Nỗ lực tham gia cuộc tranh biện tổng thống ngày 27/06 của ông RFK Jr. đã thất bại
Ứng cử viên độc lập này không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của CNN về quyền có tên trên lá phiếu và thăm dò ý kiến.
Nỗ lực của ông Robert F. Kennedy (RFK) để tham gia cuộc tranh biện tổng thống ngày 27/06 do CNN tổ chức đã thất bại vì không đáp ứng tiêu chuẩn về quyền có tên trên lá phiếu và thăm dò ý kiến.
Hôm 20/06, CNN đưa tin rằng duy chỉ có Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đủ tiêu chuẩn tham gia tranh biện.
Theo quy định về tiêu chuẩn do CNN đưa ra, tính cho đến ngày 20/06, tên của ứng cử viên cần xuất hiện trên đủ số phiếu bầu của các tiểu bang để có thể đạt được ngưỡng 270 phiếu đại cử tri để thắng cử tổng thống.
Theo chiến dịch tranh cử của ông Kennedy, cặp ứng cử viên liên danh này đã thu thập đủ chữ ký cần thiết để đủ điều kiện xuất hiện trên lá phiếu ở 23 tiểu bang với tổng cộng 310 phiếu đại cử tri.
Về lý thuyết thì cặp ứng cử viên liên danh Kennedy-Shanahan đáp ứng đủ tiêu chuẩn để tham gia cuộc tranh biện của CNN; tuy nhiên, thông thường thì các tiểu bang chứng nhận các ứng cử viên tổng thống vào tháng Tám và tháng Chín.
Hôm 28/5, ông Kennedy đã đệ đơn khiếu nại lên Ủy ban Bầu cử Liên bang. Ông khẳng định CNN đã hợp tác với các chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump để loại ông ra khỏi cuộc tranh biện.
“[Việc đó] rõ ràng là vi phạm luật tài chính chiến dịch tranh cử liên bang,” trích đơn khiếu nại của ông Kennedy.
Ông Kennedy cũng lập luận rằng cho đến khi Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump được đề cử chính thức tại các đại hội của Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa vào mùa hè này, thì họ vẫn chỉ là “những đề cử viên giả định” và chưa chính thức có tên trên phiếu bầu.
CNN đã đưa ra một tuyên bố nhằm phúc đáp khiếu nại trên, nói rằng “luật pháp ở hầu hết mọi tiểu bang đều quy định rằng ứng cử viên của một đảng chính trị được tiểu bang công nhận sẽ có quyền có tên trên lá phiếu mà không cần phải có kiến nghị.”
“Với tư cách là những ứng cử viên được đảng của họ đề cử, cả ông Biden và ông Trump đều đáp ứng yêu cầu này. Với tư cách là một ứng cử viên độc lập, theo luật hiện hành, ông RFK Jr. không đáp ứng yêu cầu này. Việc ông chỉ đơn thuần đang nộp đơn yêu cầu để xuất hiện trên lá phiếu không bảo đảm rằng tên của ông sẽ xuất hiện trên lá phiếu của bất cứ tiểu bang nào. Ngoài ra, ông RFK Jr. cũng không đáp ứng được các tiêu chí của chúng tôi về các cuộc thăm dò, cũng như các tiêu chí khách quan khác mà chúng tôi đặt ra trước khi gửi lời mời tham gia cuộc tranh biện,” trích lời tuyên bố.
Để có thể tham gia cuộc tranh biện, các ứng cử viên cũng phải đạt được “ít nhất 15% sự ủng hộ trong trong bốn cuộc thăm dò quốc gia riêng biệt dành cho những cử tri đã ghi danh hoặc cử tri tiềm năng, mà đáp ứng được các tiêu chuẩn đưa tin của CNN.”
CNN đã công bố một danh sách dài các cuộc thăm dò đáp ứng các tiêu chuẩn của họ để đủ điều kiện tranh biện, trong đó gồm có các cuộc thăm dò từ CNN, ABC News, CBS News, Fox News, Trường Luật Đại học Marquette, Đại học Monmouth, NBC News, The New York Times/Siena College, NPR/Giờ tin tức PBS/Cao đẳng Marist, Đại học Quinnipiac, Wall Street Journal, và The Washington Post.
Theo chiến dịch tranh cử của ông Kennedy, ông đã đáp ứng được yêu cầu cho ba trong số những cuộc thăm dò nêu trên. Tuần trước, ông đã nhận được 17% sự ủng hộ trong cuộc thăm dò của Trường Luật Marquette. Hồi tháng Tư, ông đã nhận được 16% sự ủng hộ trong các cuộc thăm dò của CNN và Quinnipiac.
Ủy ban phi đảng phái về Tranh biện Tổng thống đã giám sát tất cả các diễn đàn tổng thống kể từ năm 1988 cho đến năm nay.
Trong một bức thư hôm 15/05 gửi Ủy ban Tranh biện Tổng thống, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden đã tuyên bố rằng ông sẽ không tham gia vào các cuộc tranh biện mà ủy ban đã lên kế hoạch vào mùa thu do ông ưu tiên các cuộc tranh biện được tổ chức sớm hơn.
Tháng trước, chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Trump cũng đã gửi thư cho ủy ban, trong đó cho biết họ cũng ưu tiên các cuộc tranh biện sớm hơn.
Khi ông Kennedy biết rằng ông sẽ không được tham gia cuộc tranh biện, ông đã bày tỏ nỗi thất vọng trên nền tảng truyền thông xã hội X, trước đây là Twitter.
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times