Các nhà phân tích: Các CEO Hoa Kỳ dùng bữa tối với ông Tập đang chuyển doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc
Trong khuôn khổ hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương tại San Francisco từ ngày 15 đến ngày 17/11, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã dùng bữa tối với hàng trăm giám đốc điều hành (CEO) hàng đầu của Hoa Kỳ, hy vọng rằng những giám đốc điều hành doanh nghiệp và công nghệ này sẽ trở thành người hòa giải trong mối bang giao căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nhưng thực tế nghiệt ngã về việc Bắc Kinh đàn áp các công ty ngoại quốc đã khiến các CEO này rút hoạt động kinh doanh của họ ra khỏi Trung Quốc.
Hôm 15/11, ông Tập đã tham dự một sự kiện dùng bữa tối với hơn 300 lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ và các chính trị gia có ảnh hưởng tại khách sạn Hyatt Regency ở San Francisco.
Trong bài diễn văn của mình, lần đầu tiên ông nêu lên rằng vấn đề chính mà mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc đang phải đối mặt là “Chúng ta là đối thủ hay đối tác?” Sau đó, ông tuyên bố rằng Trung Quốc sẵn sàng trở thành “một đối tác và bằng hữu” của Hoa Kỳ.
Ông Anders Corr, người sáng lập Corr Analytics Inc. và nhà xuất bản Tạp chí Rủi ro Chính trị (Journal of Political Risk), nói với The Epoch Times rằng các CEO, những người đã trả hàng chục ngàn USD để tham dự bữa tiệc tối, đã không nghe được những gì họ muốn nghe: rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ có những hành động nào để cải thiện môi trường hoạt động ngày càng khắc nghiệt đối với các công ty ngoại quốc tại Hoa lục.
“Trong bài diễn văn, ông Tập không thừa nhận môi trường kinh doanh đang xấu đi ở Trung Quốc hay sự kiểm soát ngày càng tăng của ông đối với nền kinh tế. Về phía ông, việc này dường như là không thể thương lượng, quan điểm mà có thể sẽ khiến các doanh nghiệp Hoa Kỳ và doanh nghiệp của các nước khác tiếp tục cố gắng rời khỏi Trung Quốc.”
Tháng Tư năm nay, lực lượng cảnh sát của ĐCSTQ bất ngờ đột kích văn phòng của hai công ty tư vấn Hoa Kỳ — Bain & Co. và Capvision Group — cũng như công ty thẩm định Mintz Group. Hồi tháng Năm, Bắc Kinh đã cấm sử dụng các sản phẩm của Micron Technology Inc., nhà sản xuất vi mạch bộ nhớ lớn nhất ở Hoa Kỳ, trong các máy điện toán làm việc với cái gọi là “thông tin nhạy cảm.”
Bà Lucia Dunn, giáo sư kinh tế tại Đại học Tiểu bang Ohio, nói với The Epoch Times rằng bà tin là việc ông Tập thiếu cam kết trong bữa tiệc tối thực sự là một hành động có chủ đích.
Bà nói, “Tôi dám chắc rằng ông Tập và các cố vấn của ông có một chiến lược để ứng phó với các CEO phương Tây. Rất nhiều tin tức kinh doanh từ Trung Quốc gần đây cho thấy nước này có thể có kế hoạch dài hạn để thu hẹp quy mô hoặc thậm chí là loại bỏ các công ty ngoại quốc khỏi Trung Quốc. Vì vậy, tất nhiên, ông Tập sẽ không nói về vấn đề này một cách thẳng thắn vì ông ấy cần các công ty ngoại quốc đó trong thời gian ngắn để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc. Ông không muốn làm dấy lên bất kỳ cảnh báo nào trong tâm trí họ, nhưng ông cũng không muốn đưa ra bất kỳ lời hứa nào.”
Sự rút lui sâu rộng của các quỹ ngoại quốc
Trong bảy tháng đầu năm nay, hơn lượng ¾ vốn ngoại quốc chảy vào thị trường chứng khoán Trung Quốc đã rời đi, với việc các nhà đầu tư toàn cầu bán ra số cổ phiếu trị giá hơn 25 tỷ USD.
