Các nhà lập pháp lật đổ ông McCarthy nói rằng chiếc ghế của Chủ tịch Johnson vẫn đang an toàn
Dân biểu Matt Gaetz (Cộng Hòa-Florida), nhà lập pháp chịu trách nhiệm chính về việc loại bỏ ông McCarthy, cho biết ông không muốn thấy ông Johnson ra đi.
Một vài người trong số 8 thành viên Đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu truất phế cựu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) nói rằng chiếc ghế của Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) vẫn đang an toàn.
Nhìn bề ngoài, có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc giữa kết quả lãnh đạo của hai người đàn ông này.
Trong một hành động mà phải trả giá bằng chiếc ghế chủ tịch của mình, ông McCarthy đã chọn hợp tác với các thành viên Đảng Dân Chủ để giữ cho chính phủ hoạt động. Điều này đã khiến Dân biểu Matt Gaetz (Cộng Hòa-Florida) đưa ra kiến nghị bãi bỏ vị chủ tịch này với kết cục là ông McCarthy bị bãi nhiệm.
Tuy nhiên, kể từ đó, ông Johnson đã thông qua vài dự luật tài trợ tạm thời như vậy, nhưng không gặp phải thách thức đáng kể nào đối với vị trí của ông trong nội bộ hội nghị của mình.
Ba trong số những nhà lập pháp đã bỏ phiếu loại bỏ ông McCarthy nói rằng ông Johnson không gặp phải mối đe dọa tương tự.
Ông Gaetz, nhà lập pháp chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc truất phế ông McCarthy, cho biết ông không muốn thấy ông Johnson ra đi.
“Nếu chúng tôi loại bỏ vị chủ tịch này, thì cuối cùng sẽ chỉ có một chủ tịch của Đảng Dân Chủ,” ông giải thích, nói rằng ông tin có những thành viên Đảng Cộng Hòa sẽ bỏ phiếu để đưa Lãnh đạo Khối thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York) trở thành Chủ tịch Hạ viện nếu ông Johnson bị lật đổ.
Ông Gaetz thừa nhận những điểm tương đồng giữa ông Johnson và ông McCarthy về chi tiêu, nhưng nêu ra vài điểm khác biệt giữa hai người này trong các lĩnh vực khác, trong đó có trát đòi hầu tòa của Hạ viện đối với đệ nhất quý tử Hunter Biden và thông qua các điều khoản đàn hặc Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas.
Ông cho rằng nhiều thiếu sót của ông Johnson là do bị chi phối bởi các thành viên Đảng Cộng Hòa ôn hòa sẵn sàng tham gia cùng Đảng Dân Chủ trong các vấn đề chi tiêu, và nói rằng giải pháp, thay vì trao quyền cho ông Johnson, là “bầu một nhóm những thành viên Đảng Cộng Hòa tốt hơn.”
Dân biểu Tim Burchett (Cộng Hòa-Tennessee), một nhà lập pháp khác đã bỏ phiếu truất phế ông McCarthy, thì lên án dự luật minibus là “một đống rác” và nhận thấy ông Johnson “cuối cùng phải chịu trách nhiệm về gói này.”
Nhưng ông bác bỏ những đề xướng về một cuộc tranh giành quyền lực khác trong Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện.
Dân biểu Eli Crane (Cộng Hòa-Arizona), người cũng đã bỏ phiếu bãi nhiệm ông McCarthy, lặp lại lời ông Burchett, đưa ra giọng điệu hòa giải và thông cảm đối với vị chủ tịch đang bị vây khốn.
Ông nhấn mạnh sẽ không ủng hộ kiến nghị bãi nhiệm ông Johnson vào thời điểm hiện tại.
“Tôi thấy vui vì chúng tôi đã làm được những gì mình đã làm,” ông Crane nói. “Ít nhất … Chủ tịch Johnson là người minh bạch và, quý vị biết đấy, không đưa ra lời hứa và sau đó không thực hiện những lời hứa đó.”
Dân biểu Dan Bishop (Cộng Hòa-North Carolina), người đã bỏ phiếu để giữ ông McCarthy ở lại nhưng dù sao vẫn nghiêng về cánh hữu của đảng, cũng cho biết ông không muốn thấy ông Johnson bị lật đổ — và cho rằng không có nhiều cuộc thảo luận về hành động này trong đảng.
Nhưng ông nói rằng ông Johnson có thể sẽ không giành được đủ sự ủng hộ để giành lại vị thế trong Hạ viện nhiệm kỳ tiếp theo mà Đảng Cộng Hòa chiếm đa số.
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times