Cảm nghĩ của một người sống sót qua bão Ian: Những gì đọng lại sau cơn bão
PUNTA GORDA, Florida — Trong trường báo chí, các giáo sư thường nói, “hãy luôn tường thuật tin tức; đừng trở thành tin tức.”
Tất cả đã thay đổi với cơn bão Ian hôm 28/09. Tôi không hề muốn để giáo sư cũ của mình thất vọng, nhưng ở đây tôi “đang trở thành tin tức,” tất cả là do bão Ian.
Anh Pete chồng tôi, và tôi đã trải qua ba cơn bão lớn khi sống ở Tiểu bang Ánh Dương (Florida) này trong cuộc hôn nhân kéo dài 22 năm của chúng tôi. Cơn bão lớn nhất, trước Ian, là cơn bão Charley, một cơn bão cấp 4 xảy ra hồi năm 2004.
Mắt bão Charley rộng năm dặm, và cơn bão này đã phá hủy Punta Gorda trong vòng một giờ. Cơn bão còn cuốn theo những cơn gió mạnh có sức tàn phá để lại một dãy nhà sụp đổ. Nhà cửa và sân vườn của chúng tôi bị thiệt hại đến mức đau lòng.
Tuy nhiên, như mọi cơn bão khác, Charley di chuyển rất nhanh.
Vì vậy, với tư cách là “những người kỳ cựu sống sót qua bão,” chúng tôi tràn đầy tự tin, ngay cả khi bão Ian đột ngột chuyển hướng sang phải — nhắm thẳng vào chúng tôi.
Chúng tôi cam đoan với nhau rằng mình có thể vượt qua cơn bão này. Và có lẽ là vượt qua chỉ với một chút thiệt hại về tài sản. Không cần phải lo lắng, phải không nào?
Anh Pete điều hành một công ty kinh doanh xe tải tự đổ, và, như anh ấy vẫn thường làm khi có bất kỳ cơn bão đáng lo ngại nào chuyển hướng đến chỗ chúng tôi, anh ấy sẽ sắp đặt cái mà anh gọi là “lớp chắn chống bão của người dân miền Nam.”
Chẳng bao lâu, một đội xe gồm vài chiếc xe tải tự đổ sơn màu đỏ đen và một chiếc xe xúc lật có phía trước màu vàng đã đậu xung quanh để bảo vệ cho ngôi nhà của chúng tôi, sẵn sàng cản gió và bất kỳ mảnh vụn bay nào. Anh Pete đã nảy sinh ý tưởng tài tình đó sau chuyến viếng thăm không mong đợi của bão Charley 18 năm về trước.
Các “lớp chắn” của chúng tôi đã ứng phó với các cơn bão Jeanne và Irma. Chúng tôi đã vượt qua những cơn bão đó khá an toàn. Đại vũ và cuồng phong của Ian sẽ không thể sánh được với pháo đài bất khả chiến bại của chúng tôi.
Những chiếc xe tải cũng vây quanh chiếc xe cắm trại có bánh xe thứ năm mới của chúng tôi. Chúng tôi nghĩ rằng mình có thể sẽ bị cúp điện trong một thời gian ngắn. Vì vậy, chúng tôi dự định sẽ trú ở đó, tận hưởng những tiện nghi được cấp bằng máy phát điện, cho đến khi nào thợ điện có thể khôi phục lại nguồn điện cho ngôi nhà.
Các nhà dự báo dự đoán cơn bão sẽ đổ bộ vào vịnh Tampa, cách 90 dặm về phía bắc. Nhưng Ian lại ‘nghĩ’ khác.
Hôm 27/09, cơn bão chuyển hướng sang phải và chọn di chuyển cùng hướng như bão Charley. Với sức gió lên tới 155 dặm/giờ, Ian bắt đầu nhích dần đến vùng biển lặng của cảng Charlotte. Con lạch nhỏ của vịnh Mexico nằm ở bờ bên kia đối diện nhà của chúng tôi.
Ngày hôm sau, bão Ian đã tự trình làng một cách đường đột với cộng đồng của chúng tôi lúc 10 giờ 30 phút sáng.
