Các hãng sà lan thương mại gặp khó khăn khi hạn hán làm mực nước sông Mississippi giảm mạnh
OSCEOLA, Arkansas — Ông Jeff Worsham là một người theo chủ nghĩa hiện thực về thời tiết vì ông tin vào những gì mình thấy.
Hạn hán tồi tệ trong khu vực này là một điều không thể chối cãi, và tình trạng đó đang trở nên tệ hại hơn. Ông nói, mực nước sông Mississippi đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên.
Tệ hơn nữa là, các sà lan đang bị ách tắc do hạn hán, mắc cạn, và gây thiệt hại cho chuỗi cung ứng trong khu vực.
Ông Worsham, quản lý cảng tại cơ sở bốc xếp của công ty Poinsett Rice & Grain ở thành phố Osceola, tiểu bang Arkansas, cho biết: “Không thể cứu vãn được từ góc độ lượng mưa.”
Khi nào trời sẽ mưa tiếp?
Ông Worsham nói, “Ai mà biết được?”
Được chất khoảng 65% công suất cùng với đậu nành để giảm trọng lượng, các sà lan tại cơ sở Osceola đã “không thể hoạt động bình thường” trong nhiều ngày trong tình trạng xếp hàng chen chúc, khi một sà lan đang bị mắc kẹt tại bãi cạn của bến cảng chặn đường.
Thời điểm chưa từng có
“Tôi chưa bao giờ thấy việc mắc cạn tệ đến thế,” ông Worsham, người đã gắn bó với công ty này hơn 20 năm cho biết. “Chúng tôi đã từng thấy [mực] nước cạn gần mức này hồi năm 2012. Nhưng đó là vào tháng Tám, và không rơi vào mùa thu hoạch. Đó không phải là chuyện gì to tát với chúng tôi.”
Ông Worsham vẫn lạc quan khi vụ thu hoạch bắp và đậu nành rơi vào mùa cao điểm, với hàng tấn sản phẩm đang chờ vận chuyển.
“Rất nhiều đậu nành đã được lưu trữ trên những chiếc sà lan. Chúng tôi sẽ giảm khối lượng xuống một chút và rải chúng ra. Chúng tôi sẽ có thể lấy từng giạ ra. Chỉ là điều đó sẽ mất nhiều thời gian hơn,” ông nói với The Epoch Times.
Ông Worsham cho biết cuối cùng đã có một chiếc tàu lai dắt kéo sà lan bị mắc kẹt xuống vùng nước sâu hơn và mở đường cho các sà lan khác. Ông nói rằng từ giờ cho đến lúc đó, không có phương tiện nào có thể vào hoặc ra khỏi cảng — và sau đó điện thoại ông đổ chuông.
Đó là khi cấp trên của ông Worsham yêu cầu cập nhật tình hình.
“Tình hình hiện tại rất nan giải,” ông Worsham nói với cấp trên của mình. “Họ sẽ đưa các sà lan bị mắc kẹt [ra] nếu có thể … Tôi không biết phải làm gì khác hơn.”
Ông Worsham nói rằng tình hình cũng không kém phần khó khăn với các hãng sà lan cạnh tranh khác.
Trong những tuần gần đây, hàng trăm sà lan đã bị ngưng trệ ở dòng sông Mississippi khô cạn, bị mắc kẹt ở độ sâu thấp hơn. Hồi đầu tháng Mười, tin tức cho hay có khoảng 2,000 chiếc sà lan đã làm tắc nghẽn các con kênh trong một hàng dài hỗn độn dọc theo con sông ở khu vực phía nam thành phố Memphis.
Các sà lan cần có độ sâu khoảng 2.7 mét để điều hướng. Vấn đề là mực nước đã xuống quá thấp ở nhiều nơi, thậm chí khiến các tàu lai dắt bị mắc kẹt.
