Các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa: Khoáng sản trọng yếu xuất xứ từ Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức
Hai nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa đến từ Texas đang bày tỏ lo ngại rằng các khoáng sản trọng yếu dính líu đến lao động cưỡng bức ở Trung Quốc có thể được nhập cảng vào Hoa Kỳ.
Dân biểu Michael McCaul, thành viên cao cấp của Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, và Dân biểu August Pfluger, thành viên cao cấp của Tiểu ban An ninh Nội địa về Tình báo và Chống khủng bố, đã nêu ra những lo ngại của họ trong một bức thư đề ngày 29/09 gửi đến Ủy viên Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) Chris Magnus. Bức thư của họ được Breitbart News đưa tin đầu tiên.
Hai nhà lập pháp viết: “Mỹ nhập cảng một lượng lớn các khoáng sản quan trọng từ Trung Quốc, quốc gia có lực kiềm tỏa đối với thương mại toàn cầu, đặc biệt là các khoáng sản trọng yếu và đất hiếm đã qua chế biến, khiến Mỹ phụ thuộc vào xuất cảng của Trung Quốc.”
Hiện tại, chính phủ Hoa Kỳ xem 50 loại khoáng sản trọng yếu khác nhau là vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), những khoáng chất này bao gồm lithium và cobalt, các thành phần chính được sử dụng cho pin sạc, và nhiều kim loại đất hiếm như neodymium và samarium được sử dụng trong các ứng dụng quốc phòng.
Từ năm 2017 đến năm 2020, 78% hợp chất đất hiếm và kim loại nhập cảng là từ Trung Quốc, theo USGS (pdf).
Các nhà lập pháp viết: “Do tầm quan trọng của các khoáng sản trọng yếu đối với các ứng dụng ở phạm vi rộng như vậy, nên giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc từ lâu đã xem việc thống trị chuỗi cung ứng này là một ưu tiên.”
Giờ đây, Trung Quốc thống trị thị trường đất hiếm trên thế giới, với gần 60% sản lượng khai thác và hơn 85% công suất chế biến, theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ (pdf).
Tuy nhiên, sự thống trị thị trường của Trung Quốc đến từ “các hoạt động thương mại không công bằng, sự quan tâm tối thiểu đến các tiêu chuẩn môi trường, trợ cấp tài chính khổng lồ của nhà nước cho các công ty khoáng sản trọng yếu Trung Quốc và sử dụng lao động cưỡng bức,” các nhà lập pháp viết.
Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ
Trích dẫn các báo cáo gần đây từ The New York Times và Bloomberg Law, hai nhà lập pháp McCaul và Pfluger đã chỉ ra rằng các công ty Trung Quốc trong ngành khoáng sản trọng yếu đã bóc lột lao động cưỡng bức ở khu vực Tân Cương thuộc miền viễn tây Trung Quốc. Do đó, họ cho rằng các công ty nhập cảng các sản phẩm khoáng sản có nguồn gốc từ Tân Cương này có thể vi phạm Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA).
Các nhà lập pháp viết: “Mặc dù polysilicon và bông có nguồn gốc từ Tân Cương nhận được sự quan tâm nhiều nhất, nhưng các báo cáo gần đây kết hợp với khó khăn rất lớn trong việc truy dấu chuỗi cung ứng đối với các khoáng sản trọng yếu cho thấy nguy cơ rất cao là việc nhập cảng những sản phẩm này có thể vi phạm Đạo luật đó.”
Polysilicon là nguyên liệu chính để sản xuất các tấm quang năng và vi mạch bán dẫn.
Được Tổng thống Joe Biden ký thành luật hồi tháng 12/2021 và có hiệu lực từ tháng 06/2022, Đạo luật UFLPA cấm nhập cảng từ Tân Cương trừ khi các công ty chứng minh được sản phẩm không được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.
Ở Tân Cương, hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác hiện đang bị giam giữ trong các trại tập trung của Trung Quốc, nơi họ phải đối mặt với lao động cưỡng bức, tra tấn, lạm dụng tình dục, truyền bá chính trị, cưỡng bức phá thai, và cưỡng bức triệt sản. Chính phủ Hoa Kỳ đã nhận định cuộc đàn áp của chế độ cộng sản này đối với người Duy Ngô Nhĩ là hành động diệt chủng.
Hồi tháng Chín, nhóm vận động Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế Giới có trụ sở tại Đức đã lên Twitter, kêu gọi CBP “thực thi UFLPA mạnh mẽ hơn.”
“Bất chấp sự tồn tại của Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ của Hoa Kỳ (UFLPA), hồ sơ vận chuyển và dữ liệu hải quan cho thấy hàng hóa từ lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ vẫn đang tiến vào thị trường Hoa Kỳ,” nhóm này viết, trích dẫn một bài báo từ Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post).
Trích dẫn dữ liệu từ hải quan Trung Quốc, bài báo nói trên chỉ ra rằng các tổ chức có trụ sở tại Tân Cương đã xuất cảng hàng hóa trị giá 56.8 triệu USD sang Hoa Kỳ trong tháng Tám, mức cao kỷ lục trong 10 tháng.
Hai thành viên Đảng Cộng Hòa muốn ông Magnus phúc đáp một số câu hỏi trước ngày 15/10, gồm những câu hỏi sau:
“CBP hiện đang kiểm tra việc nhập cảng các khoáng sản trọng yếu đã qua chế biến hoặc các sản phẩm có chứa các khoáng chất trọng yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc như thế nào?
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo gốc từ The Epoch Times