Các ngân hàng Hoa Kỳ đã mất gần 1 ngàn tỷ USD tiền gửi kể từ mức cao nhất gần đây
Đặc biệt, các ngân hàng nhỏ đang mất các khoản tiền gửi vào tay các quỹ thị trường tiền tệ với tốc độ đáng báo động
Tháng Ba đã chứng kiến việc rút tiền nhanh nhất từ các ngân hàng thương mại trong lịch sử Hoa Kỳ.
Theo dữ liệu do Cục Dự trữ Liên bang công bố, một khoản tiền đáng kinh ngạc trị giá 360 tỷ USD đã được rút khỏi các ngân hàng trên toàn quốc chỉ trong tháng qua (03/2023). Đặt sự việc này trong bối cảnh hiện thời, thì không một sự sụt giảm hàng tháng nào trong năm 2008 vượt quá 100 tỷ USD. Các khoản rút tiền gần đây đã vượt xa những lần rút tiền trước đây, khiến tổng tiền gửi ngân hàng giảm gần 1 ngàn tỷ USD kể từ mức cao nhất hồi tháng 04/2022.
Dữ liệu từ Bank of America cho thấy sự gia tăng tương xứng về tài sản của quỹ thị trường tiền tệ trong vài tháng qua. Các quỹ thị trường tiền tệ đầu tư vào các khoản nợ ngắn hạn — thường là trái phiếu chính phủ — để thu được lợi suất trong khi vẫn mang lại tính thanh khoản cao.
Nhiều người đang suy đoán rằng những đợt hoảng loạn về ngân hàng gần đây đang khiến những người gửi tiền tìm kiếm các giải pháp thay thế an toàn hơn, tìm kiếm niềm an ủi trong các khoản nợ được bảo chứng bởi Bộ Ngân khố Hoa Kỳ — một tổ chức chưa bao giờ vỡ nợ.
Cô Genevieve Roch-Decter, người sáng lập Grit Capital, viết trên Twitter hôm 03/04, “Ai muốn kiếm 0.3% bằng tài khoản ngân hàng khi quý vị có thể kiếm 5% trong một quỹ thị trường tiền tệ đây?”
Trong tuần qua (27/03-02/04), lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã giảm hơn 10 điểm căn bản. Các loại trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ ở tất cả các mức kỳ hạn đã chứng kiến sự gia tăng nhu cầu trong bảy ngày qua, một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang tìm kiếm sự an toàn.
Nhu cầu về vàng đã tăng mạnh kể từ khi ngân hàng Silicon Valley Bank sụp đổ hôm 10/03. Kể từ đó, giá kim loại quý này đã tăng hơn 7%, vượt mức 2,000 USD/ounce.
Theo nhà phân tích Nikolaos Panigirtzoglou của JPMorgan, khoảng 7 ngàn tỷ USD trong tổng số 17 ngàn tỷ USD tiền gửi vẫn chưa được bảo hiểm, thực tế này có thể là nguyên nhân khiến vốn chảy vào công khố phiếu và quỹ thị trường tiền tệ. Bất chấp sự an toàn mà công khố phiếu Hoa Kỳ được cho là mang lại, ông Panigirtzoglou lập luận rằng hoạt động kém hiệu quả của trái phiếu trong suốt năm 2022 là nguyên nhân chủ yếu gây ra cuộc khủng hoảng ngân hàng ngày nay.
Ông viết trong một ghi chú gửi đến các nhà đầu tư hồi tuần trước rằng, “Việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang đã gây ra sự dịch chuyển tiền gửi qua một kênh khác: thông qua việc tạo ra những tổn thất trong danh mục đầu tư trái phiếu của các ngân hàng, qua đó khiến người gửi tiền cảm thấy ít an tâm hơn với việc lưu trữ những khoản tiền gửi không được bảo hiểm tại các ngân hàng có các khoản lỗ chưa thực hiện lớn trong lượng trái phiếu mà các ngân hàng này nắm giữ.”
Một số người cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ sâu xa hơn và đúng hơn là do hậu quả của chính sách tiền tệ nới lỏng trong nhiều thập niên của Fed.
Ông Adam Kobeissi, tác giả của bản tin “Kobeissi Letter” đã viết trong số ra ngày 03/04 rằng việc rút tiền ngân hàng chưa từng có tiền lệ này là “sản phẩm của tiền ‘miễn phí’ và lãi suất 0%.” Mặc dù các chính sách này được thực hiện để kích thích nền kinh tế và giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19, nhưng hậu quả lâu dài của các chính sách như vậy hiện đang trở nên rõ ràng.
Các nhà đầu tư đang tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn hơn cho tiền của họ khi họ cố gắng bảo vệ tài sản của mình khỏi nguy cơ lạm phát và bất ổn có thể xảy ra. Bộ Ngân khố và Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) vẫn chưa cam kết bảo đảm tiền gửi tạm thời — như nhiều nhà đầu tư và chuyên gia thị trường đã kêu gọi.
Ông Steve Hanke, cựu cố vấn kinh tế của chính phủ Tổng thống Reagan, nói với The Epoch Times rằng chính phủ không nên cứu trợ các ngân hàng đang sụp đổ.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times