Các dược sĩ thức tỉnh thêm sự đa dạng, chống phân biệt chủng tộc vào lời tuyên thệ nghề nghiệp
Các dược sĩ trên khắp Hoa Kỳ sẽ sớm phải chấp nhận nghị trình chính trị và văn hóa của cánh tả do kết quả của những chỉnh lý cấp tiến mới đến từ ý thức hệ đối với nội dung lời tuyên thệ nghề nghiệp của họ.
Mặc dù thuyết sắc tộc trọng yếu lấy cảm hứng từ chủ nghĩa Marx trong nền giáo dục công đang vấp phải sự phản kháng chưa từng có trên khắp cả nước từ các gia đình có con em học ở các trường do chính phủ quản lý, nhưng hệ tư tưởng “thức tỉnh” đã và đang siết chặt sự xâm lấn của nó vào giới học thuật, chính phủ, giới doanh nghiệp và các ngành nghề hỗ trợ.
Một biểu hiện của sự thức tỉnh hay tính đúng đắn chính trị này là “sự bình đẳng y tế”, một biến thể của tư tưởng công bằng xã hội được định nghĩa là “khi không còn sự chênh lệch không công bằng và có thể tránh được hoặc có thể khắc phục được nào về y tế giữa các nhóm dân cư được xác định về mặt xã hội, kinh tế, nhân khẩu học hoặc địa lý.”
Theo lời ban giám đốc của Hiệp hội các Trường đại học Dược Hoa Kỳ (AACP) và hội đồng quản trị của Hiệp hội Dược sĩ Hoa Kỳ (APhA), Lời Tuyên Thệ chính thức của một Dược Sĩ sẽ yêu cầu các dược sĩ mới cam kết “sự đa dạng, công bằng, hòa nhập, và chống phân biệt chủng tộc.”
Liên Ủy ban Chỉ thị Sửa đổi Lời Tuyên Thệ của AACP và APhA đã chấp thuận những lời lẽ mới này, và các ban lãnh đạo của họ đã thông qua nó tại các cuộc họp tương ứng hồi tháng 11/2021. Những lời này dự kiến sẽ được phê chuẩn trong một cuộc họp trực tuyến vào ngày 18/01/2022. Lời tuyên thệ mới được sửa đổi này sẽ được sử dụng cho tất cả các buổi lễ khai giảng tại trường dược vào Mùa Xuân năm 2022.
Lời tuyên thệ mới có đoạn: “Tôi hứa sẽ cống hiến trọn đời mình để phục vụ người khác thông qua nghề dược. Khi thực hiện lời thề này: Tôi sẽ coi sức khỏe của nhân loại và việc giảm bớt khổ đau là những mối quan tâm hàng đầu của mình. Tôi sẽ thúc đẩy sự hòa nhập, đón nhận sự đa dạng, và vận động cho công lý để thúc đẩy sự bình đẳng y tế.”
Bà Lakesha M. Butler, giám đốc về sự đa dạng, công bằng, và hòa nhập tại Trường Dược Edwardsville thuộc Đại học South Illinois, đã nói về nguồn gốc của chính sách này trong một tuyên bố do AACP cung cấp.
Bà Butler nói: “Liên ủy ban này đã dẫn đầu một trọng trách quan trọng là mạnh dạn mở rộng lời thề nghề nghiệp của chúng ta để đưa vào các yếu tố cần thiết về công bằng, hòa nhập, và đa dạng.”
“Lời tuyên thệ sửa đổi buộc tất cả các dược sĩ phải có trách nhiệm tích cực trong việc thúc đẩy bình đẳng y tế và cam kết trở thành các tác nhân thay đổi trong hệ thống hành nghề dược và hơn thế nữa.”
Anh Juan Rodriguez, Chủ tịch Quốc gia của APhA–ASP và là sinh viên dược sĩ tại Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Dược thuộc Đại học Tennessee đã ca ngợi lời tuyên thệ được sửa đổi này. ASP là Học viện Sinh viên Dược sĩ của Hiệp hội Dược sĩ Hoa Kỳ (APhA).
“Lời Tuyên Thệ của một Dược sĩ nhằm thể hiện sự cống hiến không ngừng nghỉ và trường kỳ của cả các dược sĩ cũng như sinh viên dược sĩ đối với nghề nghiệp và bệnh nhân của chúng ta,” anh Rodriguez nói trong một tuyên bố.
“Những nỗ lực tập thể của chúng ta trong việc công nhận và dẫn đầu sự thay đổi này là một khoảnh khắc đáng tự hào cho toàn ngành dược.”
Ông John Sailer, một cộng sự nghiên cứu tại Hiệp hội Học giả Quốc gia (NAS), đã viết về việc chính trị hóa các trường y. NAS mô tả sứ mệnh của mình là “duy trì các tiêu chuẩn của một nền giáo dục nghệ thuật phóng khoáng nhằm thúc đẩy tự do trí tuệ, tìm kiếm chân lý, và thúc đẩy quyền công dân có đạo đức.”
Lời tuyên thệ được thay đổi này “là một ví dụ đặc biệt rõ ràng về một xu hướng đang gia tăng nhanh chóng — sự kết hợp giữa chính trị và ngành y,” ông Sailer nói với The Epoch Times qua email.
Ông nói, “Hiện nay, các trường y trên toàn quốc đang chỉnh lý chương trình giảng dạy và thực hành của họ để thúc đẩy khái niệm mơ hồ nhưng mang tính chính trị về ‘bình đẳng y tế’. Không có gì ngạc nhiên khi AACP và APhA đã làm theo — mặc dù yêu cầu cam kết hòa nhập, đa dạng, và bình đẳng y tế trong một lời tuyên thệ là một điều gì đó mới mẻ.”
“Cuối cùng, hành động này đưa khoa học trở thành mục tiêu của công bằng xã hội. Không thể tránh khỏi, điều này sẽ tiếp tục chính trị hóa ngành y và khoa học, và về lâu dài, điều đó gây tổn hại cho tất cả mọi người.”
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: