Các cuộc xung đột trên thế giới đều có liên quan đến Nga và Trung Quốc
Mặc dù tình hình chiến sự ở Ukraine đang choán các mặt báo, nhưng ít ai để ý rằng trong các cuộc xung đột quân sự đang bùng phát trên toàn cầu, đa phần đều có liên quan đến Trung Quốc, Nga, hoặc cả hai.
Trong số 32 cuộc xung đột vũ trang được báo cáo vào năm 2021, phần lớn giờ vẫn đang tiếp diễn. Vùng Tigray của Ethiopia rơi vào tình trạng nội chiến kể từ tháng 11/2020. Trung Quốc đã cung cấp hàng tỷ dollar cho chính quyền này để tài trợ cho các dự án về cơ sở hạ tầng và sản xuất cũng như đào tạo cảnh sát quốc gia. Đến năm 2021, Ethiopia đã mua thiết bị phòng không từ Nga cho đến khi có các lệnh trừng phạt đình chỉ hoạt động buôn bán vũ khí. Ethiopia không lên án việc Nga xâm lược Ukraine. Tháng Tư, Reuters đưa tin rằng nam giới ở Ethiopia đã đến Đại sứ quán Nga xin được tình nguyện chiến đấu cho phía Nga, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy họ đã được chấp nhận.
Cuộc chiến ở Yemen bắt đầu từ năm 2014 và vẫn đang tiếp diễn, trong đó Trung Quốc ủng hộ chính phủ của cựu Tổng thống Abdrabbuh Mansur Hadi có liên kết với Ả Rập Xê Út này. Cuộc chiến ở Ukraine đã đe dọa nạn đói ở Yemen khi lượng lúa mì xuất cảng từ cả Nga và Ukraine đều cạn kiệt.
Ở Afghanistan, chính phủ mới không thể trả lương cho công chức. Nền kinh tế đang dần sụp đổ, và các dân tộc thiểu số đang bị đàn áp. Trung Quốc là đối tác ngoại giao và cũng là nhà tài trợ chính của Taliban, trong khi nhánh địa phương của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang muốn đe dọa binh đao với những người cai trị đất nước.
Cuộc xung đột ở Miến Điện (thường được gọi là Myanmar) là “cuộc nội chiến dài nhất thế giới (hiện vẫn đang diễn ra)” bắt đầu vào năm 1948, theo School for International Training. Chính phủ quân sự, đã lật đổ bà Aung San Suu Kyi được bầu hợp lệ vào năm 2021, đã duy trì bang giao cấp lãnh đạo với Trung Quốc và Nga, mua vũ khí từ cả hai nước này và bán tài nguyên cho Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã diễn ra được khoảng sáu năm mặc dù mối đe dọa về một cuộc xung đột quân sự ngày càng có xu hướng bùng phát. Nhà cầm quyền Trung Quốc không ngừng xâm phạm Biển Đông, gây nguy cơ chiến tranh hoặc ít nhất là các cuộc xung đột với nhiều quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines và Việt Nam. Đồng thời, chế độ này đã tăng cường áp lực quân sự lên Đài Loan. Điều này đã khiến chính phủ Hoa Kỳ hồi đầu tháng Chín phê chuẩn thương vụ bán vũ khí trị giá hơn 1 tỷ USD cho đảo quốc này.
Hoa Kỳ và Iran đã liên tục đối đầu về vấn đề vũ khí hạt nhân. Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đã ngăn phần lớn thế giới giao thương với Iran; tuy nhiên, Trung Quốc đang mua dầu của Iran. Nga sẵn sàng bán vũ khí cho Iran, còn Iran đang cung cấp cho Nga những phi cơ không người lái có khả năng mang vũ khí hiện đang được sử dụng ở Ukraine. Trong khi đó, Âu Châu đang bị thiếu hụt năng lượng do các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga nhằm đáp trả cuộc xâm lược Ukraine. Nếu các cuộc nổi dậy gần đây ở Iran có thể lật đổ được chính phủ, thì có khả năng Liên minh Âu Châu có thể mua dầu từ chính phủ mới của nước này và loại bỏ mọi ảnh hưởng của Nga đối với phương Tây.
Chiến tranh không chỉ diễn ra ở những nơi nghe có vẻ xa xôi. Ở Âu Châu, các cuộc xung đột khác cũng đang lờ mờ xuất hiện ở những nơi khác ngoài Ukraine. Cuối tháng Chín, hải quân Hy Lạp được huy động để tập trận chung với Pháp. Bộ Quốc phòng Hy Lạp cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đang vi phạm không phận của Hy Lạp với tần suất ngày càng nhiều. Truyền thông nhà nước Hy Lạp xem việc tăng cường quân sự hóa Hy Lạp và bang giao quốc phòng chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và NATO là rất quan trọng trong bối cảnh các sự kiện thế giới gần đây, chẳng hạn như mối đe dọa tiềm tàng từ Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, và các cuộc tấn công của Azerbaijan vào vùng đất Nagorno-Karabakh của Armenia hồi tháng 09/2020. Mặc dù Hoa Kỳ đã lên án cuộc tấn công vào Armenia, nhưng nó đã được Moscow và Ankara hỗ trợ.
