Các quan chức Hoa Kỳ chuẩn bị cho làn sóng di dân bất hợp pháp khi Đề mục 42 sắp hết hiệu lực
Với việc Đề mục 42 do chính phủ cựu Tổng thống (TT) Donald Trump ban hành vốn hạn chế người nhập cư sẽ hết hiệu lực vào ngày 21/12, các quan chức Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho một làn sóng lớn những người nhập cư bất hợp pháp băng qua biên giới phía nam.
Khi chính sách này sẽ chấm dứt trong vòng chưa đầy hai tuần tới, Bộ An ninh Nội địa ước tính rằng khoảng 9,000 đến 14,000 người di cư có thể cố gắng vào Hoa Kỳ bất hợp pháp mỗi ngày.
Được thiết lập như một phần của Đạo luật Dịch vụ Y tế Công cộng dưới thời TT Franklin D. Roosevelt vào năm 1944, Đề mục 42 có mục đích ngăn chặn sự xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm vào Hoa Kỳ.
Chính sách này được chính phủ cựu TT Trump ban hành vào năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Những người di cư được giải quyết theo chính sách này không được phép xin tị nạn tại Hoa Kỳ và bị trục xuất khỏi quốc gia này.
Trên giấy tờ, Đề mục 42 được áp dụng cho biên giới với Canada và với Mexico cho những người di cư thuộc mọi quốc tịch. Chính sách này chủ yếu được sử dụng dọc theo biên giới phía nam để ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp từ Mexico, Guatemala, Honduras, và El Salvador vào Hoa Kỳ.
Gần 2.4 triệu người nhập cư bất hợp pháp đã bị các nhân viên tuần tra Hoa Kỳ bắt giữ dọc theo biên giới phía nam trong năm tài chính 2022, kết thúc vào ngày 30/09.
Thống kê liên bang chỉ ra rằng hơn 1 triệu vụ bắt giữ đã dẫn đến việc những người nhập cư bị trục xuất khỏi đất nước theo Đề mục 42.
Sau khi Đề mục 42 được dỡ bỏ, số lượng người di cư mà các nhân viên Tuần tra Biên giới phải giải quyết sẽ “có thể gia tăng gấp đôi hoặc nhiều hơn,” theo báo cáo của Văn phòng Tổng Thanh tra thuộc Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ công bố hồi tháng Chín.
Không rõ chính phủ TT Biden sẽ dự định làm gì hay không khi Đề mục 42 bị đình chỉ vào ngày 21/12.
Khi ông Biden nhậm chức, một trong số các hành động đầu tiên của ông là chấm dứt chính sách “Ở lại Mexico” được thực hiện dưới thời ông Trump.
Theo luật đó, những người xin tị nạn được yêu cầu ở lại Mexico trong khi đơn xin tị nạn của họ được giải quyết. Số liệu cho thấy chính sách này ngăn chặn các yêu cầu tị nạn giả mạo và giảm số lượng người nhập cư bất hợp pháp.
Ông Blas Nunez Neto, quyền trợ lý Bộ trưởng Bộ An Ninh Nội Địa (DHS) về chính sách biên giới và nhập cư. Tháng trước, trong một cuộc gọi với các phóng viên Mỹ Latinh, ông cho biết Hoa Kỳ sẽ tiến hành truy tố những người di cư cố gắng né tránh các nhân viên Tuần tra Biên giới và trục xuất những người nhập cảnh trái phép vào nước này theo diện trục xuất nhanh, một quy trình bao gồm lệnh cấm năm năm từ Hoa Kỳ.
Khi Đề mục 42 hết hiệu lực, DHS sẽ chuyển từ việc giải quyết theo Đề mục 42 sang Đề mục 8.
Đề mục 8 là một luật liên bang cho phép trục xuất nếu những người nhập cư bất hợp pháp không đủ điều kiện xin tị nạn.
Trong năm tài chính 2022, Lực lượng Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ đã trục xuất 1.1 triệu người theo Đề mục 8 so với khoảng 1 triệu người nhập cư bất hợp pháp theo Đề mục 42.