Gần Vịnh Mexico, nước biển đã bắt đầu xâm nhập vào dòng sông đang kiệt quệ, đe dọa nguồn cung cấp nước. Lực lượng Công binh Lục quân Hoa Kỳ đang làm việc để xây dựng một con đê tạm thời nhằm ngăn chặn dòng hải lưu đang dần tiến lên phía bắc.
Tình hình ‘nghiêm trọng’
Là con sông lớn thứ hai quốc gia, Mississippi trải dài khoảng 3,765 km (2,340 dặm) từ thượng nguồn ở Hồ Itasca thuộc khu vực tây bắc Minnesota đến Vịnh Mexico. Con sông này giúp những nông phu miền Trung Tây nước Mỹ khả năng tiếp cận dễ dàng khi muốn vận chuyển nông phẩm của họ với chi phí phải chăng và hiệu quả.
Mỗi năm, các sà lan thương mại vận chuyển khoảng 418 triệu tấn hàng hóa giữa các bến cảng của Hoa Kỳ dọc theo hệ thống sông Mississippi. Trên toàn quốc, con số này là vào khoảng 700 triệu tấn.
Tuy nhiên, ông Ben Lerner, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề công cộng của hiệp hội thương mại quốc gia American Waterways Operators, cho biết khi mực nước tiếp tục giảm, điều này khiến các sà lan có ít không gian hơn để điều hướng và có nhiều khả năng bị mắc kẹt hơn
Ông Lerner nói rằng mực nước sông Mississippi ở mức thấp kỷ lục là một thách thức đáng kể đối với chuỗi cung ứng quốc gia.
“Ở một số điểm trên sông, mực nước đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1988, vì vậy đó là một thách thức thực sự đối với chuỗi cung ứng và ngành công nghiệp của chúng tôi,” ông Lerner nói với The Epoch Times.
Các sà lan chở hàng nông sản hiện phải chờ đợi lâu hơn để giao hàng khi trung chuyển qua sông, gây ra tình trạng ách tắc dọc dòng sông này.
Ông Lerner cho biết một sà lan tiêu chuẩn có sức chứa của 16 toa tàu hoặc 70 xe bán tải, nhưng rẻ hơn và hiệu quả hơn.
“Điểm mấu chốt là ngành công nghiệp sà lan Mỹ là một mảng chính của chuỗi cung ứng toàn cầu và Hoa Kỳ. Nếu chúng ta không thể vận chuyển hàng hóa trên sông Mississippi một cách hiệu quả, thì cuối cùng điều đó sẽ có những tác động kinh tế sâu rộng,” ông nói.
“Tôi không muốn giảm bớt mức độ nghiêm trọng của tình huống mà chúng ta đang đối mặt — sự căng thẳng lớn trong chuỗi cung ứng.”
Tại điểm rộng nhất, sông Mississippi rộng hơn bảy dặm, cho phép lên tới 42 sà lan hoạt động, được đẩy bởi một chiếc thuyền kéo duy nhất.
Ông Lerner nói với The Epoch Times rằng: “Giờ đây chúng ta có một con sông cạn hơn và hẹp hơn bao giờ hết.”
Nhiều hãng sà lan thương mại đã giảm tải trọng tới 50% để bù cho lượng nước cạn hơn. Các hãng sà lan khác đã chuyển sang vận chuyển bằng các hệ thống đường sắt và đường bộ tốn kém hơn và ít hiệu quả hơn.
Ông Lerner nói: “Càng có nhiều chủ hàng chuyển sang đường sắt hoặc xe tải để vận chuyển hàng hóa của họ, thì đường sắt và đường cao tốc của chúng ta càng trở nên tắc nghẽn hơn.”
Việc này cũng làm chi phí tăng cao hơn cho các nhà sản xuất nông nghiệp của quốc gia, những người có 92% sản lượng đi qua lưu vực sông Mississippi.
Theo FreightWaves, khoảng 60% ngũ cốc và 54% đậu nành xuất cảng của Hoa Kỳ dựa vào sà lan để giao hàng cho các thị trường ngoại quốc và nội địa.