Theo truyền thông Hy Lạp, Hoa Kỳ đang quan tâm đến việc chuyển đổi cảng Alexandroupoli của Hy Lạp thành một căn cứ hải quân cũng như trở thành nơi đồn trú của khu trục hạm Hoa Kỳ. Hiện nay, cảng này được Hoa Kỳ sử dụng để trung chuyển vũ khí cho NATO và hỗ trợ người Ukraine trong cuộc chiến chống Nga. Việc bố trí khu trục hạm, có hỏa tiễn dẫn đường, ở Biển Aegea phía Bắc có thể là một phần quan trọng trong chiến lược ngăn chặn chống lại Nga. Căn cứ hải quân của Hoa Kỳ sẽ tăng cường tái vũ trang quy mô lớn cho quân đội Hy Lạp, bắt đầu từ cuối năm ngoái. Athens đã mua các chiến đấu cơ Rafale của Pháp, chiến đấu cơ F-16 của Hoa Kỳ, chiến hạm mới, và hệ thống phòng thủ của Israel bên cạnh việc đại tu các lực lượng đặc nhiệm của Hy Lạp.
Đạo luật Đối tác Liên Quốc hội và Quốc phòng Hoa Kỳ-Hy Lạp năm 2021, đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Cyprus, bao gồm các điều khoản hiện đại hóa Căn cứ Quân sự Suda ở Crete, Phi trường Larissa, Căn cứ Không quân Stefanovikeio, và Cảng Alexandroupoli. Hoạt động mở rộng quân sự này là một phần trong chặng đường của Hy Lạp trong quá trình chuẩn bị của Hoa Kỳ-NATO cho cuộc chiến với Nga. Theo thỏa thuận năm 2021, Hy Lạp có thể mua vũ khí tân tiến của Hoa Kỳ, bao gồm vũ khí chống tăng, ngư lôi hạng nặng, và hỏa tiễn dẫn đường cho Lực lượng Không quân Hy Lạp.
Ngay sau khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa eo biển Thổ Nhĩ Kỳ giữa Biển Aegean và Biển Đen đối với tất cả các chiến hạm, càng nhấn mạnh tầm quan trọng của cảng liên minh Hoa Kỳ-NATO Alexandroupoli gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Alexandroupoli là một trong chín căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Hy Lạp. Nơi này cung cấp khả năng tiếp cận không chỉ đến các vùng Balkan và Âu Châu, mà còn đại diện cho cảng nước sâu duy nhất ở Biển Địa Trung Hải. Căn cứ của Hoa Kỳ ở Vịnh Souda, Crete, có ý nghĩa quan trọng đối với Hoa Kỳ và NATO vì về mặt địa lý nó nằm gần tâm điểm của một số cuộc xung đột và điểm nóng, có thể tiếp cận với Syria, Libya, và Biển Đen. Căn cứ ở Crete cũng đang được mở rộng để lưu trữ một số lượng lớn F-35 của Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Trung Quốc đã mua cổ phần ở Cảng Piraeus, sau khi nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của Hy Lạp. Mối quan tâm với các cảng dân dụng của Trung Quốc đó là các cảng này có thể dễ dàng được mở rộng để làm căn cứ cho các tàu hải quân của Trung Quốc. Hồi tháng Ba, tòa án hành chính tối cao của Hy Lạp, Hội đồng Nhà nước, đã ngăn chặn việc Trung Quốc mở rộng cảng này.
Hy Lạp coi Thổ Nhĩ Kỳ là một mối đe dọa tiềm tàng. Quan điểm này càng trở nên trầm trọng hơn khi Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác đối thoại của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), bao gồm Trung Quốc và Nga. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thậm chí đã tham dự hội nghị thượng đỉnh năm 2022 của SCO ở Uzbekistan. Khi được hỏi liệu Thổ Nhĩ Kỳ có trở thành thành viên chính thức của SCO hay không, ông Erdogan nói với PBS rằng ông cảm thấy rằng đất nước của mình “không thuộc phương Đông, cũng không thuộc phương Tây” và vì nước này vẫn chưa được cấp tư cách thành viên của Liên minh Âu Châu, nên Thổ Nhĩ Kỳ có thể thấy rằng lợi ích của họ phù hợp với SCO hơn.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times