California, New York: Điểm đến hàng đầu cho những người Trung Quốc giàu có đang tìm cách rời đại lục
Các biện pháp zero-COVID của Bắc Kinh đẩy nhanh dòng chảy của cải Trung Quốc sang Mỹ
Các biện pháp COVID và chính sách kinh tế hà khắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khiến nhiều cư dân giàu có của Trung Quốc rời đi hoặc ít nhất là có kế hoạch rời khỏi nước này. Nhiều cá nhân giàu có đã chuyển tài sản của họ ra nước ngoài thông qua đầu tư ngoại quốc, mua tài sản hoặc tín dụng ở hải ngoại, trong đó California và New York là điểm đến hàng đầu của họ.
Theo công ty tư vấn di cư đầu tư Henley & Partners, khoảng 10,000 cá nhân có giá trị tài sản ròng cao (những người có tài sản vượt quá 1 triệu USD) đã rời đi hoặc đang tìm cách rời khỏi Trung Quốc trong năm nay, mang theo số tài sản trị giá 48 tỷ USD — con số lớn thứ hai được dự đoán về dòng chảy của cải và con người sau nước Nga.
Một phần lớn vốn Trung Quốc chảy ra ngoài dường như đã đổ vào Hoa Kỳ.
Một báo cáo gần đây từ Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia (pdf) chỉ ra rằng người mua ngoại quốc từ Trung Quốc đã chi 6.1 tỷ USD, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nước ngoài nào khác, để mua nhà ở Mỹ từ tháng 04/2021 đến tháng 03/2022.
Người mua Trung Quốc đã chi trung bình hơn 1 triệu USD cho mỗi giao dịch — mức trung bình cao nhất trong số các giao dịch mua ngoại quốc -— tăng so với mức trung bình 710,400 USD so với năm trước.
California là điểm đến hàng đầu cho các khoản đầu tư của họ với 31%, tiếp theo là New York (10%), Indiana (7%), Florida (7%), Oklahoma (5%) và Missouri (5%).
Báo cáo cũng lưu ý rằng 58% người mua Trung Quốc đã mua bất động sản hoàn toàn bằng tiền mặt.
Ngoài ra, dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy người mua Trung Quốc kiểm soát ngày càng nhiều đất canh tác của Hoa Kỳ. Theo dữ liệu, các nhà đầu tư Trung Quốc kiểm soát 13,720 mẫu Anh tại Hoa Kỳ tính đến cuối năm 2010. Con số đó đã tăng lên 194,179 mẫu Anh tính đến hôm 31/12/2020.
Tranh chấp tài chính Trung Quốc chuyển sang New York
Khi tiền chuyển ra nước ngoài, các tranh chấp tài chính giữa người Trung Quốc và các công ty có trụ sở tại Trung Quốc cũng vậy.
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều người Trung Quốc và các công ty có trụ sở tại Trung Quốc đã đệ đơn kiện lên tòa án dân sự ở New York, với hy vọng nhận được sự giúp đỡ để thực thi các phán quyết của tòa án Trung Quốc vốn đã thất bại trong việc quy trách nhiệm các bên mắc nợ.
Ví dụ, Công ty Tư vấn Quản lý Doanh nghiệp Yipiao của Thâm Quyến đã đệ đơn kiện lên tòa án dân sự ở Manhattan, New York hôm 28/06, đề nghị tòa xác nhận phán quyết năm 2014 do Tòa án Trung cấp Nhân nhân của Thượng Hải đưa ra.
Nguyên đơn đang muốn được hoàn trả 398 triệu nhân dân tệ (59.2 triệu USD) từ các bị đơn — Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Haibo Xinhui Thượng Hải, Công ty TNHH Công nghiệp Haixin Shanxi và một cá nhân họ Lý.
Theo hồ sơ tòa án mà The Epoch Times xem xét, nhiều hồ sơ tòa án như vậy đã được đưa ra gần đây, chẳng hạn như tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hải giữa Công ty Vận chuyển White Periwinkle và Công ty Dầu Chuồn Chuồn Đỏ Trùng Khánh. Nguyên đơn, công ty vận chuyển, đã đệ đơn kiện vào tháng Ba năm nay tại New York, yêu cầu thẩm phán địa phương công nhận và thực thi các phán quyết của tòa án Trung Quốc.
Ngoài ra còn có một vụ tranh chấp cổ phiếu : Công ty TNHH Chứng khoán Đông Bắc và Công ty TNHH Tứ Xuyên Hengkang, nơi nguyên đơn đã đệ đơn kiện lên Tòa án Dân sự Manhattan ở New York hôm 07/07, nhằm tìm cách công nhận và thi hành phán quyết của Tòa án Cát Lâm của Trung Quốc liên quan đến khoản nợ 500 triệu nhân dân tệ (74.5 triệu USD).
Lý do đằng sau những vụ kiện đòi nợ xuyên biên giới này là do cả bị đơn Trung Quốc và những người nhận trát đòi hầu tòa hiện đều sống ở New York. Nhiều gia đình có tài sản ròng cao của Trung Quốc đã chọn định cư ở siêu đô thị này — trung tâm tài chính của thế giới — sau khi di cư đến Hoa Kỳ. Ngoài ra, hầu hết các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn đều có chi nhánh ở New York, khiến thành phố trở thành một nơi tốt để bắt đầu quản lý tài sản.