Chấm dứt Đề mục 42
Ngày chấm dứt hiệu lực 21/12 được Thẩm phán Emmet Sullivan của Tòa án Đặc khu Columbia quyết định, người đã dỡ bỏ Đề mục 42 hôm 15/11. Ông Sullivan được cựu Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm.
Trong báo cáo của mình, ông Sullivan nói rằng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã không giải thích thích đáng lý do phê chuẩn chính sách này, thay cho việc sử dụng những gì ông gọi là những cách ít quyết liệt hơn để ngăn chặn virus.
CDC cũng “không xem xét tác hại đối với những người di cư bị trục xuất,” ông Sullivan viết, đề cập tới các bản tin cho rằng những người di cư có thể bị bức hại ở Mexico và các quốc gia khác sau khi họ bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ.
Hôm 16/11, ông Sullivan đã cho các quan chức nhập cư liên bang năm tuần để chấm dứt Đề mục 42.
Quyết định của ông Sullivan xuất phát từ hành động pháp lý do Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) đệ trình, lập luận rằng Đề mục 42 gây nguy hiểm cho người di cư và vi phạm luật tị nạn.
Ngay cả khi việc họ vào đây là bất hợp pháp, những người di cư vượt biên vào đất Mỹ có thể yêu cầu tị nạn, vốn cung cấp sự bảo vệ nhân đạo.
Vài giờ sau khi ông Sullivan công bố phán quyết của mình, các luật sư của Bộ Tư pháp đã yêu cầu thẩm phán liên bang trì hoãn quyết định trong 5 tuần với lý do việc dỡ bỏ đột ngột Đề mục 42 sẽ tạo ra các vấn đề về hoạt động và không cung cấp đủ thời gian để phối hợp “chuyển đổi có trật tự” sang quy trình giải quyết nhập cư thông thường.
Đề cập đến Bộ An ninh Nội địa, các luật sư của Bộ Tư pháp đã viết, “Giai đoạn chuyển tiếp này rất quan trọng để bảo đảm rằng DHS có thể tiếp tục thực hiện sứ mệnh bảo vệ biên giới Quốc gia và tiến hành các hoạt động biên giới một cách có trật tự.”
Ông Sullivan đã chấp thuận yêu cầu này một cách “rất miễn cưỡng” và cho biết lệnh dỡ bỏ Đề mục 42 sẽ có hiệu lực vào giữa đêm ngày 21/12.
Hôm 07/12, chính phủ ông Biden tuyên bố sẽ kháng cáo phán quyết này của tòa án, tin rằng CDC sẽ ban hành các lệnh mới quy định việc di cư.
Quyết định kháng cáo này mâu thuẫn với quan điểm ủng hộ việc dỡ bỏ chính sách trước đây của chính phủ ông Biden.
Vụ kiện giữ lại Đề mục 42
Sau khi nhậm chức vào tháng 01/2021, chính phủ TT Biden đã duy trì Đề mục 42 do ông Trump ban hành trong hơn một năm cho đến khi tuyên bố sẽ dần dần chấm dứt việc trục xuất, đồng thời khẳng định rằng chính sách này không còn cần thiết nữa do điều kiện đại dịch đã được cải thiện.
Một nhóm gồm 24 tiểu bang do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo đã phản ứng bằng cách đệ đơn kiện để tiếp tục duy trì Đề mục 42. Nhóm nói rằng việc dừng chính sách này sẽ dẫn đến “sự gia tăng số vụ vượt biên và điều đó sẽ dẫn đến sự gia tăng những người nhập cư bất hợp pháp cư trú tại những tiểu bang đó.”
Các quan chức từ nhiều tiểu bang lập luận rằng số lượng người nhập cư cao hơn sẽ làm tăng số tiền cần thiết để chi cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe, và thực thi pháp luật.
Hồi tháng Năm, Thẩm phán Địa hạt Liên bang Robert Summerhays đã tạm thời ngăn chính phủ TT Biden dỡ bỏ Đề mục 42. Ông Summerhays đã được ông Trump bổ nhiệm.
Phán quyết của ông Sullivan hôm 15/11 đã thay thế quyết định của tháng Năm.
Hồi tháng Bảy, chính phủ TT Biden đã kháng cáo phán quyết đó nhưng vẫn dựa vào Đề mục 42 như một chính sách quản lý biên giới.