Trang web nghiên cứu thị trường ReportLinker.com dự đoán rằng thị trường vận tải sà lan của Hoa Kỳ sẽ tăng từ 25.17 tỷ USD hồi năm 2021 lên khoảng 39.9 tỷ USD vào năm 2028 do nhu cầu, cơ sở hạ tầng, và đầu tư tăng.
“Hệ thống sông này cần nước,” ông Lerner nói, tự tin rằng ngành vận chuyển bằng sà lan thương mại có khả năng phục hồi và quen với việc vận hành trong khủng hoảng.
‘Thời gian khó khăn’ đối với nông dân
Ông Mike Steenhoek, giám đốc điều hành Liên minh Vận tải Đậu nành cho biết: “Đó là một thách thức đáng kể đối với ngành nông nghiệp và nông dân Hoa Kỳ để có được thành công và lợi nhuận.”
Tổ chức này gồm 13 hội đồng đậu nành tiểu bang, trong đó có Hiệp hội Đậu nành Hoa Kỳ và Hiệp hội Đậu nành Thống nhất, chiếm 85% sản lượng đậu nành.
Ông Steenhoek cho biết mặc dù nông dân ở cách xa các cảng ven biển về mặt địa lý, nhưng họ có thể dễ dàng tiếp cận các tuyến đường thủy nội địa như các con sông Mississippi, Ohio, và Illinois.
“Đây là thời gian khó khăn cho ngành nông nghiệp,” ông Steenhoek nói. “Khi hệ thống hoạt động bình thường, sà lan thương mại là cách vận chuyển hàng hóa đường dài hiệu quả nhất.”
“Khi hệ thống này gặp trục trặc, nó sẽ đặt ra khó khăn đáng kể.”
Vấn đề là bước vào năm 2022 đã thiếu mưa và lượng nước do tuyết tan để cung cấp thêm cho các dòng sông nội địa nhằm cho phép mặt đất bão hòa nước trước mùa gieo trồng mùa xuân.
Tuy các vụ mùa năm nay được hưởng lợi từ độ ẩm sẵn có, nhưng rất ít độ ẩm ngấm vào hệ thống nước này, góp phần làm mực nước sông giảm xuống.
“Khi quý vị gặp tình cảnh một [chiếc sà lan] mắc cạn, thì phải ra sức nỗ lực thật nhiều để khắc phục,” ông Steenhoek nói. “Điều đó làm tắc nghẽn dòng sông này. Vì vậy, quý vị phải dùng đến cách chất ít hàng hóa hơn cho mỗi chiếc sà lan.”
Ông Steenhoek cho biết với trường hợp chở đậu nành, cứ mỗi 12 inch độ sâu mà mực nước ở kênh bị thấp đi, thì một sà lan tiêu chuẩn phải dỡ ra 5,000 giạ — khoảng 136 tấn — để có thể nổi trên mặt nước. Ông cho biết điều đó có nghĩa là ít sà lan có thể hoạt động song song hơn, dẫn đến chỉ có tối đa 25 sà lan được xếp lên cho mỗi chuyến tàu chở sà lan theo quy định của ngành.
“Quý vị không có sẵn tuyến đường tối ưu cho mình. Vẫn sẽ tìm ra cách — có thể không nhiều như bình thường — không hiệu quả như bình thường,” ông Steenhoek nói. “Bất cứ khi nào quý vị bị gián đoạn như thế này, những chi phí đó sẽ bị chuyển cho người khác. Chi phí bị tăng thêm [và] người nông dân sẽ phải chịu phần lớn trong đó.”
“Một số chi phí trong đó sẽ do hãng vận chuyển chịu. Điều đó càng làm tăng thiệt hại khi hệ thống đường thủy nội địa của chúng ta phải đương đầu với các thách thức.”
Các hãng sà lan khác, chẳng hạn như Consolidated Grain & Barge ở West Memphis, đã bắt đầu lưu trữ lượng lớn đậu chất đống ở ngoài trời được đậy bằng những tấm bạt sau cuộc khủng hoảng sà lan.
