Vị Hoàng hậu khiến vua Càn Long nhớ nhung suốt 50 năm
Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu của vua Càn Long thời nhà Thanh là một trong 3 vị Hoàng hậu nổi tiếng nhất trong lịch sử Đại Thanh, mặc dù không có chính tích hiển hách như Hiếu Trang hay quyền cao chức trọng như Từ Hy, tuy nhiên cuộc đời gần 37 năm của bà lại gần như là hoàn hảo, bà được người đời sau xưng tụng là “Đại Thanh đệ nhất hoàng hậu”.
Phú Sát thị, người Mãn Châu Tương Hoàng Kỳ, nhỏ hơn Càn Long một tuổi. Gia thế của bà hiển hách, tổ phụ, phụ thân và bá phụ đều là những trọng thần được Hoàng đế tín nhiệm trong suốt 3 triều đại Khang Hy – Ung Chính – Càn Long. Bà xuất thân cao quý, với tính cách dịu dàng thục đức, đoan trang nhã nhặn.
Năm 16 tuổi, Phú Sát thị tham gia tuyển tú thì được Ung Chính để mắt đến và chỉ định bà làm Phúc tấn của Hoằng Lịch. Sau khi Càn Long kế vị thì lập Phú Sát thị làm Trung Cung Hoàng hậu. Ông trong một bài thơ ca ngợi thê tử có một câu như sau: “Tư dung yểu điệu”, không chỉ miêu tả dung mạo xinh đẹp mà còn nói lên cốt cách đẹp đẽ được biểu hiện từ trong nội tâm của bà.
Phú Sát Hoàng hậu là tri kỷ tinh thần của Càn Long. Bà cùng ông ngâm thơ vẽ tranh, ngồi thuyền đàn ca. Bà kiên nhẫn lắng nghe tâm tư của ông, hiểu được suy nghĩ trong lòng ông, dốc lòng giúp ông đạt được sở nguyện, chia sẻ vui buồn cùng ông, giúp ông phân ưu giải nạn.
Càn Long đế đã nạp không ít phi tần, nhưng trong 3000 giai nhân thì người ông yêu thương nhất chỉ có Hoàng hậu. Sau khi Càn Long đăng cơ thì ông liền đem Tử Cấm Thành Trường Xuân Cung và Viên Minh Viên Trường Xuân Tiên Quán được đặt tên theo danh hiệu của mình để thưởng cho ái thê làm nơi ở. Ông nói, ta đối với Hoàng hậu là “một ngày không gặp tựa ba năm”, đủ thấy tình cảm sâu đậm của ông đối với Hoàng hậu.
Phú Sát thị là một người mẹ bất hạnh. Trong vòng 8 năm bà đã 2 lần chịu nỗi đau mất con. Trong 4 người con cả trai lẫn gái do bà sinh ra thì đã có 3 người là chết yểu. Liên tiếp chịu sự đả kích khiến Hoàng hậu đau đớn đến phát bệnh. 3 tháng sau khi đứa con trai nhỏ của Phú Sát Hoàng Hậu qua đời, Càn Long và Thái Hậu phải đi tuần sát ở Sơn Đông. Trên đường trở về kinh, do chặng đường vất vả, Hoàng hậu đã trúng phong hàn, cuối cùng qua đời khi thuyền tạm dừng ở Đức Châu, hưởng dương 37 tuổi.
Mỗi năm vào ngày giỗ của Hoàng Hậu, Càn Long đều đích thân đến viếng, lần cuối cùng là vào năm ông 86 tuổi, ông ngồi trên ghế mỗi lần như vậy đều ngồi rất lâu. Mỗi khi có hành trình quan trọng hoặc có chuyện đại sự thì ông đều đến trước linh cửu của Hoàng hậu mà tâm sự rằng: “Con gái của chúng ta sắp xuất giá rồi” ; “Cháu nội của chúng ta đã thành hôn rồi” ; “chúng ta có cháu cố rồi”…
Họ ở bên cạnh nhau 22 năm, nhưng Càn Long lại dùng suốt 51 năm để tưởng nhớ đến Hoàng hậu.
Tổ chế tác Cổ Vận Lưu Phương thực hiện
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ EpochTimes Hoa ngữ
Xem thêm: