Các tổng chưởng lý tiểu bang cảnh báo về việc BlackRock, Vanguard mua lượng lớn cổ phần trong các công ty tiện ích
Phó chủ tịch Berkshire Hathaway cho biết ông không muốn CEO BlackRock Larry Fink ‘làm hoàng đế của tôi’
Việc các nhà quản lý đầu tư BlackRock và Vanguard mua lượng cổ phần ngày càng tăng trong các công ty tiện ích công cộng của Hoa Kỳ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo từ cả những người theo phái bảo tồn truyền thống cũng như những người cấp tiến.
Hồi tháng Tư, Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang (FERC) đã chấp thuận một yêu cầu của BlackRock nhằm tăng quyền sở hữu lên 20% số cổ phần có quyền biểu quyết của một công ty tiện ích công cộng mà không bị coi là một “công ty liên kết” và phải chịu sự giám sát và tiết lộ theo quy định đi kèm với điều đó. Để được FERC chấp thuận, BlackRock và Vanguard đã hứa rằng họ sẽ là những nhà đầu tư “thụ động” và không sử dụng quyền sở hữu cổ phần của mình để gây ảnh hưởng đến ban quản lý.
Bởi vì các công ty tiện ích thường là độc quyền trong các khu vực mà họ phục vụ và vì điện và hệ thống sưởi là thiết yếu trong cuộc sống của mọi người, nên bất kỳ khoản đầu tư nào trị giá hơn 10 triệu USD vào một công ty tiện ích công cộng đều phải được FERC chấp thuận, theo Đạo luật Quyền lực Liên bang (FPA). BlackRock và Vanguard đã nhận được sự chấp thuận toàn diện (blanket approval, quyền trực tiếp hành động mà không cần phải được phê chuẩn cho từng hành động) hồi năm 2019 để bỏ qua giới hạn này trong ba năm và BlackRock vừa nhận được sự chấp thuận toàn diện thêm ba năm nữa. Giờ đây, Vanguard đang tìm kiếm sự chấp thuận của FERC theo các điều khoản tương tự, nhưng yêu cầu của họ đang làm dấy lên phản đối.
Tháng 11/2022, tổng chưởng lý của 13 tiểu bang đã kiến nghị FERC từ chối yêu cầu của Vanguard. Tuyên bố rằng cư dân tại các tiểu bang của họ có thể bị tổn hại nếu các công ty tiện ích bị buộc phải ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch để chuyển sang sử dụng phong năng và quang năng, các tổng chưởng lý lập luận rằng “Vanguard không được cấp phép toàn diện để mua cổ phần và quyền biểu quyết đáng kể trong các công ty tiện ích.”
“Các cam kết công khai của chính Vanguard và các tuyên bố khác ít nhất đã tạo ra vẻ bề ngoài rằng Vanguard đã phá vỡ lời hứa của mình với ủy ban bằng cách tham gia vào việc vận động bảo vệ môi trường và sử dụng ảnh hưởng tài chính của mình để thao túng hoạt động của các công ty tiện ích trong danh mục đầu tư của mình,” đơn kiến nghị nêu. Một phiên điều trần về vấn đề này là cần thiết để xác định mức độ mà Vanguard đã vi phạm giấy phép năm 2019 và liệu việc cấp phép toàn diện cho Vanguard có trái với lợi ích công cộng hay không.”
Trong khi bỏ phiếu chấp thuận yêu cầu của BlackRock, Ủy viên FERC Mark Christie đã khẳng định: “Tuyên bố cho rằng các nhà quản lý tài sản khổng lồ như BlackRock, State Street, và Vanguard chỉ là những nhà đầu tư thụ động trong các tập đoàn đại chúng, đầu tư hoàn toàn vì lợi ích của những người thụ hưởng của họ — nhiều người trong số đó là những người về hưu đang nhận lương hưu — là không còn đáng tin nữa.”
Ông Christie nói: “Đặc biệt, BlackRock đã công khai tích cực sử dụng sức mạnh tài chính to lớn của mình để tác động đến chính sách công ty trong các lĩnh vực khác xa so với các mục tiêu quản lý tiền hợp pháp là bảo vệ thu nhập và lợi ích đầu tư của những người thụ hưởng.”
Ông Charlie Munger, đối tác của ông Warren Buffett và phó chủ tịch của Berkshire Hathaway, cũng đồng tình khi tuyên bố hồi tháng Hai rằng “chúng ta có một nhóm các hoàng đế mới, và họ là những người bỏ phiếu bằng cổ phần trong các quỹ chỉ số. Tôi đánh giá rất cao [CEO BlackRock] Larry Fink, nhưng tôi không chắc mình muốn ông ấy làm hoàng đế của tôi.”