Ông Steenhoek đã so sánh việc chuyển đổi phương thức vận chuyển từ sà lan sang đường sắt hoặc đường bộ với một vòi xịt vườn được gắn với một vòi chữa cháy, trong đó “quý vị có khối lượng [sản phẩm] lớn” và các phương thức vận chuyển kém hiệu quả.
“Khi quý vị ở trong tình huống đó, việc này không hiệu quả, và không hiệu quả về mặt chi phí. Có những hậu quả,” ông nói. “Điều đặc biệt không may mắn ngay lúc này và có nhiều hệ quả là mức độ tích hợp của hệ thống — không chỉ là một phần của quốc gia chúng ta. Đó là toàn bộ hệ thống [giao thông vận tải]” đang chịu áp lực.
Vật cùng tất biến
Công ty Poinsett Rice & Grain hoạt động với một đội gồm 100 sà lan, mỗi sà lan chở khoảng 85,000 giạ lúa, đậu nành, hoặc bắp đến các cảng dọc dòng sông. Để giảm tải và tăng sức nổi, những khối lượng đó thấp hơn khoảng 35,000 giạ trong thời gian khô hạn.
“Hy vọng rằng chúng tôi sẽ có thể tiếp tục hoạt động. Mọi việc đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều [nhưng] chúng tôi vẫn đang tải hàng,” ông Worsham nói.
Công ty này vận chuyển khoảng năm hoặc sáu triệu giạ mỗi năm, và dự kiến sẽ vận chuyển tám triệu giạ trong năm nay, nhờ việc thu hoạch đạt năng suất cao.
Ông Worsham cho biết con số đó giảm xuống còn khoảng ba triệu giạ.
“Chúng tôi có thể sẽ đáp ứng được khối lượng của năm ngoái” với khoảng bốn triệu giạ.”
Nhân viên bốc xếp của hãng Poinsett Rice & Grain Raul Rivas cho biết tình trạng sà lan mắc cạn tại cơ sở Poinsett là một vấn đề đau đầu của công tác quản trị vận hành hàng hóa.
“Hiện tại chúng tôi không thể tải hàng lên nhiều sà lan như vậy. Giao thông ngay tại đây không thể ra vào. Ngay lúc này, đây sẽ là chuyến sà lan cuối cùng của chúng tôi trong một thời gian,” anh Rivas nói.
Thông thường, thủy thủ đoàn của anh Rivas sẽ tải đậu nành, gạo, hoặc bắp lên ba sà lan mỗi ngày từ các tháp tải.
“Chúng tôi không thể làm được gì nhiều. Mọi thứ chúng tôi có đều được lưu trữ quá nhiều hoặc ở chỗ mắc cạn. Chúng tôi đã có một chiếc [sà lan] bị mắc kẹt đêm qua. Ít nhất chúng tôi phải đến được chỗ chiếc tàu kéo cho đến khi nó không còn mắc kẹt. Sau đó, chúng tôi hoàn thành việc chất hàng lên [chiếc sà lan đó],” anh Rivas nói.
“Giả sử, khi nó xuống đến mức âm 12 feet (3.6 mét), thì đó là lúc họ phải chặn các sà lan và thuyền.”
Ông Clifton Brown, một thủy thủ của Poinsett, nói rằng các nhân viên bến tàu đã “gặp rất nhiều vấn đề” với mực nước thấp, hiện đã diễn ra trong hai tháng.
“Đó là điều tệ nhất của việc này — [những chiếc sà lan] bị mắc kẹt. Hiện tại chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc chất hàng lên các sà lan. Quý vị có thấy chiếc sà lan ở đằng kia, mắc kẹt trên bờ, nằm ở trong góc không?”
Ông Brown chỉ tay về phía cuối bến cảng ở mực nước cũ nơi mà trước đây “từng có những cái cây ở đó.”
Trong tình trạng hạn hán hiện tại, ông Brown cũng vẫn lạc quan, khi cho biết chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi sông Mississippi quay trở lại và hoạt động khi mực nước dao động.
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times