Các quan chức Trung Cộng bị Hoa Kỳ trừng phạt vì đàn áp ở Tân Cương và các vi phạm nhân quyền khác
Việc đàn áp những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, một khu vực nằm ở phía tây Trung Quốc, là một trong hàng loạt các vụ vi phạm nhân quyền của bốn quan chức Trung Cộng gần đây đã bị chính quyền Hoa Kỳ áp dụng lệnh trừng phạt.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết, các lệnh trừng phạt, được áp dụng theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu vào ngày 9/7, đã cấm bốn quan chức Trung Cộng, cũng như các thành viên gia đình trực hệ của họ nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Các biện pháp trừng phạt cũng sẽ phong tỏa các tài sản ở Hoa Kỳ do những cá nhân này đứng tên, và cấm các tổ chức, cá nhân ở Hoa Kỳ giao dịch kinh doanh với họ.
Tại Tân Cương, nơi có khoảng 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ, ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác đã bị giam giữ trong các trại cưỡng bức, bị tra tấn, và truyền bá chính trị trong một nỗ lực ép buộc họ phải từ bỏ đức tin. Tuy nhiên, cuộc bức hại như vậy không chỉ giới hạn ở Tân Cương.
Các báo cáo nhân quyền và hồ sơ của chính phủ Trung Quốc đã tiết lộ một loạt các hành động vi phạm nhân quyền được thực hiện dưới sự giám sát của các quan chức, nhắm vào các nhà bảo vệ nhân quyền và các nhóm tín ngưỡng, trong đó có các học viên Pháp Luân Công. Pháp Luân Công (hay Pháp Luân Đại Pháp) là môn tu luyện thiền định cả thân lẫn tâm dựa trên các nguyên lý đạo đức : Chân – Thiện – Nhẫn. Họ đã phải đối mặt với cuộc đàn áp tàn bạo kể từ năm 1999. Theo ước tính của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hàng triệu người có thể đã bị giam giữ trong suốt hai thập kỷ qua, với hàng trăm ngàn người bị tra tấn.
Minghui.org một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ, đóng vai trò thông tin về cuộc đàn áp ở Trung Quốc, xác nhận rằng có ít nhất 4,500 học viên đã bị thiệt mạng. Con số thực tế có khả năng cao hơn nhiều, vì các thông tin này rất khó truyền ra bên ngoài Trung Quốc.
Các chuyên gia nhân quyền nói rằng kinh nghiệm của chính quyền Trung Cộng đối với cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã trở thành khuôn mẫu để giới chức ở Tân Cương đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số Hồi giáo khác.
Chính sách chống Pháp Luân Công
Ông Trần Toàn Quốc, Bí thư Đảng ủy khu tự trị Tân Cương và là quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc bị Hoa Kỳ áp dụng lệnh trừng phạt, đã bắt đầu việc bức hại các học viên Pháp Luân Công nơi quê nhà ông ở tỉnh Hà Nam,
Từ năm 2000 đến 2005, ông đã thăng cấp vượt bậc bằng cách tham gia vào cuộc đàn áp, cuối cùng trở thành Phó Bí thư của Ủy ban Thường vụ tỉnh Hà Nam. Ông Trần đã giám sát việc tiêu hủy các tờ giới thiệu, sách, CD hướng dẫn tập Pháp Luân Công, cũng như sa thải các quan chức chính phủ đã tập luyện Pháp Luân Công, theo tin từ Tạp chí Wall Street trích dẫn các báo cáo của tỉnh Hà Nam vào năm 2019. Các báo cáo của chính phủ dường như đã bị xóa bỏ kể từ đó.
Tin tức từ trang Minghui.org cho biết, sau khi ông Trần trở thành Bí thư Tân Cương năm 2016, giai đoạn này đánh dấu “sự khủng bố nghiêm trọng nhất” đối với các học viên Pháp Luân Công trong khu vực, những người có nguy cơ bị bắt khi sử dụng giao thông công cộng, đến sở làm hoặc đến văn phòng chính phủ để giải quyết các vấn đề cá nhân.
