Các nhà kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang cho biết các khoản tiết kiệm của người Mỹ từ đại dịch hiện đã cạn kiệt
Một nhóm các nhà kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang đã phát hiện ra rằng tiền tiết kiệm mà các gia đình Mỹ tích lũy được trong vài năm qua kể từ khi bắt đầu đại dịch hiện đã bốc hơi phần lớn.
Việc người tiêu dùng Hoa Kỳ chi tiêu bằng khoản tiết kiệm vượt trội một phần đến từ các chi phiếu kích thích kinh tế trong đại dịch của chính phủ, vốn đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm qua, bất chấp lạm phát cao.
Theo một ghi chú nghiên cứu gần đây của các nhà kinh tế học Fed Francois de Soyres, Dylan Moore, và Julio Ortiz, giờ đây, số tiền tiết kiệm vượt trội này phần lớn đã tiêu mất khi người Mỹ dần dần xài hết số tiền đó trong hai năm qua.
Các nhà nghiên cứu của Fed cho biết phần còn lại đã cạn kiệt trong quý đầu tiên của năm nay.
Tiền kích thích kinh tế của liên bang đã làm tăng chi tiêu của người tiêu dùng
Quốc hội đã thông qua hai gói kích thích tài khóa rất lớn trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch, dưới hình thức thanh toán trực tiếp cho các gia đình Mỹ, bên cạnh các biện pháp tạm thời khác như tạm dừng việc thanh toán nợ vay sinh viên và mở rộng tín thuế trẻ em.
Điều này đã làm cho tiền trong các trương mục gia đình trở nên dồi dào trong khi chi tiêu giảm do những lo ngại về dịch bệnh, gián đoạn chuỗi cung ứng, và các đợt phong tỏa do chính phủ áp đặt.
Theo dữ liệu của Fed, những yếu tố này có nghĩa là hầu hết người tiêu dùng Hoa Kỳ đã không bắt đầu chi tiêu khoản tiết kiệm vượt trội của họ cho đến cuối năm 2021.
Ba nhà kinh tế được đề cập ở trên của Fed đã định nghĩa tiết kiệm vượt trội là lượng tiết kiệm của các gia đình duy trì ở mức cao hơn xu hướng tiết kiệm trước đó.
Các nhà kinh tế đã viết, “Để giảm thiểu tác động về sức khỏe và kinh tế do đại dịch gây ra, các chính phủ trên thế giới đã tham gia vào các chương trình trợ giúp tài khóa phong phú, làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa tiêu dùng, nhưng việc sản xuất những mặt hàng này đã không điều chỉnh đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh.”
Họ cũng lưu ý rằng khoản tiền tiết kiệm vượt trội này đã góp phần làm tăng lạm phát vào năm ngoái như thế nào.
Người dân Mỹ chi nhiều tiền tiết kiệm hơn người dân ở các nền kinh tế phát triển khác
Các nước phát triển khác cũng chứng kiến một xu hướng tương tự khi các gia đình dần dần chi tiêu khoản tiết kiệm dư thừa tích lũy được trong thời kỳ đại dịch, khi các chính phủ trên thế giới cung cấp trợ giúp tài chính lớn làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa tiêu dùng.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho biết, người dân ở những nước đó vẫn có khoản tiết kiệm tương đương với khoảng 3 đến 5% GDP của quốc gia họ, so với người dân ở Hoa Kỳ.
Nhóm các nhà nghiên cứu của Fed này đã viết rằng tiền tiết kiệm ở Hoa Kỳ sụt giảm mạnh cho thấy rằng kể từ đầu năm 2022 việc chi tiêu bằng tiền kích thích kinh tế đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng.
Các nhà nghiên cứu viết: “Với việc rút tiền tiết kiệm vượt trội nhanh hơn, tổng nhu cầu ở Hoa Kỳ có thể cao hơn ở các nước khác trong năm qua.”
Họ cũng đã phát hiện ra rằng khi các khoản tiết kiệm vượt trội được tích lũy trong thời kỳ suy thoái trước đây, chẳng hạn như đầu những năm 1980 và sau năm 2008, số tiền mà các gia đình tiết kiệm được đã được chi tiêu trong một khoảng thời gian dài hơn so với những gì đã xảy ra sau đại dịch.
Số tiền tiết kiệm được trong thời kỳ đại dịch đã cạn kiệt trong khoảng 10 quý, nhanh hơn nhiều so với hai cuộc suy thoái trước đó, khi các khoản tiết kiệm vượt trội của gia đình vẫn còn sau 19 quý.
Fed vẫn lo ngại về cuộc suy thoái vào cuối năm
Khi các gia đình bắt đầu chi tiêu trở lại, giá tiêu dùng tăng mạnh vào giữa năm 2021, do lạm phát của Hoa Kỳ gia tăng vượt khỏi tầm kiểm soát.
Những rắc rối về chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu năng lượng, cùng với sự gia tăng chi tiêu, đã khiến tỷ lệ lạm phát tăng vọt từ mức 1.7% hàng năm vào tháng 02/2021 lên 7% vào tháng 12/2021.
Lạm phát đạt mức cao nhất trong 40 năm ở mức 9.1% vào 06/ 2022, sau đó giá cả bắt đầu giảm dần.
Fed đã ứng phó bằng một chiến lược tăng lãi suất mạnh mẽ, khi đó tăng lãi suất chính sách từ gần bằng 0, lên tới 5.25%, sau mười lần tăng trong vòng 15 tháng.
Giá đã giảm kể từ khi Fed thực hiện hành động này, đứng ở mức 4% trong tháng Năm, nhưng tỷ lệ mục tiêu của ngân hàng trung ương là 2%.
Tại cuộc họp gần đây nhất của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào tháng Sáu, ngân hàng trung ương đã quyết định không tiếp tục tăng lãi suất trong tháng đó để quan sát kết quả.
Tuy nhiên, theo biên bản cuộc họp của FOMC, các quan chức của Fed cho rằng có thể có nhiều đợt tăng lãi suất hơn vào cuối năm nay.
Họ nói: “Hầu như tất cả những người tham gia cuộc họp đều lưu ý rằng trong các dự đoán kinh tế của mình, họ đánh giá rằng việc tăng thêm lãi suất quỹ liên bang mục tiêu trong năm 2023 là phù hợp.”
“Dự báo kinh tế do các nhân viên chuẩn bị cho cuộc họp FOMC tháng Sáu tiếp tục giả định rằng tác động của việc thắt chặt hơn nữa các điều kiện tín dụng ngân hàng, trong bối cảnh các điều kiện tài chính vốn đã thắt chặt rồi, sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái nhẹ bắt đầu vào cuối năm nay, sau đó là một cuộc phục hồi ở nhịp độ vừa phải.”
Vẫn còn có lo ngại rằng việc tăng lãi suất thêm nữa có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cuộc “suy thoái nhẹ,” điều mà hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Fed vẫn mong đợi vào cuối năm nay.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times