Quyết định trên đã mở rộng các hướng dẫn của Đề mục 42 hồi tháng Mười để bao gồm cả những người di cư Venezuela nhằm ngăn chặn làn sóng di dân của người Venezuela đến biên giới phía nam.
Quyết định đó cũng đã phê chuẩn cái mà chính phủ TT Biden gọi là một kế hoạch tạm tha nhân đạo cho phép tới 24,000 người Venezuela có con đường hợp pháp để đến Hoa Kỳ.
Trong một cuộc phiên trần hồi tháng Bảy, người đứng đầu Cơ quan Tuần tra Biên giới Raul Ortiz đã được hỏi liệu chính phủ TT Biden có đưa ra dấu hiệu rằng việc họ sẽ không thực thi luật biên giới sẽ dẫn đến tình trạng nhập cư bất hợp pháp gia tăng “theo cấp số nhân” hay không. Ông ấy trả lời, “Vâng, tôi nghĩ lượng người nhập cư sẽ tăng lên.”
Ông Ortiz được hỏi liệu biên giới phía nam “hiện có đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng,” hay không và liệu có một lượng người “chưa từng có” sẽ tràn vào Hoa Kỳ bất hợp pháp hay không. Ông đáp “có” cho cả hai câu hỏi này.
‘Biên giới đang an toàn’
Những bình luận của ông Ortiz mâu thuẫn với những gì Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas đã nói một tuần trước đó tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado.
“Hãy nhìn xem, biên giới đang an toàn,” ông Mayorkas cho biết. “Chúng tôi đang hành động để làm cho biên giới an toàn hơn. Đó là một thử thách lịch sử.”
Hôm 17/11, ông Mayorkas nói với các nhà lập pháp rằng Bộ này sẽ tìm cách ngăn chặn người di cư Venezuela vào Hoa Kỳ qua biên giới phía nam nếu Đề mục 42 được dỡ bỏ.
Thượng nghị sĩ James Lankford (Cộng Hòa–Oklahoma) đã chất vấn ông Mayorkas về chiến lược của chính phủ để ứng phó trong trường hợp dỡ bỏ Đề mục 42.
Ông Lankford cho biết tại phiên điều trần của Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện hôm 17/11: “Chúng ta vẫn đang chờ đợi để cố gắng tìm hiểu bây giờ điều gì sẽ xảy ra và có bao nhiêu người sắp vượt biên hay sao? Chúng ta có kế hoạch nào để ứng phó với tình trạng di dân ồ ạt này, tình trạng nhập cư bất hợp pháp sắp diễn ra hậu thời kỳ Đề mục 42?”.
“Những gì chúng tôi đang làm chính xác là những gì chúng tôi đã tuyên bố sẽ làm hồi tháng Tư năm nay và chúng tôi thực sự đang thực hiện kế hoạch ấy,” ông Mayorkas trả lời.
Kế hoạch ấy bao gồm gửi nhân sự, công nghệ, và các nguồn lực khác đến biên giới và tăng hiệu quả quy trình giải quyết “để giảm thiểu tình trạng quá tải tiềm ẩn,” ông Mayorkas giải thích.
“Chúng tôi đang tăng cường các hình phạt đối với hành vi nhập cảnh bất hợp pháp, đặc biệt là đối với những cá nhân tìm cách trốn tránh cơ quan chấp pháp, bao gồm trục xuất, giam giữ, và truy tố hình sự khi có lệnh,” ông Mayorkas cho biết thêm.
Ông Mayorkas giải thích rằng toàn bộ bán cầu đang trải qua một cuộc khủng hoảng di dân.
Ông nói với các nhà lập pháp tại phiên điều trần rằng: “Chúng ta đang chứng kiến cuộc di dân chưa từng có tiền lệ của người dân từ quốc gia này sang quốc gia khác. Di dân không bị giới hạn ở biên giới phía nam.”
Tại phiên điều trần, ông Mayorkas vẫn giữ vững niềm tin rằng “biên giới đã được kiểm soát.”
Đảng Cộng Hòa, Đảng Dân Chủ tìm kiếm các giải pháp
Đảng Cộng Hòa sẵn sàng nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 01/2023 tới và nói rằng việc bảo vệ biên giới sẽ là ưu tiên hàng đầu, cũng như buộc chính phủ TT Biden phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng nhập cư bất hợp pháp này.