Trước và sau hội nghị quan trọng của Đảng, Đại hội Đảng Trung Cộng lần thứ 19 diễn ra vào năm 2017, cảnh sát Tân Cương đã thẩm vấn tất cả các học viên Pháp Luân Công địa phương, bắt giữ những người không muốn từ bỏ tín ngưỡng hoặc ghi tên họ vào danh sách truy nã. Một số người thì bị quản thúc tại gia, theo báo cáo năm 2018 của trang Minh Huệ. Hơn nữa, các học viên từ những khu vực khác đi qua các trạm kiểm soát an ninh ở Tân Cương cũng bị bắt giữ.
Trong năm 2017, ngân sách chính phủ cho thấy khu vực này đã tăng cường chi tiêu an ninh lên tới hơn 3,93 tỷ USD, gần gấp đôi số liệu năm trước. Trong khi chính quyền Tân Cương không nêu rõ nguồn tiền đã được đầu tư vào đâu, nhưng từ năm 2017, khu vực này đã cho thấy sự gia tăng kiểm soát bằng camera an ninh, giám sát điện thoại, và thu thập dữ liệu DNA.
Trong ba năm qua, các học viên Pháp Luân Công tại Tân Cương cũng phải đối mặt với các vụ bắt giữ vì những lý do như “suy nghĩ không đúng đắn”, từ chối mở cửa cho cảnh sát, hoặc sử dụng các ứng dụng di động khác ngoài WeChat, một ứng dụng nhắn tin phổ biến ở Trung Quốc được chính phủ hỗ trợ để kiểm duyệt người dân.
Trong số những người bị bắt có bà Yan Yixue, 90 tuổi, người đã bị giam giữ từ rất lâu, trước khi Trung Cộng triệu tập hai phiên họp thường niên vào cuối tháng 5 vừa rồi. Năm 2018, bà bị giam một năm trong một trung tâm tẩy não, nơi cảnh sát đánh bà vì tập luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công trong khi bị giam giữ. Bà bị còng vào một chiếc ghế sắt, không thể di chuyển, trong gần nửa tháng. Minghui.org cho biết bà đã tuyệt thực để phản đối sự bức hại.
Theo Minghui.org, cảnh sát và các quan chức ủy ban khu phố ở Tân Cương cũng thường xuyên đột nhập vào nhà các học viên Pháp Luân Công tại địa phương và chụp ảnh họ để cập nhật cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt của chính phủ.
Bà Sarah Cook, một nhà phân tích Trung Quốc thuộc nhóm bảo vệ nhân quyền Freedom House, đã viết các bài tiểu luận phân tích về các mô hình tương tự trong cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công và cuộc đàn áp các nhóm dân tộc thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương, tuyên bố rằng các nhà chức trách đang làm theo “Chính sách chống Pháp Luân Công ở Tân Cương”.
Bà Cook nói với chúng tôi trong một cuộc phỏng vấn trước đây rằng, “Nó giống như bất kỳ một mô hình quản lý dự án nào. Một khi bạn đã hoàn thành một dự án trước đó, thì lần thứ hai sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều. Họ biết chính xác về những việc mà họ đang làm.”
Theo Tổ chức Điều tra Thế giới về đàn áp Pháp Luân Công, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ, hai quan chức khác có tên trong danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ gồm: ông Chu Hải Luân, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Tân Cương, và ông Vương Minh Sơn, Giám đốc Sở Công an Tân Cương, cũng tham gia vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Tổ chức này đã tìm thấy ít nhất một trường hợp thiệt mạng có liên quan đến ông Vương là ông Sheng Kezhi (77 tuổi), vốn là một học viên Pháp Luân Công ở thủ phủ Urumqi của Tân Cương. Vợ và con gái của ông, cũng là những học viên Pháp Luân Công, đã bị giam cầm phi pháp trong nhiều năm. Ông Sheng đã qua đời vì những căng thẳng và áp lực phải gánh chịu, sau khi vợ ông bị giam giữ một lần nữa vào năm 2012.
Theo Theepochtimes
An Nam biên dịch