Các giám đốc điều hành trong ngành cảnh báo lạm phát lương thực còn lâu mới kết thúc
Các nhà điều hành trong ngành cảnh báo rằng chi phí lương thực tăng vọt sẽ không sớm giảm xuống do chi phí sản xuất tăng, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, và dịch bệnh.
Theo dữ liệu của chính phủ, lạm phát lương thực trong tháng Tám tăng 12.4% so với cùng kỳ năm ngoái (2021), đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ tháng 02/1979.
Trong khi đó, chỉ số thực phẩm tại nhà, hoặc thực phẩm tại các cửa hàng bách hóa, đã tăng 13.5% trong 12 tháng qua, mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ giai đoạn kết thúc vào tháng 03/1979.
Vào tháng 01/2021 khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, lạm phát lương thực hàng năm ở mức 3.8%.
Mặc dù người tiêu dùng Mỹ nhìn chung có thể chứng kiến giá bán lẻ ổn định, nhưng họ có thể sẽ không thấy giá giảm trong tương lai gần vì các nhà sản xuất đang phải chi nhiều hơn cho lao động và vật liệu đóng gói trong khi chống chọi với hạn hán, lũ lụt, và các dịch bệnh như cúm gia cầm, đã ảnh hưởng đến mùa màng và làm chết gà đẻ trứng.
KK Davey, chủ tịch mảng kết nối khách hàng tại công ty nghiên cứu thị trường IRI, nói với ABC7 rằng công ty dự kiến lạm phát thực phẩm sẽ tăng từ 5 đến 10% trong năm tới khi các nhà sản xuất vật lộn với “chi phí lao động và hàng hóa.”
Trong một diễn biến khác, nhà sản xuất đa quốc gia Hoa Kỳ General Mills, công ty sản xuất mọi thứ từ ngũ cốc đến pizza, dự kiến chi phí sản xuất của họ sẽ tăng từ 14 đến 15% trong năm tài chính 2023, do chi phí nguyên liệu như các loại hạt, trái cây, và hương vị tăng.
General Mills cho biết họ đang lên kế hoạch tăng giá thêm đối với khách hàng của mình.
Ngay cả khi những phương diện này ổn định, người tiêu dùng có thể sẽ không sớm thấy giá giảm. Trong lịch sử, việc tăng giá có xu hướng duy trì sau khi đạt đến một mức nhất định thay vì giảm trở lại.
Người Mỹ thay đổi thói quen ăn uống khi giá cả tăng cao
“Có rất nhiều điều không chắc chắn,” ông David Ortega, nhà kinh tế thực phẩm đồng thời là giáo sư phụ tá tại Đại học Tiểu bang Michigan, nói với ABC7. “Đó là một trong những lý do vì sao phải mất thời gian lâu hơn thì giá mới giảm.”
Nhận xét mới nhất từ các chuyên gia trong ngành được đưa ra sau cuộc thăm dò hồi tháng Tám của Rasmussen Reports cho thấy ngày càng nhiều người Mỹ tin rằng hóa đơn mua thực phẩm của họ sẽ tăng trong tương lai.
Cuộc khảo sát với 1,000 người trưởng thành ở Hoa Kỳ được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 24 đến 25/07 và biên độ sai số lấy mẫu là +3 điểm % ở mức độ tin cậy 95%.
Kết quả cho thấy 89% người được hỏi cho biết hiện tại họ đang tốn nhiều tiền hơn cho thực phẩm so với một năm trước, đánh dấu mức tăng từ 87% vào tháng Tư, trong khi 61% cho biết họ dự kiến sẽ phải tiêu tốn nhiều hơn cho thực phẩm trong một năm nữa.
Trong khi đó, 63% người được hỏi cho biết họ đã thay đổi thói quen ăn uống do chi phí thực phẩm ngày càng cao, tăng so với mức 55% hồi tháng Tư.
Bất chấp giá cả tăng cao, nhu cầu mua thực phẩm vẫn cao, đồng nghĩa với việc các công ty có thể chuyển chi phí cao hơn cho người tiêu dùng.
Vào cuối tháng Chín, chính phủ ông Biden đã công bố một kế hoạch mới nhằm chấm dứt nạn đói và tăng cường ăn uống lành mạnh ở Hoa Kỳ vào cuối thập niên này.
Tòa Bạch Ốc cho biết, theo kế hoạch trị giá 8 tỷ USD này, ít nhất 2.5 tỷ USD sẽ được đầu tư vào các công ty khởi nghiệp vốn là “các giải pháp tiên phong cho nạn đói và mất an ninh lương thực,” trong khi hơn 4 tỷ USD sẽ được dành cho “hoạt động từ thiện giúp cải thiện khả năng tiếp cận nguồn thực phẩm dinh dưỡng, thúc đẩy các lựa chọn lành mạnh, và tăng cường hoạt động thể chất.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times