Các nhà lập pháp yêu cầu điều tra việc sử dụng quỹ COVID-19 của các hãng hàng không
Các nhà lập pháp tại Quốc hội đang yêu cầu một cuộc điều tra về cách các hãng hàng không sử dụng nguồn tài trợ cứu trợ COVID-19 trong bối cảnh thiếu phi công trên toàn ngành.
Trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, các hãng hàng không đã nhận được khoảng 54 tỷ USD từ Quốc hội để giúp tiếp tục trả lương cho nhân viên của họ vào thời điểm khan hiếm du khách. Những khoản thanh toán này đã kéo dài trong 18 tháng, kết thúc vào tháng 09/2021 và yêu cầu một số điều kiện từ các hãng hàng không, bao gồm một lệnh cấm sa thải hoặc yêu cầu nhân viên nghỉ việc không lương tạm thời, giới hạn bồi thường cho giám đốc điều hành, và một lệnh cấm mua lại cổ phần và cổ tức.
Hiện tại, các nhà lập pháp đang yêu cầu Bộ Ngân khố điều tra xem liệu khoản tiền đó có được sử dụng để trả cho các trường hợp về hưu sớm và thanh toán số tiền còn lại trong hợp đồng cho phi công nghỉ việc sớm hay không, và việc thanh toán như vậy đã thúc đẩy tình trạng thiếu phi công hiện tại như thế nào.
Mặc dù các hãng hàng không hiện có nhiều phi công hơn và thực hiện ít chuyến bay hơn so với thời điểm bắt đầu xảy ra đại dịch, nhưng ngành công nghiệp này đã phải đối mặt với tỷ lệ vắng mặt cao hơn do phi công bị nhiễm COVID-19 không thể làm việc.
“Chúng tôi lo ngại rằng một số hãng hàng không đã sử dụng quỹ liên bang được nhận trong đại dịch để cung cấp các khoản thanh toán nghỉ việc sớm và các gói về hưu sớm cho phi công, điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu phi công thương mại,” Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Carolyn Maloney (Dân Chủ-New York) và Chủ tịch Ủy ban Khủng hoảng Virus Corona James Clyburn (Dân Chủ-South Carolina) đã viết trong một lá thư hôm 08/09 cho Tổng thanh tra của Bộ Ngân khố (pdf). “Do hậu quả của tình trạng thiếu phi công, hàng ngàn chuyến bay đã bị hoãn hoặc hủy bỏ, làm ảnh hưởng đến kế hoạch đi lại của hàng triệu người đóng thuế Mỹ.”
“Bộ Ngân khố đã phân bổ hơn 60 tỷ USD công quỹ cho các hãng hàng không thương mại thông qua Đạo luật An ninh Kinh tế, Cứu trợ và Viện trợ Virus Corona (Đạo luật CARES) năm 2020 và Đạo luật Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ năm 2021. Theo Chương trình Hỗ trợ Biên chế Đạo luật CARES, Quốc hội dành nguồn tài trợ cho các hãng hàng không để ‘duy trì việc làm và bồi thường cho nhân viên ngành hàng không.’ Một điều kiện để được nhận tài trợ của liên bang là các hãng hàng không bị cấm không cho nghỉ phép vô cớ hoặc cắt giảm mức lương và phúc lợi của nhân viên.”
Bà Maloney và ông Clyburn cho biết sau khi nhận được tài trợ nhiều hãng hàng không đã sử dụng chúng để khuyến khích nhân viên về hưu sớm “trái với mục đích của Đạo luật CARES và Đạo luật Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ.”
Thiếu hụt phi công
“Các chương trình về hưu sớm này làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu phi công hiện hữu trong ngành hàng không, vì theo luật, các phi công phải về hưu ở tuổi 65”.
Bà Maloney và ông Clyburn cho biết, con số này là một con số đáng lo ngại, xét về độ tuổi cao của nhiều phi công. Hai số liệu thống kê được trích dẫn chỉ ra rằng 13% phi công sẽ bước sang tuổi 65 trong 5 năm tới, cũng như dự đoán từ một công ty nghiên cứu rằng 42% phi công hiện tại sẽ về hưu vào năm 2026.
Họ cho biết, làm trầm trọng thêm những lo ngại này là quá trình đào tạo nghiêm ngặt và tốn kém cần thiết để các phi công nhận được bằng lái. Việc đào tạo này có thể tốn từ 80,000 đến 100,000 USD, thường do chính phi công tập sự tự chi trả. Ngoài ra, các phi công được yêu cầu bay 1,500 giờ bay như một tiền đề để nhận được bằng lái.
Bức thư viết tiếp: “Hàng triệu du khách đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng hoãn và hủy chuyến bay trên diện rộng, với sự thiếu hụt phi công là một yếu tố chính gây ra vấn đề này. Theo FlightAware, hôm 05/09/2022, đã có 4,075 chuyến bay bị hoãn và 108 chuyến bay nội địa, đến hoặc đi từ Hoa Kỳ bị hủy. Một số hãng hàng không thậm chí đã bỏ một số thành phố khỏi các lịch trình của họ do thiếu phi công. Sự chậm trễ và hủy chuyến bay này đã buộc du khách phải bỏ lỡ đám cưới, đám tang, đoàn tụ gia đình và các sự kiện khác.
“Trong khi du khách đang gánh chịu các hậu quả của việc thiếu phi công, các công ty hàng không lại được hưởng lợi từ doanh thu cao kỷ lục. Trong mùa xuân này, cổ phiếu hàng không đã tăng gần 200% so với mức đại dịch và đã duy trì một quỹ đạo đi lên. Năm 2021, các công ty hàng không đạt mức tăng trưởng doanh thu từ 8% đến 12%, trong khi hành khách buộc phải trả mức giá cao kỷ lục cho các chuyến bay.
“Những người đóng thuế Mỹ đã hỗ trợ ngành hàng không trong những ngày đen tối nhất của họ khi đại dịch virus corona bùng phát, khi gần 75% các chuyến bay thương mại đã phải ngừng hoạt động,” bà Maloney và ông Clyburn cho biết. “Người Mỹ xứng đáng sự minh bạch về cách các hãng hàng không đã sử dụng quỹ liên bang mà họ nhận được.”
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản bố từ The Epoch Times