Thay vì lịch sự dạo quanh trong vòng một giờ thôi, thì Ian đã nán lại đến 12 giờ, phá hủy nhà cửa, làm gãy cây cối, và lật tung những đồ đạc quý giá lên không trung như một đứa trẻ to xác đang nổi cơn tam bành.
Những phúc lành của Ian
Trong những giờ phút đầu tiên, anh Pete và tôi khá bối rối khi cố gắng trấn an ông bà Ross và Rita Davis. Họ vừa từ Portland, Oregon, chuyển đến cộng đồng của chúng tôi vào mùa xuân này. Họ đến để rồi phải đối diện với Ian cùng chúng tôi và ba chú chó già của chúng tôi.
Chúng tôi là những người sống sót sau bão kỳ cựu duy nhất mà họ từng biết, và họ đã quyết định đến trú ẩn cùng chúng tôi sau bức tường làm bằng những chiếc xe tải tự đổ của chúng tôi khi những lựa chọn khác của họ không còn.
Lúc ban đầu khi họ chuyển đến cạnh nhà, chúng tôi đã trao nhau những lời thăm hỏi thông thường. Chúng tôi mỉm cười và vẫy tay chào khi chạy xe ngang qua nhau hay lúc gặp nhau ở hòm thư.
Nhưng chúng tôi chưa bao giờ thân nhau ở cấp độ cá nhân — cho đến khi Ian bắt đầu chen vào mối quan hệ này.
Trước cơn bão, họ bắt đầu lo lắng, và rồi sợ hãi. Họ chưa bao giờ trải qua giây phút chờ đợi một cơn bão đang trên đường kéo đến.
Đối với hai ông bà Ross và Rita, thảo luận về việc di tản là một điều gì đó lạ lẫm. Và khi Ian đổi hướng, họ không kịp di tản đến nơi an toàn khỏi cảng Charlotte, nơi bão ập đến đầu tiên.
Chúng tôi rất vui khi tiếp đón họ. Ông bà Ross và Rita mang đến một nồi thịt hầm nấu từ nhà. Và khi cơn phong vũ bắt đầu trút xuống ngôi nhà, chúng tôi cùng nhau chia ngọt sẻ bùi và bắt đầu trò chuyện rôm rả về cuộc sống của họ ở Portland.
Bất chấp cơn bão đang hoành hành ngoài kia, chúng tôi dành thời gian để bồi đắp tình bằng hữu mới mẻ này.
Tôi sẽ không bao giờ xem nhẹ cơ hội được làm quen với những người láng giềng của mình nữa. Đó là một trong những phúc lành mà tôi sẽ mang theo từ bão Ian.
Thời khắc sống còn
Vài giờ sau, mọi thứ trở nên tĩnh lặng, và những người đàn ông mạo hiểm bước ra ngoài. Họ cùng nhau tìm cách kích hoạt máy phát điện trên chiếc xe cắm trại. Cho đến khi ngôi nhà có điện trở lại, chúng tôi đã quyết định rằng chúng tôi sẽ ở lại đó. Có thể sẽ là vài ngày. Có thể sẽ là vài tuần.
Sống sót rồi! Chúng tôi sung sướng mãn nguyện khi biết mình đã tránh được một tai họa nữa.
Vì không có điện, nên thông tin vẫn đứt đoạn. Dịch vụ điện thoại di động chập chờn. Không có thông báo cập nhật nào chuyển đến.
Các đồng nghiệp trong nhóm tin tức của tôi băn khoăn khi theo dõi các bản tin thời tiết và radar. Mắt bão đang lướt qua chúng tôi. Và điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến.
Không chút bận tâm, bà Rita và tôi cứ thế trò chuyện trong xe, còn tôi thì ôm Buddy, một chú chó lai pug-Chihuahua, trong lòng. Nó luôn cần được an ủi trong cơn bão táp. Chúng tôi khuây khỏa trò chuyện, háo hức chờ đợi việc khôi phục hệ thống điều hòa không khí, một điều luôn cần làm ở Florida ấm áp.
