Cẩm nang nuôi dạy con: Lợi ích của việc đọc sách cho trẻ chập chững biết đi và trẻ mẫu giáo
Nhiều năm trước, một cô bé tuổi vị thành niên bế cậu con 6 tháng tuổi đến gặp tôi bởi vì cậu bé quấy khóc nhiều khiến người mẹ lo lắng. Chúng tôi nói về các triệu chứng của cháu bé, cách chăm sóc và cho bé ăn, rồi tôi bắt đầu khám cho cháu. Khi tôi sờ bụng của em bé, tôi hỏi bé rằng, “Bụng cháu có đau không?”
Người mẹ bật cười. “Trẻ sơ sinh không thể nói chuyện được!” cô ấy thốt lên.
“Đúng thế” tôi nói. “Các bé không thể nói chuyện, nhưng có thể nghe, và học nói từ việc lắng nghe những gì người ta nói với các bé”.
Tôi quả quyết với người mẹ ấy rằng cháu bé không bệnh và chúng tôi nói về cách xoa dịu cậu bé. Sau đó, chúng tôi nói chuyện một hồi lâu về tầm quan trọng của việc nói chuyện và đọc sách cho trẻ sơ sinh.
Hy vọng rằng sau cuộc thảo luận đó, cô ấy đã ra về với những ý tưởng mới về việc trò chuyện và đọc sách cho con mình nghe.
Trẻ bắt đầu học từ rất sớm, ngay cả trước khi các bé được sinh ra, và 90% sự phát triển não bộ của các bé xảy ra trước tuổi lên 3. Cá tính, phong cách học tập, và nhiều giá trị của trẻ được hình thành vào tuổi lên 6. Các bậc cha mẹ đóng vai trò chính trong việc hình thành tính cách của một đứa bé. Trẻ nhỏ không có người cha trong gia đình thường dễ nảy sinh hành vi sai lệch hơn và học hỏi chậm hơn những đứa trẻ trong một gia đình có cả cha lẫn mẹ.
Không lâu sau khi gặp người phụ nữ trẻ và bé trai con cô ấy, tôi tình cờ đọc được một bài báo giải thích rằng những em bé được người chăm sóc nói chuyện thì không những biết nói sớm hơn, mà còn là những học sinh giỏi hơn và thành công hơn trong suốt cuộc đời của các em so với những trẻ em ít giao tiếp bằng lời nói với người lớn. Bài viết đó cũng nói rằng trẻ được đọc cho nghe từ thời kỳ sơ sinh học giỏi hơn trong trường so với trẻ hiếm khi nhìn thấy nội dung của một cuốn sách. Hơn nữa, đọc sách cho trẻ sơ sinh trước 9 tháng tuổi được khẳng định là sự khác biệt duy nhất giữa một nhóm học sinh tốt nghiệp trung học loại ưu và một nhóm không tốt nghiệp.
Tôi đã trích dẫn bài báo ấy trong hơn một nửa thế kỷ, và không còn bản sao nào nữa, tuy nhiên việc đọc cho trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào đều hợp lý. Là một bác sĩ nhi khoa, tôi đã thấy luận điểm cũ kỹ ấy được minh chứng hết lần này đến lần khác.
Một tuyên bố chính sách năm 2014 của The American Academy of Pediatrics (AAP) Council (Hội đồng Nhi khoa Hàn lâm Hoa Kỳ) đã viết rằng, “Tất cả các gia đình cần lắng nghe thông điệp quan trọng này, rằng việc đọc to cho con trẻ là điều quan trọng, đặc biệt là trong một thời đại mà các nhu cầu giải trí rất cạnh tranh, chẳng hạn như thời gian [trẻ ngồi trước] màn hình (như truyền hình, rạp chiếu phim, trò chơi video và máy điện toán) có thể làm hạn chế các giao tiếp trong gia đình và các dịp để thể hiện khả năng giao tiếp ngôn ngữ trực tiếp ngay cả đối với các bé còn rất nhỏ”.
Họ cũng khuyên các bác sĩ nhi khoa nên hợp tác với những người bênh vực quyền lợi trẻ em khác để tác động đến các chính sách và thông điệp quốc gia hỗ trợ và thúc đẩy việc chia sẻ những trải nghiệm quan trọng này trong việc cùng đọc chung sớm [với trẻ].