Ảnh hưởng của Bộ Ba Lớn
BlackRock, State Street và Vanguard quản lý phần lớn các quỹ chỉ số và cùng nhau trở thành cổ đông lớn nhất trong 90% công ty thuộc chỉ số S&P 500. Do vị thế độc quyền của họ trong không gian này, họ thường được gọi là “Bộ Ba Lớn” (Big Three).
Một báo cáo tháng Mười Hai của các thành viên Đảng Cộng Hòa thuộc Ủy ban Ngân hàng Thượng viện cho biết: “Một nhà đầu tư cá nhân mua một quỹ chỉ số không sở hữu cổ phiếu trong quỹ đó. Thay vì thế, những cổ phiếu đó thuộc sở hữu của quỹ ấy, có nghĩa là người quản lý quỹ có thể bỏ phiếu với những cổ phiếu đó. Mặc dù họ mua quyền biểu quyết bằng tiền của người khác, nhưng quyền biểu quyết đó mang lại cho những nhà quản lý tài sản như Big Three ảnh hưởng to lớn.”
Thượng nghị sĩ Bill Hagerty (Cộng Hòa-Tennessee) đã nêu: “Những gì các nhà hoạt động này đã tìm ra là bất kỳ chính sách cấp tiến nào mà họ không thể ban hành thông qua chính phủ đều có thể được thúc đẩy thông qua các công ty Mỹ bằng cách chiếm đoạt quyền biểu quyết có được từ hàng ngàn tỷ USD tiền tài khoản hưu trí của người Mỹ bình dân.”
Báo cáo của Thượng viện lưu ý thêm rằng “nhờ quy mô to lớn của khoản tiết kiệm được ủy thác cho họ, Big Three đã cùng nhau bỏ phiếu khoảng ¼ tổng số phiếu bầu tại các cuộc họp cổ đông của hầu hết các công ty thuộc S&P 500 … Mỗi công ty này đều tự hào sử dụng quyền biểu quyết có được từ tiền của các nhà đầu tư để thúc đẩy các mục tiêu xã hội thiên tả gọi là ESG (môi trường, xã hội, và quản trị) và DEI (đa dạng, bình đẳng, và hòa nhập).”
Theo Tổng Chưởng lý Kentucky Daniel Cameron, “Người tiêu dùng trên khắp đất nước chúng ta đã cảm thấy tác động nhức nhối của việc các hóa đơn tiền điện tăng chóng mặt, và việc Vanguard yêu cầu gia hạn giấy phép, cùng với cam kết áp đặt các yêu cầu về phát thải ròng bằng không đối với các công ty tiện ích đại chúng, sẽ chỉ làm tăng thêm những chi phí đó.”
Các quyết định này của FERC được đưa ra sau phán quyết mang tính bước ngoặt của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ hồi tháng Sáu, trong vụ West Virginia kiện Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), trong đó tòa án tuyên bố rằng EPA không có thẩm quyền buộc các công ty tiện ích của Hoa Kỳ chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang phong năng và quang năng. Phán quyết này phù hợp với “nguyên tắc các vấn đề trọng yếu,” trong đó nêu rõ rằng các chính sách có tầm quan trọng lớn đối với người dân Mỹ phải do các đại diện được bầu trong Quốc hội quyết định để công dân có thể có tiếng nói trong những vấn đề như vậy.
Như thường xảy ra trong những năm gần đây, các tập đoàn vận động thường thành công trong việc áp đặt một nghị trình cấp tiến, trong khi các cơ quan liên bang thất bại. BlackRock, Vanguard, và State Street là những công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, kiểm soát khoảng 20 ngàn tỷ USD tiền của các nhà đầu tư thông qua các quỹ chỉ số và kế hoạch lương hưu. Họ cũng là đối tác trong các phong trào toàn cầu có mục đích chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang phong năng và quang năng, tham gia các câu lạc bộ như Sáng kiến Các Nhà quản lý tài sản Phát thải ròng bằng không (Net Zero Asset Managers Initiative, NZAM), Ceres, và Hành động Khí hậu 100+ (Climate Action 100+).
Các nhà quản lý tài sản là thành viên của NZAM cam kết “thực hiện chiến lược quản lý và tham gia, với chính sách biểu quyết và leo thang rõ ràng, phù hợp với tham vọng của chúng tôi đối với tất cả các tài sản được quản lý để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 hoặc sớm hơn” — nói tóm lại, sử dụng quyền biểu quyết của mình để buộc tất cả các công ty có cổ phần mà họ sở hữu phải chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.
“Những mục tiêu xuất phát từ Hiệp định Paris này thậm chí còn không thể thông qua được Thượng viện của Đảng Dân Chủ,” ông Will Hild, giám đốc điều hành của Consumers’ Research, nói với The Epoch Times. “Các cử tri đã hết lần này đến lần khác bác bỏ các mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Vì vậy, bây giờ chúng ta đang chứng kiến điều mà, theo ý kiến của tôi, là nỗ lực bất hợp pháp nhằm sử dụng các công ty Mỹ để thúc đẩy những mục tiêu này.”