Rồi thình lình, những cơn gió chuyển mình và bắt đầu mạnh trở lại. Chiếc xe cắm trại rung lắc dữ dội.
Ôm chặt Buddy vào ngực, tôi cùng bà Rita bước ra ngoài và chạy vào nhà. Gió rất mạnh, và mưa đổ xối xả vào người chúng tôi, cảm giác như những lưỡi dao cứa vào mặt. Chúng tôi đã phải bám sát vào nhau để quay trở vào trong nhà.
Buddy tội nghiệp run rẩy vì sợ hãi, nó đã bị tổn thương tinh thần. Có phải tiếng gió hú, gào thét khiến nó sợ hãi, hay chính trái tim đang đập thình thịch của tôi đã báo hiệu rằng đã đến lúc phải hoảng sợ? Tôi chẳng biết nói sao nữa.
Việc này đã cảnh báo tôi về một sự thật. Tôi nhận ra rằng mình không thể cho phép bản thân trở nên xúc động hoặc cuồng loạn. Tôi phải mạnh mẽ vì những người khác nữa.
Vì vậy, tôi đã chôn chặt nỗi sợ hãi của mình và dán lên môi một nụ cười. Tôi rất muốn hét lên một cách tuyệt vọng và khóc. Tôi tự hỏi tại sao chúng tôi lại có thể mắc sai lầm như vậy khi ở nguyên tại chỗ, thay vì di tản. Nhưng tôi tự nhủ rằng đây không phải là lúc để hối tiếc. Đây là lúc để sống sót.
Chúng tôi vừa quay vào nhà được khoảng năm giây thì nghe thấy một âm thanh xé toạc kinh hoàng và cảm thấy một luồng không khí nóng ẩm thổi vào, khiến giấy tờ và sách vở bay tung toé. Cơn cuồng phong 155 dặm/giờ đã đẩy một cánh cửa sổ mở toang.
Mưa tràn vào. Tôi phải ngăn nó lại.
Tôi càn lướt qua màn mưa gió và những mảnh vụn đang tung bay để đi tới chỗ trống trên tường nhà. Bằng hết sức bình sinh, tôi kéo cửa sổ lên khỏi sàn và đẩy nó trở lại. Sau đó tôi dựa vào nó, cố hết sức có thể để giữ nó cố định lại.
Tôi biết rằng lấy thân thể để chống đỡ một cửa sổ bị vỡ không phải là điều khôn ngoan. Nhưng trong những thời khắc hỗn loạn và hoảng sợ đó, không còn cách nào khác hợp lý hơn.
Đoạn tôi nhìn lên, thì thấy cây lanai trước nhà bị xé toạc khỏi ngôi nhà. Một chiếc ghế bập bênh màu trắng mua ở Cracker Barrel cũng đã bị hất tung lên. Và cả bốn lốp xe của chiếc Jeep Wagoneer mới tinh của tôi đều rời khỏi mặt đất, nảy lên khi gió giật ở bên dưới.
Tất cả những gì tôi có thể nghĩ là, Lạy Chúa! Xin Ngài hãy lắng nghe lời cầu nguyện của con! Chuỗi tràng hạt tôi dùng để cầu nguyện đã bị thổi bay từ lâu mất rồi.
Chợt, bà Rita hét lên. Tôi nhìn thấy mảnh vỡ của mái che hồ bơi bằng nhôm ở sân sau nhà của chúng tôi. Nó đã sụp xuống thành một đống đổ nát.
Tôi đang ở giữa một vùng chiến sự. Kim loại đập mạnh vào hông nhà. Ian ném đồ đạc của láng giềng chúng tôi qua sân. Các máy phát sóng vô tuyến điện từ đỉnh cột điện rơi xuống đất và phát nổ.
Chúng tôi hoàn toàn chỉ có thể dựa vào bản thân! Tôi chợt nhận ra. Không ai có thể đến giúp đỡ chúng tôi ngay lúc này.
Chúng tôi phải khôn khéo. Tôi quả quyết rằng Ian sẽ không thắng được cuộc chiến này.
