mình. Tôi sẽ chiến đấu đến cùng.”