Các nhà bán lẻ Hoa Kỳ tại Trung Quốc lao đao giữa bối cảnh phong tỏa, kinh tế suy yếu, và chủ nghĩa dân tộc
Các nhà bán lẻ Hoa Kỳ ở Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt phong tỏa do COVID-19, nền kinh tế suy yếu, và chủ nghĩa dân tộc gia tăng.
Amazon Kindle đang rời khỏi thị trường Trung Quốc, Airbnb và Yahoo cũng vậy. 53% các công ty trả lời cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC) cho biết họ sẽ giảm mức độ hoạt động tại Trung Quốc nếu các đợt phong tỏa do COVID vẫn còn dai dẳng.
Chủ tịch USCC, ông Michael Hart, dự đoán rằng qua vài năm nữa các khoản đầu tư của Hoa Kỳ và ngoại quốc ở Trung Quốc sẽ giảm xuống bởi vì người ngoại quốc đang nhận thấy thật khó khăn để vào Trung Quốc và kiểm tra các công ty và nền kinh tế mà họ sắp đầu tư vào. Trong khi đó, các đợt phong tỏa hiện nay và mối đe dọa của các đợt phong tỏa trong tương lai chỉ là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến các nhà bán lẻ ngoại quốc ở Trung Quốc.
Trong một cuộc khảo sát tiến hành đầu tháng Sáu, USCC nhận thấy rằng chỉ có 31% người trả lời cho biết họ sẽ quay trở lại các hoạt động bình thường mặc dù các đợt phong tỏa chính ở Thượng Hải đã được dỡ bỏ. Đa số cho biết rằng công suất của họ thấp hơn thường lệ bởi vẫn còn những hạn chế. Ngoài ra, chỉ 55% các công ty Trung Quốc tạm ngừng hoạt động đã trở lại kinh doanh như thường lệ.
Kinh tế suy yếu
Hồi tháng Năm, các đợt phong tỏa ở Thượng Hải đã dẫn đến việc giảm 28% sản lượng công nghiệp. Tuy nhiên, Thượng Hải không phải là thành phố duy nhất bị sụt giảm sản lượng. Sản lượng công nghiệp của Bắc Kinh giảm gần 40% ngay cả khi không trải qua các đợt phong tỏa lớn.
Trong cùng thời kỳ, doanh số bán lẻ ở Bắc Kinh giảm 26%. Tăng trưởng đầu tư tài sản cố định ở Bắc Kinh chậm lại còn 2.8% từ tháng Một đến tháng Năm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn quốc là 6.2%.
Dữ liệu này cho thấy rằng những đợt phong tỏa không phải là nguyên nhân gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Các vấn đề gây hại cho Bắc Kinh cũng sẽ làm chậm sự phục hồi kinh tế của Thượng Hải và phần còn lại của đất nước.
Các nhà máy ở Đồng bằng sông Châu Giang của Trung Quốc đang ngày càng sa thải nhân công nhiều hơn do gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu giảm mạnh, và sự chuyển dịch các đơn đặt hàng sản xuất sang Đông Nam Á.
Tỷ lệ thất nghiệp khắp các thành phố lớn của Trung Quốc đạt 6.7% vào tháng Tư, cao hơn so với khi các đợt phong tỏa phổ biến hơn vào năm 2020. Thị trường lao động cho thanh niên đặc biệt khắc nghiệt khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đạt 18.4% vào tháng Năm. Sẽ có thêm 10.7 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học tiến vào thị trường lao động, và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên dự kiến tăng lên 23% vào tháng Bảy và tháng Tám.
Phần lớn áp lực trên thị trường việc làm đến từ việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trấn áp ba lĩnh vực phổ biến nhất mà thanh niên tìm việc làm là: bất động sản, công nghệ, và giáo dục.
Chi tiêu của người tiêu dùng giảm
Thế hệ Z của Trung Quốc gồm 270 triệu người và đã có mức chi tiêu tăng nhanh nhất so với mọi thế hệ. Họ là những người mua mỹ phẩm và dịch vụ du lịch lớn nhất và là một lực lượng mua sắm trực tuyến. Họ có tỷ lệ tiết kiệm thấp nhất và là những người mua lớn nhất của nhiều thương hiệu ngoại quốc. Khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, doanh số bán lẻ sẽ giảm.
Trong khi đó, sự bất ổn của nền kinh tế đã khiến người tiêu dùng Trung Quốc thận trọng. Doanh số bán lẻ giảm 11.1% vào tháng Tư và giảm thêm 6.7% vào tháng Năm. Ngành công nghiệp ăn uống giảm 21.1% trong tháng Năm so với cùng kỳ năm 2021.
