Cách ứng xử tinh tế và khéo léo giữa vợ và chồng
Thời xưa, người vợ không chỉ có nghĩa vụ chăm lo cho con cái, cha mẹ, làm việc nhà mà còn giúp chồng tạo dựng công danh sự nghiệp và thậm chí là góp phần vào việc quốc gia, đại sự. Một người phụ nữ đức hạnh là một người biết ứng xử khéo léo, tinh tế, khiến gia đình và các mối quan hệ ngày càng tốt đẹp.
Có rất nhiều điển cố và điển tích về những người phụ nữ làm tròn thiên chức. Nếu có thể hy sinh thân mình vì chính nghĩa thì người ấy sẽ được xếp vào hàng “liệt nữ” được người đời tôn kính. Còn lại, nếu biết kiên trì cư xử đức hạnh, trọn đạo làm vợ thì sẽ giữ gìn được phúc khí của gia đình.
Án Tử Xuân Thu có ghi chép một câu chuyện như sau. Án Tử làm tướng nước Tề, một hôm đi việc quan, có tên đánh xe theo hầu. Vợ tên đánh xe nhòm qua khe cửa, thấy chồng tay cầm cái dù, tay cầm dây cương, mặt vác lên giời, dương dương tự đắc.
Lúc chồng về nhà, nàng xin từ bỏ nhà ra đi. Chồng hỏi: “Tại làm sao?”. Nàng nói: “Án Tử, người gầy thấp bé nhỏ làm đến tướng nước Tề, danh tiếng lừng lẫy khắp thiên hạ, thế mà thiếp xem ông vẫn có ý trầm trọng, khiêm nhường, như chưa bằng ai. Chớ như chàng, cao lớn đẫy đà, chỉ mới làm được một tên đánh xe tầm thường hèn hạ, thế mà thiếp xem chàng đã ra dáng lấy làm vinh hạnh, tưởng không ai bằng nữa. Nên thiếp xin bỏ chàng, thiếp đi”.
Từ hôm ấy, tên đánh xe bỏ được cái bộ vênh váo, chừa được cái tính nông nổi. Án Tử thấy thế, lấy làm lạ bèn hỏi. Tên đánh xe đem việc nhà kể lại, Án Tử bèn cất cho làm đại phu.
Người vợ của tên đánh xe quả thật là biết cách răn chồng. Nàng biết chồng mình địa vị thấp kém nhưng bộ dạng lại ngông nghênh, nên trong lòng thấy xấu hổ thay; nếu chồng nàng cứ tiếp tục như vậy xem chừng sẽ còn rước họa vào thân, đành lựa lời nói để chồng hiểu mà sửa được tâm tính, từ đó mang đến công danh cho chồng.
Khôn ngoan hơn là ở chỗ người vợ biết chồng mình cũng có tính sĩ diện, khen nhân cách của Án Tử nhưng lại khéo chỉ ra chỗ chưa được của chồng mình, còn có ý rằng nếu chồng mình vẫn thế này thì chi bằng “thiếp bỏ thiếp đi”, làm cho anh chồng biết tự sỉ mà cố gắng tu tỉnh cho ra người. Đây quả là một người vợ giỏi, biết mình biết người, biết đối nhân xử thế. Tên đánh xe của Án Tử thực là sang vì vợ.
Còn có một câu chuyện khác về bà Tống Mỹ Linh – phu nhân của ngài Tưởng Giới Thạch.
Mùa xuân năm 1931 khi ngài Tưởng Giới Thạch đưa bà Tống Mỹ Linh đến trụ sở trường Quân sự Hoàng Phố ở Nam Kinh để thị sát thì xảy ra một chuyện. Rất nhiều quân lính Hoàng Phố chấn động trước vẻ đẹp duyên dáng, sang trọng của phu nhân, nhưng có một binh sĩ trẻ tuổi của Quốc Dân Đảng khi đứng trước bà để chào đón đã không kiềm chế được lòng ngưỡng mộ mà thất lễ nắm lấy bàn tay trắng mịn của bà, khiến mặt bà biến sắc.
Sau khi về đến phủ, binh sĩ trẻ này được dẫn vào phủ. Bà Tống Mỹ Linh nhìn thấu tâm tư của anh ta, giận dữ nói:
“Anh nói xem, anh làm tôi xấu hổ? Bất trung bất nghĩa, đáng bị tội gì hả?”. Anh ta dậm chân một cái rồi đứng nghiêm, nhìn bà và môi run rẩy nói: “Phu nhân… thực sự… quá đẹp!”