Nhưng theo ông Tyson Slocum, giám đốc Chương trình Năng lượng của tổ chức tư vấn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bất vụ lợi Public Citizen, sự phản đối của các tổng chưởng lý tiểu bang không gì khác hơn là “màn trình diễn chính trị.”
“Các tổng chưởng lý tiểu bang này đang tranh cử vào các chức vụ chính trị, và đây là một cơ hội gây quỹ,” ông Slocum nói với The Epoch Times. “Tôi bảo đảm với quý vị rằng chúng ta sẽ thấy các thư điện tử gây quỹ từ các tổng chưởng lý tiểu bang này gửi đến các cơ sở dữ liệu của các nhà tài trợ khác nhau [nói rằng], ‘Hãy xem chúng tôi đang đưa cuộc tranh luận này đến đâu — tới các tổ chức thiên tả lớn này, và chúng tôi ủng hộ quý vị đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản hoặc bất cứ thứ gì.’ Thật là vô nghĩa!”
Ông Slocum, một người ủng hộ phong năng và quang năng, là một trong số ít những người phản đối việc FERC chấp thuận việc mở rộng quyền sở hữu các công ty tiện ích của BlackRock vào mùa xuân năm ngoái. Nhưng sự phản đối của Public Citizen xuất phát từ quan điểm của họ rằng Big Three đã không thúc đẩy các công ty tiện ích đủ mạnh để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Ông Slocum cho biết: “Chúng tôi ghi nhận một vài số liệu thống kê, nhân tiện là với Blackrock đấy, rằng họ không bỏ phiếu trong một số cuộc biểu quyết liên quan đến khí hậu, rằng thay vì sử dụng quyền bỏ phiếu của mình để thúc đẩy các công ty nỗ lực hơn trong vấn đề biến đổi khí hậu, thì họ lại cho ban quản lý được tự do.”
“Bằng cách không bỏ phiếu, quý vị đang gửi một thông điệp tới ban quản lý: Chúng tôi là một tổ chức kiểm soát một lượng lớn cổ phiếu của quý vị và chúng tôi sẽ không gây áp lực cho quý vị về những vấn đề này khi công chúng sở hữu hầu hết các cổ phiếu đó thực sự muốn quý vị làm những điều đó,” ông Slocum nói. “Điều này rất khác với những gì các tổng chưởng lý tiểu bang đang nói. Họ đang tuyên bố rằng các công ty này đang quyết định các điều khoản, và họ thì chắc chắn là không. Trên thực tế, hồ sơ cho thấy rõ ràng rằng họ đang thất bại trong việc sử dụng sức mạnh tích lũy của mình để gây áp lực cho các công ty này.”
Hồi tháng Mười, ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ UBS đã hạ cấp cổ phiếu của BlackRock, tuyên bố rằng “việc BlackRock áp dụng sớm và tích cực các nguyên tắc ESG trong quản lý quỹ và các hoạt động ủy quyền của cổ đông đã định vị công ty là một công ty dẫn đầu về ESG, theo quan điểm của chúng tôi. Tuy nhiên, khi hiệu suất suy giảm và rủi ro chính trị từ ESG tăng lên, chúng tôi tin rằng gần đây nguy cơ mất ủy quyền quỹ và sự giám sát của cơ quan quản lý đã tăng lên.”
Vanguard đã rút khỏi NZAM hôm 07/12, nói rằng “các sáng kiến ngành như vậy có thể thúc đẩy đối thoại mang tính xây dựng, nhưng đôi khi chúng cũng có thể dẫn đến nhầm lẫn về quan điểm của từng nhà quản lý tài sản.” Công ty đã đưa ra một tuyên bố với The Epoch Times rằng họ rút lui “để làm rõ rằng Vanguard phát ngôn một cách độc lập về các vấn đề quan trọng đối với các nhà đầu tư của chúng tôi.”
Sự rời đi của Vanguard đã gây ra phản ứng gay gắt từ các nhà hoạt động khí hậu. Cựu phó tổng thống Al Gore đã lên án hành động này là “vô trách nhiệm và thiển cận,” trong khi Kiểm soát viên Tài chính Brad Lander của thành phố New York gọi đó là “một sự rút lui hèn nhát.”
Trong khi đó, phái bảo tồn truyền thống không vỗ tay. Những người quản lý tài sản này đã nhiều năm ủng hộ các nguyên tắc ESG đã khiến nhiều người cảnh giác với ý định của họ.
“Tôi không tin những tuyên bố — tôi tin vào hành động,” ông Hild nói. “Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục theo dõi các hoạt động của họ, và nếu họ tiếp tục sử dụng danh mục đầu tư của mình cho việc này, vốn là việc làm vi phạm nghĩa vụ ủy thác của họ, thì chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ trích họ vì điều đó.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times