Các quan chức Hoa Kỳ phản ứng với mối đe dọa hạt nhân từ ông Putin
Các quan chức chính phủ Tổng thống (TT) Biden và một số người tiền nhiệm của họ đã bày tỏ sự lo ngại trước lời cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông sẽ dùng đến vũ khí hạt nhân nếu Ukraine cố gắng giành lại vùng lãnh thổ bị Điện Kremlin chiếm đóng mà ông Putin đã tuyên bố sáp nhập hôm 30/09.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói với CNN hôm 30/09, “Để tôi nói rõ hơn, ý tôi là người đưa ra quyết định đó là một con người. Không có sự kìm hãm nào đối với ông Putin. Cũng giống như khi ông ấy đưa ra quyết định vô trách nhiệm là xâm lược Ukraine, quý vị biết đấy, ông ấy có thể đưa ra một quyết định nữa.”
Hôm 30/09, trong khi nói chuyện trước hàng trăm nhà lập pháp Nga và giới lãnh đạo Nga tại một hội trường lớn của Điện Kremlin, ông Putin đã gián tiếp ngụ ý rằng ông đang suy xét về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, khi ông đề cập rằng Hoa Kỳ là nước duy nhất từng sử dụng vũ khí hạt nhân, nói thêm: “Nhân tiện, họ đã tạo ra một tiền lệ.”
Sau bài diễn văn này là lễ kết nạp những người đứng đầu do Nga bổ nhiệm tại bốn khu vực Ukraine mà Nga đã chiếm đóng trong cuộc chiến này. Thủ tục kết nạp này là để chính thức bắt đầu quá trình sáp nhập các vùng Lugansk, Donetsk, Kherson, và Zaporizhzhia.
Cuối ngày, trong một buổi hòa nhạc kỷ niệm lớn tại Quảng trường Đỏ ở Moscow, ông Putin đã nói “Chào mừng trở về nhà” với các khu vực Ukraine đã được sáp nhập, một phần vẫn còn nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Ukraine.
Ông Austin gọi tuyên bố của ông Putin đối với lãnh thổ Ukraine là “bất hợp pháp” và những lời có vẻ là cảnh báo gián tiếp của ông về một cuộc tấn công hạt nhân là một “tuyên bố vô trách nhiệm.” Ông Austin nói với CNN hôm 01/10, “Những điều này là — đó là sự phô trương sức mạnh hạt nhân. Đó không phải là điều mà chúng tôi mong được nghe thấy từ các nhà lãnh đạo của các quốc gia rộng lớn có năng lực.”
Hôm 30/09, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết chính phủ TT Biden xem xét nghiêm túc các bài diễn văn về hạt nhân của ông Putin nhưng hiện tại ông cho là không có khả năng leo thang hạt nhân.
Ông Sullivan nói, “Trước những câu nói thiếu thận trọng và phô trương sức mạnh hạt nhân của ông Putin, chính phủ của chúng ta thấy rõ có một rủi ro rằng ông ấy sẽ cân nhắc điều này. Cũng như chúng tôi đã đều thấy rõ hậu quả sẽ như thế nào. Chúng tôi đã trực tiếp truyền đạt điều đó với người Nga.”
“Chúng tôi hiện không thấy dấu hiệu nào về việc sắp sử dụng vũ khí hạt nhân. Tất nhiên, chúng tôi đang theo dõi điều đó một cách cẩn trọng và luôn tham vấn chặt chẽ với các đồng minh và đối tác,” ông nói thêm rằng ông Putin vừa “tung ra lá bài hạt nhân” như những gì ông đã làm trước đó.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Herbert Raymond McMaster đã thảo luận về “sự hiếu chiến” của ông Putin trên CBS hôm Chủ Nhật, đồng thời nói rằng ông Putin đang chịu “áp lực cực độ” do những thất bại trên chiến trường cũng như trong việc huy động binh sĩ.
Trả lời cho một câu hỏi về những suy nghĩ ông Putin về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, ông McMaster nói, “Chà, tôi nghĩ thông điệp gửi đến ông ấy là, nếu ông sử dụng vũ khí hạt nhân, thì đó là vũ khí tự sát. Ngoài ra, NATO và Hoa Kỳ không nhất thiết phản ứng lại bằng vũ khí hạt nhân.”
“Tôi nghĩ vũ khí hạt nhân không thể dùng được ở đó, quý vị biết đấy. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta nên cân nhắc đến vấn đề này một cách nghiêm túc. Chúng ta phải làm vậy, tuy nhiên chúng ta không nên cho phép chuyện này khiến chúng ta khiếp sợ trong việc hỗ trợ người dân Ukraine.”
Các nguồn tin Nga được giới truyền thông Nga trích dẫn tin rằng những mối đe dọa hạt nhân này dường như đã dẫn đến sự răn đe bằng hạt nhân, đồng thời ngăn Hoa Kỳ và NATO cung cấp vũ khí mạnh mẽ và tân tiến cho Ukraine.
Viện sĩ Học viện Khoa học Primakov ông Alexei Arbatov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Nezavisimaya Gazeta hôm Chủ nhật, “Nếu chúng ta đang nói về hỏa tiễn tầm xa với đầu đạn thông thường, thì nguy cơ leo thang hạt nhân đang ngăn cản Hoa Kỳ và NATO cung cấp những vũ khí này cho Ukraine, cũng như việc quân đội tham chiến trực tiếp vào cuộc xung đột này.”
Ông Arbatov nói rằng có thể “tình trạng ngăn chặn lẫn nhau” này không bền vững. Ông nói: “Ukraine đã tổ chức các cuộc tấn công vào Crimea, và trong tương lai chúng có khả năng ảnh hưởng đến các vùng lãnh thổ sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý, mà vị thế pháp lý mới của chúng không được cả Ukraine và phương Tây công nhận. Đây là ‘ngòi nổ’ có thể dự đoán về sự leo thang đáng sợ của cuộc xung đột này.”
Trong khi đó, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “60 Minutes” trên CBS hôm 26/09 rằng ông đã truyền đạt cho người Nga “hãy dừng những lời nói thiếu thận trọng về vũ khí hạt nhân.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times