Gần đây, tạp chí khoa học Nhi khoa của AAP xuất bản bốn bài viết nói về tầm quan trọng của việc đọc sách cho trẻ sơ sinh và trẻ trong độ tuổi mẫu giáo. Hai bài viết nói về các nghiên cứu liên quan đến trẻ em ở Thư viện Dolly Parton’s Imagination và trong chương trình Reach Out and Read (Giao tiếp và đọc sách). Những bài viết còn lại là các bài bình luận về các công trình nghiên cứu.
Một nghiên cứu kết luận rằng “một chương trình kết hợp hướng dẫn để biết đọc biết viết tại các lần thăm khám chẩn đoán cho các em kết hợp với việc bài trí nhiều sách hơn trong nhà có thể có tiềm lực cải thiện cho việc trẻ sẵn sàng bước vào môi trường mẫu giáo”.
Nghiên cứu còn lại trong ấn phẩm này cho thấy việc đọc sách cho trẻ sơ sinh và trẻ mẫu giáo cũng làm chậm hơn “cơn nghiện” của các bé với màn hình [truyền hình, rạp chiếu phim, trò chơi video, và máy điện toán]. Nghiên cứu tiếp tục cho biết “trẻ em tiếp xúc càng nhiều với màn hình khi 24 tháng tuổi liên quan tới việc sẽ đọc kém hơn khi trẻ được 36 tháng [và] 60 tháng tuổi”.
Đọc sách là cần thiết cho trẻ sơ sinh và trẻ mẫu giáo bởi vì điều này giúp trẻ có được sự bình hòa và thư giãn, nó dễ dàng trở thành thông lệ trước khi đi ngủ và khiến việc đi ngủ trở thành một khoảnh khắc hạnh phúc, điều đó tác động lớn đến thành tích học tập sau này của trẻ nhỏ, và thúc đẩy sự gắn bó giữa cha mẹ và con trẻ trong những giai đoạn phát triển nhạy cảm, nhưng, trên hết là nó nuôi dưỡng tình yêu giữa người đọc và đứa trẻ.
Độc giả có thể biết rằng cha của nữ ca sĩ Dolly Parton mù chữ, và vì vậy, cô ấy muốn làm tất cả những gì có thể để giúp trẻ em học đọc. Cô ấy bắt đầu bằng cách gửi một quyển sách cho mỗi em bé được sinh ra ở quận của cô, nằm ở phía Đông Tennessee, vào lúc chào đời và hàng tháng cho đến khi các em lên 5 tuổi. Không lâu sau đó, thống đốc tiểu bang Tennessee đã cho phép tất cả trẻ em ở Tennessee có thể tham gia chương trình tuyệt vời này.
Quả là một lời tri ân sâu sắc dành cho Dolly Parton! Cô ấy thường nói rằng cô ấy mang một trái tim bao la và hạnh phúc, và cô ấy chứng minh sự rộng lượng ấy bằng việc thành lập Thư viện Imagination Library vào năm 1995. Thông qua đó, 160 triệu quyển sách được gửi cho 1.8 triệu trẻ em ở Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, Canada, Úc, và Cộng hòa Ireland.
Một chương trình tương tự, Reach Out and Read (ROR – Giao tiếp và Đọc) đã được hai bác sĩ Robert Needleman và Barry Zuckerman khởi điểm cách đây 30 năm, họ quan sát nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi đã bỏ lỡ những cơ hội phát triển trong những năm quan trọng đầu đời.
Ngày nay, 34,000 nhà lâm sàng nhi khoa tại 6,400 phòng khám trên toàn quốc phân phát những quyển sách trong những chuyến thăm khám cho trẻ em của họ. Mỗi năm, họ tiếp xúc được 4.8 triệu trẻ em và gia đình, đồng thời phân phối hơn 7.4 triệu quyển sách thiếu nhi. 50% số sách này được gửi đến những gia đình có thu nhập thấp.
Nhờ Thư viện Imagination Library của nữ ca sĩ Dolly và chương trình Reach Out and Read (ROR – Giao tiếp và Đọc), không có trẻ em nào bị mất đi lợi ích được đọc từ tuổi sơ sinh. Tôi hy vọng rằng cậu bé mà tôi đã gặp nhiều năm trước sẽ cho các cháu của cậu tham gia một trong những chương trình này và đọc cho các bé nghe mỗi ngày.
Để quyên góp hay ghi danh cho con hay cháu của quý vị tham dự một trong những tổ chức tuyệt vời này, vui lòng xem thông tin liên lạc dưới đây.
Giao tiếp và Đọc
Số 89 đường South, Suite 201
Boston, MA 02111
617-455-0600
ReachOutAndRead.org
Ngọc Thuần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times