Cái giá của năng lượng xanh: Động vật hoang dã tại California phải trả giá
Khi Tiểu bang Vàng tăng hết tốc lực cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, một số người, bao gồm cả một cựu quan chức của Cục Cá và các loài Hoang dã California, đang bày tỏ sự e ngại về những hậu quả tiềm tàng mà quá trình chuyển đổi năng lượng này có thể gây ra cho tiểu bang.
California đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là đạt mức trung hòa 100% carbon vào năm 2045 sau khi Dự luật 100 tại Thượng viện được thông qua hồi năm 2018. Theo Ủy ban Năng lượng California, kể từ năm 2021, gần 35% sản lượng năng lượng trong tiểu bang là năng lượng tái tạo.
Nhưng ông John Baker, một phó giám đốc hiện đã về hưu sau hơn 30 năm làm việc cho Cục Cá và các loài động vật hoang dã California, cho biết rằng mặc dù mục đích của việc thúc đẩy năng lượng xanh là nhằm cứu hành tinh khỏi biến đổi khí hậu, nhưng điều này cũng đi kèm với cái giá là gây nguy hiểm cho các nhóm động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim.
“Dưới danh nghĩa năng lượng xanh, chúng ta đang hy sinh các loài động vật hoang dã. Bởi vì các quy định về điện năng, chúng ta không thể thực thi việc bảo vệ những loài đó,” ông Baker nói trong một tập gần đây của chương trình California Insider trên EpochTV. “Tôi không cho rằng họ đã nghĩ đến cái giá phải trả đó là gì đối với chúng ta với tư cách là người dân California và đối với môi trường nói chung.”
Theo ông Baker, sự tập trung cao độ vào năng lượng xanh, thường được coi là “mối quan tâm lớn hơn,” có xu hướng che mắt mọi người, đặc biệt là các chính trị gia, trước những hậu quả mà điều này mang lại cho động vật.
Ông cho biết nhóm động vật hoang dã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách xanh là các loài chim săn mồi—như đại bàng, diều hâu, và chim ưng—rất nhiều trong số chúng đã bị thiệt mạng bởi tuabin gió.
Ông nói thêm rằng mặc dù tỷ lệ tử vong của các loài chim săn mồi dường như rất ít so với tổng số chim bị thiệt mạng bởi tuabin gió, nhưng con số này rất đáng kể do tốc độ sinh sản chậm của chúng.
Ông nói: “Có hàng triệu con chim sẻ ngoài kia, nhưng lại không có hàng triệu con đại bàng vàng ngoài kia.”
Theo một bài báo năm 2021 của ông Joel Merriman, một cựu giám đốc chiến dịch phong năng của Tổ chức Bảo tồn Chim Hoa Kỳ, có khoảng 681,000 con chim bị thiệt mạng bởi tuabin gió ở Hoa Kỳ mỗi năm.
Và con số có thể nhiều hơn.
Theo ông Merriman, người đã sử dụng dữ liệu từ năm 2012 đến năm 2014 trong phân tích của mình, con số ước tính thấp có thể là do sự hạn chế trong giám sát, những thách thức trong việc xác định vị trí xác chim chết ở những khu vực khó tiếp cận, và nhiều yếu tố khác.
Một máy phát năng lượng xanh lớn khác—trang trại quang năng—cũng được cho là nguyên nhân gây ra cái chết cho chim chóc và các loài khác.
Trong những năm gần đây, các sa mạc ở California đã trải qua quá trình biến đổi thành một biển toàn các tấm pin quang năng, khiến nhiều con chim nhầm tưởng các tấm pin phát sáng này là những vũng nước, và khi chúng cố lao vào các tấm pin thì đã bị va đập mà chết.
Ngoài ra, nhiệt độ vô cùng cao từ vật liệu phản chiếu của những tấm pin đó có thể thiêu rụi ngay lập tức những con chim bay quá gần.
Theo Basin and Range Watch, một tổ chức bất vụ lợi về bảo tồn sa mạc, các trang trại quang năng cũng khiến các loài sống trên cạn khác, như rùa sa mạc và cừu sừng lớn, mất đi môi trường sống và hành lang di cư.
Ông Baker cho biết, mặc dù việc sát hại hoặc làm bị thương các loài chim như đại bàng đầu trắng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng và thậm chí bị buộc tội hình sự, nhưng các nhà khai thác phong năng thường không chịu trách nhiệm về sự mất mát của động vật hoang dã do họ gây ra.
Ông nói: “Điều này thực sự đi ngược lại toàn bộ lập luận về môi trường và thỏa thuận công việc mà tôi đã tham gia khi mới bắt đầu làm việc cho Cục Cá và các loài Hoang dã.”
Hơn thế nữa, ông nói, các loài chim cũng buộc phải thay đổi lộ trình di cư của chúng do sự gia tăng nhanh chóng của tuabin.
Ông nói, ngoài ra, sự đối xử ưu đãi đối với năng lượng tái tạo cũng là điều hiển nhiên trong quy trình xây dựng pháp luật.
Ông Baker nói: “Trong thế giới chính trị, nếu quý vị không nói cho họ điều mà họ muốn nghe, vào thời điểm mà họ muốn nghe, hoặc nói theo cách họ muốn nghe, thì họ sẽ cắt ống truyền nước hay họ sẽ cắt nguồn tiền, vòi nước (nguồn tiền) sẽ bị tắt mất.”
Ông nói, kết quả là, các nhà khoa học đang ngày càng chuyển trọng tâm sang mối quan hệ của động vật hoang dã với biến đổi khí hậu để phù hợp với lời lẽ [của giới chính trị] và đôi khi, ngó lơ sức khỏe của từng loài.
“Ở đây có một sự khác biệt tinh tế,” ông nói. “Bởi vì sẽ xảy ra một thách thức đối với một nhà khoa học để được tiếp tục nhận tài trợ khi nói ra sự thật, nếu sự thật mà quý vị đang nói không phải là điều mà những người tài trợ cho quý vị muốn nghe. Tôi đã thấy các dự án và ý tưởng bị đóng cửa ở cấp quản lý vì họ biết rằng họ sẽ không thể thuyết phục những người cấp vốn.”
Tuy nhiên, ông cho biết, một số cơ quan địa phương đã tìm ra cách để giải quyết những tình huống như vậy.
Ông nói, vào năm 2012, Cục Cá và các loài Hoang dã, nơi ông Baker làm việc, và một số cơ quan khác đã tiến hành một chiến dịch nhắm vào việc trồng cần sa bất hợp pháp ở các quận Tulare và Fresno.
Điều khiến họ chú ý là những người trồng trọt đang xả nước thải lẫn với thuốc trừ sâu độc hại gây ô nhiễm môi trường xung quanh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến động vật.
“Ai đó bắt được một con nai, và họ sẽ mổ nó ra và bên trong [nó sẽ] có màu xanh như bộ đồ của quý vị. Và đó là bởi vì nó đã ăn phải thuốc diệt chuột,” ông nói.
Tuy nhiên, ông cho biết, nếu họ chỉ quan tâm đến việc cứu con nai, thì họ không thể thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp. Nhưng vì họ liên kết vấn đề này với tội phạm môi trường, điều mà những người trồng cần sa bất hợp pháp đang thực hiện — đây vốn là trọng tâm của cơ quan lập pháp tiểu bang vào thời điểm đó — họ đã có thể nhận được nhiều tài trợ hơn từ chính phủ tiểu bang để thực hiện các hoạt động của họ.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times