Binh sĩ này tên là Diêu Thành Liệt, là một học viên của trường Quân sự Hoàng Phố. Anh vô cùng ngưỡng mộ dung mạo của phu nhân Tống Mỹ Linh nhưng cũng biết rằng mình có thể nhận phải một kết cục tồi tệ. Tuy nhiên, ngài Tưởng Giới Thạch lại kêu phu nhân Tống xử trí chuyện này.
Bà Tống Mỹ Linh vốn là người có tài ngoại giao, nghĩ ngợi một lúc, bà hiểu rằng anh này chỉ vì hâm mộ mình mà không kiềm chế được cảm xúc, nên dịu sắc mặt, quay ra nói chuyện với anh ta như một người em. Bà mời anh ở lại trong phủ để dùng cơm tối. Đích thân bà xuống bếp chuẩn bị bữa ăn. Trước hành động đó, binh sĩ trẻ không chỉ yêu quý bà vì vẻ đẹp mà còn vì nhân phẩm, sự giáo dưỡng và tài học của bà.
Ăn tối xong, phu nhân Tống Mỹ Linh còn biểu diễn một bản dạ khúc bằng piano và tặng anh một chiếc đồng hồ mạ vàng sản xuất từ Anh, rồi tiễn anh về trường bằng chiếc xe Chevrolet theo đúng lễ nghi. Bà còn gọi điện thoại cho Hiệu trưởng trường Quân sự Hoàng Phố, ra lệnh không được làm khó anh.
Sau này, bà cũng thường xuyên quan tâm đến anh. Trong chiến dịch chống quân Nhật tại Thái Hành Sơn, anh lập công lớn. Anh đã thăng lên làm sư trưởng, không chỉ bố trí cẩn mật, chỉ huy thích đáng, mà trong lúc khẩn cấp còn có thể tiên phong đi đầu, dũng cảm giết địch. Do vậy uy danh của anh vang dội.
Cách ứng xử của phu nhân Tống Mỹ Linh quả thực rất khéo léo. Bà tỏ ra uy nghi và giận dữ để vị binh sĩ biết mình sai mà sửa, không dám quá phận. Nhưng bà cũng biết rằng anh này chỉ vì phút nhất thời không kiềm chế được cảm xúc mà hành động nông nổi nên vẫn bao dung và đối xử tốt với anh. Bà cũng biết anh là một người có thực lực, lại nằm trong trường quân đội của ngài Tưởng Giới Thạch, nên có ý bồi dưỡng anh để Quốc Dân Đảng không mất đi một nhân tài. Đó là cách bà thu phục lòng người mà không để lại điều tiếng, thị phi.
Thêm vào đó, việc bà công khai quan tâm anh một cách có chừng mực không phải vì bà có ý với cấp dưới, mà là để chứng minh rằng ngài Tưởng Giới Thạch cũng là một bậc chính nhân quân tử, có tấm lòng bao dung, không nhỏ nhen, ghen tuông vì những chuyện vặt vãnh, từ đó gia tăng tín tâm của binh lính với ngài Tưởng Giới Thạch và uy thế của ông trong quân đội.
Về phần ngài Tưởng Giới Thạch, cách ông để vợ xử trí chuyện của Diêu Thành Liệt cho thấy ông không phải là người tầm thường, ông tin tưởng vợ mình, đồng thời lại không gây khó dễ cho cấp dưới. Tưởng Giới Thạch cũng đã dùng cả tình yêu thương, sự điềm tĩnh để xóa đi những vị kỷ, ghen tuông, hẹp hòi, từ đó mà hoán chuyển tình huống, thu phục Diêu Thành Liệt, làm cho Diêu Thành Liệt trở thành viên tướng trung thành và có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng sự nghiệp của mình. Cũng nhờ sự tin yêu của ông mà phu nhân Tống Mỹ Linh mới có cơ hội làm tròn thiên chức vốn có của một người phụ nữ truyền thống, một người vợ biết đứng sau trợ giúp chồng thành công.
Kinh Dịch có viết: “Gia đình ổn định thì quốc gia mới vững vàng.” Kinh Lễ cũng viết: “Gia đình có nền nếp gia phong thì quốc gia sẽ được cai trị tốt.” Để gia đình an hòa, hạnh phúc thì người vợ biết ứng xử khéo léo là vô cùng quan trọng.
Xem thêm: