Các nhà phân tích dự đoán kết quả kỳ Đại hội Đảng sắp tới của ĐCSTQ
Liệu ông Tập Cận Bình có thể tái đắc cử hay không?
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thông báo rằng vào ngày 16/10, nước này có thể sẽ tổ chức Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20, một sự kiện chính trị quan trọng sẽ phân bổ lại cơ cấu quyền lực của ĐCSTQ trong 5 năm tới. Liệu lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ Tập Cận Bình có tiếp tục cầm quyền trong nhiệm kỳ thứ ba hay không? Câu hỏi này đã trở thành tâm điểm của sự chú ý. Các nhà phân tích đã đưa ra những quan điểm khác nhau về những gì họ tiên liệu trong kỳ đại hội sắp tới.
Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ có thêm quyền lực
Nhà bình luận về các vấn đề thời sự sống tại Hoa Kỳ, ông Trần Phá Không (Chen Pokong), bộc bạch trong chương trình YouTube của mình hôm 31/08 rằng Đại hội Đảng sẽ được tổ chức vào tháng Mười thay vì tháng Mười Một, có nghĩa là việc tái cơ cấu quyền lực và các cuộc đấu đá nội bộ bởi các hệ tư tưởng khác nhau trong giới lãnh đạo chóp bu của ĐCSTQ đã được giải quyết.
Về câu hỏi liệu ông Tập sẽ ở lại hay rời khỏi chức vụ của mình, ông Trần tin rằng ông Tập có thể sẽ bước vào trạng thái nửa về hưu.
“Cái gọi là Tư tưởng Tập Cận Bình đã được cơ quan ngôn luận của nhà cầm quyền đề cập hai lần trong hai ngày qua, nhấn mạnh ‘tầm quan trọng của việc lý giải được nội hàm sâu sắc của Hai Xác Lập. Một là, xác lập vị trí nòng cốt của Tập Cận Bình trong ĐCSTQ; hai là, xác lập quan điểm chỉ đạo của cái gọi là Tư tưởng Tập Cận Bình,” ông Trần giải thích. “Điều đó có nghĩa là ông Tập sẽ không từ bỏ toàn bộ quyền lực; thay vào đó, ông ấy có thể bước vào trạng thái nửa về hưu.”
Ông Trần tin rằng ông Tập có thể vẫn giữ một hoặc hai chức vụ, và có thể kéo dài nhiệm kỳ chủ tịch quân ủy của mình thêm hai năm, sau đó về hưu một cách từ từ trong âm thầm để vừa có thể giữ thể diện vừa bảo đảm cho sự an toàn của bản thân ông cũng như bảo đảm sự thăng tiến cho những người theo phe ông ấy.
Ông Trần cũng lưu ý rằng truyền thông nhà nước Trung Quốc hiện đang dành nhiều thời gian phát sóng hơn cho Thủ tướng Lý Khắc Cường, trái ngược với trước đây khi ĐCSTQ tổ chức các hội nghị biểu dương, ông Lý luôn bị gạt ra ngoài. Ví dụ, khi ĐCSTQ tổ chức buổi lễ tuyên dương hệ thống an ninh công cộng hồi tháng Năm năm nay, ông Lý cũng tham dự buổi lễ và bước vào ngay sau ông Tập, đây là một cảnh tượng hy hữu. Tình huống tương tự cũng xảy ra trong một hội nghị khen thưởng công chức hồi tháng Tám.
Ông Trần phân tích, “Điều này ám chỉ rằng ông Lý Khắc Cường có thể đang trong giai đoạn chuyển giao để tiếp quản một số vị trí chủ chốt từ ông Tập, chẳng hạn như chức tổng bí thư ĐCSTQ, hay nói cách khác là chủ tịch của Trung Quốc.”