Trong một cuộc họp báo ở El Paso, Texas, hôm 22/11 khi đang đi thăm biên giới phía nam, Lãnh đạo phe thiểu số Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy đã kêu gọi ông Mayorkas từ chức hoặc đối mặt với khả năng bị đàn hặc.
Ông McCarthy nói: “Hành động của ông ấy đã tạo ra làn sóng nhập cư bất hợp pháp lớn kỷ lục trong lịch sử. Đây là lý do tại sao hôm nay tôi kêu gọi bộ trưởng hãy từ chức.”
“Ông ấy không thể và không được ở lại vị trí đó nữa,” ông nói. “Nếu Bộ trưởng Mayorkas không từ chức, các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện sẽ điều tra mọi mệnh lệnh, mọi hành động, và mọi thất bại để xác định liệu chúng tôi có thể bắt đầu một cuộc điều tra đàn hặc hay không.”
DHS cho biết ông Mayorkas không có kế hoạch từ chức, đồng thời cho biết thêm rằng chính phủ TT Biden thừa hưởng một hệ thống nhập cư suy yếu và rời rạc mà Quốc hội có nghĩa vụ phải khắc phục.
“Các thành viên của Quốc hội có thể làm tốt hơn là đổ lỗi cho người khác; họ nên ngồi vào bàn thảo luận và tìm ra các giải pháp cho hệ thống suy yếu này và các luật lỗi thời của chúng ta, vốn đã không được cải tổ trong hơn 40 năm qua,” một phát ngôn viên của DHS cho biết.
Hôm 21/11, có 15 tiểu bang do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo đã đệ trình một kiến nghị lên tòa án liên bang nhằm tìm cách đảo ngược việc thẩm phán Sullivan chấm dứt Đề mục 42.
Các Tổng Chưởng lý từ Alabama, Alaska, Arizona, Kansas, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Nebraska, Ohio, Oklahoma, South Carolina, Texas, Virginia, West Virginia, và Wyoming đã lập luận rằng các quan chức chính phủ Biden “đã từ bỏ việc bảo vệ của họ” đối với chính sách này bằng cách yêu cầu chỉ đình chỉ phán quyết của ông Sullivan trong 5 tuần và không kháng cáo lệnh của ông Sullivan.
Các Tổng Chưởng lý Đảng Cộng Hòa lập luận rằng việc chấm dứt Đề mục 42 sẽ dẫn đến số lượng lớn người di cư vượt biên giới Hoa Kỳ-Mexico bất hợp pháp và sẽ gây tổn hại về phương diện tài chính cho các tiểu bang của họ, bao gồm cả chi phí dịch vụ xã hội cho người nhập cư.
Nếu phán quyết của ông Sullivan bị đình chỉ, ngày chấm dứt vào ngày 21/12 có thể lại thay đổi. Những tiểu bang do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo đã khởi kiện có thể yêu cầu Tòa Phúc Thẩm Liên Bang Đặc khu Colombia và Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ can thiệp nếu ông Sullivan từ chối kiến nghị đó.
Hồi đầu tuần này, Dân biểu Pat Fallon (Cộng Hòa-Texas) đã giới thiệu Đạo luật An toàn và Công bằng của Hoa Kỳ Thông qua việc Trục xuất Khẩn cấp (SAFER).
Nếu được thông qua, dự luật này sẽ mở rộng việc áp dụng hình thức trục xuất cấp tốc, vốn đã ra mắt dưới thời chính phủ TT Clinton và cho phép DHS nhanh chóng trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp mà không cần điều trần nếu họ không ở trong nước hơn hai năm.
Quá trình này hiện chỉ giới hạn đối với những người nhập cư bất hợp pháp bị bắt trong vòng 100 dặm tính từ biên giới phía nam hoặc đã vượt biên giới vào Hoa Kỳ trong vòng hai tuần.
Dự luật do ông Fallon đề nghị sẽ loại bỏ những hướng dẫn đó và sẽ yêu cầu tất cả những người nhập cư bất hợp pháp phải bị trục xuất khỏi đất nước nếu họ không có giấy tờ nhập cảnh hợp lệ và đã ở Hoa Kỳ dưới hai năm.