Tính đến cuối tháng Chín, các công ty ngoại quốc đã rút tổng cộng hơn 160 tỷ USD lợi nhuận ra khỏi Trung Quốc trong sáu quý liên tiếp, khiến tổng số vốn đầu tư trực tiếp ngoại quốc vào Trung Quốc trong quý 3 giảm lần đầu tiên sau 25 năm.
Giám đốc điều hành BlackRock Larry Fink đã được ngồi cùng bàn ăn với ông Tập trong vai trò là một vị khách quý. Tuy nhiên, chỉ hai tháng trước, BlackRock Global Fund đã quyết định đóng Quỹ Đầu tư Cổ phần Linh hoạt Trung Quốc với lý do thiếu sự quan tâm của các nhà đầu tư mới. Nhưng một lý do không được nêu ra là quỹ này đang bị một ủy ban đặc biệt của Hạ viện Hoa Kỳ điều tra về cáo buộc chuyển các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào cổ phiếu của các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen.
Ngoài ra, Vanguard, một đại tập đoàn của Wall Street, cũng đã thông báo với chính quyền Trung Quốc vào đầu năm nay rằng họ sẽ đóng cửa tất cả văn phòng tại Trung Quốc.
Bà Dunn nói: “Các công ty tài chính phương Tây đang bắt đầu cắt đứt quan hệ với Trung Quốc vì toàn bộ sự không chắc chắn về những gì đang xảy ra ở đó. Các quỹ này đối mặt với sự không chắc chắn và rủi ro hàng ngày, nhưng họ có các số liệu mà họ sử dụng để đánh giá mọi thứ và họ sẽ rút lui khi mức độ không chắc chắn hoặc rủi ro tăng quá cao.”
Bà nói thêm, “Rõ ràng là với mọi thứ đang diễn ra trên thế giới, sự không chắc chắn về những gì Trung Quốc có thể làm với Đài Loan, Nga, Ukraine, Trung Đông, v.v. có lẽ đã thay đổi cách nhìn nhận của nhiều công ty tài chính. Vì vậy, nhược điểm của việc giao dịch với Trung Quốc có lẽ đang trở nên ngày càng lớn hơn trong tâm trí họ.”
Hoa Kỳ chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc
Các công ty sản xuất của Hoa Kỳ cũng đang rời khỏi Trung Quốc.
Intel cho biết họ đang dự tính chuyển một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ để tuân thủ các quy định của chính phủ Hoa Kỳ. Tương tự, Microsoft đang tìm kiếm khả năng chuyển một số cơ sở sản xuất của mình từ Trung Quốc sang nhiều địa điểm khác nhau ở châu Âu, nhằm giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng. Dell công bố sẽ chuyển một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và Mexico để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tổng thể.
Bà Dunn cho rằng tình hình ở Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với những gì đã xảy ra với Liên Xô cũ.
“Khi nhà nước đó sụp đổ vào cuối thế kỷ 20, nhiều công ty phương Tây đã đổ xô đi mở nhà máy và cơ sở ở đó vì họ luôn tìm kiếm thị trường mới để mở rộng. Tuy nhiên, khi mối bang giao với Nga trở nên xấu đi, nhiều người thấy rằng ở đó không có tương lai cho họ và đã rút lui dù họ phải mất rất nhiều tiền khi làm như thế.”
Bà nói, “Trong những ngày đầu Trung Quốc mở cửa, các công ty phương Tây đã vội vã đến kinh doanh và đặt nhà máy ở đó. Họ bị thu hút bởi cơ hội xa vời của việc có quyền tiếp cận thị trường tiêu dùng trị giá hàng tỷ USD ở đó cũng như chi phí sản xuất rẻ. Cả hai yếu tố đó đang bắt đầu mờ nhạt.”
Tệ hơn nữa, ĐCSTQ đã thắt chặt kiểm soát, đặc biệt là đối với khu vực tài chính và tư nhân.
