Các ngoại trưởng G7 cam kết sẽ chống lại các hành vi ‘nham hiểm’ làm ‘biến dạng nền kinh tế toàn cầu’ của Trung Quốc
Các nhà ngoại giao hàng đầu đã đưa ra cam kết này trong một cuộc họp tại Nhật Bản, quốc gia đảm đương chức chủ tịch G7 năm nay.
Hôm 08/11, Ngoại trưởng các nước G7 tuyên bố sẽ trấn áp các hành vi “nham hiểm” của chính quyền Trung Quốc, bao gồm cả việc chuyển giao công nghệ bất hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “làm biến dạng nền kinh tế toàn cầu,” nhưng họ nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác với Bắc Kinh để giải quyết một loạt những thách thức toàn cầu.
Các nhà ngoại giao hàng đầu đến từ Anh quốc, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Liên minh Âu Châu, và Hoa Kỳ – những quốc gia công nghiệp hàng đầu hình thành nên Nhóm Bảy Nước – đã đưa ra cam kết này trong một cuộc họp G7 do Nhật Bản, quốc gia đảm nhiệm chức chủ tịch G7 năm nay, đăng cai tổ chức tại Tokyo.
Các thành viên G7 cho biết họ “sẵn sàng xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc” và nhận thức rõ “tầm quan trọng của việc đối thoại một cách thẳng thắn và bày tỏ … những lo ngại trực tiếp” với Bắc Kinh.
Họ lưu ý thêm sự cần thiết phải hợp tác với Trung Quốc trong các thách thức toàn cầu khác nhau và trong “các lĩnh vực có lợi ích chung” và kêu gọi Trung Quốc tham gia với họ về những vấn đề như vậy.
Các quan chức cũng nhấn mạnh rằng họ đang không “tách rời” với Trung Quốc mà thay vào đó là đang “giảm thiểu rủi ro.”
Họ nói trong một tuyên bố chung: “Các cách tiếp cận chính sách của chúng tôi không nhằm mục đích gây tổn hại cho Trung Quốc cũng như không tìm cách cản trở sự tiến bộ và phát triển kinh tế của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không tách rời hoặc trở nên khép kín.”
“Đồng thời, chúng tôi nhận ra rằng tính linh động của kinh tế đòi hỏi phải giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa. Với ý định tạo điều kiện cho mối quan hệ kinh tế bền vững với Trung Quốc, và củng cố hệ thống thương mại quốc tế, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy một sân chơi bình đẳng cho người đi làm và các doanh nghiệp.”
‘Các chính sách, hoạt động phi thị trường’ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu
Các thành viên G7 cam kết sẽ giải quyết những thách thức đặt ra bởi những gì họ gọi là “các chính sách và hoạt động phi thị trường” của Trung Quốc “làm biến dạng nền kinh tế toàn cầu.”
“Chúng tôi sẽ chống lại các hành vi nham hiểm, chẳng hạn như chuyển giao công nghệ bất hợp pháp hoặc tiết lộ dữ liệu,” Nhóm các bộ trưởng nói tiếp. “Chúng tôi sẽ thúc đẩy tính linh động trước sự ép buộc kinh tế. Chúng tôi cũng nhận thấy cần thiết phải bảo vệ một số công nghệ tiên tiến mà có thể được sử dụng để đe dọa an ninh quốc gia của chúng tôi mà không hạn chế quá mức thương mại và đầu tư.”
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc hành động như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.”
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng bị chỉ trích vì Luật Tình báo Quốc gia năm 2017, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp phải trợ giúp công tác tình báo của ĐCSTQ, nghĩa là họ không thể giữ lại dữ liệu đã thu thập nếu chính quyền Trung Quốc yêu cầu.
Mối quan hệ giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh căng thẳng hơn sau khi một báo cáo tháng Mười của Ngũ Giác Đài cho thấy ĐCSTQ hiện có hơn 500 đầu đạn hạt nhân và có thể sẽ có hơn 1,000 đầu đạn hạt nhân hoạt động vào năm 2030.
Đầu năm nay, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mike Rogers (Cộng Hòa-Alabama) cũng nói với các đồng nghiệp rằng ĐCSTQ hiện có nhiều bệ phóng hỏa tiễn tầm xa, có năng lực hạt nhân hơn Hoa Kỳ.
Trong tuyên bố chung hôm 08/11, các thành viên G7 tiếp tục hoan nghênh sự “tham gia” của Trung Quốc vào tiến trình hòa bình do Ukraine dẫn đầu, nhưng họ kêu gọi Bắc Kinh ngừng giúp đỡ Nga trong cuộc chiến chống lại nước láng giềng Ukraine và thay vào đó gây áp lực buộc Moscow dừng cuộc xâm lược quân sự của họ.
G7 ‘kiên quyết phản đối’ những nỗ lực nhằm thay đổi ‘hiện trạng’
Trung Quốc đã miễn cưỡng lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga, vốn bắt đầu hồi tháng 02/2022, và năm ngoái đã tuyên bố “mối quan hệ đối tác không giới hạn” với Moscow trong khi ký kết các hợp đồng khí đốt và dầu mỏ trị giá ước tính 117.5 tỷ USD, giảm bớt một cách hiệu quả một số lo lắng về tài chính mà quốc gia bị tê liệt bởi lệnh trừng phạt này phải đối mặt.
Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn cố gắng thể hiện mình là trung lập trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra trong khi thúc đẩy một thứ được cho là “kế hoạch hòa bình” 12 điểm bao gồm việc ngừng bắn và nối lại các cuộc đàm phán hòa bình.
Cũng trong tuyên bố hôm 08/11, các quốc gia G7 nhấn mạnh rằng ĐCSTQ có trách nhiệm tuân thủ “hoàn toàn” luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, và bày tỏ những lo ngại về tình hình ở biển Hoa Đông và biển Đông, trong khi tái khẳng định sự ủng hộ của họ dành cho Đài Loan cũng như hòa bình và ổn định của quốc đảo tự trị này trong bối cảnh Trung Quốc có hành vi ngày càng gây hấn.
Hôm 08/11, các quan chức cho biết họ kiên quyết phản đối “bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc” ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, đồng thời nói thêm rằng những nỗ lực như vậy “làm suy yếu pháp quyền, vốn bảo vệ tất cả các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia dễ bị tổn thương, cũng như an ninh toàn cầu và phẩm giá con người.”
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Thornebrooke
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times