Và rồi, đội kỵ binh tiến vào ứng cứu.
Ông Ross cùng tôi ép mình vào cửa sổ, khi những cơn gió đẩy về phía chúng tôi. Sau đó, anh Pete đặt hai túi thức ăn cho chó nặng 50 pound vào cửa sổ, giữ cố định bằng một chiếc nạng còn sót lại từ một lần chấn thương mắt cá chân. Trong trận chiến, quý vị phải sử dụng mọi nguồn lực mà mình có.
Khi tự hỏi liệu chúng tôi sẽ sống sót không, tất cả những gì chúng tôi có thể làm là cầu nguyện. Và, tuy biết rằng những tin nhắn của chúng tôi có thể không gửi đi được, nhưng chúng tôi vẫn nhắn tin cho những người thân yêu và bằng hữu, nói với họ rằng chúng tôi rất yêu quý họ.
11 giờ đêm chúng tôi mới được tiếp cận và đã trải qua mọi thứ đến mức giới hạn chịu đựng. Chúng tôi đã mệt mỏi. Thật quá mệt mỏi. Chúng tôi không còn quan tâm đến nỗi kinh hoàng bên ngoài những bức tường nhà mình nữa.
Gió đã giảm còn 40-50 dặm/giờ, nhưng vẫn đủ mạnh để quật cong cây cối và thổi tung các mảnh vỡ quanh đó. Chúng tôi giữ cho mấy thú cưng và những người láng giềng của chúng tôi được an toàn trong các căn phòng khác, và bò vào giường của mình.
Nếu chúng tôi không vượt qua được, đây sẽ là cách mà họ sẽ tìm thấy chúng tôi — vẫn đang ôm chặt lấy nhau, một minh chứng cho 22 năm chung sống.
Nhưng chúng tôi đã vượt qua được.
Ian tiếp tục tàn phá nhiều khu vực đất liền hơn của tiểu bang. Và sáng hôm sau, vầng thái dương mỉm cười trước sự tàn phá ở mức độ mà tôi chưa bao giờ tưởng tượng nổi.
Đó là mái ấm của tôi. Nhưng chẳng còn gì thân thuộc nữa.
Tiếng gầm xa xa của các máy cưa đã phá tan bầu không khí im lặng. Chúng nhai rau ráu những cây bị đổ vốn đã khiến các gia đình bị mắc kẹt trong nhà của họ và chặn những con đường mà lực lượng cứu hộ cần phải di chuyển để tiếp cận những người cần được trợ giúp.
Một vài ngày trôi qua với những công việc tương tự. Cuối cùng, một cửa hàng bách hóa đã mở cửa, và những người sống sót sau cơn bão loạng choạng bước vào như những thây ma. Tất cả họ đều có cùng một ánh mắt lạc lõng.
Giờ thì tôi đã hiểu thế nào là nỗi bàng hoàng. Tôi chắc rằng điều đó cũng được phản chiếu trong đôi mắt của tôi.
Khi nỗi bàng hoàng này bắt đầu vơi đi, thì đau thương sẽ xâm chiếm. Tất cả chúng tôi sẽ giải tỏa nó theo cách khác nhau. Hiểu biết về tâm lý của tôi sẽ giúp tôi làm điều đó.
Thiên tai có thể mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con người, hoặc những điều xấu nhất cho con người.
Tại cửa hàng bách hóa ngày hôm đó, tôi nhận thấy những hành động tử tế và đầy sự thấu hiểu. Mọi người mỉm cười với nhau khi vô ý va vào nhau trong lối đi đông đúc, hay khi vô tình làm rơi một thứ gì đó khỏi kệ hàng. Họ giúp nhau chuyển những món đồ ở xa tầm với. Một số người đã nhường những món đồ quý giá trong xe hàng của họ cho những người lạ dường như cần đến chúng hơn.
Đó là sự tử tế vốn vẫn hiện hữu trong tất cả chúng ta. Điều đó được đánh thức khi một cộng đồng cùng nhau trải qua thảm cảnh.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times