Các nước vùng Baltic rời khỏi khối Đông Âu do Trung Quốc dẫn đầu bất chấp sự trả đũa từ Bắc Kinh
Sau khi Lithuania rời khỏi một diễn đàn Đông Âu do Trung Quốc dẫn đầu hồi tháng 05/2021, tuần trước (08-14/08) Latvia và Estonia cũng thông báo rằng hai nước này sẽ rời khỏi khối.
Các chuyên gia chỉ ra việc các nước Baltic rời khỏi khối “17+1” của Trung Quốc là một đòn giáng mạnh vào các mối bang giao quốc tế hiếu chiến của nhà cầm quyền này ở Âu Châu.
Diễn đàn Hợp tác 17+1, còn được gọi là Hợp tác giữa Trung Quốc với các nước Trung và Đông Âu (China-CEEC), được thành lập vào năm 2012. Diễn đàn được tổ chức mỗi năm một lần, và là một cơ chế cho các cuộc họp giữa Bắc Kinh và 17 nước Trung và Đông Âu. Hầu hết các nước này trước đây đều thuộc Liên Xô cũ.
Năm ngoái (2021), Lithuania đã rời bỏ sáng kiến ngoại giao này của Bắc Kinh, khuyến khích các nước khác làm theo đồng thời kêu gọi họ tăng cường bang giao với Liên minh Âu Châu để hình thành một khối vững mạnh dựa trên các giá trị chung. Nước này đã và đang thắt chặt bang giao với Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc). Hành động của Lithuania đã khiến Bắc Kinh tức giận và trả đũa về kinh tế.
Hôm 11/08, Latvia và Estonia đã đưa ra các tuyên bố riêng về việc rời khỏi khối nói trên do Bắc Kinh đứng đầu.
Bộ Ngoại giao Latvia tuyên bố, “Xét các ưu tiên hiện nay trong chính sách ngoại giao và thương mại của Latvia, Latvia đã quyết định ngừng tham gia vào khuôn khổ hợp tác giữa các nước Trung và Đông Âu với Trung Quốc.”
“[Latvia] sẽ tiếp tục cố gắng cho những mối bang giao mang tính xây dựng và thực tế một cách song phương với Trung Quốc, cũng như thông qua hợp tác Âu Châu–Trung Quốc dựa trên lợi ích chung, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhân quyền, và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”
Trong một tuyên bố tương tự, Bộ Ngoại giao Estonia tuyên bố rằng nước này sẽ “tiếp tục hướng tới các mối quan hệ mang tính xây dựng và thực tế với Trung Quốc, trong đó có việc thúc đẩy mối bang giao Âu Châu-Trung Quốc phù hợp với các giá trị và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ chẳng hạn như nhân quyền.”
Tuyên bố này viết: “Estonia đã không tham dự bất kỳ cuộc họp nào theo dạng này sau hội nghị thượng đỉnh hồi tháng Hai năm ngoái.”
Hành động kể trên diễn ra sau khi Trung Quốc áp dụng các lệnh trừng phạt với một thứ trưởng Lithuania đến thăm Đài Loan hôm 07/08.
Người ta tin rằng các mối bang giao quốc tế ngày càng gây hấn của Trung Quốc và việc nước này ủng hộ Nga trong cuộc chiến Nga-Ukraine là những nguyên nhân trực tiếp khiến những quốc gia nói trên tự lánh xa chính quyền Trung Quốc.
Thể hiện lập trường bất chấp bị trả đũa
Sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới Đài Loan khiến chính quyền Trung Quốc tức giận, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự kéo dài nhiều ngày ở không phận và hải phận xung quanh Đài Loan. Trong lúc đó, các quan chức của Bộ Giao thông và Truyền thông Lithuania, gồm có Thứ trưởng Agne Vaiciukeviciute, đã đến thăm hòn đảo dân chủ này.
Chuyến thăm của Lithuania được xem là thể hiện sự ủng hộ đối với cả Đài Loan và bà Pelosi. Để đáp trả, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân gọi chuyến thăm này là “sự phản bội trơ trẽn” đối với cam kết “một Trung Quốc.” Chính quyền Trung Quốc đã đình chỉ hợp tác với Lithuania và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bà Vaiciukeviciute.
Nhà bình luận về các vấn đề thời sự sống tại Hoa Kỳ là ông Lý Mục Dương (Li Muyang) nói trong chương trình trò chuyện “New Insight” của mình trên đài truyền hình NTD, rằng việc các nước Baltic rời bỏ diễn đàn Trung Quốc-CEEC “là một đòn giáng vào chính quyền Trung Quốc, đặc biệt là việc nước này thúc đẩy sáng kiến Một Vành đai, Một Con đường ở lục địa Á-Âu.” Ông nói: “Ban đầu, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thúc đẩy mạnh mẽ ‘Cơ chế hợp tác 17+1 giữa Trung Quốc và Đông Âu … chủ yếu nhằm thúc đẩy kế hoạch ‘Một Vành đai, Một Con đường’ của ĐCSTQ ở Á-Âu.”
Một Vành đai, Một Con đường, còn được gọi là sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), là dự án chính sách ngoại giao lớn của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình được ông đưa ra vào năm 2013. Dự án này có mục đích mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của ĐCSTQ tới các quốc gia Á Châu, Âu Châu, và Phi Châu bằng cách tái hiện con đường tơ lụa và các tuyến hàng hải giao thương của Trung Hoa cổ đại trong thế kỷ 21. Sáng kiến này đầu tư vốn Trung Quốc để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng tốn kém khác nhau tại hơn 60 nước tham gia. BRI bị chỉ trích gay gắt vì sắp đặt cho các nước nhận đầu tư rơi vào bẫy nợ, cùng với những cáo buộc về hoạt động gián điệp và xâm nhập vào các nước khác.
Ông Lý chỉ ra rằng việc Latvia và Estonia rút khỏi 17+1 có ý nghĩa chính trị lớn hơn nhiều so với mục đích thực tiễn.
Ông nói: “Mặc dù hai quốc gia này có quy mô nhỏ, nhưng họ đang thể hiện lập trường cho thấy cộng đồng quốc tế đang thức tỉnh và không còn dung thứ cho sự hung hăng và côn đồ của ĐCSTQ thêm nữa.”
Chuyên gia về các vấn đề chính trị Đài Loan Lý Dậu Đàm (Lee You-tan) nói với Đài Á Châu Tự do rằng các nước Baltic rời khỏi khối Trung Quốc là một dấu hiệu rất tốt lành. Ông cho biết, những nỗ lực chung của ba nước Baltic và Âu Châu thực sự có thể phá vỡ nỗ lực chia rẽ và chinh phục Âu Châu của ĐCSTQ.
Ông nói: “Các nhà lãnh đạo Âu Châu cần phải biết rằng thỏa hiệp đó sẽ không mang lại hòa bình, cũng không khiến các chế độ bất hảo tôn trọng trật tự quốc tế và các công ước nhân quyền.
Diễn đàn 17+1 do Trung Quốc hậu thuẫn đã trở thành “14+1”. Chín trong số 27 quốc gia EU vẫn là thành viên khối này gồm có Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Hungary, Ba Lan, Romania, Slovakia và Slovenia. Năm thành viên còn lại là các nước không thuộc EU: Albania, Bosnia và Herzegovina, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia.
Ông Alex Wu là một cây bút của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền, và các mối quan hệ quốc tế.