Hôm 14/07, ĐCSTQ đã cảnh báo rằng họ đang cố gắng kiềm chế sự bùng phát COVID để tránh cho Bắc Kinh bị phong tỏa. Thay vì trấn an công chúng, điều này cho thấy rằng chính quyền đang cân nhắc các biện pháp phong tỏa bổ sung, điều khiến người tiêu dùng phải hạn chế chi tiêu nhiều hơn nữa.
Một số nhà bán lẻ đang cho biết lượt đến trực tiếp tại cửa hàng giảm 50%, tỷ lệ người mua hàng trên web giảm 30%. Kết quả của lễ hội mua sắm “618” kéo dài ba tuần của Trung Quốc — một trong những ngày bán lẻ lớn nhất trong năm — cho thấy sự thay đổi của người tiêu dùng đối với [những mặt hàng] giá trị cao hơn. Mọi người đang thêm các sản phẩm vào giỏ hàng mua sắm trực tuyến của họ từ trước và đợi cho đến khi họ được giảm giá để mua chúng. Mặt dù tổng doanh số trong kỳ lễ hội năm nay có lẽ cao hơn năm ngoái, nhưng có vẻ như doanh số bán hàng đã thay đổi từ những tháng trước.
Các thương hiệu xa xỉ cũng bị suy giảm. Năm 2021, Trung Quốc chiếm 21% thị trường thương hiệu cao cấp của thế giới, nhưng con đường theo phong cách thịnh hành này đang dần kết thúc. Vào tháng Năm năm nay, các công ty như Burberry báo cáo 40% mạng lưới bán lẻ của họ đã đóng cửa, và hầu như không thể thực hiện giao hàng trực tuyến.
Các thương hiệu xa xỉ đã bị ảnh hưởng bởi các chính sách “thịnh vượng chung” của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận bình, hiện đang biến các thương hiệu xa xỉ từ một biểu tượng của địa vị thành biểu tượng của sự bất bình đẳng. Các thương hiệu như LVMH, Moët, Hennessy, Louis Vuitton, và Gucci đã chứng kiến doanh số giảm 30% đến 40% trong quý đầu của năm 2022. Kết quả là, các thương hiệu xa xỉ ngoại quốc ở Trung Quốc đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng cho năm 2022 từ 18% xuống còn 3%.
Chủ nghĩa dân tộc
Việc ông Tập thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc lên cao cũng lấy đi thị phần của các nhãn hiệu Hoa Kỳ. Trong vài năm qua, các bộ phim Marvel đã là những bộ phim có doanh thu cao nhất. Năm 2021, không một bộ phim nào có nhân vật Marvel được phê chuẩn cho phát hành ở Trung Quốc. Ngược lại, phim yêu nước Trung Quốc năm 2022 “Trận chiến Hồ Trường Tân” (“The Battle at Lake Changjin”) trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại ở Trung Quốc.
Trong một cuộc khảo sát năm 2020, 85% người trả lời ở Trung Quốc cho biết họ sẽ mua một thương hiệu nội địa thay cho vì mua của ngoại quốc — đây là mức tăng mạnh kể từ năm 2016 với 60%. Khi chủ nghĩa dân tộc của thanh niên tăng lên, thế hệ Z nhìn nhận “Sản xuất tại Trung Quốc” như là dấu ấn của niềm tự hào, và các công ty ngoại quốc sẽ phải tìm những cách thức mới để thu hút khách hàng.
Các thương hiệu nước ngoài từng nổi tiếng, chẳng hạn như Hennes & Mauritz AB (hoặc H&M Group) và Nike, đã không còn được Thế hệ Z ưa chuộng, đặc biệt là sau khi các công ty này đưa ra tuyên bố về việc ĐCSTQ sử dụng lao động nô lệ ở Tân Cương.
Từ năm 2018 đến năm 2020, hai nhà sản xuất giày thể thao hàng đầu ở Trung Quốc là Nike và Adidas đã chiếm tổng thị phần là 50%. Đến cuối tháng 01/2022, các thương hiệu Trung Quốc Anta Sports Products và Li Ning đã tăng 12 điểm phần trăm, chiếm tổng cộng 28% tổng doanh số bán giày thể thao. Mặt khác, các thương hiệu ngoại quốc đã giảm 24%. Trước đây, Nike có được 22% tổng doanh thu ở Trung Quốc; hiện giờ, con số đó đã giảm xuống 16%.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc”).