Các nhà lập pháp Anh kêu gọi trừng phạt Cảnh sát Hồng Kông trước hành vi lạm dụng quyền lực
Một nhóm các nhà lập pháp Anh đã thúc giục chính phủ Anh áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga và các quan chức cấp cao khác vì đã cho phép cảnh sát sử dụng hành vi bạo lực quá mức đối với những người biểu tình ủng hộ dân chủ.
Trong một báo cáo về việc đối xử với các nhân viên cứu trợ trong các cuộc biểu tình, các nhà lập pháp cho biết Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông (HKPF) đã “vi phạm luật và các nguyên tắc nhân đạo quốc tế, nhân quyền quốc tế và Tuyên bố chung Trung-Anh”.
“Vương quốc Anh nên khẩn cấp áp đặt các biện pháp trừng phạt theo luật Magnitsky đối với những cá nhân chịu trách nhiệm trong việc cho phép cảnh sát sử dụng bạo lực quá mức ở cấp độ cao trong chính quyền, bao gồm nhưng không giới hạn đối với trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga và các Ủy viên cảnh sát”, nhóm Nghị sĩ Toàn Đảng về vấn đề Hồng Kông nói.
Tại các cuộc biểu tình bắt đầu từ năm ngoái nhằm chống lại nỗ lực của chính quyền Hồng Kông trong việc áp dụng luật dẫn độ sang Trung Quốc đại lục, các nhân viên cứu trợ nhân đạo đã phải chịu “sự uy hiếp, quấy rối, đe dọa, bạo lực thể xác và bắt giữ”, báo cáo nêu rõ.
Báo cáo cho biết các nhân viên sơ cứu dường như là nhóm chủ yếu bị đối xử như vậy, đồng thời cho biết thêm rằng ngay cả các bác sĩ và y tá cũng “bị đối xử không theo luật nhân quyền quốc tế”.
Các nhà lập pháp khuyến cáo Vương quốc Anh nên “tìm hiểu xem các nhân viên cứu trợ nhân đạo bị nhắm mục tiêu có nằm trong phạm vi của Công ước Người tị nạn hay không và xem xét cách để hỗ trợ họ tốt nhất”.
Chính phủ Anh lần đầu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky vào tháng trước đối với 25 người Nga và 20 người Saudi. Tuy nhiên, các nhà lập pháp Anh đã thúc giục chính phủ áp dụng đạo luật nhắm vào những cá nhân chịu trách nhiệm cho cuộc đàn áp ở Hồng Kông.
“Cách đối xử của cảnh sát Hồng Kông với nhân viên cứu trợ nhân đạo và sự can thiệp của họ trong bệnh viện đã khiến những người biểu tình bị thương không nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết và kịp thời”, báo cáo cho biết.
Theo báo cáo, “Những hành động này cũng có thể ảnh hưởng đến việc chăm sóc y tế của người dân nói chung do tính độc lập và bảo mật của các bệnh viện bị giảm bớt do sự can thiệp ngày càng tăng từ cảnh sát Hồng Kông”.
Cuộc điều tra kéo dài 5 tháng không tìm được bằng chứng nào cho thấy các nhân viên cứu trợ nhân đạo tham gia vào các hành động thù địch khiến cho cảnh sát phải tước bỏ quyền được bảo vệ của họ.
Nhóm nghị sĩ toàn đảng về vấn đề Hồng Kông là một nhóm liên đảng không chính thức gồm 12 nghị sĩ của Hạ nghị viện và Thượng nghị viện.
Nhóm được thành lập vào tháng 11/2019 để ứng phó với cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội đang leo thang ở Hồng Kông được châm ngòi bởi luật dẫn độ.
Biên dịch: vô danh