“Khi CBP chuẩn bị cho một làn sóng di cư lớn do Đề mục 42 sắp hết hiệu lực, chúng tôi với tư cách là thành viên của Quốc hội phải hành động để ngăn chặn Cuộc khủng hoảng biên giới của ông Biden,” ông Fallon nói. “Đó là lý do tại sao tôi và các đồng nghiệp đang giới thiệu Đạo luật AN TOÀN HƠN của Mỹ.
“Những người nhập cư bất hợp pháp sẽ không còn nhận được sự khoan hồng từ quy trình trục xuất khẩn cấp vì họ đã đi 100 dặm tính từ biên giới vào nội địa Hoa Kỳ,” ông Fallon nói thêm. “Đã đến lúc khôi phục công cụ quan trọng này cho các cơ quan tuần tra biên giới và nhập cư.”
Dự luật này có 17 nhà lập pháp ký tên ủng hộ và sự hỗ trợ từ Liên đoàn Cải cách Nhập cư Hoa Kỳ.
“Các chính sách thất bại của Tổng thống Biden đang tàn phá biên giới phía nam của chúng ta,” Dân biểu Mark Green (Cộng Hòa-Tennessee), một người ký ủng hộ cho dự luật, cho biết trong một tuyên bố. “Dự luật này là một bước tiến lớn trong việc bảo đảm những người nhập cư bất hợp pháp vào đất nước chúng ta không thể lách luật và sẽ nhanh chóng bị trục xuất.”
Thượng nghị sĩ tiểu bang Arizona Kyrsten Sinema đã tuyên bố rằng bà ấy sẽ rời Đảng Dân Chủ và trở thành một chính trị gia Độc lập, và ông Mark Kelly, một nghị sĩ Đảng Dân Chủ, đã thẳng thắn bày tỏ niềm tin của họ rằng Đề mục 42 nên được giữ nguyên.
Hồi tháng Tư, họ đã giới thiệu dự luật nhằm yêu cầu chính phủ TT Biden chuẩn bị sẵn một kế hoạch toàn diện trước khi hủy bỏ Đề mục 42.
Hôm 28/11, bà Sinema và ông Kelly đã cùng với Thượng nghị sĩ Maggie Hassan (Dân Chủ-New Hampshire) và ông Jon Tester (Dân Chủ-Montana) gửi thư cho ông Mayorkas bày tỏ mối lo ngại của họ về việc dỡ bỏ Đề mục 42.
“Mặc dù tổng số vụ trục xuất theo Đề mục 42 phản ánh những nỗ lực lặp lại để vào Hoa Kỳ, nhưng việc chấm dứt hẳn Đề mục 42 sẽ làm tăng đáng kể số lượng người di cư bị bắt dọc theo Biên giới Tây Nam theo Đề mục 8,” những thượng nghị sĩ này viết.
Hôm 05/12, bà Sinema và Thượng nghị sĩ Thom Tillis (Cộng Hòa-North Carolina) đã đồng ý về một khuôn khổ dự thảo cải cách nhập cư sẽ bao gồm việc tiếp tục áp dụng Đề mục 42.
Đề xướng này có sự gia tăng các nguồn lực để đẩy nhanh việc tiếp nhận những người xin tị nạn với các trung tâm thực hiện quy trình nhập cư mới, các quan chức tị nạn, và thẩm phán.
Khuôn khổ này cũng bao gồm các nguồn lực gia tăng để đẩy nhanh việc trục xuất những người nhập cư không đủ điều kiện xin tị nạn và tài trợ nhiều hơn cho các sĩ quan biên giới.
Theo đề xướng trên, nếu các trung tâm thực hiện quy trình nhập cư, nơi chứa người di cư, được mở và hoạt động, thì Đề mục 42 sẽ chấm dứt sau ít nhất một năm. Nỗ lực lưỡng đảng này cũng bao gồm một kế hoạch cấp quốc tịch cho 2 triệu thanh niên không có giấy tờ hợp pháp đến Hoa Kỳ khi còn nhỏ và được gọi là “Những người có ước mơ”.
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times