Bà Dunn nói, “Một số tuyên bố mà ông Tập đưa ra dường như cho thấy rằng trong tương lai ông ấy muốn mọi thứ đều ‘đặc sắc Trung Quốc.’ Ông ấy không cho biết cụ thể về những tuyên bố này, nhưng nhiều người cho rằng điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp phương Tây không thể tin tưởng lâu dài vào Trung Quốc như một nguồn kinh doanh có lãi.”
Cuộc di cư của các công ty ngoại quốc có thể dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy và doanh nghiệp cũng như sa thải hàng loạt.
Theo ước tính chính thức, các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại quốc ở Trung Quốc đã thu hút hơn 45 triệu người làm việc trực tiếp. Cùng với các nhà cung cấp và các doanh nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn dựa vào đầu tư ngoại quốc để tồn tại, hàng trăm triệu người dân Trung Quốc đang sống nương tựa vào các công ty ngoại quốc.
Số liệu chính thức của Trung Quốc cho biết tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 đến 24 tuổi ở Trung Quốc đã lên tới 19.9% vào tháng Tám năm ngoái. Tuy nhiên, bà Trương Đan Đan (Zhang Dandan), một học giả tại Đại học Bắc Kinh, cho biết nếu khoảng 16 triệu người — những người chọn không làm việc và sống nhờ cha mẹ — đều được tính là thất nghiệp, thì tỷ lệ thất nghiệp thực tế ở thanh niên vào tháng Ba năm nay là cao đến 46.5%.
Tuyên bố hữu nghị Mỹ-Trung
Trong nỗ lực giữ lại đầu tư ngoại quốc để nuôi sống nền kinh tế Trung Quốc, ông Tập đã có cử chỉ thiện chí với các CEO tại bữa tiệc ở San Francisco, tuyên bố rằng Trung Quốc sẵn sàng giao hảo với Hoa Kỳ.
Ông cũng cho biết: “Trung Quốc đồng cảm sâu sắc với người dân Mỹ, đặc biệt là giới trẻ, về những đau khổ do fentanyl gây ra.”
Ông Corr đã bóc trần lời nói dối này.
Ông nói, “Ông Tập đã nói dối trong suốt bài diễn văn của mình, kể cả khi ông ấy tuyên bố là bằng hữu của Hoa Kỳ và có sự đồng cảm với những người dân Hoa Kỳ bị ảnh hưởng bởi fentanyl. Việc ông ấy sử dụng fentanyl làm một đòn bẩy thương lượng với [Tổng thống Hoa Kỳ Joe] Biden về vấn đề Đài Loan là minh chứng rõ ràng nhất.”
Hôm 02/08 năm ngoái, sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California), Bắc Kinh đã áp đặt một loạt các biện pháp trả đũa đối với Hoa Kỳ, bao gồm cả việc đình chỉ hợp tác với Hoa Thịnh Đốn trong việc hạn chế buôn lậu ma túy.
Ông Corr nói, “Tình hình ngày càng trở nên rõ ràng rằng ĐCSTQ thù địch các nền dân chủ và các quốc gia có chủ quyền trên toàn thế giới, những quốc gia mà họ xem là đối thủ của mình trong việc cạnh tranh quyền bá chủ toàn cầu. ĐCSTQ đang cố gắng che giấu nỗ lực giành quyền bá chủ thông qua những lời nói hữu nghị để câu giờ, nhưng bất cứ ai chú ý đều nhìn thấu những lời dối gạt này.”
Bà Dunn cũng chia sẻ quan điểm tương tự, cho rằng không nên nhìn nhận mọi việc qua vẻ bề ngoài mà nên đánh giá hành động thực chất.
Bà nói: “Ông ấy đã rất chậm chạp trong việc giúp đỡ Hoa Kỳ giải quyết cuộc khủng hoảng fentanyl, vốn là một thảm kịch lớn đến vậy đối với người Mỹ.”
Bà còn nêu thêm rằng với tư cách là người lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, ông Tập đã không có bất kỳ hành động nào để giải quyết tội ác thu hoạch nội tạng sống, một tội ác phản nhân loại chưa từng có trong lịch sử.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times