Ông nói thêm rằng nếu tiên liệu của ông trở thành hiện thực, việc ông Tập nửa về hưu và ông Lý lên ngôi lãnh đạo là một giải pháp thỏa hiệp của ĐCSTQ cho tình hình bất ổn chính trị của ĐCSTQ, suy thoái kinh tế Trung Quốc, suy thoái ngoại thương, rút vốn đầu tư ngoại quốc, và sự cô lập chưa từng có mà cộng đồng quốc tế dành cho ĐCSTQ.
Không có thay đổi chính sách lớn nào
Nhà văn người Hồng Kông Nhan Thuần Câu (Ngan Shun-kau) đã viết một bài bình luận cho The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ hôm 02/09, trong đó nói rằng ông có thể đoán trước được rằng Bắc Kinh sẽ hầu như bảo lưu định hướng và chính sách hiện tại của mình.
Ông Nhan viết, “Về việc Tập Cận Bình có tái đắc cử hay không, đã có kết luận nội bộ, chỉ là người ngoài không biết. Nhưng chúng ta có thể dự đoán trước được kết quả [của Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 20] sẽ xảy ra theo một trong hai kịch bản sau. Một là, ngay cả khi ông Tập có tái đắc cử, thì quyền lực của ông ta sẽ bị suy yếu; hai là, dù ông ta có từ chức, thì ông ta cũng không về hưu hoàn toàn, mà là nửa về hưu.”
Còn về chính sách đối nội và chính sách ngoại giao của ĐCSTQ có được điều chỉnh hay không, thì đã có kết luận nội bộ, chỉ là người ngoài không biết. Nhưng có hai kịch bản mà chúng ta có thể đoán trước được: một là, dù có bất kỳ điều chỉnh nào trong các chính sách của đảng này, thì cũng chỉ là sửa chữa nhỏ; hai là, ngay cả khi ĐCSTQ quyết định giữ nguyên các chính sách hiện tại, thì họ cũng sẽ không đổ thêm dầu vào lửa, ông Nhan tiếp tục.
“Những quyết định này dựa trên phán quyết từ cấp lãnh đạo của ĐCSTQ về tình hình hiện tại,” ông viết. “Ở cấp độ ngoại giao, họ đều có chung quan điểm là mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc sẽ không thể cứu vãn.”
“Vài tháng trước, đặc sứ Ngô Hồng Ba (Wu Hongbo) của ĐCSTQ đã đến thăm Âu Châu để tìm hiểu phản ứng của các nhà lãnh đạo Âu Châu, nhưng kết quả không mấy khả quan: Liên minh Âu Châu (EU) sẽ không làm hòa với ĐCSTQ sau lưng Hoa Kỳ. Điều này đã làm tiêu tan cơ hội cuối cùng của ĐCSTQ nhằm gây bất hòa giữa Hoa Kỳ và Âu Châu. Vì vậy, tại thời điểm này, tình hình thế giới nói chung là một cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và phương Tây. Dù cho ĐCSTQ có sẵn sàng nhượng bộ bao nhiêu đi chăng nữa, thì các nước dân chủ sẽ không dễ dàng mà bỏ qua mọi chuyện. Vậy nên, ĐCSTQ chỉ còn cách chiến đấu đến cùng.”
Mặc dù mối bang giao Mỹ-Trung có thể không trở nên tốt đẹp hơn, nhưng ông Nhan tin rằng mọi thứ cũng sẽ không trở nên tồi tệ hơn. Bang giao Mỹ-Trung hiện đã chìm xuống mức thấp nhất có thể. ĐCSTQ không muốn đổ thêm dầu vào lửa, và Hoa Kỳ cũng không muốn làm trầm trọng thêm tình hình.
Theo ông Nhan, ĐCSTQ hiện đang phải đối mặt với tình hình tồi tệ nhất kể từ khi đảng này lên nắm quyền. Dù là đối nội hay đối ngoại, thì đảng này không những không làm nên công trạng gì, mà còn không thấy được lối thoát. Tất cả quan chức của ĐCSTQ đều ngồi trên cùng một con thuyền, và con thuyền ấy không được phép chìm. Miễn là còn nổi, thì con thuyền bị thủng này sẽ cố gắng cầm cự đến cuối cùng.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times